- Ý kiến phản hồi về việc gộp 2 kỳ thi làm một của Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục là chủ đề nóng thu hút sự quan tâm của độc giả trong tuần vừa qua. Ngoài ra, các vấn đề nông nghiệp, tăng học phí... cũng nhận được nhiều sự chú ý của độc giả.
Tiếp tục phản hồi về chủ trương gộp 2 kỳ thi làm một của Bộ Giáo dục - Đào tạo, bạn Phạm Thái Bình, Thanh Hoá, phamthaibinh0603@... lập luận: “Chưa nên bỏ thi đại học, bởi:
Nhiều ý kiến vẫn phản đối việc gộp 2 kỳ thi làm một. Ảnh: VNN
1) Đề án chưa được lấy ý kiến của nhân dân, đặc biệt là ở các trường THPT trên cả nước, tính khách quan chưa cao.
2) Chất lượng của kỳ thi liệu có đảm bảo không khi mà mặt bằng của các hội đồng thi khác nhau. Ở khu vực đô thị thì còn đảm bảo, còn phần đông ở các huyện, có ai dám chắc là nghiêm túc, kì thi tốt nghiệp THPT qua 2 năm gọi là nghiêm túc hơn thôi chứ thực tế việc cho quay cóp vẫn rất phổ biến (chặt ngoài, lỏng trong), chặt ngoài là việc của chính quyền địa phương, lỏng trong thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục, bộ đã nhìn thẳng vào sự thật này chưa, hay vẫn là bệnh thành tích, cho rằng đã tốt rồi. Nếu vậy khi dồn 2 làm 1, áp lực tăng cao, chuyện tiêu cực ai kiểm soát, tình hình ANTT sẽ thế nào nhỉ?
3) Thực tế lấy thăm dò ý kiến học sinh thì diễn ra như sau: Phần đông số học sinh học khá trở lên thì không tán thành vì sợ xảy ra mất công bằng. Phần đông số học sinh học yếu thì tán thành vì có nhiều cơ hội để đạt được điểm cao mà không phải từ kiến thức của mình. Và có người cũng đã tiên đoán rằng: Có học sinh năm nay không đậu tốt nghiệp nhưng năm sau có thể đậu đại học - sự ngược đời đó có thể xảy ra lắm. Tôi mong Chính phủ xem xét lại đề án này. Nó chỉ được thực hiện khi chắc chắn rằng: Kì thi tốt nghiệp THPT đã thực sự nghiêm túc; cơ sở vật chất của tất cả các điểm thi đảm bảo; lực lượng bảo vệ, an ninh kiểm soát được cả ngoài và trong hội đồng thi; lực lượng giám thị công bằng, khách quan”.
Bạn Nguyễn Duy Tân, Trần Hưng Đạo, HN, NguyentungTLD@... cũng cho rằng, nền giáo dục nước nhà hiện nay đã mắc nhiều sai sót, nên mỗi đề án đặt ra cần phải suy nghĩ kỹ trước khi quyết định, tránh lãng phí cho Nhà nước: “Tôi cũng chưa đồng ý đề án 2 trong 1 của Bộ Giáo dục. Quả thực chúng ta đã có nhiều sai lầm trong giáo dục. Và cũng có thể thấy rằng, những sai lầm thường gây tốn kém cho Nhà nước và nhân dân. Chúng ta lên xem xét về hai kỳ thi này ở góc độ để làm sao tiết kiệm cho Nhà nước và nhân dân, giảm tải, giảm áp lực cho học sinh, và hiệu quả.
Theo tôi, việc giữ 2 kỳ thi như hiện nay là cách nghĩ theo lối mòn, bảo thủ, lãng phí. Bởi vậy, chúng ta có thể xem xét theo phương án sau: Xét tốt nghiệp, chỉ tổ chức 1 kỳ thi đại học: Theo phương án này thì hợp lòng dân, tiết kiệm tiền của Nhà nước và nhân dân, giảm được áp lực cho học sinh, dễ dàng chọn lựa người tài vào các trường ĐH, CĐ và đặc biệt là hạn chế được tiêu cực có thể xảy ra. Phương án này vừa đơn giản, vừa khoa học, vừa dễ thực hiện, không tốn nhiều công sức nghiên cứu và triển khai, không biến học sinh thành "vật thí nghiệm" - thực sự là phương án tối ưu”.
