- Nhận được bức thư này, có người đặt câu hỏi: Đây có đúng là thư của một học sinh lớp 9? Sao cách nói năng già dặn thế! Nhưng phải chăng, ai viết không quan trọng mà vấn đề là viết cái gì? Thông điệp "hãy cho chúng cháu là chính mình" có đáng để gia đình, nhà trường và xã hội phải thật sự quan tâm?
"Hãy cho chúng cháu là chính mình". Ảnh: Bảo Anh |
Kính gửi các cô chú trong ngành giáo dục và trong tòa soạn.
Cháu là 1 nam sinh lớp 9. Là 1 teen 9X nên chúng cháu cũng hiểu được những tâm huyết của các cô chú khi soạn ra chương trình cải cách cho chúng cháu nhằm giúp chúng cháu có 1 kiến thức tổng quát nhằm giúp ích cho cuộc sống của chúng cháu sau này. Cháu cũng rất hoan nghênh việc Nhà nước bỏ ra 1 số tiền lớn để đầu tư cải cách giáo dục cho thế hệ mai sau. Nhưng mặc dù là 1 học sinh giỏi và rất ủng hộ cải cách giáo dục, cháu lại có quan điểm rất giống với các bạn 9X khác, đó là chương trình giáo dục của chúng cháu hiện nay quá nặng nề và có nhiều điểm bất cập. Nói là “cải cách giáo dục” nhưng theo quan điểm của chúng cháu thì hình như nó đang lạc hậu hoá giáo dục thì phải?
Thứ nhất, chương trình giáo dục hiện nay quá nặng nề. Không chỉ riêng đối với lớp 9 chúng cháu mà cả các anh chị cấp 3 hay các em lớp dưới cũng cảm thấy chuyện này rất đúng. Mỗi tuần chúng cháu phải học 13 môn (đối với lớp 9 chúng cháu) mà chỉ được giải quyết xong trong vòng 37 tiết (gồm 25 tiết chính khóa sáng và 12 tiết tăng tiết buổi chiều). Đó là chưa kể chúng cháu còn phải đi học thêm bên ngoài để nắm bài vững hơn do các thầy cô trong lớp phải chạy bài (mặc dù cháu biết các thầy cô không hề muốn như thế).
Với lượng thời gian như thế thì chúng cháu và các thầy cô làm sao có thể dành thời gian cho các công việc khác được trong khi lượng kiến thức ở môn nào môn nấy cũng chồng chất như núi vậy? Làm sao chúng cháu có thể quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống bên ngoài và các mối quan hệ xã hội cần thiết khác phục vụ cho cuộc sống chúng cháu được? Và làm sao chúng cháu có thể định hướng nghề nghiệp 1 cách rõ ràng nếu cái gì cũng biết mà không biết năng lực thực sự của mình nằm ở đâu? Trong khi đó, bạn cháu ở Úc lại được chọn môn yêu thích để chuyên sâu và các môn còn lại học các kiến thức cơ bản cần thiết cho cuộc sống chứ không phải là cái gì cũng nhét vào đầu như chúng cháu ở đây.
Thứ hai, chương trình giáo dục hiện nay quá xa rời thực tế và ít phục vụ cho cuộc sống của chúng cháu. Cháu không biết 1 học sinh lớp 9 như chúng cháu phải học quyền và nghĩa vụ hôn nhân trong môn GDCD để làm gì khi chỉ mới 15 tuổi? Cháu cũng không biết học sinh lớp 9 phải học di truyền và biến dị trong môn sinh để làm gì khi những kiến thức đó chưa thực sự cần thiết đối với chúng cháu khi chúng cháu mới 15 tuổi để ứng dụng trong cuộc sống? Cháu cũng không biết học sinh lớp 9 phải học sử như thế nào cho phù hợp khi lý thuyết môn này hết sức khô khan như chúng ta đã từng bàn luận trước đây?...
