- Điện và giá gạo là 2 vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận trong tuần qua. Góp ý cho ngành điện, đã có ý kiến cho rằng liệu những phản ánh, góp ý của người dân có đến được tai các nhà lãnh đạo của EVN? Những vấn đề khác như mừng ngày thống nhất đất nước, trao đổi với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chương trình trung học phổ thông, SGK, cải cách hành chính... cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.
Ngành điện nên tập trung vốn để đầu tư, phát triển nguồn điện. Nguồn: Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp |
Điện vẫn là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả trong tuần này. Nhiều độc giả có ý kiến rằng, ngành điện đã không làm đúng bổn phận của mình khi lấy tiền của Nhà nước để đầu tư mà điện vẫn thiếu hụt trầm trọng. Năng lượng là ngành chủ lực của nền kinh tế nhưng việc thiếu điện đã làm nền kinh tế thiệt hại nặng nề. Vì vậy, mong Chính phủ, Bộ Tài chính cần phải xem xét lại việc sử dụng vốn và hiệu quả đầu tư của ngành này.
Bạn Phạm Gia Dần, Từ Liêm, Hà Nội, email: danphamgia@... cho rằng cần thay đổi thế độc quyền: "Hiện nay, hầu hết các thành phố lớn đều rơi vào tình cảnh bị mất điện luân phiên, hơn nữa, còn có những biểu hiện mang tính độc quyền trong ngành điện. Ngành điện lý giải không thuyết phục cho các khoản đầu tư và chứng khoán, bất động sản, địa ốc, viễn thông. Tôi hoàn toàn phản đối việc EVN không tập trung vốn vào phát triển ngành điện. Đất nước ta sẽ không thể phát triển được nếu như an ninh năng lượng bị đe dọa nghiêm trọng bởi chính những chính sách không đúng đắn từ ngành điện. Đợt vừa rồi, EVN còn định đập toà nhà trụ sở cũ (tôi được biết toà nhà này cũng vừa xây dựng cách đây không lâu) để tiến hành xây dựng cao ốc cho thuê. Nếu như không có sự phản đối từ người dân thành phố và các cấp chính quyền thì có lẽ ngành điện lại đổ thêm vào đó hàng vài trăm tỷ đồng.
Vậy, câu trả lời cho những dự định đó là như thế nào. Ngành điện suốt ngày kêu người dân tiết kiệm điện (điều đó là đúng đắn) nhưng những con số thống kê không rõ ràng. Tôi thấy còn một bất cập khá nghiêm trọng nữa là sao ngành điện cứ suốt ngày đòi tăng giá điện để tránh bù lỗ. Người dân sẽ chấp nhận giá cao nếu như thực sự họ được hưởng dịch vụ từ việc đó. Tôi thấy người dân quen với việc tăng giá nhưng dịch vụ vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí còn tồi tệ hơn. Chính vì thế, người dân sẽ thấy đồng tiền của mình bỏ thêm là hoàn toàn không xứng đáng. Ngành điện phải xem lại chính bản thân mình".
Cũng về vấn đề này, bạn Hưng, Hà Nam, email: hungntth@... viết: "Điện là một ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành điện là ngành mang ánh sáng văn hóa văn minh cho các đân tộc vùng sâu... Vậy các cấp lãnh đạo của ngành điện lực Việt Nam nghĩ gì trong khi điện thì thiếu vốn đầu tư nhưng lại có vốn đầu tư vào các ngành nghề khác mà ngành điện đâu có truyền thống như viễn thông..
"Qua các bài báo của độc giả góp ý với Tập đoàn Điện lực VN (EVN), tôi thấy có nhiều ý kiến rất xác đáng. Nhưng không hiểu ở EVN có ai ghé mắt để đọc và có cấp lãnh đạo nào của EVN tìm giải pháp để có thể làm cho người dân, người tiêu thụ điện có đủ điện để xài không, hay là chỉ chú tâm vào chứng khoán, vào ngân hàng, vào các khu nghỉ dưỡng đem đến tiền thu nhập nhanh chóng. Xem các chương trình TV ở kênh Discovery, có chương trình "Hành tinh xanh" (Planet Green), nói về việc cung ứng điện ở các nước khác hầu hết đều do các công ty tư nhân cung cấp.
