- Xung quanh vấn đề giá xăng dầu, VietNamNet đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi của bạn đọc. Các ý kiến tập trung vào đề nghị minh bạch hóa, đề nghị giảm giá xăng, hay không thỏa mãn với cách lý giải của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu... và cũng có những đề xuất mới. VietNamNet xin trích đăng một số ý kiến.
>>> Có phải giá xăng là quan trọng nhất?
Chỉ điều chỉnh giá xăng 1-2 ngàn cũng làm nhiều người mang can đi mua (ảnh: Phạm Hải)
Cần công khai việc bù lỗ xăng dầu
- Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài báo. Trong thời đại thông tin phát triển, mỗi người dân phải được biết những thông tin liên quan thiết thực đến cuộc sống của họ. Trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường mà vẫn còn sự độc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước thì càng không thể không công bố các yếu tố hình thành giá cả các mặt hàng mà các doanh nghiệp Nhà nước còn đang độc quyền kinh doanh như điện, nước, xăng dầu... Nếu bản thân các doanh nghiệp Nhà nước còn tù mù trong hạch toán giá cả thì không thể đòi hỏi các doanh nghiệp ngoài quốc doanh minh bạch việc kinh doanh của họ được. Và như vậy, nền kinh tế không thể có sự cạnh tranh lành mạnh được. Kết quả thiệt thòi luôn luôn thuộc về người tiêu dùng. Vậy thì chuyển cơ chế vận hành nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang cơ chế thị trường để làm gì? Kim Ngọc Cương, Tổng cục Thống kê, email: thucuong51@...
- Tôi đã đọc bài viết và rất đồng thuận với quan điểm cho rằng mọi người dân đều có quyền biết đồng tiền đóng thuế của mình được sử dụng minh bạch và hiệu quả ra sao. Đối với thứ hàng hóa mang tính chất nhạy cảm như xăng dầu với nền kinh tế cũng như cuộc sống hàng ngày của mọi người dân, thì tại thời điểm này nói như ông Trương Đình Tuyển thật hợp lòng người: Nên công khia việc bù lỗ xăng dầu. Sự minh bạch sẽ làm yên lòng người dân, cho dù có phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống. Ha Thanh Loc, Hàng Bài, email: hathanhloc@...
- Phải xét đặc thù Việt Nam: Việt Nam khác với các nước khác, ở đó tư nhân kinh doanh xăng dầu. Ở Việt Nam các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều là sở hữu toàn dân. Trên lý thuyết thì lỗ thì dân chịu. Lãi cũng dân hưởng. Trên thực tế thì dân chẳng được biết gì hết, nên dân nghi ngờ chẳng biết mình có được hưởng lãi hay không? Bài báo nói đúng, vấn đề không phải là giá, vấn đề là minh bạch. Hoàng Huy, Hà Nội, email: huy8232@
- Có phải giá xăng là quan trọng nhất: Tôi hoàn toàn nhất trí với tiêu đề của bài báo, đúng là tiền chưa phải là quan trọng nhất nhưng vấn đề là tính hợp lý của nó. Dân mình còn nghèo nhưng tôi dám chắc rằng nếu thấy hợp lý họ sẽ không bao giờ phàn nàn. Một điều dễ nhận thấy là mỗi khi giá xăng tăng là một loại giá cả tiêu dùng khác đều tăng theo, như vậy người chịu thiệt thòi vẫn là người tiêu dùng, đó là một thực tế không thể phủ nhận được. Một số bài báo đã nêu: tâm lý của người tiêu dùng bây giờ cảm thấy như đang bị móc túi một cách trắng trợn. Là một công dân bình thường tôi cũng có thể hiểu một điều rằng bây giờ sự thiệt thòi đang thuộc về người dân, và các doanh nghiệp thì đang rất mập mờ, chung chung.
