- Phương pháp giảng dạy, học, và sách giáo khoa môn Sử là chủ đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận nhất của bạn đọc trong tuần vừa qua.
Trong kỳ thi ĐH năm 2007, điểm số trung bình môn Lịch sử là 2,09/10, xếp hạng "chót" so với các môn thi . Nhiều học sinh khi được hỏi: “Em vận dụng kiến thức lịch để làm gì trong cuộc sống?”, các em học sinh đều nói không biết vận dụng kiến thức lịch sử để làm gì. Đa số học sinh hiện nay đều không thiết tha gì với môn Lịch sử. Đó là thực trạng "bi đát" rất đáng quan tâm.
Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng.
Dân ta phải biết sử ta!
Trung Kiên: Hồi cấp 3 tôi học chuyên khối A nhưng vẫn rất thích môn Lịch sử. Tuy mỗi tuần chỉ có 1 tiết Lịch sử nhưng cả lớp đều mong đợi đến giờ sử bởi thầy giáo dạy rất hay. Thầy giáo không dậy y trang theo sách giáo khoa với những sự kiên, ngày giờ cụ thể mà mỗi bài thày thể hiện như một câu chuyện kể cho học sinh nghe vậy. Thầy giáo muốn cho học sinh nắm được tinh thần của bài học chứ không phải học để nhớ từng sự kiện cụ thể. Thế nên tuy kết thúc bậc học phổ thông đã chục năm nay, mặc dù không theo ngành Lịch sử nhưng có điều kiện tôi vẫn tìm hiểu về lĩnh vực lịch sử, văn hóa của dân tộc. Như vậy theo tôi môn Lịch sử đang có vấn đề về cách dạy và chúng ta hãy tìm ra một cách dậy thiết thực hơn. Học Sử suốt đời. Anh Thắng, Ngô Quyền, Đà Nẵng, Thang_nhungdn@...: Tôi nay đã 50 tuổi, nhưng tôi vẫn ham mê nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Tôi đọc khá nhiều tài liệu về lịch sử và thấy rằng riêng về Lịch sử dân tộc cần viết lại, cần có sự thống nhất một số vấn đề cơ bản như Việt Nam cổ đại, nhà Triệu, nhà Nguyễn v.v... Về lịch sử thế giới cần nêu đại cương và hết sức ngắn dễ nhớ cho học sinh phổ thông. Phải thổi cho được vào học sinh cái niền đam mê môn sử, niềm tự hào dân tộc.
Ngô Phước Tuần, SV ĐH GTVT, phuoctuangtvt@...: Lịch sử là môn học mà em yêu thích nhất và là môn em tự hào và hãnh diện nhất trong lớp. Là dân khối A nhưng khác với các bạn khác, em rất yêu thích và đam mê học Sử. Suốt các năm học môn Sử của em luôn rất cao. Bởi vì học Sử em có niềm vui biết thêm về đất nước, thế giới và con người. Chẳng khó gì cả, các bạn mà ham học sử các bạn sẽ yêu thích thôi. Chúc các em học sinh 12 luôn thành công trong kỳ thi sắp tới. Không nên học thuộc mà chỉ học cái dàn ý của sự kiện và biết so sánh lấy thời gian làm mốc.
Lịch sử không khó nhưng quá bất cập
Nguyễn Trí Nghị, TP. Huế, thanhchuong1985@...: Là một sinh viên sử tôi thấy chương trình học các cấp về sử học hiện nay còn nặng quá nhiều về mặt ghi nhớ số liệu, nó không có nhiều sức hấp dẫn cũng bởi như vậy, học sinh đọc trước sẽ quên sau mà thôi, theo tôi nghĩ việc học lịch sử hiện nay cần phải có những thay đổi tạo sức hấp dẫn hơn cho người học phải chuyển sang cách học mới hấp dẫn hơn chẳng hạn như khi học cần có các bộ phim tư liệu bổ trợ giúp lôi cuốn học sinh, học con đường ra đi cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, mà ngay cả những tấm bản đồ phụ họa không có thì chúng ta biết được gì chắc cũng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Ngoài ra trong các sách lịch sử hiện nay nó cũng có nhiều lỗi không đáng có, trong các trận đánh thì chỉ có giặc chết mà ta thì lại không, các số liệu lịch sử đưa ra còn quá thiếu thực tế lịch sử, đó có lẽ là nên dành câu trả lời cho những nhà soạn sách lịch sử…?
