(VietNamNet) - Vấn đề thu hút đông đảo ý kiến nhất trong tuần qua chính là dự thảo quy định cấm bán hàng rong. Sự việc Mobifone "tặng nhầm" tiền tỷ cho hơn 200 thuê bao hay tin đồn về việc tăng giá xăng cũng là vấn đề nóng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.
Nếu xử lý nghiêm hàng rong, sau ngày 1/1 chỉ còn cách vào bách hóa mua bóng bay chơi Tết. Ảnh: Phạm Hải |
Chủ trương "cấm hàng rong" được các ban ngành Hà Nội nêu ra nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Có nhiều chiều ý kiến xung quanh dự thảo này. Nhiều ý kiến phản đối việc cấm bán hàng rong vì cho rằng nó đánh vào đời sống của những người có thu nhập thấp làm ăn lương thiện. Có những ý kiến lại đồng tình và cho rằng việc bán hàng rong, bán hàng trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng giao thông lại, nhếch nhác bộ mặt phố phường. Luồng ý kiến khác lại thiên về việc không nên cấm bán hàng rong và bán hàng trên vỉa hè nhưng phải tìm được giải pháp, quy hoạch thích hợp và có sự quản lý đồng bộ giữa các cấp, các ngành để người dân nghèo vừa có cơ hội kiếm sống mà bộ mặt phố phường lại không bị ảnh hưởng nhiều.
Bạn Thảo Hương, Hà Nội, email: thaohuongp@... phản đối việc cấm bán hàng rong: "Quả thật, khi nghe thông tin rằng chúng ta sẽ cấm bán hàng rong, tôi cũng đã thấy mừng, hi vọng sẽ có được những vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp. Nhưng sau đó đọc bài của ông Trung Nghĩa, tôi mới biết rằng nhiều nước (kể cả những nước phát triển) vẫn còn tồn tại hình thức kinh doanh này. Theo tôi, đó là bản sắc văn hoá của mỗi quốc gia và các nước khác cũng có thì chúng ta không nên làm khác đi. Bởi ngoài vấn đề văn hoá còn là số phận, sự sống còn của bao nhiêu con người nữa. Cấm bán hàng rong, họ và gia đình sẽ sống bằng gì? Có điều, nên có quy định nào đó buộc người bán hàng rong phải giữ gìn cho môi trường phố xá sạch sẽ".
Thông cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của những người bán hàng rong, bạn Vinh Hòa, Nha Trang, email: dangvinhhuent@... tâm sự: "Tôi thấy thật tội nghiệp cho những người dân nghèo thành thị Việt Nam. Đất nước chúng ta còn nghèo, nhiều người dân còn rất vất vả kiếm miếng ăn hàng ngày. Ở Nha Trang, thành phố của tôi, có chị bán bắp nướng bên bờ biển nói với tôi: Mọi chi tiêu hàng ngày của gia đình, kể cả việc học hành của con cái đều dựa vào gánh bắp nướng của tôi đấy, anh ạ. Nếu không được bán thì lấy gì nuôi sống gia đình. Tôi nghĩ, không chỉ ở Nha Trang mới có hoàn cảnh này. Ở nước ta có hàng vạn gia đình như vậy. Liệu những chính sách của chúng ta đưa ra có sát với lòng dân? Những người đưa ra chính sách có hiểu được lòng dân không? Tôi cũng đi nhiều nơi trên thế giới và cũng biết nhiều nước tiên tiến vẫn cho phép bán trên vỉa hè. Tôi thấy trên những cây cầu bắc qua sông Saine người ta để những thùng sách cũ trên thành cầu để bán cho những người qua đường, tối ra về khóa thùng lại. Ở Đức, người ta vẫn cho bán trên vỉa hè, gọi là Strassenverkaeufer".
Đã từng sống ở Châu Âu 4-5 năm, bạn Trường Giang, Hà Nội, email: truonggiang2008@... nêu lên một số kinh nghiệm: "Ở đó, hàng rong được bán ở bến tàu điện ngầm nhưng rất gọn gàng và sạch sẽ, ngoài ra người có điều kiện hơn họ đăng ký ki-ốt nhỏ. Đồng thời, ở vùng ngoại ô họ có chợ cóc được họp vào chiều hoặc tối. Còn ở Thái Lan thì vỉa hè rất quan trọng với họ nhưng phải nói là họ bố trí rất ngăn nắp, không bao giờ lấn ra vỉa hè là nơi đi bộ. Ngoài ra, họ còn tổ chức các chợ cóc, chợ đêm ngay ở thủ đô Bangkok mà ban ngày chỗ đó là nơi sinh hoạt bình thường".
