Tiếng nói của người đứng lớp về SGK đang dạy
Cập nhật lúc 14:24, Thứ Hai, 12/05/2008 (GMT+7)
- Ngoài tính “hàn lâm” và “nặng nề” của kiến thức cần phải thay đổi, bỏ, giảm bớt, bổ sung kiến thức khác (nhiều ý kiến đã trao đổi) thì nội dung tri thức còn có nhược điểm: Xa rời mục tiêu môn học, thiếu tính cập nhật và hiện đại, không đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng.
Chương trình Đạo đức, GDCD nặng về giáo dục nhận thức, thiếu hụt giáo dục hành vi. Ảnh: Lan Hương |
Là giáo viên trực tiếp dạy học môn giáo dục công dân, tôi cho rằng chương trình và nội dung môn GDCD ở lớp 10 và lớp 11 hiện hành cần phải viết lại vì bốn lí do lớn sau:
“Chương trình giáo dục công dân THPT được xây dựng trên các môn khoa học cơ bản: Triết học, đạo đức học, luật học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học và các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước Việt Nam hiện nay”. (Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục công dân lớp 11 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2007, tr. 41). Như vậy, Bộ cũng đã có khiếm khuyết lớn là không đưa tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào nội dung giáo dục thế hệ trẻ theo quan điểm giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam. (Cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được đưa vào môn học nào trong chương trình giáo dục phổ thông).
Chương trình quá cao. Thực tế đã thừa nhận như thế và chính Bộ cũng đã thừa nhận khi viết sách: Dù “mới” và “khó” (sách GDCD lớp 10. Sách giáo viên, tr. 23) nhưng phải dạy triết học vì có hiểu được triết học mới học được các phần sau. Khó không chỉ kiến thức cao ở phần triết học mà còn khó hơn vì các nội dung khác cũng được tác giả xây dựng trên nền tảng triết học Mác, kể cả đạo đức học, kinh tế học, luật học... Rõ ràng nó rất cao quá so với trình độ và yêu cầu của học sinh phổ thông.
Người soạn sách nhầm lẫn cả đối tượng môn học này sang môn học khác. Thí dụ, mục tiêu là “giáo dục thế giới quan, phương pháp luận trong cuộc sống” (GDCD lớp 10) thì dạy “Một số nội dung chủ yếu của triết học” để giáo dục thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng. Do đó người soạn sách không tiếc tay bê hệ thống tri thức triết học vào chương trình đến nỗi học công dân như học triết mà báo chí đã lên tiếng. Phần “Công dân với kinh tế” (GDCD lớp 11) thì dạy kinh tế - chính trị học; phần: “Công dân với các vấn đề chính trị - xã hội” thì học chủ nghĩa xã hội khoa học.
Ngoài tính “hàn lâm” và “nặng nề” của kiến thức cần phải thay đổi, bỏ, giảm bớt, bổ sung kiến thức khác (nhiều ý kiến đã trao đổi) thì nội dung tri thức còn có mấy nhược điểm sau:
Xa rời mục tiêu môn học. Thí dụ: Trong ở bài 1 (GDCD lớp 10), tác giả trích 8 quan điểm triết học của 9 nhà triết học nổi tiếng thế giới từ cổ đại đến cổ điển gồm: Mác-Ăngghen, Talét, Béccơli, Heraơlít, Phoiơ Bắc, Hêghen, Hốpxơ, Khổng Tử:.. (Mục tiêu giáo dục thế giới quan trong cuộc sống ở đâu?); Trong các bài về đạo đức (GDCD lớp 10), tác giả toàn dùng các tình huống giả dụ anh A, chị B, anh K, bạn M... (giả dụ chứ không phải thí dụ như tác giả dùng) không có thật... (Có thể giáo dục đạo đức bằng “tấm gương”, bằng “sự kiện” phóng tác được không?). Tại sao tác giả không lấy những chuyện có thật trong thực tiễn, hay đã được nêu trong sách báo để làm tình huống cho giáo dục. Thí dụ về sự ít hiểu biết thực tế và lười đọc sách báo của các tác giả:. Tấm gương đạo đức phải là hành vi, là con người có thật chứ không phải là các giả dụ được.
Thiếu tính cập nhật và hiện đại, không đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng. Thí dụ phần “Công dân với đạo đức” nhưng không giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh (Trong 60 trang sách giáo khoa học sinh về phần đạo đức chỉ có 1 lần nhắc đến: “Hồ Chí Minh coi đạo đức con người như gốc của cây, như nguồn của sông” và 2 lần trích dẫn trong phần tài liệu tham khảo. Thế thôi). Thực sự thầy giáo như tôi khó hiểu tư tưởng giáo dục của Bộ.
Đây là 4 vấn đề lớn mà theo tôi thì Bộ cần nghiên cứu và đánh giá lại chương trình và sách GDCD.
Trên báo VietNamNet ngày 30/1/2008 có đăng trả lời phỏng vấn của của một vị lãnh đạo cho rằng: “Tôi cho rằng SGK chẳng có tội nợ gì, mọi người nhiều khi cứ chằm chằm vào chuyện viết sách”. Nhưng xin thưa rằng, đối với nhà giáo thì chúng tôi phải hiểu vị trí pháp luật của chương trình và sách giáo khoa mà người dạy có thể điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn chứ không thể làm trái được. Bởi vậy, vấn đề xem xét lại SGK đặc biệt là sách Giáo dục công dân THPT là hết sức cần thiết và cấp bách.
-
Nguyễn Văn Lục
Dia chi: Cẩm Xuyên-Hà Tĩnh
Email: Nguyenvanluc05@yahoo.com.vn
Ý kiến của bạn về vấn đề này?
,