- Khó khăn lớn nhất đang hiện hữu đối với giáo viên dạy tiếng Pháp chúng tôi không phải là lượng học sinh học tiếng Pháp ít hơn, mà là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong ngành với một đội ngũ giáo viên nhiệt tình, năng động, yêu nghề, chuyên môn cao.
Dự án tăng cường tiếng Pháp từ những ngày đầu năm học 1992-1993 được quan tâm nồng nhiệt từ phía học sinh, các quí cha mẹ học sinh và các nhà lãnh đạo.
Chương trình biểu diễn của các bạn học sinh tiếng Pháp. Ảnh: Idecaf.
Với những thành tích đạt được sau 12 năm dự án, chúng tôi hoàn toàn có thể tự hào giương cao một ngọn cờ trong ngành giáo dục vì đã đưa một phong cách giáo dục, một phương pháp học ngoại ngữ mới và hiệu quả nhất ở Việt Nam - một tiền đề để bây giờ, các môn ngoại ngữ khác học tập và làm theo. Nhưng khó khăn lớn nhất lại đang hiện hữu trong chúng tôi không phải là lượng học sinh học tiếng Pháp ít hơn, cha mẹ học sinh cũng không chú ý đến tiếng Pháp nhiều hơn mà là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo trong ngành với một đội ngũ giáo viên nhiệt tình, năng động, yêu nghề, chuyên môn cao.
Cuộc họp ngày 28/12/2006 với lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội đã nêu ra không ít khó khăn và không ít kiến nghị, chúng tôi tràn trề hi vọng được cấp trên quan tâm và giải quyết nhưng hơn một năm qua, chúng tôi chưa nhận đựơc một sự giải quyết thoả đáng nào.
Tháng 12 năm 2007, chúng tôi lại vui mừng được tham dự cuộc họp với Ban Điều hành Chương trình song ngữ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – mới được thành lập. Trong cuộc họp này chúng tôi được nghe rất nhiều những thông tin từ nhiều phía. Từ cuộc họp của Bộ Giáo dục với Đại sứ quán Pháp, thứ trưởng Bành Tiến Long đã nói rõ quan điểm phát triển đa ngôn ngữ trong giảng dạy. Ngài Đại sứ cũng bày tỏ sự quan tâm bằng cách nói: “Đang có lửa trong ngôi nhà Pháp ngữ tại Việt Nam, tôi nguyện là người đầu tiên lái xe cứu hoả để dập tắt đám cháy đó.”
Dự án Valofrase đang tiến triển. Chúng tôi như được chắp thêm cánh vì được nghe những lời quan tâm từ các cấp lãnh đạo, những phương hướng và cách giải quyết những khó khăn về sách giáo khoa, nội dung chương trình, những hạn chế về môi trường xã hội.
Cuộc họp tưởng như kết thúc thì chị Ngọc – một trong số những giáo viên từ những ngày đầu dự án Song ngữ đứng lên bày tỏ suy nghĩ của chị: Từ những ngày đầu dự án, thù lao do phía Pháp trả cho giáo viên Tiểu học là 40.000 đồng/1 tiết dạy, và hè vẫn được hỗ trợ lương. Năm 2000, phía Pháp chỉ hỗ trợ 50% lương, họ trả cho giáo viên Tiểu học là 19.500đồng/1 tiết dạy. Và nay, từ năm 2004, theo công văn hướng dẫn của Bộ Giáo dục, của Sở Giáo dục Hà Nội, chúng tôi cũng được nhận số tiền là 19.500 đồng/1tiết dạy, hỗ trợ hè hoàn toàn không có.
Như vậy, một năm học có 9 tháng và lương giáo viên của chúng tôi là 912.000 đồng/1 tháng/1 lớp. Nhưng hiện nay, một điều đau xót là giá của một mớ rau muống đã từ 1000 đồng lên tới 5000- 6000 đồng, chưa kể đến giá thịt, giá sữa cho các em bé, giá tiền điện, giá xăng… Thế thì, lương của chúng tôi không phải được giữ nguyên mà đang bị hạ thấp một cách rẻ mạt.
Thời chiến tranh đất nước ta rất khó khăn, ngành giáo dục cũng rất vất vả, nhưng giữa thời đại cạnh tranh hội nhập và phát triển thì không thể chỉ kêu gọi bằng khẩu hiệu. Nhưng, chị Ngọc khẳng định, không phải vì thế mà chúng tôi không còn yêu nghề, yêu trường, yêu lớp, chúng tôi vẫn dạy tốt, làm tốt chuyên môn và dù, chỉ còn một học sinh còn học tiếng Pháp thì chúng tôi cũng vẫn sẽ đến để dạy tiếng Pháp.
Chị Ngọc đã thay chúng tôi nêu những bức xúc, điều mà chúng tôi trông đợi được nghe phương án giải quyết trong cuộc họp này. Không hiểu, những tâm tư đó có tác động đến các cán bộ tham dự cuộc họp hôm đó không ?
Tới nay, cuộc họp đã đi vào dĩ vãng, một năm học nữa lại sắp qua đi, đời sống của giáo viên chúng tôi vẫn bấp bênh, một số trường đã không tuyển sinh thì cũng sẽ không tuyển sinh vào năm tới, một số phụ huynh học sinh thắc mắc, một số giáo viên tìm những lối thoát khác, lãnh đạo của các trường cũng ái ngại cho chúng tôi: lương thấp như vậy, tiền xã hội hoá thì thừa, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý, sao các cô không làm đơn làm từ lên Sở, lên Bộ?
Chúng tôi đã làm báo cáo từ những cuộc họp trước đây, nhưng lãnh đạo Sở cho biết họ không giải quyết được vì phải thông qua Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, chúng tôi được tin là sẽ có 16 giáo viên được vào biên chế, không nhiều, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Đến bây giờ thì không, hình như chúng tôi lại nghe nhầm, hi vọng lại mênh mang…
-
Thiên An