221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1067831
Nhiều người bức xúc về chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (Từ 18/5-24/5):
Nhiều người bức xúc về chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế
,

 - "Trong khi việc mua BHYT là bắt buộc thì việc giải quyết quyền lợi cho người mua thì lại chưa đi đến đâu. Lỗi do ai? Ai là người được lợi và ai là người chịu thiệt thòi nhất? Thiết nghĩ Chính phủ, Bộ y tế và các ban ngành liên quan cần sớm giải quyết hiện trạng này." - nhiều bạn đọc trao đổi ý kiến về vấn đề Bảo hiểm y tế trong tuần qua nhân Quốc hội thảo luận về xã hội hoá y tế. Cùng đó là các ý kiến về tăng lãi suất,  việc tăng giá sách giáo khoa,trách nhiệm ngành điện trước tình trạng thiếu điện...cũng là những vấn đề bạn đọc quan tâm.

Mô tả ảnh.
"Xin" khám bệnh bằng BHYT. (Ảnh minh hoạ: giadinh.net).

Việc đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế là vấn đề được bạn đọc quan tâm nhiều nhất trong tuần vừa qua. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, khám bệnh bằng BHYT thủ tục quá nhiêu khê, mất nhiều thời gian và vẫn phải mua thêm thuốc ở ngoài điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ…  

Bạn Nguyễn Văn Lang, Buôn Ma Thuột, Dắk lắk, langdaklak@... viết: "Một lần tiếp xúc với gà bệnh, tôi cảm thấy mệt mỏi trong người, khó thở. Nghi là bị cúm gia cầm nên tôi đến bệnh viện đa khoa Đắk Lắk để khám BHYT. Ngoài những thủ tục rườm rà như các bác nêu ở trên, tôi bước vào phòng khám và đuợc những cô bác sỹ trẻ ơi là trẻ hỏi bệnh. Tôi khai nghi bị cúm gia cầm. Các cô bác sỹ chỉ im lặng nhìn tôi, sau đó hỏi giờ anh muốn làm gì?

 

Theo tìm hiểu của tôi trên internet về bệnh cúm gia cầm thì phải chụp phổi, xét nghiệm máu. Tôi yêu cầu được thực hiện 2 việc đó thì đuợc họ đồng ý. Nhưng khổ nỗi khi nhìn lại trong tờ giấy chuẩn đoán của bác sỹ thì nghi tôi bị bệnh đái tháo đường. Sau khi chụp film phổi và xét nghiệm máu có kết quả thì cô bác sỹ bảo anh không có bệnh gì cả trong khi tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi, tức ngực, khó thở và kết quả là bác sỹ kê cho tôi 1 số loại thuốc về uống để chữa cái bệnh không có gì của tôi.

 

Lạ một điều là trong quá trình khám bệnh, cô bác sỹ không hề chạm vào người tôi, thường thì ít ra phải đo huyết áp, bắt mạch...

 

Có 1 điều khiến tôi không hài lòng nữa là các bác sỹ Khám bệnh BHYT ở Đắk Lắk quá trẻ, nếu tôi đoán không nhầm thì là những sinh viên mới ra trường trong khi việc khám bệnh ngoài trình độ và kiến thức thì kinh nghiệm cũng là 1 yếu tố cực kỳ quan trọng. Những người đi khám bệnh kháo nhau rằng:Những bác sỹ danh tiếng mà ở những phòng mạch ngoài giờ ghi bác sỹ giỏi của bệnh viện tỉnh thì đi đâu ?"

 

Khám bảo hiểm y tế một lần "sợ" đến già

 

Bạn Thanh, Hà Nội, thaoniah2004@... bức xúc: "Chắc tôi sẽ vẫn tin tưởng vào việc khám bảo hiểm y tế nếu như không được trực tiếp đi khám bệnh một lần tại bệnh viện Bộ Giao thông Vận tải Hà Nội. Tôi nói vậy vì trước đây tôi thường đi đến bệnh viện Thanh Nhàn nơi có cô em chồng công tác và mọi sự đều tốt đẹp, tôi không hiểu vì cô em chồng trong ngành hay vì bênh viện Thanh Nhàn phục vụ tốt.

