- "EVN phải nhìn lại chính mình" là thông điệp mà hấu hết người dân đang muốn nhắn nhủ tới ngành điện. Rất nhiều ý kiến đồng nhất với quan điểm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng tiền của Nhà nước để đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng điện, nhằm phục vụ quốc kế dân sinh, vậy thì ngành điện nên chuyên nghiệp hoá công việc của mình và hãy làm tròn trách nhiệm với Chính phủ và người dân.
Nguồn: thitruong24g.com.vn |
Ngành điện nói thiếu điện là do nhân dân dùng bừa bãi, lãng phí? Tuy vậy, chúng ta cũng chưa có con số cụ thể về các dự án, ngân sách Nhà nước đổ vào để xây dựng các nhà máy điện, chưa kể một loạt công ty cổ phần, bán cổ phiếu thuỷ điện?! Quan trọng nhất là ngân sách Nhà nước đã dành bao nhiêu tiền để phát triển ngành điện. Số tiền đó có hiệu quả không, giải ngân như thế nào? Khi báo cáo với Chính phủ để xin ngân sách thì ngành điện diễn giải ra sao? Hay tiền thì nhiều mà nhà máy hoạt động thì ít, không hiệu quả? Trịnh Hoàng Giang, Hà Nội, email: dienbienphuvietnam@...
Đảng ta đã xác định "Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", trong đó các doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là một doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng tiền của Nhà nước đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng điện, nhằm phục vụ quốc kế dân sinh. Xin hỏi: Vì sao đã biết Việt Nam sẽ thiếu điện mà không đầu tư phát triển nguồn điện, lại đem tiền của nhà nước đi đầu tư lung tung. Coi chừng, EVN không muốn làm vai trò chủ đạo của nền kinh tế! Tạ Thiết Hoài, Thôn 6, Kim Long, Tam Dương, Vĩnh Phúc, email: tathiethoai@...
Có thể nói từ vài ba chục năm nay, ai cũng thấy là chưa khi nào ta không thiếu điện, chỉ có khác nhau ở mức độ ít hay nhiều mà thôi. Phải tăng đầu tư hơn nữa cũng lại là điều ai cũng biết chả cần phải là chuyên gia hay là gì cả. Ngay từ thời còn đi học, tôi đã thấy SGK nói là điện phải đi trước nền KT. Nhưng vấn đề chính là tiền đầu tư ở đâu? Chỉ có thể là đi vay, ai vay tiền ngân hàng chắc đều đã biết khi vay, dự án phải được ngân hàng duyệt, không thể nói vay một đằng lại tiêu một nẻo được. Trần Thanh An, Hai Bà Trưng, email: Antt@...
Thời đại hội nhập mà ngành điện thiếu trầm trọng, Chính phủ kêu gọi đầu tư nước ngoài nếu người ta đến đầu tư mà thiếu điện như thế này thì chẳng ai dám đầu tư cả. Điện thì thiếu, giá cả không cạnh tranh, biết lúc nào mới phát triển ngành điện theo nền kinh tế. Phan Văn Thân, Quảng Bình
Trong hợp đồng mua bán điện còn thiếu điều khoản về việc cắt điện. Cũng chỉ vì không có điều này mà người dân chúng tôi dở khóc dở cười về những việc làm của ngành điện.Bài toán tăng giá điện để khắc phục tình trạng thiếu điện thì "cao thủ" quá. Khi tăng giá điện sẽ có một bộ phận người dân không đủ tiền sẽ không dám sử dụng nhiều điện. Như vậy, lượng điện này sẽ bù vào sự thiếu hụt... Phải công nhận, bài toán này có tính khả thi rất cao, thứ nhất, dễ thực hiện, thứ hai không cần phải thay đổi cách quản lý, đầu tư v.v... Vinh Trân, HCM
Điện là nhu cầu tất yếu trong đời sống nhân dân, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dân số không ngừng tăng lên đồng nghĩa với nhu cầu điện cũng tăng theo. EVN không thể nói là không thể biết được nhu cầu về điện gia tăng thế nào mà là do cung không đủ cầu và không tính toán trước để cung cấp đủ điện cho dân, nên không thể đổ lỗi là tại nhân dân không tiết kiệm hay vì lý do nào khác. Tonycao, Phú Nhuận, HCM, email: tonycao82@...
