- Đề án “2 trong 1” của Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân cả nước, trong đó có không ít ý kiến của giảng viên các trường ĐH. VietNamNet xin trích đăng một số ý kiến.
Chọn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ hợp lý và hiệu quả hơn
Đề án “2 trong 1” đang được sự quan tâm cao độ của người dân Việt
Nếu thực hiện "2 trong 1", trường ĐH vẫn phải kiểm tra sát hạch để loại bớt thí sinh do không đảm bảo cơ sở vật chất. Ảnh: Bảo Anh
Trước hết, chúng ta cần phải xác định mục tiêu mà chúng ta muốn hướng đến là gì?
Mục tiêu cho sự lựa chọn lần này mà chúng ta cần hướng đến là: Giảm áp lực học cho học sinh; Giảm thiểu mức độ rủi ro cho học sinh trong khi làm bài; Tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội; Đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.
Rõ ràng với mục tiêu đặt ra như trên, với việc lựa chọn “2 trong 1”, một kỳ thi sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng ta cần lưu tâm ở đây là lựa chọn kỳ thi nào: tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH, CĐ?
Sự cân nhắc chọn kỳ thi nào có thể tính toán trên các điều sau:
Thứ nhất, nếu chọn kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các môn thi phải gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ. Rõ ràng với 8 môn thi dồn dập trong 4 ngày, riêng đối với các trường năng khiếu phải tổ chức thêm một môn năng khiếu thì mục tiêu giảm áp lực học cho học sinh, giảm thiểu độ rủi ro trong quá trình làm bài thi của học sinh là không đạt được. Và như thế, kết quả thi tốt nghiệp THPT không thể chính xác bằng thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thứ hai, việc xét tuyển học bạ sẽ gây ra những tiêu cực trong việc cho điểm ở bậc phổ thông. Điều này thật sự khó kiểm soát trong điều kiện năng lực quản lý hiện tại của ngành giáo dục và tâm đức của một số giáo viên hiện nay.
Cho dù chúng ta có một cách kiểm soát hết sức chặt chẽ, tâm đức của tất cả giáo viên đều tốt thì một vấn đề ảnh hưởng đến sự công bằng và độ chính xác là sự khác biệt về quan điểm, tiêu chuẩn cho điểm của các giáo viên khác nhau là khác nhau.
Hai giáo viên khác nhau trong cùng một trường đã khác, trong cùng một vùng miền đã khác chứ đừng nói đến là giữa vùng sâu, vùng xa và trung tâm thành phố.
Thứ ba, để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách nghiêm túc, xu hướng của các địa phương cũng phải tập trung học sinh về một cụm, thường là ở trung tâm. Các giảng viên ở các trường ĐH phải tăng cường về các điểm thi với tư cách là cán bộ coi thi, sư di chuyển của cả học sinh vùng ven về trung tâm và của cán bộ coi thi lại phải tốn kém tiền của.
Việc điều động giảng viên đại học làm cán bộ coi thi cũng gây ra một phản ứng không đáng có về mặt tâm lý. Có thể về quan điểm, chúng ta không khinh, trọng cán bộ coi thi 1 hay 2 nhưng về mặt tâm lý của cán bộ coi thi 2 sẽ có sự nhạy cảm nhất định. Sẽ như thế nào nếu cán bộ 1 là giảng viên ĐH trẻ tuổi và cán bộ 2 là một giáo viên phổ thông đứng tuổi? Lúc đó, tâm lý của cả cán bộ 1 và cán bộ 2 liệu có thoải mái để làm việc hay không?
Thứ tư, nếu rủi ro trong thi tốt nghiệp THPT, cánh cửa vào ĐH, CĐ của các em sẽ đóng kín.
Từ những sự tính toán trên, rõ ràng chúng ta thấy rằng chọn kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ hợp lý và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tất cả các thông tin đóng góp cho đề án này suy cho cùng vẫn mang tính chủ quan.
Theo tôi, để đưa ra quyết định cuối cùng, Bộ GD-ĐT nên thăm dò ý kiến của toàn dân. Đối tượng quan trọng nhất là các em vừa mới trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ năm học 2007-2008 (bởi vì hơn ai cả, các em sẽ thấy được một cách chính xác cái gì thích hợp hơn cho mình); các đối tượng khác cũng rất cần thăm dò là các em học sinh sẽ tham gia kỳ thi 2008- 2009; phụ huynh của các em; giáo viên ở các trường phổ thông và giảng viên các trường ĐH, CĐ. Nguyễn Thị Hải Đường, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng, haiduong_tmdl@...