"Tại sao các nhà lãnh đạo của EVN không có những cách thức làm việc như thế, mà cứ mải kêu thiếu điện do người dân xài nhiều, phải tăng giá điện, phải cúp điện... mà không có cách gì khác hay hơn. Có phải chăng do cách thức độc quyền sản xuất, cung cấp, phân phối mà đưa đến hệ quả như ngày nay", ý kiến của bạn Nguyễn Ngọc Tâm, Tân Trào, Cần Thơ, email: ngoctam@...
Trong thời điểm hiện nay, do giá các loại sản phẩm dầu hoả tăng đột biến và tăng mỗi ngày nên để sản xuất được điện thì giá càng cao. Các công ty ở nước ngoài đã đầu tư rất nhiều để nghiên cứu, tìm tòi các phương thức sản xuất điện mà không dùng nhiên liệu dầu hoả, vừa tốn kém, vừa ô nhiễm môi trường. Họ đã nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực có thể sản xuất điện vừa có tính ổn định về nguồn và có tính tái tạo, ít tốn kém cho chi phí nguyên nhiên liệu, lại không gây ô nhiểm môi trường sống của trái đất.
Đơn cử có thể kể ra đây những cách thức sản xuất điện bằng các loại động cơ chạy bằng sức gió, với rất nhiều kiểu dáng từ những chong chóng khổng lồ ở những vùng trên mặt biển, ven biển, đến chong chóng nhỏ hơn trên tầng thượng các ngôi nhà, cao ốc, nơi nào có thể đặt được đều được tận dụng.
Tiếp đến là những loại chong chóng hình xoắn ổ ruột gà đủ kiểu dáng, cũng được nghiên cứu và đưa vào để sản xuất điện. Rồi cách thức sản xuất điện bằng ánh sáng và sức nóng của mặt trời, dùng để đun nóng chất trung gian sản xuất điện, hoặc cung cấp trực tiếp hơi nóng để sưởi ấm vào mùa lạnh. Hoặc sản xuất điện bằng các tế bào quang điện, chưa kể những chương trình sản xuất điện từ sóng biển, dòng chảy của các dòng hải lư... Nhu cầu tiêu dùng điện của người dân không những được thoả mãn đầy đủ, mà lại còn dư để bán lại cho công ty điện nữa.
Lẽ ra ngành điện phải tập trung nghiên cứu những vấn đề này thì không làm mà lại dùng tiên để đầu tư vào chứng khoán, xây dựng , viễn thông ....
Bạn Hoài Văn, Hà Nội, email: vanctin64@... Đề nghị Chính phủ nên mở rộng cửa cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào ngành điện, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài".
Nếu ngành điện nói người dân dùng điện bừa bãi là đổ oan cho người dân. Bạn Nguyễn Văn Hoà, Thanh Hoá, email: hoabaominh_th@... bức xúc: "Người dân luôn luôn tiết kiệm vì khi sử dụng, họ luôn đặt vấn đề chi phí lên hàng đầu. Ngành điện cứ về vùng nông thôn mà khảo sát, 8 giờ tối, người dân đã tắt toàn bộ điện trong nhà, trừ những bóng điện le lói cho con học hoặc xem ti vi, đôi khi tắt quạt điện, dùng quạt tay để tiết kiệm tối đa chi phí dùng điện, chưa nói đến việc 1 tháng ngành điện cắt điện khoảng 4-5 ngày. Vậy thì làm sao có thể nói người dân dùng điện bừa bãi. Nên chăng ngành điện hãy xem lại mình chứ đừng nên đổ hết tội cho người dân!".
Với bài toán "tiết kiệm" do ngành điện đưa ra: Cả xã hội cùng tìm cách vá víu kết quả lãng phí nhiều hơn. Bằng thực tế, bạn Nguyễn Vũ Điền, Sơn La, email: diennv58@... nhận xét, không hiểu là như vậy là tiết kiệm điện hay là lãng phí thêm: "Từ khi tình trạng cắt điện trở nên phổ biến, hàng vạn hộ dân, hàng ngàn cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải đầu tư thêm tiền mua máy phát điện, mua xăng dầu để chạy máy nổ. Và hàng đêm, thay vì sự tĩnh lặng, sự yên bình cho các em học sinh có thể ôn bài là những âm thanh ầm ầm của các máy nổ phát ra trong tất cả các khu dân cư, trong mọi góc phố... Còn nữa, điều khổ sở hơn là đối với các gia đình không có tiền mua máy phát điện, tối đến, nhà cửa tối thui, không đèn, không quạt, không ti vi, đành kéo nhau ra hè ngồi hóng mát, nhưng lại bị những âm thanh và mùi dầu máy của không biết bao nhiêu cái máy nổ từ khắp nơi vọng về".
