221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1117064
Vấn đề nhiều người quan tâm nhất tuần qua: Tăng giá điện
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 05/10-12/10):
Vấn đề nhiều người quan tâm nhất tuần qua: Tăng giá điện
,

 - Đề xuất tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam  là chủ đề được bạn đọc quan tâm nhiều nhất tuần  qua.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại đề xuất tăng giá điện lên trung bình 20- 30% trong hai năm 2009-2010, với lý do nhằm để giá điện Việt Nam dần tiệm cận với giá điện trong khu vực. Đề xuất này đã  làm cho người dân lo lắng 

Không nên tăng giá điện vào thời điểm này sẽ gây ra tâm lý hoang mang cho người dân (nhất là những người nông dân). Ảnh VNN

Không nên tăng giá điện khi thị trường đang lạm phát mạnh

Theo bạn Nguyễn Quốc Trị, Thuận Thành, Bắc Ninh, trinq_818207@..., trong tình hình lạm phát hiện nay, Chính phủ chưa nên tăng giá điện: "Khi thị trường đang biến động mạnh như hiện nay, giá cả mọi mặt hàng đều lên xuống thất thường, Nhà nước đang tìm mọi cách để kiềm chế lạm phát. Vậy không nên tăng giá điện vào thời điểm này sẽ gây ra tâm lý hoang mang cho người dân (nhất là những người nông dân). Mong Chính phủ và các bộ cần xem xét kỹ".

Bạn Minh Quyền, Yên Bái nêu ý kiến: "Kính đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ và nên lấy ý kiến người dân trước khi quyết định, nhất là trong thời kỳ lạm phát, kinh tế trong nước và toàn cầu còn có những khó khăn. Mức sống của dân ta chưa cao mà phải chịu giá điện ngang với khu vực, liệu có hợp lý không? Ngành điện cứ kêu thiếu vốn đầu tư xây dựng các thuỷ điện, sao lại có vốn để đầu tư sang cả lĩnh vực viễn thông (mạng điện thoại không dây EVN), khách sạn... Vậy tăng giá điện để ngành điện lực có vốn đầu tư tràn lan sang các lĩnh vực khác mà lĩnh vực chính của mình thì không đầu tư?".

"Chúng tôi là những công chức ở cơ quan hành chính, thu nhập chính là từ những đồng lương "ít ỏi" mà Nhà nước trả, ngoài lương ra không có một khoản thu nhập nào khác, vừa mừng vì nghe tin Chính phủ sẽ tăng lương trong năm sau, nay thấy Bộ Công Thương sắp trình phương án tăng giá điện mà tăng chủ yếu là giá điện sinh hoạt lại buồn thêm...

Với 100 kw đầu tiên, chúng tôi chỉ có thể xài cho bóng đèn chiếu sáng, nồi cơm điện và 1 chiếc ti vi. Ngoài ra, nếu dùng thêm tủ lạnh và bình nước nóng thì cộng thêm giá dầu tăng ảnh hưởng đến giá ga, rồi học phí cho con cũng chuẩn bị tăng... Trong khi đó, bậc lương ở ngạch chuyên viên thì phải 3 năm mới tăng 1 lần mà mỗi lần cũng chỉ nhíc chút đỉnh (0,33) thì quả là gánh nặng cho những người làm công ăn lương như chúng tôi. Chính phủ nên cân nhắc lại để chúng tôi yên tâm công tác, không phải lo đến chuyện cơm áo, gạo, tiền", chia sẻ của bạn Bùi Thị Thu, Quảng Ninh

Bằng giá khu vực thì cạnh tranh thế nào?

Bạn Hoa Hồng, Hà Nội bức xúc: "Trong nền kinh tế, điện được sử dụng cả trong sản xuất và trong tiêu dùng. Khi đã là hàng hoá, nó cần phải được định giá trên cơ sở cung cầu của thị trường và theo nguyên tắc giá thành cộng lãi. Hơn nữa, trong nền kinh tế thị trường, hình thức cạnh tranh theo giá vẫn đang còn được áp dụng. Trong bối cảnh đó, việc đặt giá bằng mức khu vực của EVN có đúng không và có phù hợp với chủ trương của Nhà nước về việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam hay không? Hơn nữa, giá tăng chất lượng dịch vụ của EVN có tăng theo không?... Nói tóm lại, độc quyền trong ngành điện cần loại bỏ".

"Tôi mong sao khi các quan chức khi so sánh giá điện ở Việt Nam với Singapore thì cũng nên so sánh thu nhập của công dân hai nước để hiểu rõ dân hơn (thu nhập 700USD lại đi so sánh với 27.000 USD)", nhận xét của bạn Nguyễn Hoàng Nam, Tây Ninh, hoangnam@...