 

Tôi đau bụng và đau dọc sống lưng, phần vì bảo hiểm y tế tại BV Bộ Giao thông Vận tải, phần vì tôi nghĩ bệnh cũng không có gì nguy cấp lắm nên tôi quyết định đi khám theo con đường được bảo hiểm y tế của tôi. Qua phòng đăng ký, tôi được phát một thẻ lên phòng khám nội. Phòng khám nội hôm đó có 2 người, một là bác sỹ và một là y tá thì phải. Đến lượt tôi được vào khám, cô y tá cầm sổ y bạ hỏi (tôi đoán là hỏi tôi vì chỉ có tôi là bệnh nhân ở đó): Bao nhiêu tuổi? Giấy giữ thẻ đâu? Sau đó cô đưa sổ y bạ chỉ tôi sang bàn cô bác sỹ.

 

Cô bác sỹ vừa hỏi tôi "Chị làm sao?" tôi chưa kịp trả lời xong câu hỏi thì cô lại tiếp chuyện với cô y tá cứ như không có mặt tôi và vừa viết một cái giấy bảo tôi đi nội soi. Tôi đồ rằng lúc ấy tôi có nói đau tim chắc cô ấy cũng bảo tôi đi nội soi dạ dày mất.

 

Sau khi đi đóng tiền và nội soi xong, tôi mang kết quả lại cho cô bác sỹ, cô ta chẳng thèm liếc mắt vào tờ kết quả mà kê cho tôi một đơn thuốc.

 

Tôi nói với cô bác sỹ là tôi thấy lúc sốt lúc nóng bất thường, cô ta cáu ầm lên (có lẽ vì làm ngắt quãng câu chuyện với cô y tá): "Chị có dám nói là chị sốt không, tôi cặp nhiệt độ mà chị không sốt thì sao?" Lúc đó cảm thấy quá bị xúc phạm tôi không thể nói được câu nào nữa mà bước ra ngoài không cả chào 2 "bà" nữa. Tôi sợ quá định bụng sẽ vào gặp ngay giám đốc bệnh viện để bày tỏ nỗi bức xúc của mình nhưng nghĩ lại tôi đã đọc đâu đó rằng thân phận của những người khám bảo hiểm y tế là như vậy thì phải? Và một số bác sỹ dành cho khám bảo hiểm y tế là những người thiếu một thứ gì đấy như trình độ chuyên môn, y đức... Xin chia sẻ cùng các bạn."

 

"Tôi cũng mới đi khám bệnh bằng BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn - Hà Nội. Do mấy ngày trước hay thấy đau bụng nên đi khám xem có vấn đề gì không. Ngồi chờ từ 8h30 sáng cho đến 11h15 mới được vào phòng khám, mình kể đau bụng, bác sĩ lấy tai nghe nghe ngực phổi rồi bảo có khả năng viêm đại tràng. Tôi có nói rằng, đợt này em thấy đau bất thường, bác sĩ cho tôi đi siêu âm được không, tôi lo ngại mắc phải các bệnh phụ nữ hay gặp. Nhưng bác sĩ không cho, nói rằng, siêu âm cũng chẳng phát hiện được gì vì là viêm đại tràng.

 

Tôi cũng không hiểu dựa vào đâu mà bác sĩ nói chắc vậy. Thấy thế tôi liền kể thêm một bệnh nữa là bị đau nửa người đã lâu, uống nhiều thuốc của nhiều bệnh viện lớn rồi không khỏi. Bác sĩ liền phán chắc nịch một câu, tôi kê thuốc này uống rồi sẽ khỏi. Thế rồi bác sĩ quên phéng mất mục tiêu ban đầu của tôi là đi khám vì đau bụng. Rồi cho tôi một đơn thuốc đau nửa người, ghi bệnh của tôi là thiểu năng tuần hoàn não, rồi xăm xăm ghi đơn thuốc.