Muốn xuất hiện một thị trường điện lành mạnh điều cần thiết là phải xẻ "ông EVN" ra thành nhiều danh nghiệp khổng lồ nhỏ hơn hoạt động độc lập", quan điểm của bạn Phạm Tôn Gia, Giáp Bát, Hà Nội, email: tuanxichlong@...: "Giá thành một kw điện trung bình tại Việt Nam là bao nhiêu? Chính phủ liệu có muốn xuất hiện một thị trường điện lành mạnh? Kinh tế thị trường nửa mùa kiểu thị trường điện chỉ mang lại thiệt thòi cho người tiêu dùng và trên đó nữa là toàn bộ nền kinh tế, xã hội. Vậy tại sao lại không cổ phần hoá nghành điện đi và hãy làm cho minh bạch. Hãy bóc EVN theo cả chiều dọc, chiều ngang và các doanh nghiệp với nhau chỉ nên ràng buộc bằng hợp đồng kinh tế. EVN là ai thì chúng tôi vẫn là người nộp thuế, chúng tôi vẫn là người trả tiền. Chúng tôi cần được đối xử với một sự tôn trọng dù là tối thiểu. Bởi kinh doanh cũng cần có văn hoá kinh doanh".
Những ngày cuối tháng 4, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng lương thực thế giới đã kéo theo nhiều hệ lụy. Vì Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 2 trên thế giới nên có ý kiến đã cho rằng chúng ta nên tranh thủ xuất khẩu gạo vào thời điểm này, nhưng cũng có những ý kiến lại không đồng tình.
Hiện nay Việt Nam đã là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới. Ảnh: aforimex.com.vn
Bạn Trần Thị Dung, Nguyễn Du, Hà Nội, email: trandung5884@... cho rằng: "Bán gạo với mức giá cao thì “ai cũng thích”. Giá gạo tăng, người nông dân sẽ mừng vui với công sức của mình bỏ ra. Đời sống của người nông dân sẽ được cải thiện, nhiều vấn đề liên quan đến sinh hoạt sẽ được giải quyết. Nhưng vấn đề ở đây là mùa lũ đang chuẩn bị bắt đầu và theo dự báo, thời tiết năm nay rất phức tạp. Chỉ có ĐBSCL đã thu hoạch lúa. ĐBSH vẫn chưa. Năm nay, liệu những người nông dân có được mua hay không. An ninh lương thực có bảo đảm cho cả nước hay không. Mà xuất khẩu gạo lúc này thì người có lợi nhất là những công ty đã thu mua lương thực. Người nông dân từ trước đến nay vẫn thường đổ xô theo giá cả. Chắc gì thấy giá gạo tăng mà người nông dân không tăng diện tích gieo trồng. Đến lúc gạo nhiều nhưng thuỷ sản ít đi, giá thuỷ sản lại tăng thì sao? Như vậy, cái khổ vẫn đổ nên đầu người nông dân. Nhà nước cần phải có những biện pháp phù hợp để người dân không phải chạy theo giá cả".
Cảnh giác "chảy máu lương thực" là lời cảnh báo của bạn Trần Đông Giang, Đăk Lăk: "Chúng ta có thể an tâm về tình hình an ninh lương thực vì nước ta là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, cũng phải tính đến tình huống khi khủng hoảng lương thực toàn cầu thì mặc dù Chính phủ không cho xuất khẩu gạo thì gạo vẫn có thể bị "chảy máu" thông qua đường tiểu ngạch (giống như xăng dầu chẳng hạn). Vậy các nhà quản lý đã có giải pháp gì để đối phó khi tình hình thực tế xảy ra. Theo tôi, trước những diễn biến khủng hoảng lương thực của thế giới, chúng ta không được chủ quan vì cho rằng nước ta là nước xuất khẩu gạo lớn, nên không thiếu gạo".
