221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1066085
Giá SGK không cần tăng, phải giảm mới đúng!
1
Article
null
Giá SGK không cần tăng, phải giảm mới đúng!
,

 - Xin không cần nêu lại những ảnh hưởng xấu về mặt chính trị - xã hội của việc tăng giá SGK mà báo chí đã phản ánh và phân tích. Bài viết này chỉ xin tính lại chi phí cho từng công đoạn làm sách (từ người viết đến người dùng sách) để có thể thấy rõ được nhiều yếu tố kinh tế bị NXB Giáo dục không tính đến khiến người dân tưởng lầm rằng cái lỗ 55 tỉ đồng là đúng.

                                                                                               

 

Mô tả ảnh.

Tiếp nhận SGK. (Ảnh sachthanhnghia.com)

Trong lúc cả nước đang hết sức bức xúc về việc NXB Giáo dục in giá bán tăng 10% vào SGK, chẳng hiểu sao Bộ GD-ĐT lại không lắng nghe đầy đủ những kiến nghị hợp tình hợp lí của dư luận.

 

 

 

Theo VietNamNet, Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng báo cáo về giá bán lẻ SGK năm học 2008-2009 và trình lên 2 phương án. Theo đó, Bộ có đề xuất hoặc tăng giá sách lên không quá 10%, hoặc hỗ trợ phần chênh lệch giá cho NXB Giáo dục (khoảng 55 tỷ đồng).

 

Thoạt xem qua thì tưởng như việc tính toán đầu vào, đầu ra của SGK chênh lệch nhau đến 55 tỉ đồng như vậy là hiển nhiên, nên chỉ có một trong hai giải pháp đó mới đảm bảo có SGK cho năm học 2008-2009.

 

Nhưng nếu phân tích kĩ từng khâu thì sẽ thấy giá thành thực tế không đúng như giải trình của NXB Giáo dục mà Bộ đã lấy làm căn cứ để đề xuất ra hai phương án trên. Về bản chất, đây chỉ là phương án đảm bảo 55 tỉ đồng tiền lãi vô lí cho NXB Giáo dục, chứ không hề nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho dân trong bối cảnh lạm phát hiện nay.

 

Xin không cần nêu lại những ảnh hưởng xấu về mặt chính trị - xã hội của việc tăng giá SGK mà báo chí đã phản ánh và phân tích. Bài viết này chỉ xin tính lại chi phí cho từng công đoạn làm sách (từ người viết đến người dùng sách) để có thể thấy rõ được nhiều yếu tố kinh tế bị NXB Giáo dục không tính đến khiến người dân tưởng lầm rằng cái lỗ 55 tỉ đồng ấy là đúng.

 

Đại thể NXB Giáo dục đã đặt giá bán sách dựa trên các chi phí bắt buộc như sau: 1. Tiền nhuận bút; 2. Tiền biên tập; 3. Tiền chế bản; 4. Tiền quản lí; 5. Tiền in ấn (kể cả giấy, mực); 6. Tiền phát hành; 7. Tiền thuế; 8. Tiền lãi.

 

Điều cần nói trước tiên là giá bán SGK luôn cố định theo giá xuất bản lần đầu tiên, trong khi đó tất cả các khâu hợp thành giá lại luôn biến đổi hằng năm. NXB luôn theo đuổi chủ trương tăng chi phí ở khâu này thì phải giảm chi phí ở những khâu kia để cuối cùng vẫn giữ nguyên được giá bán ban đầu của SGK nhằm ổn định tâm lí xã hội. Nhưng lần này, NXB Giáo dục thấy lãi ròng của mình bị giảm nặng, nên mới có chuyện đòi Nhà nước bù lỗ 55 tỉ hoặc gạt số tiền vượt trội lên đó sang cho học sinh gánh chịu.

 

Vậy thực hư thế nào, xin bạn đọc hãy cùng chúng tôi phân tích từng khâu trong tổng thể của nó:

 

K1 + K2 + K3 + K4 + K5 + K7 + K8 + K9 + K10 = 100% giá bìa.

 

Xin bắt đầu từ K5 bị thiếu 55 tỉ đồng vì giấy, mực đều tăng giá, nên làm triệt tiêu mất lợi nhuận (lợi nhuận sau thuế đạt 240 tỉ đồng trong 4 năm từ 2002-2006, theo Vnexpress 22-5-2007). Giả sử NXB có phải bỏ ra 55 tỉ để bù cho K5 thì vẫn còn gần 200 tỉ tiền lời nữa, chứ đâu đã phải phá sản, nên Thủ tướng Chính phủ không cho bù giá là chính xác.

 

Tiếp đến, K6 cần được đặc biệt xem xét. Có người nói do giá vận chuyển tăng nên các công ty phát hành sách đều bị thua thiệt, song họ vẫn cố gắng chịu đựng. Nếu đúng như vậy thật thì rất đáng tuyên dương. Đáng tiếc là trên thực tế thì trái ngược lại.