 

Cả hỏi, cả khám, cả ghi đơn (2 hóa đơn giống nhau có lẽ để còn lưu lại cho BHYT) chưa nổi 3 phút. Tôi cầm hóa đơn này qua bên phòng kế toán để vào máy tính, khi nhận lại thì được biết tổng số tiền khám bệnh và cấp thuốc cho tôi là 30.256đ. Chữa bệnh bằng BHYT quả là giá rẻ giật mình. Không biết giá của bệnh nhân có rẻ như vậy không?" Hà Thu, Định Công, Hà Nội, maithuy03@...

Mô tả ảnh.

Chen chúc đăng ký khám bằng BHYT. (Ảnh giadinh.net.vn).

Cần cải cách mạnh hơn nữa về chữa bệnh bằng BHYT 

Nói về bảo hiểm y tế, nhiều bạn đọc chỉ biết lắc đầu ngao ngán: Chán! Dũng, Thanh Xuân, dung_changsonwoodwork@...: "Ý kiến của tôi về vấn đề khám chữa bệnh bằng BHYT chỉ hai từ thôi: Chán lắm!"

 

Đoàn Vân Anh, doanvananh03@...: "Tôi không biết các vị lãnh đạo ngành y tế đã đi khám bằng BHYT bao giờ chưa? Nếu có, đề nghị các vị lên tiếng!"


"Tôi công tác tại một cơ quan trực thuộc Bộ NN và PTNT. Vì vậy nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của tôi tại một trung tâm y tế của Bộ. Năm 2005 tôi mắc bệnh hội chứng thận hư, ban đầu tôi khám bệnh ở ngoài các bác sĩ bảo phải nằm viện ngay. Tôi đến TT Y tế của Bộ để xin chuyển BHYT thì các bác sĩ ở đây nhất định không cho và nói rằng ở đây chữa được. Một phần vì bất đắc dĩ, một phần tôi cũng chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của bệnh nên đồng ý nhập viện. Nằm điều trị mấy ngày mà không đỡ, một bác sĩ tốt bụng đã khuyên tôi chuyển lên BV Bạch Mai.

 

Sau một hồi "thủ tục" lằng nhằng tôi cũng chuyển được. Nhưng bệnh của tôi được các bác sĩ kết luận phải điều trị lâu dài, mỗi tháng khám lại và điều chỉnh thuốc 1 lần. Như vậy mỗi lần tôi lên BV Bạch Mai khám lại phải đến TT Y tế để chuyển BHYT, mà khi đến chuyển thì phải có xác nhận của phòng khám của TT Y tế mà các bác sĩ ở phòng khám này lại không bao giờ đồng ý cho chuyển. Vậy là từ mấy năm nay, tuy tôi có BHYT mà chẳng dùng được.

 

Nhân bài viết này tôi mong rằng cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu về chính sách BHYT phù hợp hơn nữa để những bệnh nhân điều trị lâu dài như tôi bớt đi khó khăn phần nào. Theo tôi chỉ cần cấp BHYT, còn khám chữa bệnh ở đâu là do bệnhh nhân lựa chọn để đảm bảo sự yên tâm chữa bệnh cho họ, họ có thể đến bất cứ bệnh viện nào đúng chuyên khoa tránh tốn kém về tiền của. Như vậy cũng thúc đẩy các bệnh viện phấn đấu, cạnh tranh để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, năng động, tránh ỷ lại." Bạn Lê Xuân Vững, Hà Nội, lexuanvung@... đề xuất. 

 

Sau khi đăng tải bài viết của bạn Lê Xuân Ngọ về nỗi bức xúc khi ghi nguyên quán trong giấy khai sinh, rất nhiều thư của bạn đọc phản ánh những rắc rối tương tự. Những câu chuyện bi, hài về việc ghi nguyên quán trong các loại hồ sơ mong được các cơ quan chức năng để ý, xem xét.

 

Mô tả ảnh.
Đăng ký khai sinh. (Ảnh VNN)
Chuyện thật như đùa

 

Bạn Việt Anh, Hà Nội, narutohanoi@...: "Chuyện về nguyên quán và quê quán theo qui định về quản lý hộ tịch của Việt Nam hiện nay đúng là gây ra nhiều tình huống thật như đùa. Tôi không hiểu nguồn gốc ở đâu ra câu chuyện đó. Có người thì nói là do chủ nghĩa lý lịch từ thời trước chiến tranh. Có người lại nói là do ý định của nhà quản lý muốn có thông tin về chuyển dịch các cộng đồng dân cư trong lịch sử. Theo tôi được biết ở nhiều nước trong giấy tờ quản lý hộ tịch của một người chỉ có khái niệm nơi sinh và khái niệm quốc tịch. Còn quê quán và lại cả nguyên quán thì không ai cần và có lẽ cũng chẳng ai cần để làm gì.