Nhiệm vụ của ngành điện là cung cấp điện cho toàn dân, các năm gần đây, ngành điện đã được tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều từ đầu tư của Chính phủ, thế mà...! Từ đang tạm đủ điện hàng ngày, khi yêu cầu tăng giá bị hoãn, là điện cắt ngay mỗi ngày chừng 1/4. Một ngày có điện, một ngày không có điện từ 7-22g, lại đang mùa học thi của học trò, không biết là có tàn nhẫn quá chăng? Thử hỏi nếu các ngành khác cũng phản ứng như vậy: Lương thầy giáo không đủ sống, nếu không tăng lương thì từ nay dạy 1 ngày, nghỉ 1 ngày, ai cần thì trả tiền học (cao gấp mấy lần); lương thầy thuốc không đủ sống, vậy từ nay bệnh viện làm 1 ngày đóng cửa 1 ngày; điều dưỡng lương càng thấp hơn, từ nay 1 ngày chích thuốc truyền nước, 1 ngày nghỉ, ai cần thì phải tự mua máy phát (trả thêm tiền, không thì đợi ngày mai... Trách nhiệm ở người đứng đầu. Email: thieu.ntn@...
Điện cũng là một loại hàng hoá, chỉ khác đây là một loại hàng hoá đặc biệt vì nó liên quan đến an ninh quốc gia. Mà đã là một loại hàng hoá thì nó phải phục vụ nhu cầu của người dân. Nhu cầu dùng điện của người dân là một nhu cầu đặc biệt, hoàn toàn bức thiết, không ai có thể phủ nhận được. Vậy, nếu thiếu điện cho những nhu cầu tối thiếu như vậy thì rõ ràng lỗi thuộc về ngành điện, làm sao có thể đổ lỗi cho người dân (người tiêu dùng) được. Như vậy là đi ngược lại với quy luật của một nền kinh tế. Hoàng Thọ Trường, Hàng Giấy, email: traitimden200455@...
Bằng cách cắt điện tiết giảm “nói tránh là tiết kiệm điện”, ngành điện đã giao chỉ tiêu phụ tải cụ thể cho từng sở điện của các tỉnh trong tháng, quý, năm. Chính vì vậy mà ngay cả khi thừa điện thì ngành điện vẫn cắt điện luân phiên, điều này hiểu với nhiều lí do. Theo tôi thì không thể bỏ qua lí do sau:
Hiện nay, ngành điện đang phải bán điện với giá thấp cho nhân dân sinh hoạt, nếu cứ tăng sản lượng này thì không có nhiều lãi suất. Trong khi đó, công nghiệp đang tiêu thụ tăng vọt và lại bán với giá rất cao. Như vậy, điện chỉ nên bán cho doanh nghiệp thì rất lãi và ngừng hoặc bán càng ít điện cho sinh hoạt thì càng lãi (nếu sở, chi nhánh nào không thực hiện sẽ phê bình kỉ luật hoặc cách chức lãnh đạo).
Mặt khác ngành điện lại bí mật thông tin về giá sản xuất, giá truyền tải, tổn hao, chi phí vận hành, giải pháp kĩ thuật… Khi đó, một điều rất đơn giản mà nhân dân cả nước nhìn thấy là chi tiêu, lương, thưởng của cán bộ công nhân ngành điện vẫn rất cao, thông thường khi làm ăn kinh doanh khó khăn thì cắt thưởng, chậm tăng lương, giảm bớt công nhân… Điều này chứng tỏ sự thiếu minh bạch trong việc thông báo sản lượng thiếu hụt điện, không đầu tư áp dụng các phương pháp kĩ thuật tiên tiến vào việc truyền tải điều phối, sản xuất, chi tiêu lãng phí trong vận hành sản xuất…
Điều mà mọi người nói tới nhiều nhất là yếu tố độc quyền. Vừa là đơn vị sản xuất, vừa truyền tải, vừa kinh doanh bán điện, lại mang đặc thù kỹ thuật cao. Chính phủ đã tạo ra một tập đoàn chiếm thế độc quyền về năng lượng điện, độc quyền về giải pháp kỹ thuật, độc quyền về nhân lực lao động và không thể thiếu việc độc quyền sử dụng kỹ thuật đặc thù để che giấu các số liệu, thông số kỹ thuật… nhằm thừa hưởng chi cho lao động phần lãi suất cao. Huyền, Thường Tín, Hà Tây, email: huyentotcaoxa@...
Quan điểm của bạn về vấn đề này?