 

Thực chất công việc của K6 chỉ là vận chuyển SGK từ NXB về cho học sinh, vậy mà bấy lâu nay NXB chiết khấu tới 20-24%. Nhiều độc giả đã chỉ ra tính chất độc quyền áp đặt giá một cách phi lí ấy của NXB đối với hai chục triệu con em chúng ta.

 

Nếu bỏ độc quyền phát hành sách đó đi mà cho đấu thầu vận chuyển cung ứng sách, thì chắc chắn có nhiều đơn vị kinh doanh, dịch vụ khác sẽ sẵn sàng nhận mức chiết khấu không quá 12%, vì đơn giản là ở đây không có việc mua vào, bán ra, mà chỉ có công vận chuyển mà thôi.

 

Giả sử toàn bộ dịch vụ này chuyển sang cho bưu điện thì giá cả sẽ giảm đi được trên 14%.

 

Mô tả ảnh.

Rất nhiều HS miền núi đang mơ ước một bộ SGK. (Ảnh VNN)

Xin chứng minh cụ thể là mới đây Bưu điện Thanh Xuân đã chuyển 15kg sách của tôi tới tận trường ĐH Đà Nẵng với giá cước 43.000đ, nghĩa là vào khoảng 3.000đ/kg.

 

Bây giờ, nếu ta cũng đem một bộ SGK lớp 10 năm nay nặng khoảng 2,5kg gửi qua bưu điện vào Đà Nẵng thì cũng chỉ mất khoảng 8.000-10.000đ, trong khi đó công ty phát hành lấy của học sinh 20-24% trong tổng số khoảng hơn 200.000đ tiền mua bộ sách đó, nghĩa là đã lấy cước tới 40.000-48.000đ, đắt gấp nhiều lần dịch vụ bưu điện. Ấy là chưa kể khoảng cách từ 3 trung tâm in ấn SGK là Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh đến 90% số trường của họ phụ trách phân phối chỉ ở cách vào khoảng 200km, chứ không xa như từ Hà Nội vào Đà Nẵng nên giá cước bưu điện chắc chắn chỉ còn bằng một nửa mà thôi.

 

Đây là món lợi phi lí mà bấy lâu nay NXB Giáo dục đã độc quyền chia sẻ trong ngành. Nếu giờ đây rút giá vận chuyển xuống 10% thì số tiền dư ra 14% sẽ có thể góp phần giảm bớt gánh nặng cho học sinh đến chừng nào, mà NXB vẫn không hề bị thua lỗ! Vậy chẳng có lí do gì phải nói đến chuyện tăng giá SGK nữa!

 

Bây giờ xét đến các K1, K2, K3 và K4. Theo nguyên tắc và trên thực tế, tiền nhuận bút, tiền biên tập, tiền chế bản, tiền quản lí đều giảm dần theo từng năm tái bản. NXB hầu như không phải tốn công, tốn của cho các khâu này nữa. Riêng tiền nhuận bút thì chỉ còn khoảng 2-3% nếu sách tái bản tới 10 lần trở lên.

 

Rõ ràng số tiền khổng lồ không phải chi này NXB đã đưa vào lãi ròng hằng năm cho mình, mà lẽ ra phải tính vào giá thành hằng năm để giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh. Số tiền lãi ròng ở đây chắc chắn không phải do kinh doanh mà có, trái lại đó là siêu lợi nhuận cực kì phi lí của độc quyền.

 

Vậy có nên chăng là Bộ GD-ĐT hãy vì thế hệ tương lai của đất nước, vì những con em nhà nghèo phải bỏ học, mà thu hồi lại số tài sản vốn là của nhân dân đó để đầu tư lại cho con em chúng ta.

 

Ngay trong năm học đầy sóng gió về giá cả này mà người dân cả nước nhận được phần "quà giảm giá SGK" của Bộ, thì hẳn là phấn khởi vô cùng và từ đó càng vững tin hơn vào chính sách chống tiêu cực của Đảng, Nhà nước và chủ trương nói “không” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

 

Nếu không, hãy nhìn xem số tiền hàng trăm tỉ đồng ấy được NXB GD sử dụng ra sao. Toà nhà 5 tầng kiên cố, đồ sộ, khang trang trị giá hàng chục tỉ đồng trên phố Trần Hưng Đạo của NXB mới đưa vào sử dụng chưa đầy 20 năm, vậy mà nó đã bị phá đi một cách không thương tiếc để rồi xây lại trên nền đất cũ một ngôi nhà mới, cao 10 tầng. 

Đôi điều thẳng thắn bộc bạch, nếu có gì chưa thoả đáng, mong được thông cảm. Tất cả chỉ mong sao cho con em nhân dân lao động có được những bộ SGK với giá năm sau rẻ hơn năm trước để mau chóng trở thành những người xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh. 

  • Bùi Hiền

         Ý kiến của bạn?

 

            
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;