221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1065395
Thiếu điện: Vẫn là điều đông đảo bạn đọc quan tâm
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 12-18/5):
Thiếu điện: Vẫn là điều đông đảo bạn đọc quan tâm
,

 - "Điện là loại năng lượng cần thiết, tối quan trọng trong hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, vậy mà lại cúp điện liên tục thì hoạt động sản xuất tất nhiên sẽ bị trì trệ làm thiệt hại biết bao nhiêu tiền của nhân dân" - nhiều ý kiến bạn đọc trao đổi về chủ đề thiếu điện trong tuần qua. Ngoài ra, các sự kiện như Đại lễ Phật Đản, họp Quốc hội, việc tăng giá sách giáo khoa, chương trình phổ thông... cũng thu hút nhiều sự quan tâm và đóng góp ý kiến của bạn đọc.

 

dien hoa binh
Cơ cấu ngành điện về cơ bản không thay đổi, Nhà nước (EVN) chiếm độc quyền tuyệt đối. Nguồn: tuanvietnam
Cắt điện gây tổn hại tới nền kinh tế

 

Điện vẫn tiếp tục là vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm, trao đổi của bạn đọc. Bạn đoc ở địa chỉ email: lehuuhoang_1978@... viết: "Hiện nay, việc cắt điện là hết sức bức xúc, cần thiết phải được giải quyết dứt điểm. Có nhiều ý kiến cho rằng họ đã mất tiền mua điện bây giờ lại mất thêm tiền mua máy phát điện, tiền mua xăng mua dầu... Đó là chỉ nói với trường hợp gia đình nào có điều kiện. Còn đối với các hộ gia đình không có điều kiện, hộ nông dân thì sao, họ sống như thế nào, con em của họ học hành trong điều kiện nào?".
 

"Tiết kiệm điện quả thật đúng là hạ sách. Điện là loại năng lượng cần thiết, tối quan trọng trong hoạt động của toàn bộ nền kinh tế, vậy mà lại cúp điện liên tục thì hoạt động sản xuất tất nhiên sẽ bị trì trệ làm thiệt hại biết bao nhiêu tiền của nhân dân. Hãy làm một ví dụ đơn giản nhất: Khi bạn đói đến hoa mắt chóng mặt thì liệu bạn có đủ khả năng sáng suốt và sức lực để làm được bất kỳ việc gì cho ra hồn không? Vì vậy, rất mong ngành điện lực bên cạnh việc đầu tư tài chính vào phát triển mạng điiện thoại thì cũng nên chú trọng tập trung xây dựng và tìm kiếm nguồn năng lượng để cung cấp cho nhân dân và các doanh nghiệp đủ dùng.  Ý kiến của bạn đọc ở địa chỉ email: baduy.vt@...

 

"Đọc những thông tin trên báo chí về chuyện "thiếu điện", "thừa điện" tôi thật sự bức xúc", trao đổi của bạn Phan Anh, Cà Mau, "Nền sản xuất bị đình trệ vì thiếu điện, đời sống người dân bị đảo lộn vì thiếu điện, hàng vạn học sinh khối 12 đang vào giai đoạn ôn thi quyết liệt, học hành sa sút vì thiếu điện, tệ nạn xã hội có dịp tăng lên vì thiếu điện... Vậy mà có nhà máy thừa điện vì không bán được. EVN là ai mà dám đứng ngoài cuộc, xem thường kỷ cương phép nước, xem thường lợi ích toàn cục đến vậy. Cứ cho rằng giá điện của nhà máy điện Cà Mau đắt hơn mua của Trung Quốc, nhưng ai định giá này? Vai trò các cơ quan quản lý chuyên ngành ở đâu? Vì lợi ích toàn cục sao không có quyết sách ngay, sao không cho các bên ngồi lại với nhau để có sự đồng thuận, sao cứ làm khổ dân hoài vậy? Tôi thật không hiểu nổi!".

 

Bạn Thanh Vu, Vũng Tàu, email: nguyentrungthanh_tk21@... phản ánh: "Ở Vũng Tàu, cứ một ngày có điện lại một ngày mất điện. Tính ra, nếu cứ kéo dài mãi thì một năm chỉ có điện 6 tháng. Như thế thì làm sao kinh tế quốc gia phát triển được. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cần phải có điện, nếu doanhh nghiệp nào sử dụng máy phát điện thì một ngày cũng tốn khoảng 1 triệu đồng, tính ra thiệt hại kinh tế cao hơn rất nhiều. Đề nghị ngành điện có phương án".

