221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1024708
Trận đấu quá chênh lệch: VN1- Malaysia3- Thailand5- Singapore11
1
Article
null
Trận đấu quá chênh lệch: VN1- Malaysia3- Thailand5- Singapore11
,

(VietNamNet) -Theo Viện thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information - ISI), có trụ sở tại Mỹ, trong 10 năm qua, các nhà khoa học Việt Nam có tổng cộng 4 ngàn bài báo khoa học đã công bố (tính tới tháng 2/2007) trên các tạp chí quốc tế chuẩn mực. Con số đó chỉ tương đương 1/3 số bài báo của các nhà khoa học Malaysia (trong khi số dân nước ta bằng 4 lần số dân Malaysia), 1/5 của Thái Lan, 1/11 của quốc đảo Singapore, 1/45 của Hàn Quốc, 1/108 của Trung Quốc (số dân VN bằng 1/16 TQ), và 1/700 bài báo của Mỹ.

 

Dư luận đang bàn thảo tích cực về tiêu chí mới của Bộ GD-ĐT: Yêu cầu mỗi luận án TS phải có công bố quốc tế. Mục tiêu nhằm đến là nâng cấp cho khoa học nước nhà tiến tới hội nhập. Để có những hình dung tốt hơn về thực trạng và những khó khăn, chúng ta cần có bức tranh cụ thể về khoa học nước nhà, so sánh với khu vực và quốc tế.

 

>> "Bằng tiến sĩ phải được thế giới công nhận"

>> Đào tạo tiến sĩ: Chất lượng phụ thuộc vào người hướng dẫn?

Tỷ lệ nội lực trong các bài đăng tạp chí quốc tế của chúng ta chỉ là 20%, còn lại là do hợp tác với quốc tế. Ảnh: LAD.

Nội lực các bài báo Việt Nam còn thấp so với quốc tế

Trên trường quốc tế, trình độ và năng lực nhà khoa học các quốc gia được đánh giá trước tiên qua số bài báo công bố trên các tạp chí khoa học chuẩn mực quốc tế, và số bằng phát minh, sáng chế. Theo Viện thông tin Khoa học (Institute for Scientific Information - ISI), có trụ sở tại Mỹ, có tổng cộng 4 ngàn bài báo khoa học đã công bố trong 10 năm qua (tính tới tháng 2/2007) trên các tạp chí quốc tế chuẩn mực của các nhà khoa học Việt Nam. Con số đó chỉ tương đương 1/3 số bài báo của các nhà khoa học Malaysia (trong khi số dân nước ta bằng 4 lần số dân Malaysia), 1/5 của Thái Lan, 1/11 của quốc đảo Singapore, 1/45 của Hàn Quốc, 1/108 của Trung Quốc (số dân VN bằng 1/16 TQ), và 1/700 của Mỹ.

Xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tự ta làm được) - sự tụt hậu của chúng ta lại càng lớn hơn. Cụ thể, gần nửa số bài của Thái Lan là do nội lực, trong khi tỷ lệ nội lực của chúng ta chỉ là 20%, còn lại là do hợp tác với quốc tế. Điều đó cho thấy các nhà khoa học của chúng ta vẫn còn phải dựa nhiều vào hỗ trợ quốc tế (về chuyên môn, phương tiện, hoặc tài chính).

 

Con số chi tiết về số công bố quốc tế các ngành của Việt Nam 10 năm qua: 1. Y học lâm sàng (656 bài), 2. Vật lý (640), 3. Động thực vật học (531), 4. Toán (424), 5. Kỹ thuật (277), 6. Hóa (272), 7. Nông nghiệp (174), 8. Địa chất (158), 9. Môi trường (150), 10. KHXH (145)..., 15. Kinh tế (29)…

 

Có một điểm sáng

 

Do những lý do lịch sử, các ngành Toán và Vật lý của chúng ta đã tập hợp được lực lượng mạnh trong quá khứ, có được truyền thống khá tốt, và là hai ngành duy nhất đã có được số công bố quốc tế ngang tầm và vượt được các nước bạn Đông Nam Á. Tuy nhiên, khi xét về tổng thể, các bài báo quốc tế lại đến chủ yếu từ các lĩnh vực khoa học ứng dụng mà ta thua xa bạn.

 

Công nghệ không phải là thứ dễ định lượng đo đếm được, nhưng chính thông qua lao động của các chuyên gia với các kết quả nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế (các bài báo và các sáng chế), nhất là của các lĩnh vực ứng dụng, công nghệ mới sẽ dần được hình thành. Các quốc gia có nhiều kết quả bài báo công bố quốc tế cũng là các quốc gia có nhiều phát minh, sáng chế và nền công nghệ phát triển tương ứng. Chỉ biết nhập khẩu công nghệ mà không có nền tảng khoa học mạnh để có khả năng nghiên cứu cải tiến nó, chúng ta sẽ chỉ mãi đóng vai trò gia công trên trường quốc tế.

 

Chính bởi tầm quan trọng của các bài báo khoa học chuẩn mực quốc tế đối với nền khoa học công nghệ của một quốc gia, ngoài thông lệ chung quốc tế sử dụng các kết quả đó như là cơ sở cho xét duyệt, đánh giá các đề tài nghiên cứu và thăng tiến nghề nghiệp của các nhà khoa học, nhiều nước đang phát triển, từ Hàn Quốc, Pakistan tới Trung Quốc, còn có thêm chế độ thưởng tiền mặt trực tiếp cho các bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Luận án TS từ Hàn Quốc tới Phillipnes đều đòi hỏi phải có các bài báo đăng tạp chí quốc tế ISI. Các Viện nghiên cứu của Viện HLKH Trung Quốc khẳng định năng lực và thành tích nghiên cứu của họ chỉ qua số bài báo quốc tế đạt chuẩn cao nhất SCI  (từ danh sách của ISI) và số bằng phát minh, sáng chế.