Cháu có đọc chương trình học của chị gái cháu cách đây 7 năm, lúc chị gái cháu cũng học lớp 9 khi đó, chương trình khi ấy đâu có bắt các anh chị đi trước phải biết thế nào là di truyền, thế nào là máy biến thế, thế nào là hôn nhân… đâu? Cháu không hiểu mấy cô chú giáo sư tiến sỹ biên soạn ra chương trình mới nặng nề và áp đặt hơn để làm gì? Cho cháu xin lỗi vì chúng cháu không phải là robot, là máy học hay là thần thánh để các cô chú muốn nhồi nhét như thế nào cũng được.
Thứ ba, chương trình học hiện nay của chúng cháu có 1 số điểm khá mâu thuẩn với thực tế. Trong bài “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” trong chương trình học của chúng cháu, bác Vũ Khoan có khẳng định, hậu quả của việc học chay học vẹt và ít thực hành. Nhưng ngẫm ra thì chương trình học của chúng cháu lại nặng về cách học ấy.
Trong bài “Năng động, sáng tạo” môn GDCD thì chúng cháu được khuyên là phải năng động sáng tạo nhưng thực tế thì khác. Chương trình học thì nặng nề theo khuôn mẫu, chỉ cho chúng cháu biết chứ không cho chúng cháu hiểu bản chất của vấn đề và phát triển tư duy phản biện, sáng tạo. Dẫu biết tư duy tiếp thu là rất quan trọng nhưng chẳng lẽ ngành giáo dục Việt Nam lại đào tạo ra những con người không có tư duy phản biện và sáng tạo, không biết phản ứng trước cuộc sống hay không dám cải cách những cái gì đã lạc hậu cũ kỹ không phù hợp với thời đại sao?
Nếu không có tư duy phản biện và tư duy sáng tạo thì làm sao con người chúng ta lại phát minh ra được nhiều điều thú vị của cuộc sống được? Cháu xin lấy 1 số ví dụ của chính cháu: Cháu học môn văn thì các thầy cô lại yêu cầu chúng cháu phải làm bài tập làm văn theo khuôn mẫu đã định chứ nếu cháu làm khác đi 1 chút sẽ bị trừ điểm rất nặng. Ở môn sử thì do chương trình học quá nặng nề nên cô chỉ cho học theo đề cương hoặc đáp án nhưng cũng không giải đáp được do cô giáo cháu còn có quá nhiều chuyện phải giải quyết. Còn các môn khác thì khi cháu đưa ra hướng giải quyết mới thì bị các thầy cô phang cho một trận: “Em lấy cách này ở đâu ra vậy? Đừng bao giờ giải quyết vấn đề theo hướng này nữa nhé!” hoặc có lúc khi cháu cảm thấy thầy cô giảng bài có điều không thỏa đáng, cháu đứng lên phản biện thì lại bị quy tội là cãi tay đôi(!).
…
Và còn nhiều điều để đáng bàn nữa. Nhưng theo cháu thì cháu nói đến đây cũng đã quá đủ để chúng cháu bày tỏ nguyện vọng muốn đổi mới chương trình lắm rồi. Cháu hy vọng các cô chú trong ngành sẽ bớt bảo thủ và bớt “độc quyền” hơn trong việc biên soạn sách giáo khoa và chương trình học để cho chúng cháu “dễ thở” hơn. Sao không tham khảo ý kiến và nguyện vọng của chúng cháu và thầy cô trước khi soạn sách để đến bây giờ đâu có những lời than phiền như thế này? Và hãy cho chúng cháu là chính mình, được thể hiện phong cách và suy nghĩ của mình chứ không đơn thuần chỉ là một vật vô tri chỉ biết nghe, biết tiếp thu chứ không có khả năng tư duy độc lập. ------------------------ Ý kiến độc giả: Trần Thương, GV trường THCS Trần Quốc Toản, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, email: thuongthuong76@... Tôi xin đưa ra ví dụ, chương trình