- Cải cách hành chính với Luật công chứng, tình hình điện, nước sinh hoạt trong cái nắng mùa hè oi ả là những vấn đề được bạn đọc quan tâm trong tuần vừa qua.
EVN cho biết, từ cuối năm 2007 đã xây dựng kế hoạch phát điện của toàn hệ thống năm 2008 là 80 tỷ Kwh, tăng 15,82% so với 2007, nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội. Nhưng thực tế, toàn miền Bắc đã phải sống chung với cắt điện từ giữa tháng 3/2008 tới nay và mức cắt giảm thì ngày một tăng cao. Nếu trước còn cắt vào giờ cao điểm thì nay cắt liền một mạch từ sáng tới tối.
Toàn miền Bắc đã phải sống chung với cảnh cắt điện từ tháng 3. Ảnh minh hoạ: Phạm Hải.
Chia sẻ với vấn đề này, nhiều bạn đọc đã có ý kiến đóng góp. Thái Công Bắc, Cầu Giấy, Hà Nội, thaicongbac@...: Mới bắt đầu vào hè mà mấy tuần nay khu vực các phường Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Mai Dịch, Yên Hoà thuộc quận Cầu Giấy mất điện, mất nước triền miên. Mất điện, mất nước đã tạo thêm khó khăn chồng chất. Những người dân trong khu vực chỉ biết kêu trời. Thành phố phát triển kiểu gì mà chung cư "cao cấp" mấy chục tầng mất điện, mất nước, sáng chiều phải cuốc bộ cầu thang mấy chục tầng, cư dân thành phố lại phải đổ xô đi khoan giếng ngầm? Nguồn nước đó có bao hiểm họa, ô nhiễm?
Bạn Văn Định, hoang_vandinh2000@... góp ý: Thời gian qua, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực về tình trạng thiếu điện ở nước ta. Có phải các vị lãnh đạo ngành điện đã ’’bó tay’’, không tìm ra được hướng giải quyết ngoài một cách là cắt điện - cách mà tôi nghĩ một người không ở trong ngành cũng nghĩ ra được. Hãy nhìn ra các nước mà học tập, tôi ở Hàn Quốc gần hết 3 năm rồi mà nơi tôi ở chưa bị mất điện đến một lần. Tôi nghĩ đa thành phần trong việc cung cấp điện tới người sử dụng sẽ tốt hơn cho tình hình của ngành điện ở nước ta hiện nay cũng như trong tương lai. Bạn Vũ Minh, Thị xã Lai Châu lại cho rằng thiếu điện cũng có nhiều nguyên nhân. Trong đó có cả nguyên nhân lãng phí, như đầu tư sản xuất bằng công nghệ lạc hậu "ăn điện" nhiều mà hiệu quả thấp, khối cơ quan nhà nước sử dụng điện hết sức lãng phí, nhiều thiết bị điện không sử dụng vẫn bật điện, thậm chí một phòng làm việc diện tích 12m vuông sử dụng tới 02 máy điều hoà... Nhưng nguyên nhân chủ yếu xem ra là của các quan chức EVN. Bàn về cách tiết kiệm điện, bạn Đỗ Mạnh Cường, Kim Bắc, Bắc Ninh có ý kiến: Cùng với tốc độc tăng trưởng về mọi mặt, nhu cầu sử dụng điện cũng tăng một cách chóng mặt, dẫn đến tình trạng thiếu điện như hiện nay. Vậy, chúng ta phải làm thế nào để giảm thiểu việc thiếu điện một cách hợp lý nhất. Tôi thấy, các gia đình đều tiết kiệm điện do họ dùng bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu. Tuy nhiên, tại nhiều cơ quan, công ty trực thuộc Nhà nước và doanh nghiệp quốc doanh nói chung, việc sử dụng điện rất bất hợp lý, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí. Lý do thì cũng đơn giản, vì họ không phải là người trả tiền điện. Những nơi này cũng chưa quán triệt việc nhắc nhở, giao trách nhiệm đối với những người sử dụng điện. Và một điều đặc biệt nữa là trong khi chúng ta đang hàng ngày, hàng giờ tuyên truyền, nhắc nhở tiết kiệm điện thì ở đâu đó, vẫn thấy nhiều con phố, cơ quan, công viên trời chưa tối nhưng tất cả các cây cột điện đã sáng hết công suất. Theo tôi, tại sao chúng ta không quán triệt việc sử dụng điện ở những nơi công cộng hoặc giảm thiếu số cột điện chiếu sáng thay vì tất cả các cột điện đều sáng để rồi cứ phải cắt điện cả ngày trời? Để làm được tốt việc này thì chúng ta nên có cách tuyên truyền, dán băng rôn ở tất cả các nơi làm việc liên quan đến sử dụng điện, và các cơ quan có thể ra một số quy định khắt khe hơn đối với việc sử dụng điện.