Bạn Nguyễn Phương Thuỷ, Thái Nguyên, “Tôi là một giáo viên đồng thời cũng là một phụ huynh có con năm nay học lớp 12. Tôi giật mình khi đọc câu "Em là một học sinh thuộc thế hệ "chuột bạch" của Bộ GD - ĐT". Từ khi con tôi bắt đầu học theo chương trình thay sách năm đầu tiên, tôi đã rất lo lắng và thương con, mặc dù tôi hiểu để có những bước tiến dài, cần phải có sự thay đổi, và sự thay đổi nào ban đầu cũng có thể gây sốc. Đến nay, lại thêm một sự thay đổi nữa. Theo tôi, sự thay đổi này thật sự đã khẳng định rằng quả các cháu đúng là chuột bạch.
Cho đến thời điểm này, cả gia đình tôi đều không biết phải định hướng cho con tôi học như thế nào, vì không biết rằng cháu sẽ phải đối mặt với điều gì: Thi ĐH hay không thi, nếu không thi thì trường cháu dự tuyển sẽ xét tuyển thế nào?
Còn nhớ cách đây nhiều năm, chúng ta đưa ra phương án tuyển thẳng học sinh đỗ tốt nghiệp THPT loại xuất sắc vào ĐH, được mấy năm, chúng ta đã phải bỏ vì tiêu cực xảy ra quá nhiều. Nếu lần này chúng ta đưa kỳ thi tuyển ĐH gộp vào kỳ thi TN THPT, tổ chức tại địa phương thì chúng ta lại dẫm lại vết xe đổ trước kia, và còn tai hại hơn trước kia, vì trước kia, nếu không đỗ loại xuất sắc, các cháu vẫn có cơ hội nữa để được vào ĐH, nay thì đây là cơ hội duy nhất. Vậy kỳ thi này thật sự sẽ là một cuộc chiến sinh tử tại địa phương, nơi mà không thể nào có sự nghiêm túc, công bằng như các kỳ thì ĐH được.
Cách đây mấy năm, tôi đã đưa con đi thi ĐH tại Hà Nội và hoàn toàn thoải mái với ý nghĩ: Con mình được thi đấu trong một môi trường công bằng, nghiêm túc. Nay nếu gộp hai kỳ thi làm một, tôi không dám chắc tôi có thể yên tâm như vậy nữa. Nếu chỉ dựa vào sự chuyển biến về tính nghiêm túc của kỳ thi TN hai năm vừa qua để tin vào tính nghiêm túc của kỳ thi "2 trong 1" sắp tới này thì theo tôi, đấy là một cách làm duy ý chí, vì hai lần thi nghiêm túc chưa thể khắng định tính bền vững của nó. Nhất là lần này tính chất của kỳ thi đã thay đổi.
Còn rất nhiều vấn đề nữa như cách ra đề, hình thức thi, cách xét tuyển... khiến tôi không thể chấp nhận phương án này được áp dụng ngay trong năm nay. Vừa qua, đọc báo nghe đài thấy nói Bộ GD - ĐT có lấy ý kiến của các sở GD - ĐT và nhân dân, nhưng tôi vừa là giáo viên của một sở GD - ĐT, vừa là nhân dân rất quan tâm và có liên quan trực tiếp đến vấn đề này mà nghe ngóng mãi không thấy ai hỏi đến mình.
Lại nữa, các cháu cũng nói trên diễn đàn này một điều khiến chúng ta phải suy nghĩ: Tại sao nói thay đổi vì chúng cháu mà lại không hỏi chúng cháu, không ai nghĩ đến cảm nhận của chúng cháu? Các cháu gọi mình là thế hệ "chuột bạch", thật đau xót quá…”.
Đề án 2 trong 1 khả thi hay không?
Bạn Minh Hà, Mỹ Lộc, Nam Định, minhha@... đưa ra lập luận: “Tôi phản đối đề án "2 trong 1" mà Bộ Giáo dục đang dự thảo với các lý do sau:
1. Trước hết nói về tiết kiệm thì việc thi tốt nghiệp THPT tổ chức thi 2 lần có tốn kém không? Đáng lẽ kỳ thi Tốt nghiệp THPT chỉ cần tổ chức thi 1 lần thi lại thi 2 lần; kỳ thi đại học cần làm nghiêm túc thi lại dồn vào thi 1 lần như vậy quy trình đó có ngược không?
2. Tổ chức thi 2 trong 1 ở địa phương thi liệu có biện pháp nào để chống tiêu cực vì trước đây khi lấy kết qủa điểm thi đại học để công vào điểm thi tốt nghiệp thì đã phải bỏ vì tiêu tiêu cực quá nhiều. Nay lại bước vào vết xe cũ thì bộ GD nghĩ sao?
