221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1024074
Trường Sa, gần lắm trong lòng bạn đọc!
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (Từ 6/1-13/1/2008):
Trường Sa, gần lắm trong lòng bạn đọc!
,

(VietNamNet) - Những buổi trực tuyến giữa các chiến sĩ nơi hải đảo Trường Sa với bạn đọc do phóng viên VietNamNet thực hiện là sự kiện được bạn đọc quan tâm nhất trong tuần qua.

Ảnh VietNamnet

Được xem những hình ảnh về cuộc sống tuy gian nan, vất vả nhưng vẫn đầy ắp niềm vui vả tiếng cười cùng tinh thần lạc quan của các chiến sĩ hải quân nơi Trường Sa, được trực tiếp giao lưu, trò chuyện với các anh qua báo điện tử VietNamNet, từ Hà Nội, bạn Phan Trọng Hậu, tronghauatfpt@... xúc động nghẹn ngào:

"Xin chào Trường Sa! Xin chào các chiến sỹ cụ Hồ thân yêu! Một mùa xuân lại về. Nhắc đến Trường Sa bất kỳ lúc nào, tôi cũng nghĩ là các anh đang phải chịu những cái nóng bức, những cái khát cháy cổ. Tôi thấy cảm phục và yêu quí tôn trọng các anh bao nhiêu. Những ngày xuân về này mỗi lần nghe thấy những bài hát về Trường Sa, lòng tôi tự dưng rưng rưng nước mắt.

Các anh ơi! Các chiến sỹ bộ đội cụ Hồ hãy yên tâm, chúng tôi luôn bên các anh, sát cánh cùng các anh! Chúc các anh một mùa xuân an lành và bình yên, luôn luôn giũ gìn vững chắc biên cương cho Tổ Quốc!

Xin cảm ơn các anh nhiều và chúng tôi chịu ơn các anh nhiều khi sống trong yên ấm của hòa bình!"

Bạn Nguyễn Hồng Hà, Ba Lan, hongha599@... xúc động khi xem chùm ảnh kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng Trường Sa đăng trên VietNamNet:

"Tôi vô cùng xúc động. Những chiến sỹ hải quân hiên ngang trước sóng gió, chịu đựng biết bao thiếu thốn gian khổ ngày đêm cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc!

Kính chúc các chiến sỹ đang ngày đêm giữ biển trời Tổ quốc luôn mạnh khỏe, mài sắc cảnh giác trước mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù , chắc tay súng sẵn sàng đập tan mọi hành động xâm lăng của bất cứ kẻ thù nào.

Hơn 80 triệu người Việt Nam ở trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới luôn sát cánh cùng các anh."

"Kính chào Trường Sa! Kính chào những người con thân yêu của Tổ quốc! Em chưa có dịp đặt chân lên Trường Sa. Mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Nhưng lúc nào em cũng hướng về Trường Sa, hướng về các anh - Những người đã ngày đêm âm thầm lặng lẽ ôm chắc cây súng trên tay để bảo vệ vững chắc mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Qua VietNamNet, em xin chúc các anh một năm mới có nhiều thắng lợi mới, có một sức khỏe tốt và có một tinh thần thép để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả mà Đảng và Nhà nước đã giao cho. Đồng bào cả nước đang hướng về Trường Sa, hướng về các anh với một tình cảm hết sức đặc biệt.

Chúc các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!" - Tô Văn Kế, ĐH Nha Trang, xuduabinhdinh@...

Bạn Đặng Thanh Tâm, Anh Sơn, Nghệ An, tamdang277@... gửi đến anh rể là Trương Quang Thắng - bác sỹ của bệnh viện Quân Khu 4 hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo An Bang thuộc quần đảo Trường Sa:

"Qua cuộc giao lưu này tôi xin chúc anh rể tôi và các đồng đội của anh luôn mạnh khỏe hoàn thành tốt mội nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Xin nhắn với anh là: mọi người ở nhà luôn hướng về các anh và mong các anh mạnh khỏe. 2 cháu ngoan lắm. Hôm nay mọi người tổ chức sinh nhật cho Dũng tròn 1 tuổi. Châu Anh từ ngày đi học tới giờ nó "người lớn" hẳn lên!!!"