Nguyễn Tùng, Hà Nội, tung.nguyen80@...: Nếu chúng ta bắt một đứa trẻ 8 tuổi vốn thích xem phim hoạt hình phải ngồi học thuộc một câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" và nếu nó đọc thuộc trôi chảy câu ca dao đó thì ta gọi là có chất lượng. Chưa chắc, vì câu ca dao đó có tính triết lý sâu sắc và có lẽ phải những người ở tuổi trung niên, khi đã sinh con và nuôi con, khi nhìn thấy bố mẹ đang ở tuổi gần đất xa trời thì mới cảm nhận hết được điều đó.
Lịch sử hay các môn khoa học khác cũng vậy, nó phải xuất phát từ thực tế. Cái mà chúng ta gọi là giáo dục phổ thông hiện nay thực ra chưa thực sự thể hiện được mục tiêu của nó: giáo dục là để giúp một cá thể trong xã hội bước vào đời sao cho được dễ dàng nhất.
Vậy nguyên nhân của việc học sinh học kém môn Sử do đâu?
Áp lực từ việc học quá nhiều nhưng không có kết quả
Lê Đức Nhuận, Trường THPT Tôn Đức Thắng, Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận, boy_single007@...: Việc học môn Lịch sử sẽ giúp ích cho học sinh hiểu biết hơn về Lịch sử nước ta. Nhưng một thực trạng hiện nay là học sinh học Sử mà không biết gì, hầu như học cho có... Đặc biệt là các khối 12, học càng ngày càng nhiều mà không nắm bắt được thông tin gì, kết quả thi môn Lịch sử điểm rất thấp. Tôi nghĩ nên có những phương pháp giảng dạy mới, và việc phân phối chương trình một cách hợp lí, không nên dồn tiết. Hãy cho các em thời gian nhiều hơn...
Người viết sách không nhìn vào thực tế?
Đặng Nam, Daejeon, South Korea, patrick.dang@...: Hồi cấp 3, tôi học ở trường chuyên nên cũng được ưu tiên, nhưng năm ấy thi Sử nên giáo viên đốc thúc bọn tôi học rất nhiều (dù năm ấy chưa triển khai ba không). Thực sự tôi có một cô giáo dạy hay, diễn giải vấn đề rất tốt, và mỗi giờ học đều rất thú vị khi mà cô giáo cho chúng tôi phát biểu và đặt câu hỏi một cách sinh động. Đấy là chuyện trước khi thông báo thi tốt nghiệp môn Sử, sau thông báo thì cô yêu cầu cả lớp tập trung để luyện thi - tức là luyện nhớ số liệu, luyện nhớ những lời bình luận của các nhà viết sử, học cách sao chép các phân tích của họ. Và tôi nhận ra là từ hôm đó, giờ Sử trở nên rất nhàm chán với lớp chúng tôi. Lớp chúng tôi là lớp tự nhiên, chúng tôi vẫn tự hỏi nhau: chúng tôi phải nhớ những sự kiện quá chi tiết làm gì? Liệu sau này chúng tôi có bao giờ dùng tới nó, và liệu bộ não của những đứa học kĩ thuật, học kinh tế trong tương lai sẽ giữ được những số liệu này trong bao lâu? Và quả thật, sau khi thi tốt nghiệp xong, tôi đã quên hầu hết kiến thức của mình.
Tôi nghĩ, VietNamNet có bao giờ thử làm một điều tra nhanh về một số sự kiện lịch sử lớn ở sinh viên các trường đại học không? Để xem bao nhiêu người trong số họ biết ngày bắt đầu Cách Mạng Tháng Tám? Hay năm Việt Nam giành thắng lợi của Điện Biên Phủ? Dám chắc, con số những người không trả lời được những câu hỏi đơn giản được nhắc đi nhắc lại trên TV ấy đáng để giật mình.