Ảnh hưởng của giá gạo thế giới và những tin đồn khiến người dân mấy ngày qua đổ xô đi mua gạo, theo đó, giá gạo cũng cứ thế tăng cao. Có ý kiến về vấn đề này, bạn đọc ở địa chỉ email: haphanduy@... viết: "Nếu tỉnh táo và thường xuyên tiếp cận thông tin thì khó có thể dễ bị tin như vậy. Nhưng qua đây, tôi cũng có suy nghĩ, trước vấn đề nhạy cảm như vừa qua, tại sao Nhà nước, mà cụ thể là các cơ quan quản lý lại không dự báo hay lường trước tình huống này? Hiện nay, nhiều mặt hàng khác, nếu được thông tin đầy đủ thì tôi tin rằng khó mà tăng giá được. Tôi đề nghị các cơ quan quản lý hãy đề cao trách nhiệm với nhân dân, với đất nước trong thời điểm nhạy cảm khó khăn này. Hãy thu thập và công bố các thông tin liên quan đến hàng hoá để nhân dân giám sát và tránh tình trạng phải lao đao theo giá".
"Người dân Việt Nam đã quen với cách tiếp nhận thông tin một chiều, không tư duy vì vậy, mọi tin đồn, dư luận báo chí đều được người dân tiếp nhận rất thật thà, đây cũng là hệ quả của cách giáo dục, cách làm việc kiểu của chúng ta từ trước cho đến hiện tại. Qua một số sự kiện tăng giá, giảm giá của một số mặt hàng chiến lược trong thời gian qua cho thấy kiểu làm ăn dựa vào tin đồn xuất hiện. Chính phủ cần phải có bộ phận chuyên trách đặc biệt và các văn bản pháp luật chặt chẽ để đối phó với loại hình này. Nếu không người dân sẽ thường xuyên chao đảo, an ninh kinh tế phải được bảo đảm đến cuộc sống hàng ngày của công dân", ý kiến của bạn Nguyễn Viết Công, Vũng Tàu, email: vietcong@...
Bạn Trần Minh Tướng, Lạc Long Quân, email: tuongmubida@... lại cho rằng không thể trách người dân mà vấn đề ở đây là khả năng quản lý của chính quyền: "Đã qua nhiều biến động trên thị trường thế giới, nhìn những tác động của nó tới nền kinh tế Việt Nam, hẳn các nhà quản lý, các chuyên gia đều biết và nên dự liệu cho những tình huống này. Từ đó đưa ra những khuyến cáo và những biện pháp phòng ngừa, chứ không thể để xảy ra rồi mới nháo nhào tìm nguyên nhân. Nếu ở nước ngoài có thể đã bị quy trách nhiệm. Một khi đã xảy ra rồi thì hậu quả thật lớn và sẽ không dễ để bình ổn giá trở lại. Mong rằng những nhà quản lý, nhất là các chuyên gia nên cảnh giác, nhất là trong giai đoạn này, theo tôi nghĩ không những chỉ có gạo tăng giá".
Nhà nước cần phải hoạch định lại chính sách vĩ mô về an toàn luơng thực thực phẩm là ý kiến của bạn Bùi Minh Trí, huyện Củ Chi: "Cần tăng ngân sách cho nông nghiệp và với vị thế là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thì nên đưa vấn đề an ninh lương thực gắn liền với an ninh thế giới tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Vì nếu chúng ta ngưng xuất khẩu gạo để bình ổn giá trong nước. Nhưng nếu phải nhập khẩu các mặt hàng có liên quan đến việc sản xuất lúa gạo thì chúng ta phải nghĩ đến tình hình kinh tế xã hội tại quốc gia mà chúng ta định nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến việc sản xuất lúa gạo. Bởi vậy, giải pháp giảm xuất khẩu gạo chỉ là giải pháp tình thế mà thôi, trong tương lai chúng ta cần có giải pháp dài hơi, trọn vẹn và có tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, không chỉ cho riêng sản phẩm gạo mà còn những sản phẩm khác nữa".
Vẫn tiếp tục chủ đề tăng giá, đó chính là giá phân bón. Việc tăng giá này ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Bạn Đoàn Thị Lương, ĐH KT-QTKD Thái Nguyên, email: nhendenth@... đồng cảm: "Người nông dân đã rất khó khăn với cuộc sống. Trên thị trường, tất cả mọi thứ đều tăng giá. Nếu bây giờ tăng giá phân bón thì rất khó khăn cho người nông dân. Nhà nước nên có biện pháp điều chỉnh giá của phân bón để đỡ bớt gánh nặng của người nông dân".
