(VietNamNet) - Câu chuyện về chảy máu chất xám của Ngân hàng Nhà nước nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả. Trong số các ý kiến gửi về, không ít ý kiến là của chính những người trong cuộc tâm sự về chuyện công việc của mình.
Khi không được đãi ngộ xứng đáng, người tài sẽ ra đi. Ảnh: saga.vn |
Ra đi là sự lựa chọn tất yếu của tôi
Nhật, Hà Nội, email: haiyenqps@...
Tôi đã từng là một cán bộ cấp phòng tại một đơn vị làm chính sách quan trọng hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước, đã từng được đi du học nước ngoài, đã từng rất tâm huyết, rất nhiệt tình để cống hiến. Nhưng rồi cũng như những cán bộ trẻ khác, tôi chấp nhận ra đi. Đơn giản là vì ở đó tôi không có cơ hội được làm việc một cách thực thụ.
Buổi sáng, 7h30 phải có mặt ở cơ quan để tránh bị bảo vệ ghi tên đến muộn, tôi cùng một vài anh em đồng nghiệp ngồi nhâm nhi bên ấm trà nói đủ thứ chuyện. Chuyện chuyên môn thì ít mà chia sẻ, những bức xúc trong cuộc sống thì nhiều. Các anh em đều ở độ tuổi 30-40, độ tuổi mà bất cứ tổ chức nào cũng đều mong muốn. Hầu hết mọi người đã từng học ở nước ngoài, được tiếp cận với những kiến thức mới. Thậm chí nhiều người đã từng là những sinh viên xuất sắc được các trường đại học nước ngoài mời ở lại. Còn về cơ quan, anh nào cao thì cán bộ cấp phòng, còn bình thường là chuyên viên. Lý do thì có nhiều: "các vị trí đã có đủ chỗ", "lãnh đạo đánh giá còn trẻ quá", "thâm niên công tác ít hơn người khác", hoặc "có vài ý kiến còn phải xem xét"…
Khi tập công văn đến được văn thư chuyển xuống, cán bộ phòng uể oải đọc từng công văn và ý kiến của lãnh đạo vụ. Dù là một vụ làm chính sách quan trọng hàng đầu nhưng 95% bút phê của lãnh đạo là “kính chuyển phòng thực hiện” rồi ký tên mà không có một phương hướng chỉ đạo nào. Chỉ khổ cán bộ cấp phòng, lãnh đạo vụ còn có thể nói là quan tâm những việc lớn, không để ý đến chi tiết chứ khi giao cho anh em chuyên viên thực hiện thì mình cũng không thể "kính chuyển" rồi ký tên suông được.
Và rồi cũng khổ các anh em chuyên viên. Viết xong một báo cáo tầm cỡ trình Chính phủ chuyển lên cán bộ phòng, được duyệt xong trình lên Vụ. Lãnh đạo Vụ nghiên cứu, kiểm chứng, chỉnh sửa vài lần. Tất cả mọi công đoạn đều thực hiện theo đường giấy tờ, đều có bản lưu ý kiến để sau này còn đối chiếu. Việc nào thật gấp, có ý kiến trực tiếp của lãnh đạo NHNN thì mất khoảng 3-5 ngày. Những việc khác thì còn tuỳ. Đôi khi, anh em cũng đề xuất tin học hoá để công việc được nhanh chóng hơn nhưng khổ nỗi, không phải ai cũng thích máy tính. Hơn nữa, nếu máy tính của lãnh đạo trục trặc một lần thì thôi, tất cả các ưu việt của tin học hoá sẽ được dẹp sang một bên. Tốt nhất là cứ làm bằng giấy tờ cho chắc ăn.
Bữa cơm trưa là lúc công chức có thể dành thời gian cho bạn bè bên ngoài cơ quan. Hôm thì đi ăn với bạn học phổ thông, hôm thì đi ăn với bạn học đại học. Mọi người tranh thủ tán chuyện gẫu và trao đổi thông tin. Hôm nào đi ăn cùng với đội ngũ làm kinh doanh thì thấy tâm trí mình phấn chấn hẳn, thấy cuộc sống vẫn còn năng động và nhiều điều thú vị. Hôm nào đi ăn với các bạn công chức ở các bộ khác, các vụ khác thì cũng tự an ủi là "ở đâu cũng vậy thôi".
Buổi chiều thường là thời gian cho các cuộc họp. Họp giao ban, họp công đoàn, họp quy hoạch và các loại họp khác. Không dự họp thì bị đánh giá là ý thức kém (dẫu sao mình cũng là cán bộ cấp phòng!). Còn dự họp thì sao thấy tiếc thời gian nên tranh thủ cầm mấy tờ báo hoặc tạp chí vào đọc để còn cập nhật ít kiến thức! Tan họp cũng là lúc hết giờ làm việc. Có đứa bạn đã chờ sẵn ở cửa rủ đi nhậu. Nói là nhậu nhưng nội dung chính là về làm tư vấn cho một ngân hàng thương mại. Nội dung công việc nghe thì không "hoành tráng" như việc hoạch định chính sách ở NHNN nhưng sẽ được trang bị đầy đủ điều kiện làm việc cùng với một mức lương gấp 6,5 lần.