Dư luận bất bình về những vụ bạo hành gia đình xảy ra liên tiếp gần đây

Mẹ Đặng Thị Nài bị cháu nội hành hung. (Ảnh Vietnamnet)
Tuần vừa qua, lại thêm một sự việc đáng tiếc đã xảy ra khiến dư luận bất bình và phẫn nộ. Đó là việc mẹ liệt sĩ Đặng Thị Nài (Quảng Bình) bị hai vợ chồng người cháu nội hành hung đến chết.

Bạn Bình Minh, Korea, haclau@... viết:

"Đạo đức xã hội đâu rồi? Hôm nay đọc bài viết về cái chết của mẹ Nài (Quảng Bình), tôi không thể không bất bình trước hành động bất hiếu, vô nhân đạo của con đẻ cũng như cháu nội của bà cụ.

Thiết nghĩ, pháp luật cần phải có những bản án cụ thể dành cho những tội đại nghịch bất hiếu như thế này chứ không thể chỉ dựa vào “tòa án lương tâm,” hay những xử phạt hành chính.

Tòa án lương tâm thực sự chỉ dành cho người biết nghĩ, biết đau khổ mà thôi. Với những kẻ coi thường luân lý như thế này, cần hơn hết là những biện pháp trừng trị thích đáng của pháp luật.

 Điều này không những đem lại sự công bằng tối thiểu cho xã hội mà có tác dụng răn đe và hơn nữa đề cao sự hiếu thảo. Từ xưa đến nay, đạo lý dân tộc ta luôn đề cao chữ hiếu, kính trên nhường dưới. Chả thế mà tội bất hiếu được liệt vào một trong thập ác tại bộ luật Hồng Đức thời Lê.

Tội nhẹ như không phụng dưỡng thì cũng bị “tội đồ làm khao đinh” (tù cắt cỏ) mà nặng như lăng mạ ông bà cha mẹ thì bị đi đày, đánh bị thương thì bị tội xử giảo (treo cổ). Đặc biệt những người có chức quyền mà phạm tội thì càng bị xử nặng hơn nữa như cách chức đi làm lính.

 Điều 151 Bộ luật hình sự nước ta cũng đề cập đến tội này nhưng xem ra chưa đủ sức để răn đe với những đối tượng này.

 Đất nước ta đang vào thời kì phát triển, kinh tế thị trường với giá trị đồng tiền đang dần trở thành yếu tố chi phối mọi mặt của đời sống, thậm chí làm mai một rất nhiều giá trị đạo đức từ quan hệ bố mẹ con cái đến tình nghĩa thầy trò, hay đơn giản như quan hệ người với người. Biết bao vụ hành hung cha mẹ, mua điểm bán tình, bạc đãi trẻ em người già, rồi sự tha hóa đạo đức ở giới trẻ, văng tục chửi bậy vô tư được đưa lên báo.

 Đây là những tiếng chuông cảnh tỉnh về sự tha hóa đạo đức xã hội. Thử hỏi một xã hội mà đạo đức suy đồi thì phát triển ra sao. Bác Hồ đã từng đề cao giáo dục đạo đức như sau: “Người có tài mà không có đức là người vô dụng. Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.”

Nhìn lại những nước châu Á phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, xã hội và kinh tế của họ đều phát triển thế nhưng những quan hệ trên dưới, thầy trò, bố mẹ và con cái luôn được đề cao hết sức. Con cái đi xa về luôn phải quỳ xuống vấn an bố mẹ, học sinh gặp thầy giáo phải dừng lại đứng nghiêm cúi chào. Có trường hợp bị lỗi còn phải tự nguyện ngồi quỳ trước cửa phòng thầy giáo để xin tạ tội.