 
"Tại Hà Giang, ngành điện cắt điện liên tục từ tháng 3,4,5 và hiện nay vẫn đang tiếp tục cắt điện với quy mô toàn tỉnh, có nhiều huyện cắt điện một tuần liên tục. Người dân như chúng tôi thiệt hại rất nhiều do việc cắt điện gây ra. Nếu tính toàn bộ thiệt hại của người dân, các nhà máy công xưởng thì thiệt hại về kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với mức thua lỗ của EVN", bức xúc của bạn Nguyễn Ngọc Tuấn, Trần Phú, Hà Giang, email: tuannn1@...

 

Cần chống độc quyền trong ngành điện


Nhiều ý kiến bạn đọc nêu lên việc cần chống độc quyền trong ngành điện. Bạn Nguyễn Tiến Sỹ, Ba Đình, Hà Nội, email: hn.viet_nam@... cho rằng cần liên kết để chống độc quyền: "Có thể đầu tư một mạng lưới truyền tải cục bộ làm thí điểm theo kiểu bên A và bên B ký hợp đồng lâu dài và đầu tư mạng lưới truyền tải riêng. Có thể bên mua sẽ phải mua điện cao hơn nhưng lại ổn định hơn và quan trọng nhất là được bồi thường thiệt hại khi bên bán không làm tròn trách nhiệm".

 

"Nhà nước nên có chính sách thông thoáng hơn, phá vỡ thế độc quyền của EVN. Tình trạng luân phiên cắt điện trong mùa khô gây ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh và công việc của nhiều người. Đề nghị có biện pháp để cải thiện tình hình", trao đổi của bạn Le Truong, BRVT, email: le_truong1982@...
 

Bạn Nguyen Hoang, Minh Khai, email: bkhtd2@... nhận xét: "EVN đã đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên tất cả mà quên mất rằng mình đang ở thế độc quyền và nhiệm vụ của mình phải vì lợi ích của toàn xã hội. Chắc chắn tổng kết cuối năm EVN sẽ báo cáo trước Chính phủ rằng năm này đã lập được rất nhiều thành tích trong việc tiết kiệm điện, giảm tổn thất, giảm chi phí và tăng doanh thu... Nhưng thật trớ trêu rằng việc tiết kiệm điện, giảm tổn thất, giảm chi phí không phải do cải tiến công nghệ, nâng cao trình độ quản lý mà được thực hiện bằng cách cắt điện không cho sử dụng (cắt hẳn điện thì đương nhiên tiết kiệm 100% và làm gì còn tổn thất nữa). Không biết đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng này".

 

EVN quá độc quyền là ý kiến của bạn Nguyễn Việt Hùng, Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, email: Viethung@...: "Sự độc quyền này không những tổn hại đến người dân mà nó trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế của đất nước. Trong thời điểm các mặt hàng đều tăng giá, việc cắt điện thường xuyên của EVN sẽ làm cho chi phí sản xuất càng tăng lên và giá thành sản phẩm sẽ bị đẩy lên. Cứ theo đà này chẳng mấy chốc nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng từ việc độc quyền của EVN".

Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc thiếu điện là câu hỏi của bạn Nguyễn Quang Dũng, Hà Nội, email: tienbop@...: "Điện là vấn đề mang tính xã hội, ảnh hưởng của điện rất lớn đến đời sống, đến sự phát triển kinh tế xã hội. Ước mơ của người dân VN là có điện, làm chủ được việc cung ứng điện. Mà hiện nay, số nhà máy điện đã có khả năng cung cấp đủ điện cho thị trường, thế nhưng không hiểu sao chúng ta vẫn luôn thiếu điện".

Bạn Hà Huy Bắc, Sở Khoa học và CN Vĩnh Phúc, email: hahuybac@... có đề xuất về việc giảm độc quyền của ngành điện, tăng điện năng cho xã hội: "Cần giảm bớt độc quyền của EVN bằng cách chia quá trình sản xuất - truyền tải và tiêu thụ điện thành hai quá trình và giao cho hai đơn vị độc lập thực hiện. Đơn vị thứ nhất: Sản xuất điện. Đơn vị thứ hai: Truyền tải và tiêu thụ điện. Khi đó chỉ có 1 đơn vị truyền tải và tiêu thụ điện là độc quyền. Với sự độc lập về chức năng, vì các mục tiêu khác nhau (kinh tế, xã hội…) các đơn vị trong lĩnh vực sản xuất điện sẽ phải có trách nhiệm và cạnh tranh nhau hơn. Điều đó cũng có nghĩa sẽ tạo ra được nhiều hàng hoá (điện năng) hơn cho xã hội".
Không nên tăng giá sách giáo khoa

 

sgk
Không nên tăng giá SGK vào thời điểm này. Nguồn: sachngoaingu.net
Thông tin về việc tăng giá sách giáo khoa khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Nhiều ý kiến bạn đọc cho rằng việc tăng giá sách trong thời điểm hiện nay là rất không nên và không cần thiết, vì hiện lạm phát đang tăng cao, đời sống người dân đang đứng trước nhiều vấn đề, khi giá sách tăng cao, sẽ kéo theo nhiều các thiết bị tăng theo. Do vậy, Nhà nước cần có biện pháp thích hợp, tính toán cụ thể trong giai đoạn hiện nay.