Ví dụ, khi giá dầu thế giới đang ở mức dưới 100 đô la giá bán dao động khoảng từ 12,500đ đến 14,500đ. Khi giá dầu vượt ngưỡng 100 đô la/thùng thì các doanh nghiệp đua nhau đòi tăng giá (lên đến 30%) nhưng khi giá dầu bây giờ đang vào khoảng 80 đô la/thùng thì doanh nghiệp giảm giá được bao nhiêu? Khi có áp lực phải giảm giá thì trả lời ậm ừ chung chung, kêu la là bù lỗ và xử lý hàng tồn kho. Vậy xin hỏi những lúc doanh nghiệp nhập ở thời điểm giá thấp thì lượng hàng đang nằm ở đâu? Doanh nghiệp kêu cũng là chuyện bình thường nhưng việc các cơ quan quản lý tiếp nhân thông tin và xử lý thông tin như thế nào mới là vấn đề quan trọng. Theo quan điểm của tôi, khi chúng ta đã chấp nhận để thả nổi giá theo thị trường thì nên để nó theo cơ chế thị trường. Còn vấn đề bù lỗ chúng ta nên có một quy trình cụ thể (có kiểm toán, công khai…) Nên chăng chúng ta nên thành lập hiệp hội người tiêu dùng, để có một tiếng nói nào đó? Bùi Trọng Hưng, Thái Thịnh, email: buitronghung@...
- Sự minh bạch của các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố độc quyền theo tôi là cần thiết. Hiện nay mỗi người dân (nhất là ở thành phố) hằng ngày tiếp nhận các thông tin khác nhau về nguồn gốc, cách trình bày thể hiện. Do vậy thực sự họ không thể xác định rõ đâu là thông tin chính thống và tin cậy. Chúng ta đang hội nhập và thực tế đã hội nhập nhiều lĩnh vực. Nếu chúng ta không minh bạch, làm cho cơ thể của các doanh nghiệp mạnh lên thì chúng ta sẽ thua ngay trên "sân nhà" không phải vì yếu tố kỹ thuật, công nghệ mà thua về lòng tin, sự trung thực và minh bạch trong kinh doanh. Hoàng Minh, Hà Nội, email: hminh2005@
- Tôi không có quan hệ với nhà xăng dầu, kể cả bạn bè, họ hàng. Tôi đọc bài và thấy giá xăng được cho biết là đang cao, nhà buôn có lãi tới 3.000 đồng/lít. Như vậy Nhà nước hay ai hưởng lợi nhuận này? Giá cao như vậy sẽ có lợi hại ra sao? v.v... Thật nhiều câu hỏi. Tôi muốn có 1 câu hỏi nữa: Tình hình biên giới Tây Nam, khi giá xăng dầu của ta thấp, họ buôn chuyến qua biên giới. Khi giá của ta cao họ đã nhập từ biên giới về theo can 20 lít chưa? Nhà báo cũng cần nêu điều đó trên mặt báo. (Bạn đọc không ghi tên, email congdan@...)
- Minh bạch có phải là khó? Tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung bài viết "Có phải giá xăng là quan trọng nhất". Chính sự thiếu minh bạch trong cơ chế giá xăng đã khiến người dân trong nước nghi ngờ và bức xúc về những quyết định liên quan đến giá của của doanh nghiệp xăng dầu và các bộ liên quan. Để có thể yên lòng dân và đảm bảo sự tin tưởng của người dân, xin hãy tăng cường minh bạch hoá các vấn đề ảnh hưởng mật thiết đến đời sống của người dân chúng tôi. Phạm Hường, Hà Nội, email: mosquitod08@...
Sẵn sàng xếp hàng dưới nắng gắt để mua xăng do tin đồn tăng giá (ảnh: Nguyễn Nga)
Đề nghị điều chỉnh hạ giá xăng dầu cho phù hợp
- Hiện nay, giá xăng dầu trên thế giới đã giảm rất mạnh. Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo giảm giá xăng dầu cho phù hợp. Vu Van Thiep, Nguyễn Trãi, Nam Định, email: thiepvulich@...
- Theo tôi, Nhà nước phải điều chỉnh lại giá xăng làm sao cho hợp lý để người tiêu dùng cả nước yên tâm hơn. Tại thời điểm giá dầu thô thế giới tăng thì Nhà nước tăng ngay một cách chóng mặt mà không đề cập tới việc khoảng cách nhập xăng tới 20-25 ngày, nhưng đến khi giá dầu thế giới giảm mạnh thì Nhà nước giảm một cách nhỏ giọt. Đây là điều mà rất nhiều người bức xúc. Bạn đọc Nguyễn Tường Huy, Bát Đàn, Hà Nội, email: huy0097@...