Lỗi tại ai? Tôi đọc nhiều ý kiến cho rằng, đấy là vì học sinh, nhưng không thể đổ lỗi cho cả một thế hệ học sinh kém sử, vì dân tộc Việt Nam không hề kém sử, và người Việt Nam khi học sử ở nước ngoài hoàn toàn không thua kém bạn bè các nươc khác? Chả nhẽ Sử của họ hay hơn? Chắc chắn là không. Nếu chỉ một số nhỏ học sinh học kém thì là vấn đề khác, nhưng với tình trạng hiện nay, chương trình làm học sinh "sợ" môn sử - bởi việc nhớ quá nhiều Sự kiện là ác mộng với nhiều học sinh - nhất là học sinh khối A vốn không quen nhớ một cách máy móc.
Và kết quả, thay vì tạo dựng một thế hệ yêu lịch sử nước nhà, biết giữ truyền thống dân tộc, chúng ta đang tạo ra một thế hệ chỉ biết tới 4 chữ: kinh tế thị trường, một thế hệ mà nghe đến môn sử là người ta tặc lưỡi quay đi. Vấn đề này không chỉ ở mỗi môn sử, mà qua dư luận thì rõ ràng có rất nhiều môn trong chương trình sách giáo khoa có vấn đề - vì nếu không đã không có dư luận, từ phụ huynh học sinh phản đối thế. Với môn lịch sử, mong các nhà viết sách hãy nhớ rằng: học sinh càng ngày càng đòi hỏi việc nói lên ý kiến riêng, và sự bùng nổ thông tin khiến nhiều học sinh bây giờ cảm giác ngột ngạt khi bị ép buộc nhìn một sự kiện từ một phía. Tôi hy vọng Bộ Giáo dục sẽ làm được một cuộc "cách mạng", chứ không phải là một cuộc thay đổi theo kiểu chắp vá, manh mún. Tôi không mong một vài năm nữa chúng ta sẽ có ngay một thế hệ yêu lịch sử, nhưng nếu đó là mục tiêu của 10 năm tới, thì hãy thay đổi để những em học sinh lớp 1 bây giờ không phải rơi vào vòng luẩn quẩn của mười mấy năm qua.
Người thầy đóng vai trò quan trọng nhất
Hai Minh, Leiden University, haiminh_chip@...: Tại sao chúng ta cứ đổ tội cho sách giáo khoa nhỉ! Không chỉ môn Sử mà môn nào cũng bị phê phán bởi sách giáo khoa. Dù rằng Bộ Giáo dục đã cố gắng rất nhiều để biên soạn lại SGK nhưng lần nào cũng cho là chương trình nặng. Tôi đang học ở nước ngoài và tôi xin nói rằng, ở đây (Hà Lan) họ chẳng biết sách giáo khoa là gì! Chúng tôi phải đọc hàng tá sách tham khảo. Chính sự so sách giữa các cách viết khác nhau, cách lựa chọn thông tin khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, giúp học sinh-sinh viên hiểu vấn đề hơn. Và người Thầy không chỉ đơn thuần là truyền kiến thức mà còn truyền “lửa” cho học sinh nữa. Tôi đồng ý với bạn Trung Tuấn, giáo viên phải là người chắt lọc thông tin rồi chuyển tải cho học sinh. Chính giáo viên mà còn căng thẳng chuyện chạy theo giáo trình thì làm sao mà còn truyền cảm hứng cho học sinh được. Đành rằng đề thi của chúng ta còn rất nhiều bất cập, những với lối dạy chỉ biết khung chương trình thì làm sao mà có những câu hỏi bắt học sinh suy ngẫm được. Theo tôi, sự chủ động của người Thầy vẫn là quan trọng nhất. Tôi nói thế vì tôi cũng là người học Lịch sử, giảng dạy Lịch sử.