 

Bản thân gia đình tôi cũng đã rơi vào trường hợp oái ăm liên quan tới vụ quê quán này. Ông tôi sinh ở Thái Bình, lên Hà Nội lập nghiệp từ lúc chưa tới 20 tuổi. Bố tôi được sinh ra ở Vĩnh Yên. Tôi sinh ra tại Hà Nội. Cứ theo qui trình cũ, quê của cha là quê của con, mục quê quán của tôi sẽ là Thái Bình. Mặc dù bố tôi không sinh ra ở Thái Bình và thậm chí cả đời bố tôi chưa một lần về Thái Bình do ông tôi và gia đình lập nghiệp tại Hà Nội gần 100 năm rồi và còn rất ít liên hệ với nơi ông tôi sinh ra.

 

Tôi có hai con, đứa đầu thì ra phường họ bắt khai theo qui định cũ, tức là quê của nó là nơi cụ nó sinh ra. Đến đứa thứ hai tôi không chịu theo phường nữa vì tại phần hướng dẫn khai sinh có đề rõ: quê quán là nơi sinh ra của bố. Vậy là tôi cãi lý với cán bộ tư pháp phường và cuối cùng họ chịu, đề quê quán đứa con thứ hai của tôi là Hà Nội. Kết quả là vợ chồng tôi có hai đưa con cùng cha cùng mẹ đẻ, cùng một hộ khẩu nhưng một đứa quê Thái Bình và một đứa quê Hà Nội. Đúng là chuyện này chắc chỉ có ở Việt Nam. Mong rằng các vị quan chức soạn thảo các qui định về hộ tịch đọc được những nội dung trao đổi tại mục này để có biện pháp giải quyết."

 

"Nguyên quán tôi ở xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long, còn hộ khẩu ở tại phường 1- thị xã Vĩnh Long. Khoảng năm 2000, xã Bình Hòa Phước tách thành 2 xã Hòa Ninh và Bình Hòa Phước, nơi tôi ở thuộc xã Hòa Ninh. Khi đi đổi CMND hết hạn, tôi ghi nguyên quán "Hòa Ninh" thì công an phường 1 yêu cầu tôi phải chứng minh, xã Bình Hòa Phước đã bị chia tách thành 2 xã và hiện giờ tôi ở xã Hòa Ninh. Đó là chuyện của Chính phủ, chứ tôi đâu có tự chia tách xã mà bắt tôi phải chứng minh?" Lê Thụy, Điện Biên Phủ, Quận 10, TP HCM, nguyenpham_2009@...

 

"Biết rồi khổ lắm nói mãi. Loanh quanh ba cái chuyện này còn nhiều chuyện tức cười. Khai mà để khai, chẳng biết để làm gì, đến khi ngã ngửa ra mới thấy lắm cái chuyện nhiêu khê, rắc rối, "quê mùa" của cái việc quản lý lý lịch tư pháp. Chẳng hạn, việc phải khai thành phần gia đình: khi con tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đến phần khai thành phần gia đình thì không biết làm thế nào. Vì trong lý lịch của tôi, khi khai phải theo bố tôi, tức là "trung nông", đến con tôi nếu phải theo tôi thì làm gì còn trung nông, tôi thì lúc làm cơ quan Nhà nước, lúc cho liên doanh nước ngoài, chán thì bỏ ra làm tư nhân, biết mình thuộc thành phần gì bây giờ? Đem chuyện đó đi hỏi một cô Phó Bí thư Đoàn cấp huyện, cô bảo đến em bây giờ còn tắc, vì bố em là cán bộ Nhà nước, mẹ em làm ruộng... Thôi biết rồi khổ lắm nói mãi..." Trương Thanh Sơn, Hải Dương, tson1966@...

Nguyên quán không hợp lý cho xác minh

 

Một bạn đọc, Nam Định, leboxmail@... nêu ý kiến: "Qua những ý kiến của bạn đọc đã đóng góp, tôi cũng xin được có ý kiến về việc ghi nguyên quán trong giấy khai sinh. Trường hợp của tôi, mà bản thân tôi cũng thấy không hợp lý. Bố tôi sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, nhưng cụ đi thoát ly theo cách mạng tham gia kháng chiến chống Pháp khi 15 tuổi. Sau giải phóng Điện Biên cụ về tham gia công tác tại Hà Nội rồi lập gia đình với mẹ tôi. Nhưng do điều kiện công tác mẹ tôi về Nam Định làm việc rồi ở lại hẳn Nam Định. Thời gian này mẹ tôi sinh tôi tại Thành phố Nam Định (trong giấy khai sinh của tôi còn ghi rõ nơi sinh của tôi là Bệnh viện phụ sản Nam Định).

 

Nguyên quán của tôi theo pháp luật quy định, thì tôi theo nơi sinh ra và lớn lên của bố tôi là Thanh Hóa. Điều này tôi thấy không phải bàn cãi. Nhưng cho đến nay tôi lập gia đình và có 2 cháu, khi đi khai sinh tôi thấy cán bộ làm giấy khai sinh cho con tôi ghi nguyên quán Thanh Hóa thì tôi có ý kiến, tại sao lại lấy nơi sinh ra và lớn lên của bố tôi tức ông nội của cháu để ghi, mà theo như ghi chú trong bản giấy khai sinh ở cuối bản giấy khai sinh này lại ghi là nguyên quán của cháu phải ghi theo nơi sinh ra và lớn lên của tôi.

 

Nhưng cán bộ ghi giấy khai sinh nói là đấy là quy định. Song tôi thấy lý do đó không thuyết phục. Bởi lẽ, nếu như có điều tra lý lịch của hai con tôi mà về Thanh Hóa xác minh thì có hỏi đến đâu đi nữa thì cũng không ai có thể biết nổi con tôi là ai, do ai sinh ra, là nam hay nữ vì ngay cả bản thân tôi cũng chưa ở đó đến một ngày. Cho nên tôi cũng xin có ý kiến nên ghi khai sinh của con theo nơi sinh ra và lớn lên của bố mẹ là việc quản lý chuẩn xác nhất. Vì tất cả mọi liên quan về thân nhân của người sinh ra đều là thực tế, không xa vời. Các vần đề liên quan về nguồn gốc của đứa trẻ được xác minh trên cơ sở người sinh ra. 

Mô tả ảnh.
Làm thủ tục hành chính tại TP.HCM. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ: TPO)

Tôi cũng xin đưa ra một ví dụ mà chính bản thân tôi là người trực tiếp đi xác minh lý lịch kết nạp Đảng cho một đồng nghiệp. Theo hướng dẫn đi xác minh nêu nếu người được xem xét kết nạp vào đảng có bố hoặc mẹ (hay người trong gia đình của quần chúng đó) đã kết nạp đảng CSVN thì chỉ xác minh đến gia đình sinh ra người được xét kết nạp và bản thân của quần chúng đó tại địa phương, nơi làm việc, không xác minh sâu về quê quán (tôi muốn nói là nguyên quán trong giấy khai sinh). Còn nếu trong gia đình người được xem xét kết nạp mà chưa có ai trong gia đình được kết nạp và Đảng CSVN thì phải về quê quán xác minh và lấy ý kiến của chi bộ nơi địa phương đó. 

Quay lại vấn đề ghi nguyên quán trong giấy khai sinh, như tôi nêu ở trên thì thử hỏi ai dám xác nhận cho con tôi, nếu tôi chưa là đảng viên. Đấy là tôi chưa nói đến nhiều vấn đề liên quan khác. Nói tóm lại tôi thấy như thế là không hợp lý nên cần có sự xem xét lại về việc này cho quản lý mang tính thực tế."

Khổ lắm lý lịch ơi!