Có thể nói, nền tảng đạo đức, sự kính trên nhường dưới đã là rường cột cho sự phát triển bền vững của xã hội. Đã đến lúc phải thực thi những biện pháp cứng rắn với những tha hóa về đạo đức như thế này, bất kể là đối tượng nào.

Báo chí ngoài việc lên án những hành vi vô đạo đức cũng nên tuyên truyền mạnh mẽ những tấm gương sáng về sự hiếu thảo của con cái, về đạo đức trong xã hội. Việc này đã được làm rất tốt trong những thời kỳ trước với bao cuộc vận động nói lời hay làm việc tốt ở lứa tuổi thiếu niên. Tất cả vì một tương lai tươi sáng của đất nước."

 "Bất hiếu không thể bất hiếu hơn!

Đọc bài báo tôi cảm thấy thực sự bức xúc về lối hành xử tệ bạc, mất nhân tính của người con và đứa cháu. Thực sự tôi cũng có người bà là mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi thương bà vì những nỗi đau mất con, mất chồng, tôi đồng cảm với bà và yêu thương, quý mến bà như cái tên mẹ việt nam anh hùng kính yêu. Nỗi đau mất con vì chiến tranh thì bà có thể chịu đựng vượt qua nhưng nỗi đau vì người con, người cháu bất hiếu bất nhân thì làm sao có thể vượt qua được chứ.

Qua bài báo này tôi mong rằng chính quyền địa phương cũng như tỉnh Quảng Bình cần có mức xử phạt cho hành vi mất nhân tính này nhằm răn đe người khác trong việc đối xử với những người sinh thành nuôi dưỡng mình. Thử hỏi với mẹ mình, với bà mình mà ông Thừa, anh Hiếu còn như thế thì với những người không cùng dòng tộc máu mủ họ sẽ làm gì, nghĩ sao và họ còn coi trọng pháp luật nữa không ? Hãy có những hình phạt thích đáng cho những hành động như thế để mẹ Nài được thanh thản nơi suối vàng." Nguyễn Công Thăng, Long Thành, Đồng Nai, congthang.lt@...

Việc đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Cần phải đổi mới, và đổi mới như thế nào mô hình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam? Làm thế nào để bằng Tiến sĩ Việt Nam được thế giới công nhận? Đây đang là vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm tham gia thảo luận.

Bạn Đỗ Ngọc Định, ĐHQG Hà Nội: "Đào tạo thế này, làm sao có được tiêu chuẩn "quốc tế"? Tôi hiện là một NCS theo học tại một trong các trường ĐH danh tiếng nhất cả nước.  Tôi xin nói qua về hiện trạng nơi tôi theo học để nói đến sự vất vả của NCS chúng tôi, cũng là tâm sự cho mong muốn của chúng tôi với "tiêu chí mới" của Bộ GD.

Trước hết, cơ sở vất chất vô cùng thiếu và không chuyên nghiệp. Sau khi tham dự kỳ thi quốc gia vào tháng 5 hàng năm, những người đỗ tất cả các môn mới nhận được thông báo kết quả sau đó 2-3 tháng.

Nhưng để chờ đến có quyết định công nhận phải mất từ 6-8 tháng, và cho đến khi có QĐ của cơ quan thì đã mất gần 1 năm, thậm chí ai mà trượt ở ký thi trước (chủ yếu là do điểm NN), có thể chuẩn bị thi tiếp. Nhưng khi vào học rồi mới ngã ngửa người ra là chẳng có lớp học nào hết, ngoài gặp mặt, phổ biến, phân công, thì khoa và trường để tự học viên và giáo viên HD từ làm việc với nhau.

Không có đến một phòng làm việc, phòng học chung, thầy trò gặp nhau tạm phòng nào đó, nói vài câu, rồi... về. Chủ yếu là làm việc tại nhà thầy. Thư viện nghèo nàn, sách tham khảo không có, TV Quốc gia cũng tương tự như vậy; thư viện không đủ chỗ phục vụ cho SV, nói gì đến NCS, Internet chậm chạp, nói chung, cơ sở vật chất là chẳng có gì, không hiểu tại sao, họ vấn được duyệt đào tạo TS.