Ngữ văn 7: Các em là những học trò còn nhỏ tuổi vậy mà phải học và tiếp cận với những vấn đề khó như dòng văn học trung đại của cả Việt Nam và Trung Quốc - Ngôn ngữ thơ cổ khó hiểu, không có chút tài liệu tham khảo cho cả cô và trò.Tôi nghĩ dòng văn học này nhiều thầy cô và những nhà nghiên cứu phê bình còn bàn cãi nữa là học trò 13 tuổi! Nguyễn Văn Kiêm, Trường THSP Thanh Hoá, email: KiemGVHoahoc@... Email: Kha_tga@yahoo.com Nguyễn Trọng Quảng, Nguyễn Huy Tự, Hà Tĩnh, email: quangtrongnguyenht@... Thứ nhất, nếu kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT với kỳ thi đại học làm một thì cháu nghĩ là tiêu cực của ngành giáo dục sẽ không giảm mà còn tăng lên gấp bội vì tình trạng hồ sơ giả, tổng kết thì cao nhưng thực chất thì không có kiến thức gì trong đầu. Cháu đã từng nghe chính các thầy giáo trong trường nói nếu có chuyện xét học bạ để vào đại học thì chính những người thân của giáo viên trong trường là có lợi nhất vì theo cháu được biết thì nếu là con em giáo viên trong trường chắc chắn là có bộ hồ sơ rất hoàn hảo không còn một điểm nào chê được. Thứ hai, chúng cháu cũng là một con người bình thường chứ không phải là thần thánh làm sao có thể nhồi nhét vào đầu tất cả những kiến thức về mọi lĩnh vực như vậy. Với điều kiện về kinh tế cũng như sức khoẻ làm cho chúng cháu đã quá mệt mỏi với việc cải cách sách như hiện nay. Thứ ba, nếu vẫn tiếp tục cải cách thì còn nhiều tiêu cực và sẽ làm cho chính những thế hệ trẻ của đất nước bị vùi dập. Do vậy, cháu mong rằng việc kết hợp hai kỳ thi mang tính quốc gia làm một và việc cải cách lại sách phải được xem xét thật kỹ lưỡng, phải thoả đáng được chính những học sinh chứ khong phải là để thoả mãn ý kiến cá nhân của chính các nhà cải cách. Ý kiến của bạn?
Hãy biết thương học trò và những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy
Thưa các bạn! Tôi là một GV THCS đã giảng dạy trong ngành vừa tròn 10 năm. Quả thật, bài viết của một học trò lớp 9 ở trên đã là tiếng nói của cả cô và trò chúng tôi khi đón nhận chương trình cải cách vừa qua! Là một cô giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy, tôi thấy quả là chương trình rất nặng nề!
Lại nữa: Phần Tập làm văn, các em đã phải học cách làm văn nghị luận với những luận điểm, luận cứ, những lập luận... Điều này tôi nghĩ, đến ngay cả người lớn chúng ta lí luận còn khó nữa là nhồi nhét vào trò tuổi 13! Trong khi những kĩ năng mô tả, kĩ năng nói, bày tỏ cho tự nhiên chứ không phải nói như một cái máy thì bị xem nhẹ, thời lượng quá ít.
Khía cạnh tiếp theo tôi muốn nói là chương trình học 9 tháng tương đương 36 tuần học. Một tuần cho nghỉ Tết còn lại 35 tuần ứng với đúng 35 tuần học - như vậy có nghĩa là cả cô và trò không còn một ngày nào để hoạt động ngoài giờ lên lớp chưa nói là những ngày nghỉ lễ khác. Và đương nhiên cả cô cả trò phải gò mình mà tự học bù, học thêm vào cả Chủ nhật thì làm sao mà chất lượng được.
Tôi xin thay mặt cho rất nhiều rất nhiều thầy cô giáo và học trò mong mỏi các giáo sư đa ngành có cái nhìn thật sự phù hợp hơn để việc cải cách, cải tiến tốt hơn chứ không phải là "cải lùi".