 

Bạn đọc Phương Hà My, Hà Nội, mymylieb@... phàn nàn: "Cải cách hành chính phải bắt đầu ngay từ cải cách tờ khai lý lịch. Mỗi người chúng ta đều phải khai lý lịch, kể cả đưa trẻ đến trường lần đầu cho đến cụ già khi về hưu. Thật đau khổ khi phải khai lý lịch theo kiểu chẳng ra đâu vào đâu. Các định nghĩa về: quê quán, nguyên quán, nơi sinh, chổ ở hiện tại, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú,... Phải nói là rất vô nguyên tắc vì mỗi người hiểu một cách khác nhau. Không thể thống nhất được cách định nghĩa này hay sao.

 

Ngay như thành phần gia đình cũng gây tranh cãi. Tôi là cán bộ thi ghi thành phần thế nào? Có thời phải ghi theo gia đình bố mẹ tôi (trung nông lớp trên, trung nông lớp dưới... chẳng biết từ bao giờ gia đình nhà tôi có thành phần này). Con tôi thì ghi theo ai khi cháu còn đi học? Đến khi cháu lấy vợ thì thành phần gì? Lại còn số nhà nữa. Hộ khẩu theo số cũ, nhà bây giờ có số mới, ghi thế nào cũng sai vì phải theo số hộ khẩu. Tôi thấy rằng chúng ta cứ nói cải cách nhưng hôm nay vẫn giữ tờ khai từ những năm rất xưa rồi. Khổ lắm ai ơi nếu phải đi khai lý lịch. Ai cải cách việc này đây?

 

"Rắc rối quá. Tôi làm nghề quản lí nhân sự nhiều năm mà còn thấy vô cùng phúc tạp về nội dung này. Không hiểu nước ngoài họ quan niệm về việc này thế nào nhỉ..." Nguyễn Văn Dũng, Nhân Hoà, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. 

Bạn Lê Viên, Hoàn Kiếm, Hà Nội đề xuất: "Bộ Tư pháp và Bộ Công an nên có nghị định sửa chữa những bất hợp lý này càng sớm, càng tốt. Đối với thế hệ ngày nay, các cháu học sinh trong giấy khai sinh hoặc các loại giấy tờ lý lịch bản thân chỉ cần ghi hai dữ kiện Nơi sinh và Nơi ĐKHK thường trú hoặc thêm dữ kiện Chỗ ở hiện tại. Vì có người có HKTT một nơi, nhưng lại cư trú (tạm trú) một nơi khác. Để tránh phiền hà, và thống nhất trong quản lý nhân thân con người."

"Đề nghị bỏ nguyên quán trong các giấy tờ đi, chỉ cần nơi sinh, nơi ở hiện nay là đủ. Trong giấy tờ xin cấp visa đi nước ngoài họ cũng chỉ hỏi nơi sinh. Trong một số giấy tờ còn có mục "thành phần gia đình" hay "thành phần xuất thân" và nhiều mục khác mà đã có từ rất lâu, nay không còn phù hợp, người khai không hiểu thế nào đặc biệt là lớp trẻ.

 

Bộ Công an và Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp nên có sửa đổi và thống nhất, hướng dẫn để dân hiểu và thực hiện cách thống nhất, vì những điều khai này nhiều khi lại rất phiền phức khi làm các thủ tục hành chính. Sao mà dân mình khổ thế." Thạch Thủy, Huế, thavhthuy@...

 

Mô tả ảnh.
Ảnh: VNN
Thông tin về việc tăng giá sách vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc, nhất là những bậc phụ huynh có con đang tuổi cắp sách đến trường. Nhiều bạn đọc cho rằng, trong hiến pháp của nước Việt Nam quy định bậc tiểu học được học miễn phí, vậy "Không nên bán sách cho bậc tiểu học, cũng không nên thu học phí."
 

Bạn Hồ Nguyên Đăng, Đông Hà, Quảng Trị, danghoqt@... viết: "Tôi vốn là con nhà nông, chật vật mãi mới vượt qua thời khó khăn từ khi bắt đầu đến trường cho đến khi tìm được việc làm. Tôi đã từng thức thâu đêm hàng tháng trời để chép lại những cuốn sách mà mình cần phải học trước khi trả lại cho bạn. Tôi thấy cách phân tích của tác giả Bùi Hiền tuy rất thẳng thắn nhưng đầy tính nhân văn. Việc tiếp theo tôi xin nhường lời cho các nhà hoạch định chính sách và các cấp có thẩm quyền."