Giá phân bón tăng cao ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất của nông dân. Ảnh: VNN
Bạn Nguyễn Đức An Sơn, Lý Thường Kiệt, F.14, Q.10, Tp.HCM, email: ansongft@... có gợi ý là nên dùng phân hữu cơ vi sinh thay thế phân hoá học: "Khuynh hướng giá của các lọai phân hóa học như SA, NPK, DAP, MAP, MOP... sẽ tăng trong vòng ba năm tới. Giá phân MOP tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của các loại phân khác. Giá phân tăng do thiếu nguyên liệu sản xuất và đây là khuynh hướng chung trên toàn thế giới. Các nguyên liệu sản xuất phân là các tài nguyên có hạn vì vậy sự tăng giá của phân là điều tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có loại phân khác thay thế cho những phân hóa học này, đó là các loại sinh hữu cơ, phân lá, phân vi sinh. Các loại phân này giá cả không biến động nhiều và khả năng tái tạo đất tốt hơn phân hóa học, nó không làm đất bị chai như phân hóa học. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng khuyến khích người dân sử dụng các loại phân hữu cơ để thay thế các loại phân hóa học đang thịnh hành".
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề đời sống, xã hội khác:
Phải xã hội hóa việc tuyên truyền giới tính cho thanh niên: Hoàng Bích Lan, Hà Nội, email: irinasokova@...: "Ở bên Tây, thanh niên quan hệ tình dục rất sớm, thậm chí còn hơn ở ta, tuy nhiên rất ít khi họ để xảy ra tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên giống ta. Đó là do họ đã giáo dục rất tốt cho thanh niên về các vấn đề giới tính, cung cấp các phương tiện tránh thai dễ dàng tại các nơi công cộng, cũng như sự nhận thức của thanh niên bên đó rất cao. Quay trở lại với trường hợp chúng ta, có thể kết luận rằng, đất nước ta là một đất nước khép kín về các mặt giáo dục giới tính cho thanh niên, thậm chí nó được coi là vấn đề cấm kỵ hoặc nhạy cảm. Do đó, thanh niên vốn đã kém hiểu biết thì nay lại càng có ít cơ hội tiếp xúc với các thông tin bổ ích. Hệ quả là không chỉ bản thân thanh niên chịu hậu quả mà toàn xã hội cũng phải chịu những hậu quả nặng nề này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải có các biện pháp giáo dục, tuyên truyền thật tốt để giúp thanh niên có hiểu biết sâu rộng hơn, tránh những sai lầm đáng tiếc".
Thu hút tri thức ở nước ta còn yếu: Phan Dũng, Cầu Giấy, Hà Nội, email: dunggdct2008@...: "Trí thức có trình độ cao và những người có năng lực thật sự đều mong muốn có môi trường làm việc tốt và được trả công đúng sự đóng góp đó. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ quan nhà nước chưa làm được điều này. Cơ chế quan liêu còn tồn tại ở nhiều cơ quan nhà nước, tính cục bộ địa phương còn nhiều và ai cũng cho là mình có năng lực, có tài năng nên khó phân loại lắm. Đây là điều rất khó cho các cơ quan công quyền hiện nay. Nhiều cán bộ có trình độ, năng lực đã bỏ ra làm ngoài hoặc là chỉ giữ chân trong bộ máy nhà nước còn thì làm ngoài. Đây là điều khó khắc phục. Làm sao khắc phục được hạn chế này? Đó là trách nhiệm của các quan chức nhà nước ta".
Cần xem xét nạn ăn xin: Lê Văn Thịnh, Thanh Hoá, email: lethinh_vn2000@...: "Tôi lớn lên ở xứ Thanh, khi đọc những bài viết về nạn ăn xin, tôi cũng thấy bức xúc. Không chỉ riêng gì ngoài Hà Nội mà ngay cả trên chính mảnh đất quê hương tôi, những người "hành nghề" này cũng rất nhiều. Có lần tôi đi uống cà phê cùng bạn bè ngoài vỉa hè, chưa kịp uống đã thấy có người xuất hiện xin tiền. Chỉ với 20 phút ngồi uống nước, tôi đã phải tiếp gần 5 người khách bất đắc dĩ đó. Tôi thấy bất bình vì những người tật nguyền thì làm nghề đánh giày dép, bán báo để mưu sinh kiếm sống, trong khi đó những người khoẻ mạnh lại đi ăn xin. Tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng cũng nên xem xét, quản lý vấn đề này".
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!