“2 trong 1” là không tưởng, là đốt cháy giai đoạn
Diễn đàn các báo cho thấy đại đa số các ý kiến (của giáo viên, cán bộ giáo dục và cả phụ huynh) đều không đồng tình với chủ trương “2 trong 1” mà Bộ GD-ĐT xem là bước tiến trong việc dạy và học của ngành mình.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhưng đến giờ phút này, tôi vẫn chưa thấy Bộ GD-ĐT có một động thái giải thích hoặc đối thoại nào, tại sao vậy? Bộ GD-ĐT bận bịu hay không thèm lắng nghe những trăn trở, bức xúc đó?
Là người làm công tác liên quan đến xã hội và giáo dục của một trường ĐH, tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu những chuyển biến của xã hội và đặc biệt rất quan tâm đến giáo dục (cả mặt tích cực và tiêu cực) trong một thời gian dài. Bản thân cũng từng giảng dạy ở bậc PTTH và ĐH, tôi thấy việc gộp 2 kỳ thi trong một lúc này là nóng vội, là duy ý chí và đốt cháy giai đoạn (chữ dùng của triết học), nếu không muốn nói là cẩu thả và xem thường dư luận (thực tiễn). Vì sao?
1. Việc thanh tra thi cử không nghiêm túc vẫn diễn ra nhan nhản, phao thi vẫn trắng xóa các hội đồng thi sau mỗi môn thi như là một thách thức với ngành giáo dục.
2. Việc cướp đề thi vẫn còn diễn ra, điều đó không những thách thức ngành giáo dục mà còn thách thức cả pháp luật và truyền thống hiếu học của người Việt
3. Phong trào “hai không” của Bộ mới chỉ phát động 1, 2 năm nay, điều đó chưa đủ là một liều thuốc chữa trị hữu hiệu căn bệnh thành tích vốn kéo dài và trầm kha trong cơ thể giáo dục.
Nhìn đâu xa, Trung Quốc có rất nhiều trường được xếp hạng thế giới, giáo dục của họ hơn ta mà họ vẫn chưa gộp “2 làm 1” thì tại sao chúng ta gộp? Xin đừng đổ thừa do đặc thù hoàn cảnh mỗi quốc gia, câu này chúng tôi nghe quen rồi mỗi khi có chương trình, dự án cải cách gì mới để rồi sau đó “tiền mất, tật mang”.
Tôi nghĩ, hơn lúc nào hết Bộ GD-ĐT nên lắng nghe ý kiến của dư luận, việc gộp 2 trong 1 là tất yếu nhưng vào lúc nào? Chậm 1, 2 năm hay thậm chí 5, 10 năm mà chắc, mà giáo dục tiến vững vàng thì tôi nghĩ dư luận ai cũng đồng tình chứ cửa quyền, bất chấp, coi thường dư luận như đã làm ở một số chương trình cải cách khác là nóng vội, là đốt cháy giai đoạn. Chánh Ngữ, ĐH Trà Vinh
“2 trong 1” chưa chắc đã tiết kiệm
Tôi cũng là một nhà giáo. Tôi ủng hộ Bộ GD-ĐT thực hiện “2 trong 1”, nhưng là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và giữ nguyên kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học.
Học sinh đã được lên lớp trên tức là Nhà nước đã công nhận học sinh đủ trình độ của lớp dưới. Học sinh được lên lớp 12, tức là họ đã đủ trình độ từ lớp 11 trở xuống (mà những việc xét lên lớp này đều do giáo viên và nhà trường làm). Vì vậy, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT có tính chất quốc gia như hiện nay là không cần thiết, chỉ cần tổ chức kiểm tra cuối năm một cách chặt chẽ và xét tốt nghiệp như những năm lớp 10, 11 trước đó là được. Tất nhiên khi đó có thể tỷ lệ tốt nghiệp có thể cao nhưng còn tốt hơn việc tổ chức thi lại lần 2 như hiện nay.
Bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT hi vọng là sẽ giảm bớt được chi phí của nhân dân và Nhà nước cho kỳ thi này nhưng lại có hàng vạn “thanh tra uỷ quyền”, lại phải đổi chéo giám thị giữa các trường, các tỉnh... cuối cùng cũng chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.
Bỏ kỳ thi ĐH, CĐ sẽ tạo ra mỗi năm khoảng gần một triệu học sinh không được xét vào ĐH, CĐ, phải “bảo lưu” điểm thi. Không biết Bộ GD-ĐT sẽ xử lí thế nào khi các học sinh này bảo lưu hết năm này đến năm khác? Giả sử học sinh sau 5 năm không được xét vào ĐH, CĐ đến năm thứ 6 lại muốn “xét” vào ĐH, CĐ thì làm thế nào? Nếu không muốn “bảo lưu” thì họ sẽ phải thi tốt nghiệp phổ thông lại (thi 6-8 môn) để lấy kết quả thi mới thì chắc chắn kết quả sẽ không cao hơn được. Trong khi đó nếu giữ kỳ thi ĐH, CĐ thì học sinh có thể dự thi vào bất kỳ năm nào họ muốn và chỉ phải thi 3-4 môn thôi.
Một thực tế hiện nay ở Việt
Để con nông dân không thiệt thòi, cần phải thi ĐH
Tôi là một giảng viên dạy ở trường đại học hoàn toàn nhất trí quan điểm không nên gộp 2 kì thi làm 1 do rất nhiều tiêu cực tại trường phổ thông.
Tôi đã có 2 con tốt nghiệp ĐH nhưng nghiệm lại thấy kỳ thi vào ĐH là công bằng nhất. Có những đứa bạn của con tôi 12 năm liền học sinh giỏi trong trường phổ thông, vậy mà thi đại học chỉ đạt mức khá (17 điểm khối A trong 3-4 năm gần đây). Tôi tự hỏi tại sao học giỏi mà đã chọn khối thi có năng lực và sở trường nhất mà điểm thi chỉ có vậy?
Con tôi học chỉ đạt tiên tiến nhưng đậu ĐH điểm cũng 19-20. Nhất định là tiêu cực ở trường phổ thông dễ xảy ra hơn nhiều so với thi ĐH vì thi vào ĐH có qui chế thi và chấm, kiểm soát khi chấm rất gắt gao. Bộ GD-ĐT không thể giám sát nổi tiêu cực ở trường phổ thông. Nó rất nhẹ nhàng và kín đáo.
Không thi ĐH là cách làm của rất nhiều nước trên thế giới, tôi đã đi du học ở châu Á và châu Âu và đã biết. Nhưng, theo thôi, điều này không thể áp dụng ở Việt
Vì vậy, để con nhà nông dân không thiệt thòi, cần phải thi, có điều là tìm biện pháp tổ chức thi thích hợp để học sinh nông thôn không quá tốn kém khi đi thi ĐH. Ví dụ tổ chức thi tại địa phương, 2 thầy giáo đi coi có thể thay cho 30 em học sinh đi đến thành phố thi, như khi tôi thi ĐH cách đây 25 năm vậy. Huong Nguyen, huongnghuyen@...
Ẩn chứa nhiều tiêu cực
Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là mục tiêu quan trọng của Chính phủ và Bộ GD-ĐT. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu, đề xuất, đưa ra các phương án nhằm đổi mới chất lượng của quá trình đào tạo. Mỗi phương án đưa ra đều phải có cơ sở khoa học và kèm theo đó là các cách thức để thực hiện phương án một cách hiệu quả nhất. Tuy vậy đứng trước mỗi phương án ở tầm vĩ mô nhà quản lý cần có sự cân nhắc thận trọng để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Để đưa ra phương án “2 trong 1”, chắc chắn Bộ GD-ĐT cũng đã nghiên cứu và tham khảo ý kiến chuyên gia. Tuy nhiên, nhìn từ khác thực tế, chúng ta thấy, phương án “2 trong 1” bộc nhiều nhược điểm hơn ưu điểm.