 

Bạn Trần Trường Giang, Quảng Ninh, email: giangha0204@... có ý kiến:  Con số thống kê về tình trạng bỏ học vì nhà nghèo đã thực sự gây sốc rồi, vậy Bộ GD-ĐT nghĩ sao mà lại đề xuất việc tăng giá sách vào lúc này. Mặt khác, tại sao chúng ta không dùng lại SGK mà năm nào cũng phải mua mới. Hãy thử nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam trong những năm 60, 70 thậm chí là đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có bao giờ chúng ta phải mệt mỏi vì việc mua SGK mới cho con cái từng năm học không. Tôi nhớ lại khi mình học lớp 5 mà vẫn dùng được SGK của anh trai lúc ấy đã học đại học. Nói như thể không phải là hoài cổ nhưng thú thực là tôi cảm thấy nền giáo dục Việt Nam bao giờ mới đến ngày xưa. Thật đáng buồn".

Sao lại phải tăng giá SGK là câu hỏi của bạn Nguyễn Hữu Huệ, Long Xuyên, An Giang, email: nguyenhuuhue@...: "Tôi là một nhà giáo, một người 15 năm đứng trên giảng đường, cùng các em học sinh vượt qua nhiều cuộc vũ môn. Tại sao lại phải tăng giá SGK, ai đề xuất chuyện này. Các cơ quan quản lý nên lo việc kiểm soát chất lượng nội dung SGK và kiểm soát các cơ sở in. Giá sách tăng hiện nay là không có cơ sở".

 

Cùng với việc tăng giá SGK, vấn đề chương trình, nội dung dạy học cũng đang là vấn đề nóng, thu hút nhiều tranh luận của độc giả. Bạn Lê Bích Ngọc, Chuyên Trần Phú, Hải Phòng, email: lbngoc_8391@... mong muốn các thầy cô hãy nghĩ tới học sinh trước: "Các chương trình cải cách của Bộ Giáo dục không những không giảm tải mà còn "tăng tải".

 

Không chỉ riêng môn giáo dục công dân quá nặng và quá khó, các bộ môn khác cũng đang gặp tồn tại tương tự. Chưa kể việc sắp xếp chưa hợp lí các bài học cũng gây rất nhiều khó khăn cho cả giáo viên và học sinh khi giảng dạy cũng như tiếp thu kiến thức. Điều này gây tâm lí lo ngại cho thầy cô và học trò, làm cho việc học tập không còn được hiệu quả như mong muốn. Những người làm sách giáo khoa không hầu hết đã đứng lớp, vì vậy không có kinh nghiệm giảng dạy và soạn giáo án. Vậy làm sao có thể viết được những cuốn sách giáo khoa chất lượng, phù hợp với khả năng tiếp nhận kiến thức của học sinh?!

 

Mong rằng Bộ Giáo dục sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn và kịp thời để giáo viên và học sinh không còn trong cảnh gió chiều nào xoay nhanh theo chiều ấy để kịp với tốc độ biến thiên của cải cách giáo dục hiện nay. Chỉ mong khi đưa ra bất cứ quyết định nào, các thầy hãy nghĩ tới chúng em!".

 

"Tôi thật thất vọng về các chính sách về SGK của Bộ GD, tại sao cứ thay đổi liên tục như vậy, không phải mọi thay đổi đều có lợi cả, tôi chỉ thấy điều không có lợi như sau: Đất nước ta còn nghèo mà học sinh cấp 1 hiện nay học toàn sách theo kiểu làm bài tập trực tiếp trên sách do NXB in, như vậy là không thể tận dụng cho lớp sau được, thật là lãng phí, chưa nói đến ảnh hưởng đến chữ viết, cách trình bày của các em. Chương trình thì được đẩy lên trong khi số tiết lại giảm, gián tiếp làm cho tình trạng học thêm, dạy thêm tăng lên trong khi Chính phủ muốn giảm tình trạng này. Tại sao trước khi thay đổi đại trà không tiến hành thử nghiệm tại một cơ sở nào đó, khi đó sẽ có kết quả tốt hơn, đỡ tốn kém của Nhà nước cũng như người dân, đặc biệt là những gia đình nông thôn, kiếm được miếng ăn còn khó khăn trong thời kì giá cả leo thang huống chi cho con đi học. Như vậy chả khác nào đóng sập cánh cửa học đường của trẻ em nông thôn", quan điểm của bạn Lê Hải Quân, Bách Khoa.