Sinh ra trong cơ chế này, được học hành, được tuyển vào những tổ chức quan trọng rồi để làm thủ tục xin thôi việc thì cũng cảm thấy bùi ngùi. Mức lương mới cũng chẳng cao so với thu nhập khi còn đi học ở nước ngoài. Nhưng để đóng góp được cho xã hội, để thấy được những ý tưởng xây dựng của mình được đưa vào thực tế để giúp cho một ai đó, ra đi là sự lựa chọn tất yếu.
Một cuộc cải tổ khó
Phạm Ngọc Phúc, email: phuibs@...
Khi tôi làm việc tại Ngân hàng Nhà nước, lương thấp so với mặt bằng chung đã làm tôi không thể chấp nhận được, môi trường làm việc, mong muốn được sống có ích cho xã hội cũng không có nốt. Rất nhiều người sáng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không làm việc gì có ích cho xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do chậm chuyển sang cơ chế thị trường. Ngân hàng TƯ các nước chỉ giữ hai vai trò: Thực hiện chính sách tiền tệ và thanh tra các ngân hàng thương mại. Thậm chí có nước, ngân hàng TƯ chỉ còn vai trò thực hiện chính sách tiền tệ.
Ngân hàng Nhà nước hiện nay có bộ máy quá lớn, có các chi nhánh, trụ sở ở tất cả các tỉnh thành, thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu với các ngân hàng thương mại quốc doanh. Những chức năng và bộ máy này không còn hợp thời, gây lãng phí, tốn kém và hạn chế sự phát triển của hệ thống tài chính Việt Nam.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước cần phải có cuộc cách mạng thực sự thì mới không gây lãng phí tiền ngân sách và đóng vai trò tích cực cho nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước chỉ cần 1.000 cán bộ thay vì hàng vạn cán bộ như hiện nay, nhưng cần những cán bộ giỏi nhất của đất nước để thực hiện chính sách tiền tệ và thanh tra, kiểm soát hệ thống ngân hàng. Cần phải loại bỏ chính sách công chức suốt đời, phải loại bỏ những cán bộ không đáp ứng được công việc thì chúng ta mới có một ngân hàng TƯ lớn mạnh được. Tất nhiên, những người còn lại làm cho ngân hàng TƯ lương sẽ rất cao, tương ứng với các chuyên gia cao cấp của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, cuộc cải tổ này rất khó.
Tôi hài lòng vì đã ra đi
Trần Minh, email: minh.trantran@...
Tôi là người đã từng làm cho công ty nhà nước 4 năm, với mức lương tăng từ 1,5tr dến 2,1tr. Tuy nhiên, tôi vẫn có thể sống được nếu như tôi đừng thấy cảnh nịnh hót, phe cánh, trù dập người tài. Ngày tôi ra đi, mọi người trong công ty đều ngăn cản vì là một công ty đang phát triển, thế nhưng bây giờ tôi vẫn cảm thấy rất hài lòng vì quyết định của mình, cũng sau 4 năm mức thu nhập của tôi tăng từ 300 USD lên 1.000 USD.
60% công chức thực sự "cày"
Đặng Bá Long, email: longbadang@...
Tôi, từng là một công chức biên chế ở một cơ quan cấp sở của một thành phố lớn. Đã hơn 02 năm kể từ ngày tôi "ra đời" nhưng đồng lương còm cõi cứ mãi ám ảnh. Ra đi mà lòng vẫn nặng với tình yêu công việc, với đồng nghiệp với bạn bè... Tôi sẽ sống ra sao nếu cứ với thu nhập dưới 2 triệu đồng/tháng. Chắt bóp hết cỡ thì cũng chỉ qua ngày và đừng bao giờ mơ đến một vé "duyên dáng Việt Nam". Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tôi tin chỉ khoảng 60% công chức thực sự "cày", phần còn lại cứ hưởng lương. Theo tôi, Nhà nước cần có một cuộc cải cách mạnh mẽ loại bỏ những công chức thừa, tăng lương thích đáng cho những công chức thật sự làm việc, gánh việc.
Chính sách đãi ngộ nhân tài?
Nam, email: m84thattinh2002@...
Tôi là cán bộ trẻ nhất của cơ quan tư pháp của địa phương. Ra trường với cách làm việc hiệu quả, tôi được trực tiếp nhận vào làm việc tại cơ quan, tháng đầu tiên nhận số tiền lương 700 ngàn, tôi cảm thấy trước mắt còn quá nhiều chông gai, trắc trở, nhưng 10 tháng thử việc tiếp theo với mức lương không hề có sự thay đổi, tôi thấy mình như kẻ vô dụng. Chính sách đãi ngộ nhân tài!
Thật không chấp nhận được khi bạn bè cùng trang lứa, cùng trình độ, làm tại các công ty nước ngoài, các ngân hàng thương mại nhận mức lương tháng bằng cả năm tôi nhận được. Khi thắc mắc với phòng tổ chức về vấn đề của mình thì tôi nhận được câu trả lời là không phải chỉ mình em như vậy, em chấp nhận được thì làm tiếp vì 4 hợp đồng thử việc rồi! Kết thúc thời gian thử thách dài đằng đẵng, tôi tiếp tục được ký hợp đồng chờ thi tuyển công chức với mức lương 2,34 nhưng với công việc vẫn không có gì khác trước. Và bây giờ, lứa đàn em tiếp theo của tôi tiếp tục đang nhận được cách cư xử như tôi, trừ những người có mối quan hệ đặc biệt!
Bạn đã từng gặp phải những tình huống như trên? Hãy chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của bạn!