Học sinh phải tự xem lại mình
My Huong, Tp. Hồ Chi Minh, Kukucamen@...: Trong những năm gần đây, điểm số môn Lịch sử trong các kỳ thi cứ càng ngày càng kém đi. Người ta nêu lên hết lý do này đến lý do kia, nhưng cuối cùng lại đổ tại sách giáo khoa, rồi tại giáo viên... Thật ra, những điều đó đều không đúng. Điều phải bàn ở đây là về phía học sinh. Tôi thuộc thế hệ 8X, mới ra trường cách đây vài năm, nhưng cho đến bây giờ các sự kiện lịch sử học trong suốt những năm phổ thông tôi còn nhớ rất rõ mặc dù ngày đó tôi rất vất vả, ngoài giờ học phải đi làm thêm để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Có lẽ các em học sinh phải xem lại mình đi, cũng là chương trình lịch sử ấy, cũng bằng ấy sự kiện sao các em lại không nhớ được. Đừng đổ lỗi cho sách vở, thầy cô nữa.
Cách dạy môn lịch sử Nguyễn Nha Trang, Tiền Giang, nhatrang101994@...: Theo ý kiến tôi, phương pháp dạy môn lịch sử và cách chấm bài đã làm học sinh không thể đạt điểm cao môn lịch sử. Về phương pháp dạy: không tạo được sự hứng thú cho học sinh phổ thông, bài giảng dài lê thê, sau đó cho học sinh chép chủ yếu từ sách giáo khoa với những ngày tháng năm chi chít và bắt học sinh nhớ tất cả những chi tiết quan trọng và cả ít quan trọng tạo tâm lý sợ học và mau quên. Về cách chấm bài: chỉ cần học sinh quên một chữ khi trả bài hay thiếu 1 từ trong khi làm bài là giáo viên mạnh tay trừ 1-2 điểm. Không những thế, nếu học sinh trả bài mà đọc hơi chậm hay ngắc ngứ là bị đuổi về và cho điểm 1 (đang xảy ra ở trường PTTH Tiền Giang). Đề xuất: cải tiến phương pháp dạy để hứng thú, những mốc quan trọng thì học sinh phải nhớ, những kiến thức khác hãy xem như là bài đọc thêm, nếu em nào nắm được thì đạt điểm tối đa. Cải cách: Không riêng gì môn Lịch sử Trần Yến, khoikhoa@...: Tôi thấy báo chí nhiều năm nay nói nhiều về dạy và học môn Lịch sử. Một sự thật thấy rất rõ về sự xuống cấp của nhận thức học sinh về bộ môn này. Có lẽ cũng để thể hiện sự quan trọng của bộ môn mà bốn năm liền Bộ Giáo dục quyết định môn Lịch sử là môn thi tốt nghiệp. Bộ cũng muốn thông qua đó để học sinh chú tâm học bộ môn này. Tuy nhiên cũng phải thấy sự xuống cấp này không chỉ ở môn Lịch sử mà cả ở các môn XH khác trong đó có môn Địa lí. Bộ Giáo dục đã nhiều năm không cho môn Địa lí thi tốt nghiệp. Ở nhiều trường phổ thông đã thể hiện sự coi thường môn Địa lí hơn so với môn Lịch sử ở một bộ phận không nhỏ học sinh. Các giáo viên địa lí mới vào nghề không có điều kiện tiếp xúc học hỏi qua các kì thi làm cho một bộ phận giáo viên mới ra trường có cảm giác tự ti rồi chán nghề, một bộ phận khác lại không có điều kiện học hỏi để nâng cao trình độ. Nếu không nhìn nhận ra vấn đề xuống cấp không chỉ ở môn Lịch sử rồi chúng ta sẽ phải mất nhiều năm giải quyết hậu quả trong việc xuống cấp ở các môn học khác nữa nhất là môn Địa lí rất gần với môn Lịch sử. Cường, PT: Không riêng gì môn sử, GD của chúng ta hiện nay quá nặng về trình bày, các môn học thì là nhồi nhét cho học sinh để khi tốt nghiệp cấp 3, các em là những giáo sư "biết tuốt". Nhưng khốn nỗi biết đâu không biết mà chỉ thấy lơ tơ mơ như kẻ mộng du. Đến bây giờ sau 7 năm tốt nghiệp PTTH tôi đã quên sạch các kiến thức Toán, Lý, Hóa vì tôi không dùng nhiều đến chúng. Chỉ có mỗi môn Sử, Địa là vẫn tốt vì tôi chăm đọc sách về 2 môn này. Thiết nghĩ nếu cải cách giáo dục không thực sự hiệu quả, cứ mãi loanh quanh tìm lối ra như những năm vừa qua thì nền GD của chúng ta vẫn sẽ mãi yếu và tụt hậu so với thế giới. Ngày xưa đi học cấp 3 bố tôi chưa biết Tích phân là gì, lớp 8/10 mới học môn Hóa. Muốn biết nhiều hơn thì học ĐH, còn bây giờ người ta nhồi nhét đủ thứ vào đầu ngay từ bé mong thành những "thần đồng". Phải cải tiến nền GD theo hướng học sinh tự vận động, tự nghiên cứu, giáo viên chỉ là những người đinh hướng và trả lời các câu hỏi học sinh đưa ra thôi. Học Sử mà đến mức cô đọc trò chép luôn tay còn chưa hết bài thì dựa vào cái gì mà đòi hỏi học sinh hiểu được bài trong khi học sinh không có thời gian hoặc không bao giờ có thói quen đọc trước bài mới.
Giáo dục: Cần thay đổi tận gốc. Đinh Tất Đạt, Hà Nội, dinhtatdat@...: Cậu bé chưa nhìn thấy cầu vồng bao giờ nên vẽ “cái gì đó” mà không phải cầu vồng. Cô giáo phê: “Good”. Ít lâu sau, một lần theo cha ra biển, bất ngờ, nhìn thấy cầu vồng rực rỡ sau cơn mưa, cậu bé lập tức vẽ và nộp cho cô giáo. Cô giáo lại phê: “Very good”. Cha của cậu bé không hiểu ra sao, đến trường hỏi cô. Cô giáo trả lời: “Khi cháu chưa được nhìn thấy cầu vồng, cháu vẽ cái mà cháu cho là cầu vồng. Còn sau khi cháu đã nhìn thấy, cháu vẽ đúng là cầu vồng rồi, thì cháu sẽ không bao giờ vẽ sai nữa”. Thực tình nền giáo dục nước ta đã áp dụng gần 27 năm kể từ sau cải cách 1982. Đó là nịnh nhau và lại nịnh nhau mà thôi. Việt Hoàng, hangochoa@...: Nền giáo dục của ta chỉ tạo ra những con người thụ động, yếu kém toàn diện từ kiến thức đến kỹ năng, thái độ... Nó hạn chế hết sức lớn tới sự phát triển của đất nước. Ngày nay, thật xót xa khi đất nước đã vào WTO mà các doanh nghiệp VN, từ trong khu vực quốc doanh đến khu vực tư nhân, cũng như các hộ sản xuất nhỏ, cá thể... đều tỏ ra rất yếu kém trong kinh doanh, sản xuất... Chúng ta đang thua ngay trên sân nhà. Chúng ta đã đứng trước một nguy cơ bị nước ngoài bóp nghẹt. Tất cả đều tỏ ra lúng túng, từ làm ăn đến quản lí thị trường. Điều này căn nguyên từ đâu? Từ giáo dục và cơ chế bao cấp! Giáo dục đã không giúp mấy cho người ta cách suy nghĩ sáng tạo, không dạy cho người ta năng động, sáng tạo, dám khám phá, tìm tòi. HL: Học sinh của chúng ta lý thuyết rất giỏi nhưng khi ra công tác thì cái gì cũng ngơ ngẩn bối rối không biết xử lý trong thực tế, khả năng thực hành kém, không biết cách tự khẳng định trong , không biết hoạt động liên kết trong môi trưởng nhóm tập thể, thụ động, thiếu chính kiến, thiếu sáng tạo... Đầu tư cho giáo dục không ít năm nào cũng hô hào cải cách sửa đổi, chóng mặt thầy cô và học sinh nhưng sản phẩm đào tạo thì ngày càng mụ mỵ nặng về lý thuyết, sáo rỗng tri thức và quặt quẹo phong cách... Thầy cô luôn bị động trong chương trình, lượng lý thuyết quá lớn, giờ học thành công nghệ nhồi xuống... cho kịp bài, kiến thức không được tương tác cảm nhận thành