Giáo viên HD chủ yếu là từ bên ngoài, đội ngữ giáo viên cơ hữu mỏng, hoặc yếu hoặc đến tuổi nghỉ hưu (vì có lẽ quy chế phong GS, PGS của chúng ta quá chú trọng vào tuổi tác, không có nhiều người trẻ). Giáo viên HD ngoài thì bận nhiều công tác quản lý, họ lựa chọn NCS theo chức sắc, vị trí công tác, khả năng tài chính, quan hệ và nhiều yếu tố khác.

Kết quả là, GS giỏi về chuyên môn - theo chức danh mà họ có, thì chẳng nhận HD các NCS mà họ thấy chẳng lợi lộc gì (cho dù không phải tất cả đều như vậy, nhưng đây lại là thực tế, bởi có lẽ, kinh phí chi trả đào tạo dành cho GV HD chưa đủ để họ chuyên tâm vào HD, mà còn phải tìm nguồn thu từ mối quan hệ, chức sắc quản lý của NCS tại các ngành về tài chính, ngân hàng, bào hiểm, QTKD, viễn thông...).

Thứ hai, không có điều kiện trau dồi ngoại ngữ, cho dù thi đầu vào lấy tương đương trình độ C hoặc có khả năng đọc và dịch tài liệu. Tuy nhiên, tài liệu tham khảo chẳng có, chủ yếu phụ thuộc vào khả năng tự tìm kiếm và quan hệ của NCS với GV và các mối quan hệ khác. Cơ sở đào tạo chẳng có mối quan hệ với các cơ quan, viện nơi NCS dự định đến tìm hiểu, thực tập... Vì vậy, lấy đâu ra chất lượng để làm đào tạo cho tốt được.

Thứ ba, đăng bài báo trong nước còn phải trông mong vào mối quan hệ, phải xếp hàng, phải chờ, bài viết thì theo kiểu ’"cũ người, mới ta" là ổn. Đọc nhiều bài, chẳng thấy đâu là hàm lượng khoa học. Vì vậy, với vốn ngoại ngữ như vậy, sách tham khảo như vậy, lấy đâu ra mà đòi đi thi quốc tế. Nhìn các học viên nước ngoài kể về môi trường học tập và nghiên cứu của họ mà phát thèm.

Theo tôi, Bộ GD nên phấn đấu và đưa ra các tiêu chí thực chất hơn. Xin đừng gây sốc với công luận và xã hội nữa. Xin lấy câu kết bằng nhận xét của thầy HD tôi hiện nay khi đọc dự thảo của Bộ: "Nếu mà đúng như quy định của Bộ, thì tôi cũng xin nghỉ HD luôn, làm nhiều làm gì cho mệt, chẳng có lợi lộc gì, nhiều ông bà, bằng cấp đầy mình, học hàm, học vị đấy ra đấy, tranh đi nước ngoài liên tục, tham dự hội nghị này nọ, mà còn chẳng làm gì được, chẳng công bố gì được, huống hồ là mấy đứa học viên SĐH." 

"Cần xem lại tiêu chí của một bài khoa học. Chúng ta không thể nói chung chung, một luận án tiến sĩ phải có một bài báo đăng trên tạp chí quốc tế. Trước hết tôi nói về "hàng nội", nếu hàng nội - một bài báo khoa học có chất lượng vẫn tốt hơn một bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài mà là một tạp chí chưa đạt chất lượng về khoa học.

Tuy nhiên, trong thực tế các bài báo khoa học, trên các tạp chí đơn cử như Tạp chí Giáo dục, tôi thấy có không ít bài đọc thấy nhàn nhạt, chẳng có tí gì khoa học và chẳng có ý tưởng gì mới, xào đi nấu lại những đề tài khoa học cũ kỹ, lỗi thời; giải pháp thì trình bày đơn giản thậm chí nêu sơ sài vài tiêu đề không mang tính thuyết phục.