 

Động lực nghiên cứu chất lượng để công bố quốc tế ở VN hiện nay mới chỉ xuất phát từ 2 nguồn bên ngoài: Cơ hội được mời ra nước ngoài cộng tác (như ở các ngành Toán và Vật lý), và từ các đề tài nghiên cứu ứng dụng trong nước được quốc tế tài trợ và có sự lãnh đạo của chuyên gia nước ngoài (như trong các lĩnh vực khoa học sự sống). Động lực công bố quốc tế nội lực gần như không có: Từ các đề tài nghiên cứu ứng dụng trọng điểm kinh phí lớn cấp bộ, ngành, cấp Nhà nuớc tới các đề tài nghiên cứu cơ bản kinh phí nhỏ hơn, các đầu tư chiều sâu, phòng thí nghiệm trọng điểm, các tiêu chuẩn chức danh, bằng cấp, trên thực tế, đều phớt lờ đòi hỏi cần có về công bố quốc tế. Điều đó dẫn tới số lượng ít ỏi các kết quả nội lực đạt chuẩn mực quốc tế và chất lượng rất thấp của các đề tài nghiên cứu.

 

Cho dù kinh phí nghiên cứu khoa học từ ngân sách nhà nước được tăng mạnh trong 10 năm qua, nay đã vượt 400 triệu USD/năm, số bài báo quốc tế từ nội lực vẫn chỉ đứng nguyên ở số 80 bài/năm - một mức hiệu quả có lẽ vào hàng thấp nhất trên thế giới. Tỷ lệ số bài báo quốc tế từ nội lực của ta năm 2006 chỉ còn là 13%, với vẻn vẹn 72 bài - bằng 1/10 số bài nội lực của Thái Lan - khoảng cách thua xa so với khoảng cách tương ứng về thể thao (số huy chương vàng SEA games 2007 chỉ ít hơn 2 lần dù tổ chức ngay trên đất Thái Lan) và kinh tế (GDP kém  4 lần).

 

Tư duy nào đã cản trở bước tiến tới hội nhập của khoa học VN những năm qua?

 

Không ít người có đủ mọi bằng cấp và chức danh ở ta thường tìm mọi cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm túc và khách quan với ngụy biện rằng chúng ta còn nghèo, trình độ chung còn thấp, rằng họ thực hiện các đề tài “nghiên cứu ứng dụng”, và thậm chí cả NCCB làm “cơ sở” cho “ứng dụng”, không đòi hỏi phải có công bố quốc tế như một số "nghiên cứu lý thuyết"? Lập luận đó vẫn cứ được bám giữ trong nhiều năm, bất chấp những thay đổi diễn ra thời gian qua, kể cả khi chúng ta đã bước vào tiến trình hội nhập và kinh phí nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ được tăng mạnh mẽ nhờ có sự tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Nếu họ làm ứng dụng thực sự thì họ phải thu được kinh phí trực tiếp từ các cơ sở sản xuất và thị trường, và nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ về mặt hành chính và pháp lý, kể cả có thể xét cho vay vốn ưu đãi. Còn đã thực hiện đề tài nghiên cứu, tức là hưởng kinh phí bao cấp từ nhà nước, thì họ phải chịu các đòi hỏi nghiêm ngặt và khách quan về chuẩn mực khoa học cho các kết quả nhận được (không phải chỉ là một báo cáo tổng kết để xếp tủ, hay áp dụng hình thức, không hiệu quả), và qua đó giúp nâng cao được cái nền của khoa học và công nghệ nước nhà.

 

Công bố bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành được phản biện khách quan bởi các chuyên gia ẩn danh sẽ buộc nhà khoa học phải thường xuyên cập nhập, học hỏi được các thành tựu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực chuyên môn của mình, giúp kiểm định được phương pháp giải quyết vấn đề của nhà khoa học là đúng đắn, và khẳng định được trình độ và đóng góp của nhà khoa học. Mọi lĩnh vực chuyên môn từ lý thuyết đến ứng dụng đều có các tạp chí của mình, và các tạp chí thuộc các lĩnh vực ứng dụng thậm chí còn nhiều áp đảo so với các tạp chí có thiên hướng lý thuyết.

 

Để đổi mới và nâng cao chất lượng khoa học nước nhà, chúng ta cần phải xây mới văn hóa làm khoa học, như chúng ta đang làm trong kinh tế. Yêu cầu mọi luận án TS phải có công bố quốc tế là không đơn giản và cần có lộ trình. Cần bắt đầu bằng các yêu cầu hiển nhiên hơn là mỗi GS, PGS, NCVC, NCVCC được phong, mỗi chủ trì đề tài NCKH, thành viên hội đồng ngành, hội đồng chức danh ngành, ban biên tập tạp chí ngành, phải có bài báo quốc tế ISI trong 5 năm gần đây nhất. Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Các chính sách tài chính, chức danh trong khoa học phải bắt đầu từ có chế độ ưu tiên, khuyến khích cụ thể, sau đó là nâng dần yêu cầu về công bố quốc tế.

 

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2008

  • Phạm Đức Chính, Viện Cơ học Hà Nội

 Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,