Một cảnh chen chúc tại phòng công chứng. Ảnh: V.A.
Thực tế, Luật Công chứng đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2006 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Ngay từ tháng 1 năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật này, trong đó quy định Sở Tư pháp là nơi tiếp nhận hồ sơ mở VPCC và trình UBND tỉnh, thành. Thế nhưng, các công chứng viên còn phải chờ UBND xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới các phòng công chứng. 36 người được bổ nhiệm công chứng viên vẫn chưa được nộp hồ sơ để mở văn phòng. Công chứng tư vẫn chỉ là khái niệm nằm trên giấy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Từ thực tế công chứng công, bạn Hoàng Trung Hà, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội viết: Tôi là một công dân vừa mới đi công chứng ở phường về, tôi thật sự không hài lòng về cách công chứng của phường vì thái độ của nhân viên: cửa quyền, chủ yếu hành là chính, làm việc không chuyên, trong giờ làm việc mà vừa làm vừa nói chuyện dẫn đến việc làm mãi không xong một hồ sơ, cứ hẹn tới hẹn lui. Còn một vấn đề nữa, đó là thu tiền vô tội vạ, không có hoá đơn thu tiền. Cũng từng đó giấy tờ, lần trước đi công chứng cách lần thứ 2 ba ngày mà đã thu giá tiền chênh nhau lên 30.000 VND. Bạn Nguyễn Trọng Hoàng, Phố Hoa Bằng, Cầu Giấy, HN, tronghoang77@... có ý kiến: Tôi có hai người bạn, đều đã được bổ nhiệm làm công chứng viên và tham gia xây dựng đề án, lập hồ sơ để mở văn phòng. Nhưng, thực tế mọi việc không hề đơn giản như quy định của Luật Công chứng và Nghị định hướng dẫn thi hành. Chờ đợi tháng này qua tháng khác, nhưng mọi việc vẫn chỉ là... đợi chờ! Khi chưa có nghị định hướng dẫn thì chờ Nghị định, có Nghị định rồi thì chờ chủ trương của lãnh đạo TP? Bạn Nguyễn Văn Thanh, Hà Nội, Vanthanh2000@... cho rằng: Việc trên bảo dưới không nghe đã trở thành phổ biến, Quốc hội cứ làm Luật, Chính phủ cứ ra Nghị định nhưng thực hiện hay không là quyền của địa phương, của chính quyền cơ sở. Chúng tôi đề nghị Quốc hội phải giám sát việc thi hành Luật công chứng chứ không nên ban hành xong chỉ hiệu lực trên giấy. Chính phủ cần xử lý nghiêm các địa phương, cá nhân không chấp hành hoặc chậm trễ, phải bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức do việc chậm trễ này gây nên.
Tuần này, báo điện tử VietNamNet nhận được nhiều phản ánh của người dân xung quanh các vấn đề xã hội:
Vietnam Airlines làm hành khách thất vọng: Nguyễn Việt Sơn, Chung cư Phan Tây Hồ, Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, nvsondonovan@...: Vụ việc của Vinapco không chịu bơm xăng cho Pacific còn chưa dứt tiếng, thì chiều ngày 12 tháng 4 năm 2008, VNA lại thể hiện sự độc quyền và coi thường khách hàng của mình trên chuyến bay VN324 đi Đà Nẵng. Hành khách được xếp lên khoang tàu bay từ trước giờ bay là 16.00 như thường lệ. Tuy nhiên, khi hành khách đã yên vị trên máy bay, chờ khởi hành thì mới phát hiện ra là máy bay không có điều hoà. Nhiệt độ của máy bay tăng lên, cùng với sự bực tức của khách hàng. Đáp lại sự bực bội này là một sự yên lặng của đoàn tiếp viên và phi hành đoàn.
Ảnh minh họa: Bạn đọc cung cấp.
Sau khi nhiều khách hàng thể hiện sự bực bội, đoàn tiếp viên đã bắt đầu đưa ra thông báo đầu tiên và các thông báo tiếp theo về sự trễ giờ. Tuy nhiên, một điều nực cười là tất cả các thông điệp đó đều bằng tiếng Anh, mà trong khi đó nhiều người trên chuyến bay là người Việt Nam. Nhiều hành khách phản ứng không chịu bay tiếp, VNA đã ra thông báo về việc trì hoãn chuyến bay, với lý do khách hàng bỏ chuyến bay.