Thu phí xe: Lại trăm dâu đổ đầu tằm!

Để giải quyết nạn ùn tắc và tai nạn giao thông đã trở thành "thảm hoạ", UBND TP.HCM đã đề xuất tăng gấp đôi lệ phí đối với xe môtô, gắn máy và thu lệ phí xe lưu hành hằng năm. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân...

Việc thu phí xe là thêm một gánh nặng vào người dân chúng tôi, và liệu việc thu phí này chắc chắn có thể làm giảm kẹt xe hay không? Ảnh: VNN
Bạn Lê Tấn Lai, lai.letan@... phản ánh: "Tôi thấy việc thu phí xe là thêm một gánh nặng vào người dân chúng tôi, và liệu việc thu phí này chắc chắn có thể làm giảm kẹt xe hay không? Cơ sở hạ tầng đường thì ngõ này đào ngõ kia đào, đâu đâu cũng thấy toàn lô cốt hỏi vậy sao không kẹt xe được?".

Đồng tình với quan điểm trên, bạn Lê Thanh Hoàng, Vạn Kiếp, Phường 3, Bình Thạnh, TP.HCM, thoang86@... viết: "Theo tôi thấy, UBND TP nên xem xét lại việc nâng mức thu lệ phí đăng ký và mức thu lệ phí lưu hành xe, việc nâng lệ phí như thế này có giảm được tình trạng kẹt xe như hiện nay hay không?

Việc kẹt xe như hiện nay đâu phải chỉ do số lượng xe tăng lên, theo tôi thấy, việc kẹt xe như hiện nay là do những lô cốt gây ra, hãy thử nghĩ xem, một người dân dù có hai hay ba xe máy nhưng khi lưu thông thì họ đi một lần hai hay ba xe đâu? Việc tăng mức thu này có thực sự hạn chế được tình trạng kẹt xe như hiện nay không hay càng tạo nên gánh nặng cho người dân. Hiện nay, Nhà nước kêu gọi không tăng giá các mặt hàng tiêu dùng, nhưng thử hỏi nếu tăng mức thu lệ phí lưu hành xe như thế thì giá các mặt hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng như thế nào? Mức thu lệ phí như vậy có thể sẽ làm cho những người dân có thu nhập thấp nghèo sẽ càng nghèo thêm, còn đối với những người có tiền thì với họ có đáng là bao!".

Theo bạn Nguyễn Minh, Hà Nội, nhuannd68@..., việc ùn tắc giao thông hiện nay là do ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông chưa tốt, thêm vào đó là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu: "Theo tôi, hiện nay, ùn tắc giao thông do hai yếu tố chính, đó là ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông và việc cải tạo và mở rộng hệ thống giao thông không đáp ứng được sự phát triển chung. Vậy ở đây việc thu phí nhằm hạn chế người đi lại là rất ít có hiệu quả".

"Mô tô, xe máy là phương tiện đi lại chính của dân. Nhu cầu chính đáng dân sẽ vẫn mua xe và chấp hành nộp lệ phí. Vấn đề là các khoản thu từ lệ phí sẽ được sử dụng như thế nào?" Khổng Linh Huy, Hà Nội, xaynhabtct@...

Nguyên nhân các vụ ô nhiễm như thế này xuất phát từ đâu?

Dòng sông Hồng bị ô nhiễm bởi nhiều nhà máy. Ảnh VNN
Sau khi phát hiện Công ty Vedan xả khoảng 1.500m3 nước thải độc hại "giết" sông Thị Vải mỗi ngày, cơ quan chức năng và báo chí đã vào cuộc điều tra. Danh sách các công ty đang hàng ngày "giết" chết các dòng sông bằng chất thải chưa qua xử lý đang ngày một dài ra.

Bạn Ngô Thị Kim Ngân, ấp Kiến Điến, Bến Cát, Bình Dương bức xúc: "Tôi thực sự bức xúc trong những tháng gần đây. Từ vụ việc của Vedan, rồi tới Miwon, giờ lại tiếp tục là xí nghiệp sản xuất mì ở Tan Biên. Tại sao lại chậm trễ đến vậy? Những người chủ chốt của các cơ sở này không có ý thức sống và làm việc đã đành. Các cơ quan chức năng đã làm gì để bảo vệ nguồn sống của người dân và môi trường? Họ đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Tôi thực sự thất vọng về cách giám sát của các cơ quan chức năng. Đọc những bài báo, thấy những hình ảnh như thế này, tôi không hiểu môi trường sống đang bị huỷ diệt bởi nguyên nhân từ đâu và do ai?".

