221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1021294
Người Hà Nội nghĩ về hàng rong Hà Nội
1
Article
null
Người Hà Nội nghĩ về hàng rong Hà Nội
,

(VietNamNet) - Có lẽ, đã từ lâu Hà Nội không chỉ được du khách đó đây biết đến chỉ vì có Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn Miếu, Chùa Một Cột, mà Hà Nội còn được du khách biết đến với những gánh hàng rong, những “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”...Khách hàng của gánh hàng rong là ai? Là tất cả chúng ta, kể cả khách du lịch đến Việt Nam. 

 ( Bài tham gia Diễn đàn : Hàng rong Hà Nội, có nên cấm, cấm thế nào?)

Những người bán hàng rong trên đường phố... (Ảnh: Tấn Thuấn)

Hàng rong không chỉ có ở Hà Nội, tôi đã từng đi nhiều nước và thấy hầu hết ở các quốc gia đều có người bán hàng rong, từ Bangkok tới Tokyo, từ Seoul tới Thượng Hải, đâu đâu cũng có người bán hàng rong. Không phải ngẫu nhiên mà từ điển Anh ngữ đẻ ra từ “street vendor” (có nghĩa là người bán hàng rong), và ở Mỹ có cả “vending machine” - để chỉ những chiếc máy bán hàng tự động những thứ lặt vặt như bánh kẹo, nước uống. Do đó, hàng rong thực chất là một loại hình kinh tế tiểu thương phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày cho những người không có nhu cầu vào siêu thị, và là kế sinh nhai của những người có thu nhập thấp. Ở Âu châu, chắc hẳn không ai lại không biết người dân Thổ Nhĩ Kỳ rất nổi tiếng về nghề “hàng rong”, họ lưu lạc từ Đức, qua Áo, đến Czech, và vì thế mỗi lúc nhớ đến họ chúng ta nhớ đến “nét văn hoá” đó. 

Nhìn ra đâu xa, chỉ trong vùng Đông Nam Á của chúng ta thôi, ngay cả tại Bangkok và Chiangmai là hai thành phố lớn, mà Chính phủ Thái đâu cấm bán hàng rong, chỉ hơi khác ở chỗ là hàng rong thường được bày bán ngay ngắn, không chiếm dụng lối đi của phương tiện giao thông. Bởi vì, xét cho cùng mục tiêu của người bán hàng rong là để duy trì sinh kế, và đại đa số họ là người có thu nhập thấp, những người có thể vì không có đất sản xuất, nhưng cũng không có đủ trình độ để vào làm công nhân cho một nhà máy nào đó. Khách hàng của gánh hàng rong là ai? Là tất cả chúng ta, kể cả khách du lịch đến Việt Nam. Tôi quan sát thấy, dường như khách du lịch lại ưa thích loại hình ẩm thực vỉa hè, những con phố “thâm nghiêm” của Hà Nội sẽ bớt đi vẻ lãng mạn, vẻ cổ kính, vẻ “Á Đông” khi không có gánh hàng rong. 

Quần áo được bày bán trên đường phố Hàn Quốc. (Nguồn:konest.com).

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực của hàng rong (khi hàng rong không được kiểm soát tốt). Thứ nhất, đó là vấn đề an toàn thực phẩm. Thứ nhì, là trật tự vỉa hè và mỹ quan công cộng. Để làm được tốt hai điều này, thì nhất thiết các cơ quan chức năng phải có cơ chế hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để làm sao ý thức của những người bán hàng rong được cải thiện, các khu hàng rong nên chăng sẽ được quy định ở các tuyến phố có đủ vỉa hè. Chứ đừng vì chúng ta đã sai lầm khi không quy hoạch đường phố có đủ vỉa hè cho người đi bộ, rồi lại cấm tiệt luôn những người bán hàng rong “vô tội”. Là người Việt, tắm mình trong dòng văn hoá Á Đông, sẽ sai lầm nếu chúng ta mong muốn biến thủ đô của mình tràn ngập thức ăn nhanh Mc Donal, gà rán Kentuky, đại siêu thị Metro... Như thế thì đâu còn là cái gốc, cái riêng và tính truyền thống của người Kẻ Chợ. 

“Phát triển bền vững là một quá trình thoả mãn nhu cầu của mọi người dân trong đó đảm bảo không làm phương hại đến văn hoá, môi trường và nhu cầu của thế hệ kế tiếp”. Sự thực nếu chúng ta “khai tử” hàng rong, thì cũng đồng nghĩa với việc xoá sổ một nét đẹp văn hoá, và lúc đó biết đâu những chị hàng hoa chở bông cúc vàng trên chiếc xe đạp mỗi sáng, bà cụ bán bánh xèo đầu ngõ mỗi chiều lại được nhớ tới như những “ông đồ” trong thơ của Vũ Đình Liên, và chúng ta sẽ phải nuối tiếc “những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ?”.  

Quá trình ra quyết định (decision making) là quá trình nghiên cứu và phân tích, là quá trình phản hồi, lắng nghe và cân nhắc để đi tới quyết định đúng. Vì thế, tôi hy vọng hàng rong sẽ vẫn được tồn tại, chỉ có điều các nhà hoạch định chính sách cần có những hướng dẫn, để hàng rong được bày bán trật tự hơn, để con cháu chúng ta khi đi đâu sẽ mãi nhớ về Hà Nội, nơi đó không chỉ có mùi hương hoa sữa nồng nàn vào lúc thu sang, mà còn nhớ tới gánh hàng rong mỗi sáng, tối đi về. 

  • Đặng Thanh Sơn

Ý kiến của bạn!   

                                                            

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,