221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1106480
Còn hiếm thấy các vị chủ tịch tiếp dân
1
Article
null
Còn hiếm thấy các vị chủ tịch tiếp dân
,

 - Luật Khiếu nại, tố cáo quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong việc trực tiếp tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Thế nhưng, lâu nay, quy định này dưới nhiều hình thức vận dụng vẫn chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

 

Ở nhiều cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt là UBND các cấp thuộc hệ thống chính quyền địa phương, việc ông hay bà chủ tịch UBND tiếp dân dường như là một điều rất hiếm thấy hoặc có chăng chỉ là tiếp qua loa, đại khái. Mọi ý kiến tiếp nhận từ công dân rồi cũng được gom lại, chuyển cho bộ phận giải quyết đơn thư xử lý.

 

Chủ tịch UBND trực tiếp tiếp công dân sẽ góp phần ổn định XH, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. (Ảnh VNN)

Mặc dù ở hầu hết các cấp đều đã xây dựng được lịch tiếp công dân, quy trình, thủ tục tiếp dân theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, một hình thức vẫn được các  chủ tịch vận dụng đó là “ủy quyền” hoặc “phân công” cho người khác tiếp công dân vì lý do bận công việc chuyên môn.

 

Đối với người được ủy quyền, một câu cửa miệng luôn phải thuộc và ghi nhớ là: “Tôi sẽ chuyển ý kiến (hoặc đơn thư) của ông/bà tới chủ tịch để xem xét, chỉ đạo giải quyết”. Rồi mọi sự vẫn như thường lệ, khiếu kiện vẫn còn là khiếu kiện, nhân dân chỉ biết chờ đợi và lại tiếp tục… kêu oan.

 

Ủy quyền, văn hóa ủy quyền đã được báo giới tốn không ít giấy mực và giờ đây, trong công tác tiếp dân nó lại đang là vũ khí lợi hại để một số người né tránh trách nhiệm của mình trước nhân dân.

 

Thực tế, việc gặp chủ tịch không phải là nhu cầu của người đi khiếu kiện nếu như những kiến nghị, bức xúc của họ được giải quyết triệt để theo trình tự, thủ tục luật định. Những trường hợp này hầu hết là những vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, việc giải quyết khiếu nại ở cấp dưới chưa công bằng, hợp lý, còn nhiều uẩn khúc, không rõ ràng, chưa làm hài lòng người dân.

 

Sau nhiều thời gian “đâm đơn”, kêu oan mà chỉ nhận được những lời hứa hẹn hoặc những câu nói rất hình thức của cán bộ tiếp dân như: “Chúng tôi sẽ chuyển đơn của bà đến những cơ quan chức năng xem xét, giải quyết” thì kết quả cuối cùng vẫn chỉ là những thông báo: “Chúng tôi đã chuyển đơn của ông/bà tới…” rồi… “mất hút”.

 

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp bị cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan kia, cấp này nói không thuộc thẩm quyền, cấp trên lại nói vượt cấp. Người khiếu kiện lại khổ sở lần mò, tay xách, nách mang chầu chực trước cửa UBND hòng gặp được ông/bà chủ tịch.

 

Có nhiều người dân, khi tiếp xúc với cán bộ tiếp dân chỉ một mực: “Tôi không trình bày với anh/chị, đề nghị cho tôi gặp chủ tịch…”. Và đằng sau những câu nói đó, chắc chắn, trong suy nghĩ của họ, việc trình bày với cán bộ tiếp dân sẽ chỉ lại nhận được những “bài ca hy vọng” như những lần trước. Họ muốn đích thân người có đủ thẩm quyền trả lời một cách dứt khoát, rõ ràng việc giải quyết kiến nghị, ít nhất cũng phải được mấy chữ đích thân chủ tịch phê vào tờ đơn, chuyển cơ quan A, B, C nào đó xem xét giải quyết sau khi nghiên cứu và được nghe nhân dân trình bày. Thế nhưng mong muốn này mấy ai may mắn được đáp ứng.

 

Khi đề đạt nguyện vọng được gặp chủ tịch, ở đâu đó có những cán bộ tiếp dân không tiếc lời nói một cách vô trách nhiệm: “Chủ tịch không có thời gian tiếp ông/bà…”.

 

Lẽ tất nhiên, không phải lúc nào chủ tịch cũng có thời gian để tiếp dân. Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương, bên cạnh nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng thì người Chủ tịch UBND hàng ngày còn phải xử lý nhiều công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.

 

Có thể nói, trong hệ thống chính quyền ở địa phương, vị chủ tịch UBND là bận rộn, “đầu tắt, mặt tối” nhất. Nhưng cũng không phải vì thế mà bỏ qua hay xem thường nhiệm vụ tiếp công dân. Lẽ nào một tháng cũng không thể sắp xếp một vài ngày cho việc này?

 

Ai cũng hiểu, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai nhiều nhiệm vụ của địa phương bởi có sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân. Hơn nữa, đó là nhiệm vụ bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân thì dù bất cứ lý do gì nó cũng là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng.

 

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Nhà nước, không chính quyền nào không mắc phải những thiếu sót nhất định trước nhân dân. Trong hàng trăm ngàn lý do lớn nhỏ, có những lý do thuộc về lỗi của những người thực thi chính sách, những người “cầm cân, nảy mực”. Điều quan trọng là những thiếu sót đó phải được quan tâm khắc phục, sửa chữa kịp thời để không làm mất lòng tin của nhân dân.

 

Đối với nước ta, hệ thống cơ chế, chính sách trong giai đoạn quá độ này không thể nói là hoàn chỉnh, bên cạnh đó, còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức Nhà nước làm việc chưa thực sự vì dân, thì việc ở đâu đó còn những sự thiếu công bằng, bất công là điều không thể tránh khỏi.

 

Đảm bảo quyền lợi cho nhân dân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà gần nhất là các cấp chính quyền địa phương, trong đó vai trò của cơ quan hành pháp và người đứng đầu cơ quan hành pháp là vô cùng quan trọng. Chủ tịch UBND các cấp tăng cường và thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp công dân, đôn đốc giải quyết kiến nghị của công dân sẽ góp phần quan trọng ổn định xã hội, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương. 

  • Sỹ Thắng

 Ý kiến bạn đọc:

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,