Còn nói về "hàng ngoại", phải chăng chúng ta muốn nói là các NCS phải viết bằng tiếng nước ngoài. Nếu được như thế, tôi rất hoan nghênh. Một tiến sĩ mà chỉ có bằng C tiếng Anh, thì thôi đừng làm luận án. Một nhà trí thức phải biết và biết thông thạo 2 thứ tiếng nước ngoài là cần thiết.

Trong thời đại hội nhập này, việc biết tiếng nước ngoài mới có thể làm khoa học tốt được, mới nâng tầm của các nhà khoa học VN tương xứng với quốc tế. Nói như một vị GS nào đó, cứ có bằng C rồi quá trình học tự hoàn thiện là được thì quả là không nên! Không có vị TS nào mà học đến nơi đến chốn ngoại ngữ đâu, cứ tập trung vào làm đề tài và tìm cách thông qua là xong. Tôi mong rằng vì tương lai đất nước, chúng ta đừng vội vã chạy theo số lượng, đừng vì "bệnh thành tích" mà đào tạo ra quá nhiều TS giấy." - Phạm Đình Sơn, 70A Lê Đình Lý, TP Đà Nẵng,  phson116@...

"Có một điều rất kì lạ là ở Việt Nam có những người chuyên môn không liên quan gì đến đề tài của NCS nhưng vẫn được xếp là chủ tịch Hội đồng, có quyền sinh quyền sát với số phận của NCS." - Ý kiến của bạn Dương Thanh Mai, Hà Nội.

Theo bạn Mai, chất lượng đào tào tiến sĩ không chỉ phụ thuộc vào người hướng dẫn. "Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Vân Nam khi nói chất lượng đào tào tiến sĩ phụ thuộc và người hướng dẫn.

Tuy nhiên sự phụ thuộc không chỉ giới hạn ở người hướng dẫn mà còn ở rất nhiều yếu tố khác. Tôi chỉ xin liệt kê một yếu tố với bạn đọc: Đó là các thành viên HĐ - Chất lượng các thành viên chấm trong Hội đồng từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước là vô cùng quan trọng. Bởi vì những ý kiến đóng góp của họ có vai trò rất lớn để nâng cao chất lượng luận án.

Tại sao họ được ngồi như vậy? Vì họ là người đứng đầu cơ quan tổ chức đào tạo NCS. Có những thành viên Hội đồng chưa bao giờ có một bài báo nghiên cứu nào thuộc về chuyên ngành của NCS.

Hay nói cách khác, phông kiến thức cơ bản của họ nhiều khi còn phải bàn. Do vậy, khi họ chất vấn NCS, chỉ có người có trình độ chuyên sâu mới biết trình độ của chủ nhân câu hỏi đó ở mức như thế nào. Vấn đề này lâu nay Bộ GD - ĐT chưa hề quan tâm.

Ở đây, chúng tôi cho rằng không cần thành viên HĐ phải có bài báo liên quan đến đề tài NCS nghiên cứu, nhưng ít nhất họ phải có một bài viết thuộc chuyên ngành NCS nghiên cứu để chứng tỏ họ cũng hiểu biết về chuyên ngành đó.

Do vậy, nâng cao chất lượng đào tạo TS phải là công tác toàn diện, chứ không phải chỉ chĩa mũi dùi vào NCS."

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề xã hội khác.

Xe bus Hà Nội và bài toán luẩn quẩn.

Nói về chuyện xe bus Hà Nội thì hẳn nhiều người cũng bức xúc. Bạn Nguyễn Quốc, Khâm Thiên, Hà Nội, hanoi_box@... góp ý: "Là một người dân Hà Nội, tôi xin đóng góp mấy ý kiến sau: Xe bus là một trong nhiều giải pháp giao thông công cộng của đô thị đông dân cư. Hà Nội là một thành phố đông dân cư - nếu không nói là rất đông.

