- Thực hiện “Đề án 30” về đơn giản hoá thủ tục hành chính được coi là nhiệm vụ trung tâm của Chính phủ, đó là chỉ đạo gần đây nhất của Thủ tướng cho các bộ, ngành và địa phương. Chỉ đạo mới đây của Thủ tướng thêm một lần cho thấy công cuộc cải cách hành chính trong nhiều năm qua không mang lại kết quả như ý.
Nền hành chính công của ta vẫn mang tính chất "xin-cho". (Ảnh VNN)
Nhìn một cách tổng thể, nền hành chính công của chúng ta vẫn còn mang tính chất xin - cho. Những cải cách trong hàng chục năm qua, xét cho cùng, chỉ là thay đổi cách “cho” cốt sao cho đỡ... mang tiếng!
Thật vậy, rất đáng ngạc nhiên vì trong khi chúng ta kêu gọi và chờ đợi đầu tư trong và ngoài nước, mà riêng trong lĩnh vực này lại vẫn còn tới... 33 thủ tục cho một dự án muốn triển khai! Thời gian mà doanh nghiệp phải đi qua 33 bước này có khi mất tới 6 - 7 năm, bình quân cũng phải mất 3 năm! Mở cửa, kêu gọi người ta vào để cho một số (khá đông) viên chức làm khó người ta?
Đấy là với các doanh nghiệp, còn với người dân bình thường, thì “nằm mơ mới thấy đúng quy trình” mỗi khi có việc phải tới cơ quan Nhà nước. Trong việc xin cái giấy phép xây dựng hoặc xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hầu như ai cũng có một bài học là: Dành dụm tiền mua đã khó, xin được chứng nhận mình là chủ căn nhà do chính mình mua còn khó và mất thời gian gấp bội. Tất cả đều bị “hành dân là chính” thay vì được phục vụ bởi nền hành chính như tên gọi đúng nghĩa của nó.
Có quá nhiều tiếng kêu than về thủ tục, chẳng hạn “Thủ tục chi li dễ bị lợi dụng”, hoặc “Điều tôi quan tâm không phải là thời gian giải quyết từ khi nhận đủ hồ sơ mà là thời gian chuẩn bị hồ sơ, vì đây là giai đoạn cán bộ ta cứ nay bảo thiếu cái này, mai thiếu cái kia”...
Vài nét như trên đủ thấy nền hành chính hiện nay của chúng ta đang trở thành một cản trở cho sự phát triển ngày càng đa dạng, đa lĩnh vực và có quy mô lớn. Nhưng để thực hiện có hiệu quả “Đề án 30” nên ưu tiên tập trung giải quyết những khâu nào?
Trước hết, cần đơn giản hoá ngay trong việc ban hành các văn bản quy định thủ tục từ Trung ương đến địa phương. Vì sao cơ sở pháp lý của việc cấp sổ hồng lại không chỉ là những văn bản của Bộ Tài nguyên Môi trường? Nên chăng mỗi lĩnh vực chỉ thuộc một đầu mối quản lý theo một quy trình của một bộ chức năng để tránh chồng chéo? Thiết nghĩ, chỉ là cấp thừa hành, bởi vậy các địa phương không được trao thẩm quyền “chế” ra văn bản quy định mang tính “cát cứ” làm rối các quy định của các bộ. Và trong mỗi bộ, việc quy định thủ tục cho từng vấn đề cũng cần nhất quán, minh bạch, khoa học, không mâu thuẫn mới chính mình.
Một quan chức Bộ Xây dựng cho biết có những dự án phải tới... 50 con dấu của rất nhiều ngành, tại sao lại phải phức tạp hoá đến như thế? Muốn thủ tục hành chính trở thành xa lộ cao tốc, thì điều cần là “xa lộ” ấy phải... có thực và được mọi “tài xế” biết - tức là các thủ tục phải được công khai, minh bạch hoá, thông báo ngay tại các “cửa” để dân biết và dân cùng cán bộ thực hiện.
Nay, muốn việc đơn giản hoá thủ tục hành chính có hiệu quả, điều cần thay đổi là buộc mọi nhân viên hành chính hiểu và làm theo rằng, hành chính không phải là ban phát, người dân không phải người đi xin mà là người cùng cán bộ hữu trách bắt tay giải quyết một vụ việc có liên quan đến họ. Người dân phải có quyền và nhất là có nơi để thông báo việc cán bộ làm sai. Trong thực tế, chuyện nhân viên hành chính gây phiền hà cho dân mà bất cứ ai tới cơ quan công quyền ít nhiều có dịp nếm mùi nhưng dân không có chỗ để “kêu” ngoại trừ... than phiền trên báo!
Trước tình hình số hồ sơ xin cấp sổ đỏ tại TP.HCM bị ùn ứ quá nhiều, giới hữu trách cho biết là do thiếu nhân sự! Nếu đúng như vậy thì đây lại chính là một nhược điểm của nền hành chính.
Những ai đã hơn một lần tới cửa công đều thấy rõ sự chậm trễ không phải là do thiếu người mà là không đủ người có công tâm và trong sạch. Nhân viên tiếp dân thường không cho biết đầy đủ và rõ ràng thành phần hồ sơ phải nộp. Thành phần hồ sơ thường được cho biết làm... nhiều đợt, nhiều khi đòi cả những giấy tờ không liên quan. Phải chăng sự phiền hà này là dấu hiệu của vòi vĩnh, nhũng nhiễu?
Cần có giải pháp nhân sự theo hướng làm sạch nhân sự vì so với những thiệt hại do bị “hành”, bị chờ... không biết đến bao giờ của người dân, thì việc tăng chi ngân sách để có đủ nhân viên (giả sử là thiếu) chỉ là một chuyện nhỏ. Và để lấp chỗ thiếu này, tại sao không nghĩ tới hợp đồng lao động có thời hạn với một số dịch vụ, nếu quả thực thiếu biên chế?
Và sau hết, đã có lời than vãn của một nhà doanh nghiệp rằng, cán bộ đẻ ra thủ tục trái quy định thì nhiều nhưng chưa thấy ai bị xử lý trách nhiệm thích đáng như đuổi việc ngay lập tức, thậm chí xử lý hình sự. Tình trạng này nếu cứ tồn tại thì mọi cải cách hành chính chỉ như “đánh bùn sang ao” và người dân vẫn cứ phải nhắm mắt theo những cái “lệ” cho xong việc, tức là họ bị tước mất quyền được làm theo luật và phục vụ theo quy định của pháp luật.
-
Mãn Châu
Ý kiến của bạn?