 

Bạn Anh Tuấn, Biên Hoà, rubico_lamhoaphat@... cho biết: "Ở đơn vị tôi chuyên sản suất các sản phẩm gỗ xuất khẩu cho tập đoàn IKIA. Năm 2006 sản xuất mặt hàng A nào đó giá bán 40USD/SP, sang năm 2007 họ chỉ chấp nhận mua của chúng tôi với giá giảm đi 5% so với giá mua năm 2006 tức là còn 38 USD. Thoạt đầu xem ra tưởng chừng quá phi lý, song lợi nhuận năm 2007 công ty chúng tôi không thua kém năm 2006; vì sao vậy, vì chúng tôi phải tiết kiệm đủ các chi phí, sản lương làm ra tăng hơn so năm cũ... Vì thế sách giáo khoa càng này phải càng giảm là hoàn toàn đúng. Mong NXB GD thấu hiểu cho."

 

Nhiều bạn đọc cũng đồng ý với cách phân tích của tác giả Bùi Hiển rằng: Rõ ràng số tiền khổng lồ là 55 tỷ không phải chi này mà NXB GD đã đưa vào lãi ròng hằng năm cho mình, mà lẽ ra phải tính vào giá thành hằng năm để giảm gánh nặng kinh tế cho học sinh.

 

"NXB giáo dục đã tính toán kĩ càng khi đưa ra đề nghị tăng giá SGK chưa? Nếu như theo tính toán của tác giả trên đây thì có phải do lãi ròng từ nguồn thu bán sách tụt giảm đi đôi chút mà NXB GD đã vội vàng đề nghị tăng giá hay vì khâu tính toán quá yếu kém nên đã để "sót" vài chục tỉ đồng nên không biết. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng và Chính phủ nên xem xét lại đề nghị của NXB GD mà Bộ GD & ĐT đã đệ trình để thấy được thực chất của sự việc và cho câu trả lời đúng nhất trước nhân dân và đặc biệt là trước hơn hàng chục triệu trẻ em ngây thơ đang từng ngày tìm kiếm cái, hay cái đẹp của cuộc đời trên từng trang sách này." dialiqn_02@...

 

Mô tả ảnh.

Rất nhiều HS miền núi đang mơ ước một bộ SGK. (Ảnh VNN)

Bạn Nguyễn Thành, Bạch Đằng, TP Hạ Long, thanhhlqn2006@... bức xúc: "Không chỉ nhà xuất bản của Bộ mà các công ty phát hành sách và thiết bị trường học của các tỉnh cũng cho mình cái độc quyền kinh doanh như vậy - do đó các công ty này ở tất cả các tỉnh đều có lãi rất lớn đã gây ra những bức xúc trong dân. Nay lại tăng giá sách nữa thì việc này đâu có vì học sinh và phụ huynh học sinh còn có rất nhiều khó khăn. Tôi đề nghị Chính phủ xoá bỏ việc độc quyền kinh doanh sách GK của nhà xuất bản GD và các công ty phát hành sách và thiết bị trường học của các tỉnh, để làm lành mạnh và công bằng trong việc kinh doanh mặt hàng thiết yếu này." ". Bạn Nguyễn Hưng, Thái Nguyên, nguyenhung_200675@... đề nghị. 

"Việt Nam cần phải xã hội hoá giáo dục, và phải xã hội hoá nhiều mặt hơn nữa. Một số bất cập về nội dung "quá tải", "chưa phù hợp", nay lại vấn đề tăng giá. làm nhiều học sinh và phụ huynh phải đau đầu hơn. Hy vọng hệ thống giáo dục của nước ta sẽ sớm khắc phục được những điểm yếu "tiềm ẩn" và khó khăn để đưa nền giáo dục nước nhà đi lên."

Cuong Dang, Cần Thơ, netlaptop@...

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,