Đặc điểm của Hà Nội là đường phố nhỏ, mật độ giao cắt lớn, nhiều loại phương tiện cùng tham gia lưu thông trên đường. Nếu như ở những nước phát triển hơn, loại phương tiện chủ yếu lưu thông trên đường là xe ô tô và xe bus thì sự xung đột về tốc độ của từng loại, về làn đường và đặc tính lưu thông là không chênh nhau nhiều, thì ở Việt Nam khác hẳn.

Xe bus chen vai thích cánh với xe ô tô loại khác, với xe máy, xe đạp, xe 3 bánh, và có khi cả người đi bộ dưới lòng đường (vì vỉa hè đã chật).

Tốc độ lưu thông của các loại phương tiện không giống nhau, làn đường và đặc tính giao thông cũng giao thoa với nhau nên xung đột giao thông xảy ra là tất yếu, tai nạn xảy ra cũng là tất yếu.

1. Cách chạy xe bus: Về chủ quan, xe bus cũng có nhiều lái xe chạy rất ẩu và coi thường đồng bào mình. Tôi rất khó hiểu về tư duy của người chạy xe bus, tư duy của những người huấn luyện cho những người chạy xe bus trên đường phố Hà Nội.

Tôi cũng được biết đã có dự án tăng cường năng lực cho lái xe thông qua các khoá đào tạo, cũng nghe nói có một số lái xe bus được đưa sang châu Âu để trực quan cách lái xe bus ở bên đó...

Nhưng quả thật nếu chạy xe như bên châu Âu mang về áp dụng trong điều kiện giao thông Hà Nội thì không được. Và lái xe bus vẫn luôn có kiểu chạy xe hình SIN. Lượn từ sát mép vỉa hè nơi có trạm dừng ra đến làn đường giữa tim đường, rồi ngay lập tức lại lượn vào sát vỉa hè để dừng ở trạm tiếp theo, rồi lại lượn ra tim đường...

Cứ thế, xe bus chạy ngoằn nghoèo, cắt mặt các phương tiện lưu thông cùng chiều.

Bản chất của xe bus trong đô thị là không thể chạy nhanh, vì liên tục có các trạm dừng, vậy tại sao các tài xế xe bus không thể chạy ở làn đường trong, gần vỉa hè để người lên xuống cho tiện.

Các phương tiện cơ giới khác như ô tô, xe máy cứ việc chạy ở làn đường phía ngoài và có thể vượt bên trái theo đúng quy định của luật giao thông. Xe bus không thể tiếp tục chạy theo hình SIN, mà phải chạy theo đường song song với vỉa hè, cách vỉa hè 1 quãng khoảng 1,5m nếu có phương tiện giao thông thô sơ lưu hành.

Cần phải xác định lại cách chạy xe bus, và huấn luyện lại toàn bộ các tài xế xe bus cho người dân đỡ khổ!

Trước đây người ta hay nói vui “ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì”, thì nay công nông không còn lưu thông nữa, câu nói này chắc chắn sẽ là “ra đường sợ nhất xe bus…”.

Quả thật, đi gần xe bus thì sợ bị va quệt và tai nạn, đi sau xe bus thì bị “ăn” đủ khói đen và bụi bị các bánh xe cuốn từ dưới đường bốc lên. Nếu đánh giá loại phương tiện nào gây ô nhiễm nhiều nhất cho không khí Hà Nội, thì xe bus chắc sẽ chiếm thứ hạng rất cao, thậm chí đầu bảng xe gây ô nhiễm.

 2. Không thể phủ nhận vai trò của xe bus trong việc giảm bớt sức ép giao thông cá nhân của Hà Nội, song không vì thế mà xe bus được hưởng mãi những ưu tiên trong lưu thông như hiện nay.

Chính quyền Hà Nội đã thể hiện sự thiếu nhìn xa trông rộng và để cho những phấn khởi ngày đầu tái hoạt động trở lại của xe bus cách đây 10 năm ru ngủ mãi. Một thành phố có trên 1 triệu dân đã phải nghĩ đến giải pháp giao thông công cộng bằng tàu điện ngầm hoặc sky-train.