Bạn Nguyễn Phúc Anh, TP.HCM, email: tao_xanhxanh@... cho rằng SGK hiện nay không phù hợp với học sinh: "SGK hiện nay được biên soạn cứ như là đang dạy cho sinh viên đại học chứ không phải là dành cho đối tượng đang trong độ tuổi trưởng thành. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, tôi e rằng sẽ có nhiều phản ứng tiêu cực đến từ các em, ví dụ: căng thẳng tâm sinh lý, kém phát triển thể chất, thiếu tính năng động...

 

Chúng ta cần những con người năng động, nhạy bén với nền kinh tế thị trường chứ không cần những con mọt sách. Ở trẻ nhỏ, điều thực sự tôi muốn thấy ở chúng là tính kỷ luật, tính cộng đồng, thể chất phát triển tốt và tính tư duy sáng tạo đúng với lứa tuổi của chúng. Nếu bắt ép chúng làm quá nhiều bài tập với quá nhiều kiến thức ngoài lề, không phù hợp với lứa tuổi của chúng thì những gì chúng ta thu được sẽ hoàn toàn ngược với những điều chúng ta mong muốn".
 

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề đời sống, xã hội sau:


Xã Phước Kiểng, Nhà Bè thiếu nước sạch: Thanh Hiệp, Lê Văn Lương, xã Phước Kiển, Huyện Nhà Bè, TP.HCM, email: tpthiep@...: "Gia đình tôi trọ ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, kế bên là khu đô thị Phú Mỹ Hưng sang trọng, và trụ sở công ty cấp nước Nhà Bè. Không hiểu sao mà hiện giờ chúng tôi cũng chưa có nước máy để xài, phải đi chở từng can giá 2.000 đ/30 lít, mặc dù trụ sở công ty cấp nước Nhà Bè mới xây rất đẹp nằm gần đó, trên đường Nguyễn Văn Linh".

Bỏ trần lãi suất, bỏ cơ chế lãi suất thoả thuận: Quỳnh Hương, Hà Nội, email: quyhuong@...: "Thông tin bỏ trần lãi suất sẽ vừa tốt lại vừa xấu với thị trường tài chính, nhẩt là thị trường chứng khoán trong giai đoạn suy thoái hiện nay. Chắc chắn trong giai đoạn này, khi thị trường chứng khoán giảm sút liên tục và chưa có dấu hiệu phục hồi nào thì việc bỏ quy định lãi suất trần của NHNN sẽ tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất trong ngắn hạn. Tất nhiên cuộc đua này sẽ có điểm dừng vì các NHTM sẽ phải cân đối đến yếu tố lợi nhuận. Trong tuần tới tất cả các ngân hàng sẽ đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm. Điều gì sẽ xảy ra với thị trường CK? Các nhà đầu tư sẽ chuyển tiền từ CK sang ngân hàng trong thời gian này để hưởng lãi suất cao hơn và an toàn hơn nhiều so với đầu tư trên thị trường chứng khoán. Kịch bản này sẽ không thể tránh khỏi và thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục xu hướng giảm".

Bất cập của chiếc ATM: Võ Vĩnh Viễn, Hậu Giang, email: vinhvien@...: "Việc khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt và thanh toán qua tài khoản là một chủ trương tích cực. Song, sự chuẩn bị của Ngân hàng Nhà nước chưa kỹ, sự nóng vội của các bộ hữu quan đã đẩy việc rút tiền lương của người lao động qua ATM đã, đang và sẽ là một vấn đề mới cho xã hội. Với một xã hội mà người dân quen với thị trường bán lẻ, thì việc "ép" thanh toán qua mạng ATM (chưa hoàn chỉnh về kỹ thuật, tuyên truyền, an toàn, tiện lợi) là không phù hợp.

 

Không thể quản lý khoa học như quản lý người nội trợ: Nguyễn Thị Xuân Thu, Viên Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III, email: thuabmm@...: "Để phát triển KHCN ở nước ta trước hết phải bắt đầu từ việc thay đổi chính sách và cải tiến cách quản lý khoa học. Không thể quản lý khoa học như quản lý người nội trợ (hôm nay đi chợ mua gì, giá bao nhiêu, còn thừa hay thiếu...) mà phải có cơ chế quản lý khoa học hơn để phát huy tính sáng tạo. Cơ chế quản lý cứng nhắc và theo kiểu hoạch định như hiện nay là không phù hợp và làm mất rất nhiều thời gian của các nhà nghiên cứu. Vấn đề bảo vệ bản quyền cho các nhà khoa học là đảm bảo sự công bằng trong xã hội và giải quyết được nhiều vấn đề mang tính quyết định để phát triển KHCN nước nhà".
 

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!



 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,