Bạn Trần Kiên, Trần Quý Cáp, forever_4882@... viết: "Mấy hôm nay, tôi có theo dõi các bài viết về môi trường tại các vùng của Việt Nam. Là một công dân của nước Việt Nam, tôi thực sự cảm thấy đau lòng vì những gì đã và đang diễn ra đối với môi trường nước nhà. Tôi còn đau lòng hơn nữa khi cảm nhận được rằng sự huỷ hoại môi trường đó không phải là một sự vô tình mà chắc chắn đó là sự cố ý của một số phần tử trong xã hội, cố tình làm ngơ trước những thảm cảnh của môi trường - những người vì mục đích cá nhân riêng lẻ hay vì lợi ích của một nhóm người nào đó.

Nhưng nỗi đau của một người dân Việt Nam cũng chưa dừng lại ở đó khi tôi biết được rằng đó còn là sự yếu kém hay sự thờ ơ vô trách nhiệm hoặc cũng có thể là sự tha hoá của một phần không nhỏ của các cán bộ phụ trách về môi trường, từ đó dù vô tình hay hữu ý đã tiếp tay đến việc phá hoại môi trường tươi đẹp của chúng ta. Hãy học thuộc những câu "bảo vệ môi trường" - dù cho đó có là học vẹt như những đứa trẻ nhưng hãy thiết thực làm việc đó như những người sống trong thời đại tri thức".

Bạn Hoàng Anh Tuấn, Lê Duẩn HN  phản ánh thêm: "Mỗi ngày có hàng nghìn người vào công viên Thống Nhất để ngắm cảnh và tập thể dục. Đó là một nét đẹp của những người dân Thủ đô. Và công viên Thống Nhất đã được coi là lá phổi của Hà Nội. Thế nhưng từ lâu nay lá phổi đó đã bị ô nhiễm bởi một công trình xây dựng và nhà hàng Quán Gió Mới liền kề, xả nước thải xuống lòng hồ phía tây hồ Bảy Mẫu.

Là một cơ quan về cảnh quan môi trường mà hình như các nhà quản lý vẫn làm ngơ trước những hiện tượng trên. Mỗi lần đi ngang qua đó là mùi cá chết và những thứ rác đã lâu ngày bốc mùi lên khiến người dân không thể không bịt mũi. Tôi rất mong các cơ quan có chức năng vào cuộc để làm trong sạch môi trường tại hồ Bảy Mẫu. Rất mong được nhìn lại nước hồ Bảy Mẫu trong và mát như ngày nào".

Trách nhiệm của doanh nghiệp một thì trách nhiệm quản lý là mười!

"Tôi rất đồng ý với ý kiến của đại biểu HĐND TP.HCM Đặng Văn Khoa tại chương trình truyền hình trực tiếp "Nói và làm" do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố tổ chức, ông nói: “Nếu trách nhiệm của doanh nghiệp một thì trách nhiệm quản lý là mười". Việc vi phạm của doanh nghiệp thì phải xử lý nghiêm khắc là việc đương nhiên rồi vì doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng không những đến đời sống kinh tế của nhân dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Nhưng ở đây tôi muốn đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý về môi trường.

Phải chăng chúng ta quá cả nể những doanh nghiệp lớn (những nơi đang tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động) nên không làm hết trách nhiệm hay vì những động cơ nào khác? Đã đến lúc Chính phủ chỉ đạo các tỉnh - thành rà soát tất cả các doanh nghiệp đang sản xuất để kiểm tra về vấn đề chất thải, vấn đề vệ sinh môi trường, chất lượng sản phẩm... Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cần phải kiểm tra nghiêm ngặt trong việc sản xuất kinh doanh liên quan đến thực phẩm tiêu dùng.

Thời gian qua chúng ta nghe nhiều đến việc gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng như sản xuất nước tương có MPCD 3, nhập sữa có melamine, rồi ô nhiễm sông Thị Vải, sông Hồng, bánh phở có phoóc-môn,... thì hỏi rằng liệu chúng ta đã thống kê được bao nhiêu người đã tử vong hoặc mắc bệnh nan y do ảnh hưởng từ những việc vi phạm này hay không?