Thiết nghĩ, với một sự cố kỹ thuật tưởng chừng đơn giản, mà VNA lại thể hiện mình như một ông lớn, cho mình cái quyền được ứng xử với khách hàng theo ý muốn của mình. Sự việc này, nếu không được chấm dứt thì dường như khả năng cạnh tranh của VNA trong tương lai với các hãng hàng không khác sẽ là rất thấp.
Thi công giếng S2 gây tắc nghẽn cống thoát nước: Võ Quang Thuận, Bùi Thị Xuân, phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM: Công trình thoát nước Nhiêu Lộc, Thị Nghè, trong đó việc thi công giếng S2 gần cầu số 2 đã làm tắc nghẽn cống thoát nước của trên 30 hộ dân hẻm 218/39 - hẻm 218. Hiện nay, nước cống không thoát ra kênh được, đang ngập úng và bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, xung quanh xuất hiện nhiều muỗi. Đặc biệt, khu vực này có trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, trẻ em đi học phải lội nước cống để đi. Sự việc này diễn ra gần 2 tuần lễ, công ty thi công không thấy có hướng giải quyết.
Ảnh minh họa: Bạn đọc cung cấp.
Giá vé xe buýt tăng tuỳ tiện: Nguyễn Thị Phượng, Gia Lộc, Hải Dương: Trên tuyến xe buýt 202 (Hà Nội - Hải Dương) từ hơn nửa tháng nay đã diễn ra một thực trạng thu tiền vé rất… gây bức xúc. Đó là việc nhân viên thu tiền hành khách không đúng với giá tiền ghi trên vé. Trên vé ghi giá toàn chặng Hà Nội - Hải Dương là 14.000 đồng nhưng mỗi hành khách đều phải trả 17 ngàn đồng. Khi bị thắc mắc thì anh nhân viên thu tiền trả lời rằng giá vé tăng nhưng chưa kịp in lên vé (?!). Tình trạng thu sai giá vé như vậy đã diễn ra gần nửa tháng nay gây bức xúc cho người đi xe. Đề nghị ngành chức năng kiểm tra, xử lý ngay.
Liên lạc cách nào?: Nguyễn Thế Vinh, Q.Tân Bình, TPHCM, nguyenthevinh41@yahoo.com: Trong bài "Truy đuổi tội phạm, cần báo ngay cho cảnh sát", thượng tá Nguyễn Đông Điệu có khuyến cáo người dân khi phát hiện tội phạm, bằng mọi cách nên báo ngay cho lực lượng cảnh sát nơi gần nhất.
Đối với người dân địa phương thì điều này là có thể thực hiện, vì họ có thể có số điện thoại của CA phường, nhưng với người đi đường, họ phải báo bằng cách nào nếu gặp chuyện nguy hiểm? Họ không thể có số điện thoại của CA phuờng sở tại, trong khi, theo kinh nghiệm bản thân tôi, rất khó gọi điện cho lực lượng CS 113 nếu không phải gọi từ điện thoại bàn.
Tôi đã từng chứng kiến một vụ TNGT trên đường, thủ phạm bỏ chạy, tôi cùng 1 người khác đuổi theo giữ lại, dùng ĐTDĐ gọi cho CS 113 nhưng họ đề nghị gọi lại từ máy bàn để "kiểm chứng thông tin và địa điểm". Khi gặp những trường hợp tương tự như vậy tôi phải xử lý làm sao?
Văn minh đô thị thực hiện chưa đồng đều: Hồng Hà, 246/2/7 KP3, TTHiệp, Q.12, TP.HCM, ph_hong_ha@...: Tôi sống ở gần chợ Thị Nghè, P.19, Quận Bình Thạnh (địa phận này giáp ranh với quận 1, chỉ cách kênh Thị Nghè là sang quận 1 rồi), tại đây có một chợ cóc trên đường Phan Huy Ôn (gần Chợ Thị Nghè). Phan Huy Ôn là 1 con đường để lưu thông, thế mà từ bấy lâu nay nó đã biến thành chợ từ lúc nào?
Nghe nói trước đây đã có những cán bộ phường cương quyết dẹp và tuyên bố "không dẹp được thì sẽ từ chức". Ấy vậy đường vẫn bị chiếm dụng, mấy tuần gần đây thấy xe công an có đi qua đi lại, nhưng rồi cũng như "bắt cóc bỏ đĩa".
Năm 2008 này, TP.HCM đang phát động "Sống văn minh đô thị" toàn thành phố, nhưng chúng tôi cảm thấy hình như chỉ làm bộ mặt ngoài đường lớn còn những đường nhỏ (dù có gần trung tâm TP) thì cũng mặc kệ.
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của quý vị độc giả và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!