Hà Nội với 4 triệu dân mà cứ mãi trông chờ vào xe bus thì tất yếu sẽ không đảm bảo vận hành trơn tru. Không thể cứ nay mở tuyến xe mới, mai tăng mật độ chuyến cho những tuyến cũ có đông người đi. Làm như vậy sẽ tiếp tục chất tải lên mạng đường xá chật chội của Hà Nội. Mật độ hiện nay đã quá cao rồi, tăng xe bus sẽ tiếp tục làm cho đường xá thêm tắc nghẽn.

Phải đưa giao thông công cộng ngầm xuống đất hoặc lên cao, trả lại mặt đường cho các phương tiện khác. Việt Nam rồi cũng phải theo các nước khác, không thể hạn chế hay cấm cản các phương tiện giao thông cá nhân mãi được.

 Chính quyền tốt là chính quyền phải tạo ra những điều kiện sống tốt nhất cho công dân của mình. Năm trước, Hà Nội đã rầm rộ khởi công dự án đường tàu trên cao kết hợp đi ngầm, dự kiến năm 2010 sẽ hoàn thành.

Đến nay, sau 1 năm không thấy thông tin gì về tiến độ thực hiện của dự án, báo chí cũng quên luôn dự án quan trọng này. Mà ngay cả nếu dự án hoàn thành đúng thời hạn vào 2010, sau đó mới khởi động tiếp các tuyến khác thì cũng đã là chậm.

Thiết nghĩ, ngay bây giờ, bên cạnh dự án đã khởi công phải đốc thúc sát sao, thì thành phố nên tìm các nguồn kinh phí để thực hiện đồng thời 1,2 tuyến nữa. Không thể cứ bằng long mãi với bài toán luẩn quẩn tắc rồi giảm xe cá nhân, cấm đăng ký xe, cấm xe ngoại tỉnh vào, vào nội thành theo ngày chẵn - lẻ, thay thế từ xe 80 chỗ thành xe 24 chỗ, đến khi xe 24 chỗ với mật độ dày mà vẫn tắc đường thì chắc sẽ bỏ tuyến???

Tân chủ tịch UBND thành phố đã từng là 1 KTS, có hiểu biết về quy hoạch và phát triển đô thị, chắc sẽ có những giải pháp để dần tháo gỡ những vấn đề tồn tại trầm kha của giao thông Hà Nội, song hy vọng phải có những đột phá, chứ không thể mãi đi tìm lời giải cho một đề bài luẩn quẩn, đề bài thế nào ắt kết quả lời giải cũng sẽ như thế đó!"

Bạn Thanh Tư, Thanh Xuân, HN, thanhtu712@... cho rằng, không một ai tham gia giao thông thường xuyên ở HN mà không thấy bức xúc với sự "nghênh ngang" của những xe bus ở đây.

Nhiều vụ tai tạn gây chết người đã xảy ra, mà nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của chính những tài xế xe bus. Đường hẹp, xe bus thì to, người tham gia giao thông thì nhiều. Nhưng những chiếc xe công kềnh này vẫn lao đi như tên bắn. Tuýt còi inh ỏi, rẽ trái rẽ phải không cần biết có bao nhiêu chiếc xe khác đang ở bên cạnh mình, chỉ cần bật xi nhan là được. 

Tôi cũng đã chứng kiến một số lần cảnh các tài xế xích mích với hành khách trên xe, cũng như những người đi đường, và họ sẵn sàng tuôn ra những lời lẽ rất vô văn hóa. Thậm chí còn đánh người, và đánh rất dã man.

Thế mà chẳng thấy báo chí nói về tình trạng này là bao, thi thoảng mới có một tin ngắn được đưa lên báo. Trong khi, chúng ta chỉ cần đi ra đường 15 phút, tham gia giao thông ở một đoạn đường nào có xe buýt hoạt động, là có thể có những dẫn chứng sát thực ngay.

Cũng thông qua đây, tôi muốn VietNamNet có nhiều bài hơn nữa để phản ánh tới các cấp có chức năng, qua đó chấn chỉnh tình trạng này. Để xây dựng một thành phố văn minh lịch sự hơn."

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,