3. Phụ huynh và học sinh chúng tôi mấy năm nay đã chóng mặt với việc cải cách của Bộ GD nhưng kết quả vẫn chỉ là thí điểm chưa đâu vào đâu.
4. Đề nghị Bộ Giáo dục cần nghiên cứu lại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tại điều 3 đã quy định rất rõ việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật "trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án, dự thảo, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản trong phạm vi và với hình thức thích hợp. Ý kiến tham gia về dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu để tiếp thu chỉnh lý dự án, dự thảo văn bản". Do đó tôi thiết nghị Bộ GD phải lấy ý kiến tham gia của toàn thể nhân dân trong đó đặc biệt là ý kiến của các nhà giáo, của học sinh và phụ huynh học sinh”.
Việt Nam cơ bản là một nước nông nghiệp. Song thực tế là, một trong những công cụ sản xuất quan trọng trong nông nghiệp: đất đai, đang dần mất đi, nhường chỗ cho các dự án công nghiệp, dịch vụ. Người nông dân đang đứng trước nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh lương thực.
Người nông dân hiện làm 3 vụ, đời sống vẫn khó khăn. Ảnh chỉ có tính chất minh họa.
Bạn Nguyễn Văn Sáng, Bình Hòa, Lái Thiêu, Bình Dương, sang121785@... góp ý: “Theo định hướng của Đảng và Nhà nước, phát triển công nghiệp phải chú trọng phát triển nông nghiệp. Nếu chúng ta nôn nóng phát triển nhanh công nghiệp, mọi nguồn lực tập trung phát triển công nghiệp, nguồn lực để phát triển nông nghiệp bị cắt bớt cho khu vực công nghiệp mà không phải do năng suất lao động nông nghiệp tăng.
Khi nguồn lực giảm sút, năng suất nông nghiệp không tăng, như vậy sản lượng nông nghiệp giảm. Hơn thế nữa, khi diện tích đất nông nghiệp bị giảm bớt do mở rộng công nghiệp đồng nghĩa với một bộ phận lao động nông nghiệp không còn lao động nông nghiệp mà chuyển sang các khu vực công nghiệp dịch vụ.
Lương thực thực phẩm giảm mà nhu cầu lương thực thực phẩm cao đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh cộng nghiệp, lao động khu vực công nghiệp tăng cao. Việc này dẫn đến khan hiếm lương thực thực phẩm, đẩy giá lương thực thực phẩm tăng cao, đây là mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu của con người, dẫn đến giá các mặt hàng khác cũng bị tác động kéo theo”.
“Nông nghiệp là cơ sở, là động lực để nước ta công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không chỉ cung cấp vốn, nguyên liệu cho ngành công nghiệp mà đây cũng chính là thị trường rộng lớn cho ngành công nghiệp. Hơn nữa, hiện nay, tiêu dùng vào lương thực, thực phẩm chiếm 48% chi tiêu của người dân, đủ thấy lĩnh vực quan trọng như thế nào trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển nông nghiệp một cách thỏa đáng sẽ làm chỗ dựa và động lực cho phát triển kinh tế bền vững”, ý kiến của bạn đọc ở địa chỉ email: phitu_21@...
Hãy quan tâm nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp để chống lạm phát!
Nông nghiệp đã bị bỏ quên trong nhiều năm nay. Ảnh minh họa: Agroviet
Bạn Nguyễn Đức Hiển, Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh, nguyenduchien_bn@... nhận định: “Tôi cũng cho rằng, nông nghiệp đã bị bỏ quên trong nhiều năm nay. Người người, nhà nhà quan tâm đến phát triển công nghiệp. Có lúc người ta đã ví một chiếc máy ảnh bằng hàng tấn thóc, nhưng rồi sẽ có lúc có đến cả chỉ vàng cũng không đổi được 1 kg gạo nếu sản xuất nông nghiệp bị lãng quên, bị ngưng trệ!".
Bạn Nguyễn Văn Thảo, Tổng công ty Dược Việt Nam, Thaoxuanthien@... viết: “Ngày xưa, các cụ có câu: "Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên" tạm dịch là nước lấy dân làm gốc, dân lấy ăn làm đầu, mà nông nghiệp thì tạo ra cái ăn, rồi xuất khẩu lấy tiền mua những thứ mà ta chưa sản xuất được hoặc sản xuất ra còn đắt. Mặt khác, 80% dân số Việt Nam là nông dân, làm nông nghiệp, vì vậy, ý nghĩa xã hội là rất lớn lao. Việc trồng cây công nghiệp như cà phê, hạt điều, hồ tiêu thực chất cũng do nông dân trồng mà thôi nhưng đã xuất khẩu nhất nhì thế giới vì vậy Chính phủ cần tập trung đầu tư cho nông nghiệp là hoàn toàn đúng. Tôi cũng thấy rằng, đất làm khu công nghiệp, quy hoạch treo trên toàn lãnh thổ Việt Nam còn nhiều quá, như vậy quá lãng phí tài nguyên mà dân lại không có đất canh tác, nên xem lại vấn đề này!”.
Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc xung quanh các vấn đề xã hội khác:
Thừa Thiên Huế: Chính quyền địa phương quá thờ ơ trước vấn nạn "người bán hàng rong chèo kéo và hành hung khách"
Trịnh Hoàng, Hà Nội, trinhhoang1283@...: “Đọc xong bài viết "Khách bị nhục mạ khi không mua hàng" tôi thấy thật đáng buồn. Chính quyền địa phương nói có thể giải quyết vấn đề này nhưng không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Vấn đề đặt ra là, nếu không giải quyết sớm thì không biết bao nhiêu hành khách dừng chân tại Lăng Cô trong chuyến hành trình của mình sẽ là nạn nhân của những người bán hàng dạo này, tại sao họ quá lộng hành như vậy??? Nếu phải chịu cảnh chèn ép này, liệu có bao nhiêu khách nước ngoài khi đến Lăng Cô sẽ muốn quay trở lại và ấn tượng của họ về VN sẽ như thế nào?”.
Hàng dạo bao vây xe khách. Ảnh: Ngọc Lan
Trần Liên: “Vấn nạn người bán hàng rong chèo kéo và hành hung khách như vậy mà chính quyền địa phương không có biện pháp đối phó thì kể ra quá vô trách nhiệm và nhu nhược, đừng nên viện lý do là chính quyền địa phương không tạo được công ăn việc làm mà thờ ơ với vấn nạn này”.
Lê Quý, Phan Tây Hồ, TP HCM, johnnyquy@...: “Đây lại là khổ nạn khác của dân nghèo phải đi đường xa bằng xe đò. Nếu trước đây nạn cơm tù (do hàng quán liên kết chủ xe) bót chẹt dân nghèo thì nay lại một trò khác mà nạn nhân lại vẫn là dân nghèo đường xa. Không thể nói gì hơn. Thế nhưng chính quyền địa phương trả lời rất bàng quan. Nếu bất lực trong việc bảo vệ dân thì nên coi lại năng lực quản lý. Làm sao kêu gọi đầu tư khi người làm ăn trong vùng và du khách (dù chỉ đi qua) không được bảo vệ?”
Cột điện trên lòng đường
Nguyễn Đình Thọ, Thành Bắc, Quảng Thành, Thành phố Thanh Hoá: “Đoạn đường phố Trần Bình Trọng, phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hoá, không hiểu sao lại mọc lên những cây cột điện ngay giữa lòng đường. Chúng không theo một hàng thẳng mà cái nhô ra cái thụt vào y như chướng ngại vật dành cho cầu thủ tập rê bóng. Ban ngày bà con đi đường còn thấy mà né chứ khi trời tối ai mà đi nhanh thì có mà lãnh đủ. Đã có không ít vụ va quệt tai nạn xảy ra nhưng không hiểu vì sao những cây cột điện vẫn "trơ ra cùng tế nguyệt"”.
Cẩn thận khi mua xe máy cũ trên mạng
Phạm Bảo, Lê Trọng Tấn, TP.HCM, phambaobao@...: “Vừa rồi tôi cũng định tìm chiếc xe cũ để mua lại (vì điều kiện kinh tế nên tôi chưa thể mua được xe mới), tôi vào trang web "rao vat" trên báo 24h.com.vn. tôi thấy đăng "Wave RS Nhật LD Việt Nam" tôi tìm tới địa chỉ trên, thoạt nhìn (dân không phải trong nghề như tôi) thì có lẽ ai cũng "loà mắt" trước linh kiện hàng "Nhật LD", phải nói là "hàng Tàu y chang hàng Nhật" thì đúng hơn! Hôm sau, tôi nhờ anh sửa xe xem hộ, anh sửa xe nói là 100% đồ Trung Quốc, tôi thật thật té ngửa, nếu tôi mà "ham của rẻ" là chết rồi!! Đã vậy mà người bán xe (phụ nữ) còn chửi tôi "vì cái tội không mua, đồ khùng, xe Nhật thì làm gì có giá như vậy". Trong khi họ đăng quảng cáo trên mạng thì nói là: "Wave RS Nhật LD Việt Nam" tôi hết dám lên mạng luôn vì sợ những người lừa dối và không có văn hoá”.
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!