Tôi rất tán đồng với ý kiến của em học sinh lớp 9 viết ở trong thư
Tôi rất buồn cho những người viết sách giáo khoa ở Việt Nam. Nhiệt tình nhưng quan liêu là dẫn tới tốn kém cho đất nước.
Không thể cứ mãi thí điểm đối với HS như vậy, không thể cứ bảo thủ mãi như vậy. Ngành GD phải có một cuộc cách mạng thực sự. Phải biết cả xã hội ta đang lên án tình trạng này rất nhiều, không riêng gì em HS lớp 9 kia, về tình trạng quá tải, về sự xa rời thực tế nếu như không nói là vô bổ của một số chương trình ở các cấp...
Hãy để mọi người lên tiếng
Tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng đề cập với nghành GD là phải đặt ra mục tiêu: Học để làm gì, học cái gì? Sau đó mới học như thế nào và đã có ý kiến về việc con gái tôi học môn Kỹ thuật lớp 8: Phải học cái xe ô tô từ máy đến khung sườn, thử hỏi con tôi - đứa trẻ cần gì các thứ ấy cho cuộc đời. Nếu các nhà soạn sách kỹ thuật thì không phải là "người xa lạ với thực tế” thì những ai yêu cầu con em chúng tôi học như thế có phải là người “trên trời”không? Vậy thì nên để toàn xã hội lên tiếng kêu lên tận người chịu trách nhiệm của ngành mới phải.
Hoàng Thu Trang, Đông Anh, Hà Nội, email: tieucongtumathoai@...
Hãy lắng nghe tiếng nói từ chính những người học
Hiện nay, cháu đang là sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học, mặc dù đã được vào môi trường đại học rồi nhưng cháu thấy chương trình cải cách giáo dục như hiện nay là chưa hợp lý.
Trần Thị Lan Phượng, Phường An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng, email: chugautrang2241988@...
Tôi nghĩ những gì trong bài viết là những suy nghĩ rất thật của những em học sinh. Tôi cũng đã học chương trình cải cách cấp 3 của Bộ cách đây vài năm và cũng thấy rất nhiều bất cập. Tôi đã đọc dược rất nhiều bài viết bày tỏ những bức xúc này nhưng hình như chưa có hướng giải quyết thoả đáng nào. Tôi hy vọng qua bài viết này những người có chức trách nên có sự suy nghĩ lại và nhanh chóng có sự cải cách hợp lý.
Nguyễn Minh Đức, Ngõ Khâm Đức, phố Khâm Thiên, email: hoangtu_khocnhe_hitle_congchua@...
Cháu rất đồng ý với ý kiến của bạn Bảo Chính. Những người viết sách coi bọn trẻ bây giờ là thiên tài, là siêu nhân ư? Nếu chúng cháu quả thực là siêu nhân thì sao không bao giờ nghe những góp ý của chúng cháu. Rõ ràng, chúng ta đang có sự phân biệt về độ tuổi, các bác vẫn coi bọn cháu là trẻ con vậy mà sao lại nhét vào đầu chúng cháu những kiến thức chuyên sâu chỉ có ở bậc đàn anh như vậy. Điều này càng chẳng phải chứng tỏ sự mâu thuẫn giữa suy nghĩ và việc làm của các bác viết sách ư? Theo cháu, đây là một sự bảo thủ, cháu biết hiện nay rất nhiều bạn không được sống đúng với tuổi của mình, nhiều bạn dù trong độ tuổi khám phá, muốn được vui đùa thi lại luôn gò bó trong 4 bức tường với những quyển sách khô khan. Thậm chí ngay cả cháu, thường ngày học xong cũng chỉ lên giường ngủ ngay, không dám bật tivi vì sợ sẽ quên kiến thức vừa kịp nhồi vào đầu. Cháu mong qua những lá thư chứa đầy những nỗi băn khoăn, trăn trở như thế này, các cô chú ở VietNamNet sẽ giúp chúng cháu nói lên tiếng nói của chính mình với Bộ Giáo dục, giúp gửi đi những thông điệp, những dòng trăn trở tới những người viết sách.