tri thức của người học. Tiêu chuẩn đánh giá thầy cô và học sinh ngày càng biến dạng theo những khuôn điểm số đầy hình thức ảo giác, chất lượng đi xuống là chí phí sẽ tốn kém đời sống nhà giáo khó khăn. Chi phí xã hội tăng lên mà thành quả thì lại là gánh nặng cho đất nước và mỗi gia đình... Thời gian học lý thuyết tư tưởng đè nát các tri thức chuyên môn, khả năng cảm nhận thực hành, khả năng vận dụng xử lý trong thực tế, khả năng sử dụng tri thức để sáng tạo, ngày càng quá tải về những công thức lý thuyết chuyên môn lẫn tư duy xã hội. Giáo dục là sự tương tác cảm nhận giữa thấy và trò, giữa các trò, giữa các con người để ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn tự nhiên, xã hội và tư duy. Giáo dục không có chỗ cho sự nhồi nhét, sự áp đặt, định kiến, sự mờ ảo, và đạo đức giả. Phải sửa từ tư duy rồi sửa cơ chế tổ chức và phương pháp.
Nhân vấn đề lịch sử, bài viết về mộ vua Hàm Nghi cũng được nhiều người quan tâm: Trong lịch sử dân tộc, vị vua trẻ tuổi Hàm Nghi đã dám rời xa cung vàng gác tía, từ chối cuộc sống xa hoa trong lâu đài điện ngọc để bôn tẩu lên vùng căn cứ Tân Sở cùng toàn dân kháng chiến. Ông cũng là người đã ra chiếu “Cần Vương”, kêu gọi biết bao anh hùng nghĩa sĩ dựng cờ kháng chiến, khẳng định một chân lý tuyệt vời “Khi nào nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Tuy nhiên, ít người biết rằng mộ phần của Vua Hàm Nghi vẫn còn bơ vơ nơi một vùng quê của Pháp. Phải chăng chúng ta đang xây dựng những tượng đài của các anh hùng dân tộc để giáo dục tinh thần yêu nước thì vấn đề này cũng cần được quan tâm?
Từ câu chuyện học sinh không ham học sử, đến tình trạng 119.000 học sinh bỏ học trong học kỳ I (2007-2008), nhiều bạn đọc góp ý, giáo dục cần nhận được sự thay đổi tận gốc.
Ảnh: gettyimages.com
Mộ vua Hàm Nghi ở nghĩa trang Thonac (Pháp). Ảnh minh hoạ: diendan.org.
Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được những phản ánh của bạn đọc xung quanh các vấn đề khác:
Vũ Trương, Bến Tre, vutruong_tpg@...: Tôi có một thông tin này kính mong Tòa soạn cho đăng lên để cảnh báo về một hiện tượng xảy ra đã nhiều năm nhưng không được triệt tiêu. Một anh bạn bán lúa được gần 7.000.000 đồng, nhưng trong đó có tờ 200.000 đồng là tiền giả, phải tinh ý mới biết được (tuy màu sắc cơ bản là giống với tiền thật, nhưng tiền giả có độ bóng hơn tiền thật, chữ và hoa văn không sắc bằng tiền thật - bằng mắt thường phải là người thường xuyên sử dụng mệnh giá này mới biết được). Loại tiền này do được in bằng công nghệ cao nên rất tinh vi (nghe nói xuất xứ tại nước ngoài). Tôi cảm thấy căm phẫn và “đau” quá! Đang thời kỳ lạm phát trầm trọng khiến người dân lao động điêu đứng, buồn thay trong số họ cũng chính là nạn nhân của nạn tiền giả. Báo chí đã nhiều lần thông tin về việc Công an bắt được bọn buôn tiền, cách xử lý thế nào mà vấn nạn nầy không giảm mà ngày một gia tăng? Nên chăng đưa ra mức phạt cao nhất cho loại tội phạm này, đã tiếp tay cho bạn làm tiền giả phá hoại kinh tế nước ta để răn đe những kẻ khác muốn kiếm tiền bất chính, bất kể hậu quả cho đồng bào mình, dân tộc mình.
