- Tình trạng học sinh bỏ họ đã đến mức báo động, nó không chỉ diễn ra ở những vùng sâu xa khó khăn mà cả ở những nơi kinh tế xã hội phát triển và luôn tự hào là những vùng đất học như Đồng bằng Bắc bộ. Bộ Giáo dục vừa công bố cả nước có tới 114.000 học sinh bỏ học. Học sinh không đến trường, các thày cô giáo ở nhiều nơi đang phải đôn đáo đi tìm học trò. Bước chân vào cửa lớp học hắt hiu vì vắng bóng học trò nhiều người đã khóc.
Nguyên nhân của tình trạng học sinh bỏ học đã được xác định. Đó là hoàn cảnh gia đình của các em kinh tế quá khó khăn, do thiên tai, do học lực kém. Những nguyên nhân trên thiết nghĩ chỉ là bề nổi. Bởi lẽ hiếu học là truyền thống của người Việt Nam.
Lớp học vắng do nhiều học sinh bỏ học. Ảnh: VNN
Đã có thời, cuộc sống khó khăn gấp bội nhưng vẫn có gia đình bán nhà cho con đi học, vẫn có những cậu học trò nhịn đói ôm sách học dưới ánh đèn đường… Nguyên nhân sâu xa có lẽ là tại gia đình, nhà trường và xã hội chưa chỉ ra và thuyết phục cho con em mình thấy được sự sáng sủa ở cuối con đường nhọc nhằn đèn sách.
Tương lai xán lạn còn phải “mơ về nơi xa lắm” và không biết thế nào, chỉ thấy việc kiếm tiền cho cuộc sống khó khăn thiếu thốn trước mắt là điều dễ nhìn thấy nhất. Ngành giáo dục bấy lâu chỉ say mê và bị quyến rũ bởi tỷ lệ học sinh khá và giỏi, tỷ lệ học sinh lên lớp, số học sinh đoạt giải quốc tế mà chưa thổi vào tâm hồn học trò khát vọng của sự học hành và còn thiếu trách nhiệm với chính sản phẩm đào tạo của chính mình.
Học để làm gì? Câu trả lời xưa như trái đất nhưng mấy ai giải thích được một cách giản dị và cụ thể nhất trong lúc này ngoài những những điều mà sách giáo khoa đã nói.
Trước tình trạng báo động đỏ về số lượng học sinh bỏ học nhiều địa phương đã vào cuộc với những biện pháp quyết liệt thậm chí là quyết liệt quá mức cần thiết. Sở GD- ĐT An Giang đã đề xuất hình thức xử phạt những gia đình để con em mình bỏ học với đủ các thể loại phạt rất phong phú và đa dạng từ phạt tiền đến không xét danh hiệu gia đình văn hoá và không giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy phép lái xe, giấy đăng ký kinh doanh…
Ngoài ý thức trách nhiệm đáng được ghi nhận, duy nhất còn lại các biện pháp xử phạt đề xuất trên đều cho thấy sự nôn nóng, chủ quan, duy ý chí và vi hiến. Học tập là quyền và nghĩa vụ của trẻ em. Điều này đã được nói đi nói lại trong các chỉ thị, nghị quyết đến các loa đài phường xã. Thế nhưng chúng ta đã làm tốt các điều kiện để trẻ em thực hiện quyền học tập của mình chưa?
Vẫn còn nhiều nơi, trường chưa ra trường lớp chưa ra lớp, khi trẻ em còn phải lo ăn trước khi lo học, chương trình đào tạo, sách giáo khoa còn trong tình trạng chẳng giống ai. Khi chưa đảm bảo tốt các điều kiện để các em thực hiện quyền thì hãy khoan nói đến nghĩa vụ và càng không thể xử phạt. Không có tiền để học thì lấy gì mà nộp phạt đây. Một điều quá phi lý như vậy mà cũng được đề xuất triển khai kể cũng lạ.
Phân hoá giàu nghèo đã và đang hiện hữu và sẽ từ lĩnh vực kinh tế lan sang các lĩnh vực khác. Ngành giáo dục đừng làm cho khoảng cách này nới rộng hơn nữa.
-
Đinh Thế HưngÝ kiến bạn đọc?