Đó là, sự nghiêm túc trong thi tốt nghiệp THPT năm 2008 đã không còn được như năm đầu ra quân; phân tích kỹ lưỡng về kinh tế, chưa chắc “2 trong 1” đã tiết kiệm; tính chất và mục đích tuyển chọn của hai kỳ thi không giống nhau khi ghép lại sẽ có nhiều bất cập. Ngoài ra còn nhiều vấn đề nảy sinh khác như phân bố địa lý không đồng đều giữa các địa điểm thi, công tác an ninh, coi thi, chấm thi... tất cả đang ẩn chứa rất nhiều nguy cơ tiêu cực ảnh hưởng đến tính công bằng của kỳ thi.
Là một một giảng viên ĐH, đã tham gia hai lần với nhiệm vụ thanh tra ủy quyền thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 và 2007-2008, tôi thiết nghĩ, trong thời điểm hiện nay chúng ta áp dụng "2 trong 1" là không thích hợp, chưa kể lợi bất cập hại. Tôi mong rằng Chính phủ và Bộ GD-ĐT hãy lưu tâm và suy ngẫm nghiêm túc vấn đề này. Vũ Ngọc Thương, ĐH Sư phạm Kỹ thuật
Người xưa phân chia các kỳ thi rất rõ ràng để chọn nhân tài
Nếu đề án “2 trong 1” được phê duyệt thì theo riêng ý kiến của tôi thì đó sẽ là một tai họa cho nền giáo dục Việt
Nhìn lại thời xa xưa, chúng ta thấy rằng các cụ cũng đã phân chia các kỳ thi ra rất rõ ràng để chọn nhân tài cho đất nước. (Thí sinh đỗ kỳ thi Hương thì mới được tham dự kỳ thi Hội và nếu đỗ kỳ thi Hội thì mới được tham gia thi Đình).
Vậy không có lý do nào mà chúng ta lại gộp 2 kỳ thi làm một. Đây chỉ là ý kiến riêng của tôi cùng một số đồng nghiệp. Mong Bộ GD-ĐT xem xét lại đề án và hãy nghe lòng dân, hãy xem xã hội phản ứng thế nào với đề án này. Lê Trần Triệu Tuấn, ĐH Quốc gia Hà Nội
Thực hiện "2 trong 1", trường ĐH vẫn phải kiểm tra sát hạch
Các phương tiện thông tin đại chúng và các chuyên gia trong ngành GD-ĐT đã nói quá nhiều về những bất cập của đề án "2 trong 1" này rồi. Vấn đề cốt lõi ở đây là lẫn lộn khái niệm hay nói một cách khác là đánh đồng 2 kỳ thi hoàn toàn khác nhau thành một.
Giả sử cuối cùng vẫn có quyết định "2 trong 1" thì các trường vẫn phải tổ chức kiểm tra sát hạch để loại bớt thí sinh đăng ký vào trường do không đảm bảo cơ sở vật chất mà ít nhất là 75% số học sinh đăng ký sẽ bị loại.
Chúng ta hãy hết sức thận trọng trước khi quyết định một vấn đề mà theo tôi là rất mạo hiểm và đầy rủi ro. Hãy chớ nên làm điều này để vài năm sau lại bài ca muôn thủa là "nóng vội, duy ý chí"! Lê Ngọc Tường, ĐH Hà Nội, tuongln@...
Tại sao Bộ GD-ĐT chỉ lấy ý kiến các sở, phòng?
Tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến phản đối đề án “2 trong 1”. Ngoài ra, tôi xin nêu thêm một điều nữa. Rõ ràng kì thi ĐH được coi như cuộc thi "trạng nguyên", thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội từ xưa đến nay, hãy để nó được tồn tại với đúng ý nghĩa như vậy.
Tôi đã từng thi ĐH, tôi hiểu cảm xúc của những phụ huynh, của thí sinh tham dự. Dù có lo lắng, có vất vả, nhưng ai cũng thấy háo hức, thấy mình được trân trọng. Và nói thực, đối với phụ huynh, được lo lắng cho con em như vậy cũng là niềm hạnh phúc mà.
Gộp 2 kì thi vào 1 cũng không tiết kiệm được về tài chính, lại khó có thể đảm bảo công bằng, phụ huynh và học sinh cũng không muốn thế... Vậy tại sao Bộ lại không nghe ý kiến của nhân dân? Tại sao chỉ lấy ý kiến của nhân viên các sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, họ đâu dám phản đối Bộ chứ? Nguyễn Tiến Lợi, ĐH Bách khoa HN, wruserenity@...
Ý kiến của bạn về Đề án “2 trong 1”?