Nhà nước cần quản lý chặt chẽ doanh nghiệp để người dân an tâm về những sản phẩm mà mình tiêu dùng. Và xử lý nghiêm trách nhiệm của các ngành, các cấp có liên quan (khi hiện nay chúng ta có 03 cấp quản lý từ phường, xã đến quận, huyện và tỉnh, thành phố). Nếu chúng ta không làm nghiêm thì cũng sẽ có nhiều ông lớn "Vedan" khác tiếp tục làm ô nhiễm môi trường, làm tổn hại đến sức khỏe của con cháu chúng ta trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Tôi nghĩ giải pháp căn cơ là chúng ta cần nâng lương cho đội ngũ CBCC để họ an tâm làm việc và nâng cao trách nhiệm công tác", ý kiến của bạn Vũ Đình Thắng, Pasteur, Quận 3, TPHCM, vdthang2004@...

Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được phản ánh của bạn đọc xung quanh những vấn đề xã hội khác:

Trần Thị Hoa, Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tranthihoa80@...: Vỉa hè đoạn phố Lý Thường Kiệt, phường Phan Chu Trinh bị chiếm dụng để bán hàng ăn suốt ngày mà không hề bị xử lý. "Tuyến phố chúng tôi, một tuyến phố tại trung tâm Thủ đô đã hàng năm nay bị các quán cơm và cà phê chiếm dụng vỉa hè: Cà phê số 4 Lý Thường Kiệt, Cơm bình dân Một Ngày Mới 6 Lý Thường Kiệt, Cơm Hà Khánh 8 Lý Thường Kiệt, Cà phê số 10 Lý Thường Kiệt, Cơm bình dân Vinh Thu 14 Lý Thường Kiệt, công khai chiếm vỉa hè bán hàng ăn suốt ngày. Nhân dân gửi hàng trăm đơn thư lên các cấp chính quyền phường Phan Chu Trinh và UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị xử lý song không hề có tác dụng.

Chúng tôi đã hy vọng sau 1/7/2008 phố xá chúng tôi sẽ sạch sẽ hơn, quang đãng hơn, rồi sau 1/10/2008 sẽ có bộ mặt mới v.v... Nhưng hết ngày này đến ngày khác cho đến nay, mặc cho Thành phố ra bao nhiêu Nghị quyết, có bao nhiêu đề xuất khoán quản vỉa hè thì tuyến phố chúng tôi vẫn như "sống trên hành tinh khác": các hàng quán kia vẫn ngang nhiên công khai lấn chiếm vỉa hè, bày bán hàng ăn, che ô dù, bán cà phê, rửa bát, đổ nước thải tràn lan mặt phố, kê thùng rác ra gốc cây, kê bếp than ra phố thoải mái đun nấu như ở chỗ không người, như chính quyền các cấp không tồn tại ở đây vậy.

Nhân dân chúng tôi vô cùng bất bình. Có phải chính quyền địa phương (ở đây là phường Phan Chu Trinh, rồi cả quận Hoàn Kiếm) "vì một lý do nào đó rất tế nhị "mà ưu ái" cho họ được ngang nhiên đứng trên pháp luật, kỷ cương phép nước không?".

Huỳnh Văn Dũng, Đồng Tháp, dung572006@...: "Tôi ở Đồng Tháp, Quốc lộ 80 đi ngang qua tỉnh tôi, bao nhiêu năm nay làm lộ không xong, xe chạy dồn cục bò từ từ đoạn đường Mỹ Thuận tới Vàm Cống. Ai đi ngang quê tôi đi rồi biết. Làm lộ đã lâu mà khi làm xong thì mau hư, đoạn đường từ cầu Xả Vạt đi về hướng Sa Đéc dài khoản 300 mét làm khoảng mấy năm nhưng khi làm xong thì chạy khoảng 3 tháng thì con đường lại bong tróc, ổ trâu, vũng sâu như đường cũ chưa làm, xe lại chạy bò bò dồn cục như cũ. Như thế Nhà nước thu phí giao thông làm đường sá làm gì, mà có thu phí thì làm đường như vậy có giải quyết ách tắc giao thông không?".

Phạm Thị Phương Loan, Lư Gia, phường 15, Quận 11, phuongloanh8@...: "Xử lý các cây xăng gian lận. Tôi rất ủng hộ việc nhanh chóng xử lý các cây xăng gian lận, đã móc túi người dân mà đối tượng bị hại tội nghiệp nhất là người lao động chúng tôi. Qua đây tôi cũng muốn cung cấp thêm thông tin về một cây xăng có hành vi gian lận mà cơ quan chức năng chưa phát hiện.Tôi rất bức xúc về vấn đề này. Kính đề nghị cơ quan chức năng mau chóng phát hiện, xử lý kịp thời, tránh thiệt hại cho người dân, đặc biệt là người lao động với đồng lương eo hẹp. Xin chân thành cảm ơn!".

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,