Bán hàng rong ở Rome. Ảnh: flickr.com
Ý kiến của bạn Trương Quốc Hùng, Hà Nội là: "Không cấm bán hàng rong hoàn toàn nhưng hãy qui hoạch đưa họ vào chợ hoặc khu ăn uống đầy đủ tiêu chuẩn và hợp mỹ quan đô thị. Những điều này dễ dàng thấy được ở những quốc gia Asean như Singapore, Thailand, Malaysia...".
"Theo ý kiến của cá nhân tôi không dám lạm bàn tới khía cạnh mỹ quan thành phố hay cao xa hơn, chỉ là việc nếu thành phố cấm hàng rong thì không biết bao nhiêu ngàn người dân vốn dĩ đã khốn khó lại lâm vào cảnh đói nhìn thấy trước mắt, bao nhiêu người không nghề nghiệp đã cố gắng lao động chính đáng để kiếm chút tiền cho con ăn học, bao nhiêu trẻ bán báo, đánh giày biết làm gì để kiếm được chút đỉnh phụ giúp cho gia đình? Dù là hàng rong có thể mất mỹ quan thành phố nhưng họ là những người lao động chân chình nhất và cần lao nhất. Trước việc cấm hàng rong, Thành phố đã có chính sách gì trợ giúp cho những người bán hàng rong để họ có thể có cuộc sống ổn định sau này?", trao đổi của bạn Quỳnh Ngân, Hà Nội.
Cùng chung quan điểm với bạn Quỳnh Ngân, bạn Như Nguyễn, Hà Nội cho rằng: "Nếu nước ta có thể trả lương trợ cấp thất nghiệp hàng tháng cho người bán rong hoặc cho họ một công việc để có thu nhập hàng tháng thì việc cấm bán hàng rong là một điều rất hay để tạo sự thông thoáng và trật tự trên vỉa hè. Nếu không tính việc giải quyết công việc cho người bán hàng rong sau khi luật cấm có hiệu lực thì việc ra luật như là "cưỡi ngựa xem hoa". Tôi rất đồng tình với ý kiến của Trung Nghĩa, tốt nhất là các nhà quản lý phải có một tầm nhìn rộng và kế hoạch lâu dài chứ không phải chỉ giải quyết cấp bách tạm thời".
Trước tình hình giá dầu thế giới ngày 3/1 đã có lúc chạm ngưỡng 100 USD/thùng, trong nước đã xuất hiện một số thông tin về việc giá xăng có thể tăng lên đến 17.000 đồng/lít, gây lo lắng cho nhiều người. Không kịp kiểm tra lại thông tin, hàng ngàn người đã đổ xô ra các cây xăng để tranh thủ mua và tích trữ. Bạn Đậu Đình Hà, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, email: dauha808@... cảnh báo về nguy cơ hoả hoạn khi người dân đổ xô đi mua xăng: "Mới nghe tin đồn giá xăng tăng lên 17.000đ/lít, bà con đua nhau chen lấn ở các cây xăng mua xăng tích trữ. Nhà nhà mua xăng, mọi thứ dùng để đựng được xăng người dân đều đưa ra mua. Nếu không cẩn thận sẽ xảy ra hoả hoạn không lường được hậu quả".
Xếp hàng chờ mua xăng tối 4/1. Ảnh: Minh Nhật
Lo lắng vì giá cả sẽ tăng, bạn Trần Minh Hậu, email: minhhau9121983@... viết: "Mới có tin đồn về giá xăng sẽ tăng lên 17.000 đồng/lít mà dân tình đã đổ xô đi mua xăng. Đồng loạt ở các cửa hàng bán xăng, xe vào cứ kin kít, xếp hàng đi mua xăng từ chập tối tới nửa đêm. Quả là cơn sốt xăng, giá xăng tăng đã kéo theo hàng loạt mặt hàng tăng giá khiến người tiêu dùng lao đao, trong khi đồng lương thì quá ít ỏi. Vì vậy, mong các cấp có thẩm quyền cần làm thế nào đó để bình ổn giá cả, có như vậy, người dân mới đỡ khổ". Toà soạn vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều điện thoại và email của bạn đọc gửi về mong muốn được chia sẻ và giúp đỡ cụ già "90 tuổi kéo xe chở hàng nuôi vợ ốm". Để liên lạc được với cụ già trong bài viết trên, bạn đọc có thể gửi thư theo đường bưu điện về địa chỉ: Cụ Phan Thế Lựu, số 6 Hồ Đắc Di, phường An Cựu, TP Huế, Tỉnh TT Huế.