Nông dân đang ngày càng nghèo đi. Trần Thanh Phong, Long Sơn, Long Bình, Quận 9 TP.HCM, phongttsdc@...: Quê tôi ở Tiền Giang, nhà tôi sản xuất trái cây rất nhiều nhưng bán chẳng bao nhiêu tiền. Tại thời điểm này, giá xoài ở quê tôi là 1500 đồng/kg. Còn ở TP. HCM, tôi phải mua với giá là 7500 đồng/kg. Từ Tiền Giang lên TP. HCM chưa tới 100 km mà giá đã thay đổi như vậy. Lý do là hàng hoá đã qua tay rất nhiều trung gian nên giá cao như vậy. Điều đó cho thấy rằng thương nghiệp dành cho nông sản quá yếu kém. Tôi mong Chính phủ nên quan tâm giải quyết vấn đề này. Phải thúc đẩy mở rộng giao thông cho khu vực ĐBSCL, Nhà nước nên giữ vai trò chủ đạo trong việc tìm đầu ra cho nông sản VN.
Đỗ Văn Nhân, Trần Hưng Đạo, TX Kon Tum, Kon Tum, nhantamlam_tpkt@...: Ý tưởng tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông bằng truyện tranh là một phương pháp mới mà Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra, đây là một trong những phương pháp tuyên truyền mà nó có ý nghĩa đặc thù, tác động đến thế hệ tương lai của đất nước tránh những thảm họa do tai nạn giao thông gây ra. Mặc dù là ý tưởng rất hay nhưng để nó trở thành hiện thực và niềm yêu thích để các em chọn phần lớn thể loại truyện này thì không phải chuyện đơn giản. Bởi tuyên truyền bằng thể loại truyện tranh về pháp Luật giao thông đường bộ vẫn còn thể hiện ở nhiều điều luật rất khô cứng như tuân thủ tín hiệu, lối dành cho người đi bộ, văn hóa đi xe buýt, cách đi xe đạp an toàn… Như vậy, sẽ làm cho các em rất ít quan tâm vì thể loại truyện nhàm chán.
Theo tôi, trong một bộ truyện tranh cần thể hiện một vài chi tiết thảm họa và dẫn chứng điều luật một cách khéo léo, có yếu tố gây cười tạo nên sự cuốn hút nhất định bằng những tình huống gây tò mò muốn theo dõi những tập tiếp theo. Khi đó không cần phải phát truyện miễn phí mà tự các em sẽ tìm đến với truyện. Có như vậy, mới cạnh tranh được với các thể loại truyện tranh nước ngoài ít khi có yếu tố giáo dục theo bản sắc riêng của con người Việt Nam như: các em tìm đọc những loại truyện nói về yêu đương không phù hợp với lứa tuổi, các truyện tranh bạo lực, thần thánh phép màu… mà không tìm đọc những thể loại truyện mang yếu tố giáo dục con người, nhân cách, đạo đức, lối sống cho các em.
Chính vì lẽ đó, để ý tưởng tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn giao thông bằng truyện tranh trở thành hiện thực và được nhân rộng trên cả nước thì các tác giả viết truyện cần phải có cách nhìn toàn diện từ am hiểu lứa tuổi, sở thích của các em đến thể hiện phần nội dung trong cuốn truyện, lồng ghép với các tình huống pháp luật, không chỉ riêng Luật giao thông đường bộ mà còn các luật khác như Luật hình sự, dân sự…thì mới cuốn hút, tạo nên tâm lý tò mò của các em góp phần xây dựng nhân cách, ý thức pháp luật của thế hệ tương lai của đất nước.
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của quý vị độc giả và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!