- Xin hãy một lần lắng nghe chúng cháu! Với chương trình hiện nay - nặng gấp đôi so với các chương trình trước đây và số tiết giảm một nửa so với trước đây - thì thử cháu phải học thế nào?
Bài tham gia Diễn đàn "Những bức thư học trò : Mong được sự quan tâm"
Kính gửi các bậc phụ huynh cùng tất cả những ai quan tâm đến thực trạng ngành GD nước ta hiện nay. Cháu hiện là một học sinh lớp 11 - lứa học sinh đầu tiên thử nghiệm chương trình cải cách GD. Những dòng cháu viết dưới đây không phải là quan điểm của cá nhân cháu mà còn là ý kiến của rẩt nhiều bạn học sinh. Cháu không hiểu tại sao nhà nước ta bỏ ra hàng núi tiền để thực hiện cải cách SGK, thực hiện chương trình học phân ban rồi ngay sau đó lại muốn ghép kì thi đại học và thi tốt nghiệp làm một (tức là chúng cháu phải thi gần hết các môn đang học trên lớp). Việc ghép 2 kì thi làm một càng có lợi cho học sinh kém, càng không đánh giá đúng chất lượng học sinh, càng không chọn ra được những học sinh thật sự xứng đáng vào đại học. Trường cháu từ xưa đến nay chưa từng tổ chức học nghề, thế mà năm nay phải tổ chức để tránh thiệt cho học sinh vì sợ xét học bạ. Như vậy, việc ghép 2 kì thi làm một và việc học chương trình phân ban có thực sự đem lại lợi ích cho học sinh, hay nó chỉ gây lãng phí tiền bạc của nhà nước, của xã hội? Có nhiều ý kiến cho rằng, thi như vậy sẽ tránh hiện tượng học sinh học lệch, chỉ quan tâm học các môn "chính". Cháu không tán thành với ý kiến này bởi lẽ chính sự phân ban - cải cách của bộ - mà chúng cháu không thể học một lúc 12 môn học mà môn nào cũng tốt cả. Với chương trình hiện nay (nặng gấp đôi so với các chương trình trước đây và số tiết giảm một nửa so với trước đây) thì thử hỏi cháu phải học thế nào. Nếu một bài lịch sử dài mười mấy trang trước kia học trong 2 tiết thì bây giờ chỉ học trong 1 tiết, cả cô và trò cùng phải chạy cật lực. Thế thì làm sao mà chất lượng giáo dục chả giảm. Bộ GD luôn nói rằng giảm tải chương trình học, thực chất thì ngược lại. Chúng cháu học lớp 11 nhưng có thể giải dễ dàng 1 số bài tập của các anh chị lớp 12, trong khi đó các anh chị thì không giải được bài tập của lớp 11? Đối với hiện tượng học lệch ngay như lớp cháu cũng có thể thấy rõ, cháu có thể đưa ra vài ví dụ: Trên lớp chúng cháu có học môn công nghệ (dạy cơ khí), có một bạn trai đã hỏi cháu: "Cậu nghe giảng để sau này trở thành thợ sửa xe à?". Hay như có bạn ngạc nhiên hỏi cháu: Nước Mĩ nằm ở châu Mĩ à? Bây giờ tao mới biết(!?!) Một vài câu hỏi nữa đại lọai như: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm bao nhiêu? Cách mạng dân chủ tư sản Pháp năm nào?… Đó là những câu hỏi ngô nghê thật buồn cười nhưng cũng thật đáng buồn. Chúng cháu học ban A nên học toán, lí, hóa rất nặng. Có hôm chúng cháu phải học 3 tiết toán đại liền nhau, thế mà bạn cháu buổi sáng đi học thêm hai tiết toán đại, chiều học 3 tiết đại trên lớp, đến tối lại học thêm 2 tiết toán hình. Cháu nghe kể xong mà hoảng. Cháu cũng cho rằng việc xếp lịch một môn học trong mấy tiết liền nhau là không hợp lí, dễ gây chán nản, mệt mỏi cho cả cô và trò. Hồi trước có hôm chúng cháu học: "hình, hình, hóa, hóa, lí", hôm thì "lí, lí, hóa, đại, đại"… Cháu cho rằng, nguyên nhân học lệch hiện nay chính là do quan niệm trước đây ăn sâu vào suy nghĩ, và bản thân nhiều thầy cô cũng tự cho môn của mình là môn phụ. Cháu cũng không hiểu nổi tại sao nước ta cải cách GD rồi mà chất lượng học sinh lại tồi tệ đến vậy. Phải chăng những người đề ra các vấn đề cải cách trong GD là những người không hiểu gì về chúng cháu, xa vời thực tế. Tại sao các vị lãnh đạo không một lần lắng nghe, một lần áp dụng ý kiến của chúng cháu. Tại sao lại cứ phải viết lại SGK tiếng Anh mà không theo chương trình do người Anh viết ra cho người nước ngoài học tiếng Anh. Thiết nghĩ, Bộ GD cần lắng nghe tiếng nói thực tế, cùng với tầm nhìn xa trông rộng để chấn hưng nền GD nước nhà.
Ảnh: Lan Hương
-
HD - Học sinh lớp 11
Ý kiến của bạn?