Trước những thông tin về tăng giá xăng và người dân đổ xô đi mua xăng dự trữ, bạn Vũ Thanh Đảng, Hoàng Mai, Hà Nội, email: vuthanhdang@... nhận định không thể có chuyện tăng đột ngột và cao như thế được vì: "Giá xăng ở Việt Nam chưa thả nổi mà nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Để tăng giá xăng, công đoạn đầu tiên cần làm là trình phương án, đề nghị tăng giá. Quá trình duyệt cũng cần có thời gian. Mức tăng quá cao như thế sẽ gây ảnh hưởng, xáo trộn với người dân thậm chí là nền kinh tế".
Để kịp thời góp phần ổn định dư luận, ngay chiều 4/1, VietNamNet đã có tin nói rõ trong thời điểm này xăng chưa tăng giá.
Kể từ ngày 12/1/2008, trên tuyến Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân sẽ thí điểm tách làn ô tô - xe máy. Thông tin này nhận được nhiều sự hoan nghênh từ phía người dân. Bạn đọc ở địa chỉ email: lyvangia@... viết: "Đây là một giải pháp tôi cho là rất hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông đô thị. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cần phải kiểm soát chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh. Trong khi thực hiện giải pháp này, đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Sở GTCC cần nghiên cứu rất kỹ các quy định khi ô tô, xe máy chuyển hướng. Rất hoan nghênh giải pháp khả thi này. Mong rằng sẽ có thêm nhiều giải pháp khác giúp cho giao thông đô thị ngày một thông thoáng hơn mà không cần phải dùng đến những giải pháp tiêu cực như thu thêm phí nọ phí kia làm khó khăn thêm cho người dân như có lần đã có từng dự tính".
Giao thông Việt Nam đang áp dụng các bài học thấm đẫm kinh nghiệm Nhật Bản. Ảnh: Hoàng Long
Khai thác tốt và hiệu quả các công trình giao thông hiện có là một giải pháp quan trọng hiện nay là ý kiến của bạn Nguyễn Văn Đức, Công Ty Diesel Sông Công, Tỉnh Thái Nguyên, email: nguyenductndsc@...: "Tôi thường đi công tác qua Hà Nội và sợ nhất là tắc đường. Tôi thấy giao thông quá lộn xộn và các nhà hoạch định giao thông Hà Nội đã đi đúng hướng khi tách làn đường. Cách phân luồng như vậy sẽ tạo ra cho Hà Nội một nét văn minh và hiện đại. Tôi tin chắc rằng tai nạn giao thông sẽ giảm, nạn tắc đường sẽ giảm. Nhưng hiện tại, giao thông Hà Nội còn bỏ hoang quá nhiều. Ví dụ, cầu đường sắt thuộc cầu Thăng Long đã hoàn chỉnh mấy chục năm rồi mà không được sử dụng. Giả sử ta lột bỏ đường sắt, sau đó trải thảm bê tông nhựa, làm đường dẫn nối hai đầu cầu, Hà Nội sẽ có một cây cầu đường bộ tuyệt đẹp, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Đó là nguồn kinh phí. Rất mong Hà Nội quan tâm vấn đề này".
Bạn Vũ Thị Thanh Bình, Trường Đại học Hà Nội, email: vuthanhbinhdhnn@... ủng hộ việc phân làn đường: "Tôi hoàn toàn ủng hộ dự án phân làn đường theo các phương tiện giao thông tại Hà Nội. Nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên mọi thứ đều chưa ổn định. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước và điều quan trọng là phải tuyên truyền, dùng các biện pháp xử phạt hành chính để nâng cao ý thức tự giác của người dân khi tham gia giao thông, tiến tới xây dựng một Việt Nam văn minh, sạch và đẹp".
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề đời sống, xã hội sau:
1/1/2008: Hà Nội tháo bỏ một số biển cấm xe du lịch: David Nguyễn, email: april_20@...: Tôi thấy việc dỡ bỏ các biển cấm xe để thúc đẩy du lịch là tốt. Tuy nhiên, các điểm du lịch cũng cần phải tổ chức đỗ xe đón trả khách hợp lý, tránh ùn tắc cục bộ, ví dụ như khu vực Văn Miếu, Quốc Tử Giám.
Ba gác, xích lô TP.HCM: Thấp thỏm chạy, phầp phồng lo: Lê, Đặng Tất, Q1, TP.HCM, email: leviethahn@... Theo tôi thấy, quy định này của lãnh đạo TP.HCM là không sai nhưng thiết nghĩ, những ngưòi nghèo, họ sẽ sống bằng gì, như thế nào và khi họ không có tiền thì việc gì sẽ xảy ra. Do vậy, tôi nghĩ, nên gia hạn thêm cho họ 6 tháng nữa như họ mong muốn và chỉ giới hạn được phép lưu thông tùư 6h tối cho đến 6h sáng hôm sau hoặc từ 10h sáng đến 4h chiều. Xích lô trên đường phố là một hình ảnh ấn tưọng với các du khách và họ thực sự thích sử dụng dịch vụ này. Và tại sao không biến nó thành một dịch vụ du lịch hấp dẫn?
TP.HCM giới thiệu xe hơi chạy bằng... không khí: Nguyễn Minh Tuấn, Hà Nội, email: nmtuan_ice@...: "Tôi thấy đây là một ý tưởng mới và khá hay. Chỉ có điều là chưa thấy đưa ra kết luận kiểm chứng của cơ quan khoa học nào trên thế giới. Tuy nhiên, trong lịch sử đã có nhiều ý tưởng tưởng chừng như phi thực tế đã trở thành hiện thực. Tôi nghĩ rằng, nếu Nhà nước và các cơ quan khoa học Việt Nam kiểm tra đánh giá công nghệ mới này một cách nghiêm túc, sau đó có chiến lược cho việc nhập công nghệ, áp dụng và sản xuất đại trà, biết đâu đây lại là một quyết sách đúng, giải quyết được 3 mục tiêu lớn: 1. Về môi trường: Giảm nhu cầu sử dụng nhiên liệu hoá thạch, giảm khí thải ô nhiễm 2. Về kinh tế: Giảm một cách đáng kể chi phí nhập nhiên liệu từ nước ngoài. Có một ngành kinh tế mới là mũi nhọn của Việt Nam (nếu ta đi trước các nước khác về công nghệ này). Người dân sẽ có nhiều cơ hội được sử dụng phương tiện có nhiều tiện ích. 3. Về mặt xã hội: Việc có một ngành sản xuất mới có lợi về kinh tế cao và một phương tiện giá rẻ sẽ làm thay đổi rất nhiều về mặt xã hội. Có thể tưởng tượng ra một thành phố tương lai không khói bụi, không có quá nhiều xe máy chen lấn và không có tiếng ồn động cơ... con người sẽ sống văn minh hơn".
Nhức nhối... tiếng còi: Phan Lạc, email: phanbalac@...: "Tôi rất tâm đăc với bài báo "Nhức nhối... tiếng còi". Ra nước ngoài sống được mấy năm, mỗi lần về Việt Nam, nghe còi xe inh ỏi, tôi vừa bực bội vừa buồn. Ở nước ngoài, người ta làm tất cả để giữ yên tĩnh cho cuôc sống, chống ô nhiễm môi trường, luật giao thông cũng quy định và hạn chế dùng còi xe trong trường hợp như bài báo đã nêu. Trong khi đó, ở Việt Nam, người ta lạm dụng còi một cách vô thức mà không hiểu rằng, tiếng còi huỷ hoại môi trường sống của chính mình và của cả xã hội. Không chỉ có vậy, tiếng còi còn thể hiện sự lạc hậu của luật giao thông, tính ích kỷ của người tham gia lưu thông. Trong nhiều trường hợp, tiếng còi còn là sự xúc phạm - khi mà giao thông tắc, phía trước không đi được mà phía sau bấm còi hoặc dùng còi "xua đuổi" người khác tránh cho mình đi... Tôi nghĩ, việc giảm bớt và hạn chế dùng còi như ở nước ngoài là hoàn toàn có thể. Có những lần về Việt Nam, tôi đã lái xe nửa ngày đường mà không cần dùng còi, khi về đến nhà, một người bạn đã thốt lên: "xe này thừa cái còi". Thiết nghĩ, để giảm tiếng ồn cho môi trường, trước hết phải điều chỉnh lại luật giao thông (hiện tại vẫn quy định dùng còi để vượt!) đồng thời vận động mọi người nâng cao ý thức với những khẩu hiệu như: "Không bấm còi là yêu cuộc sống"".
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!