- Chúng tôi là dân hàng ngày phải chạy chợ bằng xe máy, mỗi lần đổ xăng là thấy xót ruột, như có ai đang móc túi mình hàng ngày mà không làm gì được. Thật là bất công khi có người ăn lời quá nhiều còn mình bỏ vốn và công sức tần tảo mà không đủ ăn. Vậy tính nhân văn chia sẻ chỗ nào? Giá xăng đã đẩy lạm phát lên thì cũng phải hạ xuống cho chúng tôi sống với chứ. Hãy để ý đến dân nghèo một chút. Dung Thi Tran, TP.HCM, email: tranthidung7@...
- Hiện nay, việc cung cấp xăng dầu tiêu thụ trong nước do 11 công ty đầu mối Nhà nước độc quyền. Nếu còn hạn chế các thành phần cung ứng xăng dầu thì còn độc quyền, người dân còn thiệt mà không biết kêu ai, mà có kêu thì ai cứu?! Doanh nghiệp cung ứng xăng dầu lúc nào cũng kêu lỗ nhưng thử hỏi xem có đơn vị nào lại trả lương và thưởng cho cán bộ, công nhân cao như thế không? Nhà nước tốt nhất là mở rộng thành phần cung ứng xăng dầu để giá dầu trong nước về với thực tế mà nó có. Ngành điện và xăng dầu cần mở rộng các nhà cung ứng thì người dân mới đỡ khổ bởi các nhà độc quyền và Nhà nước cũng đỡ phải đau đầu, đỡ phải bù lỗ. Nhà nước còn nhiều việc phải làm, không phải là cứ đi giải thích, làm hòa cho mấy nhà độc quyền. Đặng Quốc Đảm, Nam Định, email: dam19802004@...
- Vấn đề lỗ, lãi theo các nguồn tin chính thức và chưa chính thức thì người dân cũng đã đều rõ. Chính vì vậy, việc công khai hoá và trao quyền tự quyết giá cho các doanh nghiệp (nhưng vẫn được sự cho phép của Nhà nước) để theo sát với giá cả và theo kịp sự thay đổi chung của giá dầu thế giới nhằm giảm thiểu sự lỗ đã được sự đồng tình từ phía người dân và các công chức có thu nhập không cao.
Khi giá dầu thế giới leo thang, người dân đã phải trả chi phí cho việc sử dụng xăng, dầu đúng theo những gì mà cơ chế tính giá mới "đem lại". Còn khi giá dầu của thế giới hạ xuống thì người dân lại chỉ nhận được những sự giải thích, những công bố kiểu nửa vời và không chính thức, không minh bạch. Như vậy phần "phải chịu" thì chúng ta đã phải nhận còn hiện tại thay vì "được hưởng" thì lại phải nghe giải thích và đợi nền kinh tế thế giới hồi phục để "giá lại tăng". N.T Hùng, Hà Nội, email: ctystart@...
Mỗi lần điều chỉnh giá xăng là lực lượng quản lý thị trường lại phải xuất quân (ảnh: Phạm Hải)
Không thỏa mãn với cách lý giải của doanh nghiệp
- Giá xăng: Theo tôi thì chỉ cần hỏi Tổng công ty xăng dầu 2 câu hỏi như sau: 1. Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì hàng tồn kho của họ nhập với giá bao nhiêu? 2. Khi xăng dầu thế giới giảm sao họ không nhập thêm hàng để giảm giá bình quân gia quyền cho hàng tồn kho. Họ là doanh nghiệp độc quyền đâu có sợ ế hàng? Nếu tôi không nhầm thì trước kia Tổng công ty Xi măng cũng đòi tăng giá vì xăng dầu nhưng khi Chính phủ bắt giải trình ảnh hưởng của xăng dầu vào giá thành thì có nói gì nữa đâu. Vũ Minh Trí, H1-TC-TC-BĐHN, email: vuha767@...
- Nước ta đã gia nhập WTO rồi vừa qua chính phủ cũng ra quyết định cho doanh nghiệp xăng dầu hoat động theo cơ chế thị trường. Vậy cơ chế thị trường ở chỗ nào? Theo tôi nghĩ đó là cơ chế bao cấp độc quyền, vì theo lời của ông Vương Thái Dũng phó tổng Giám đốc Petrolimex nói thì giá xăng dầu trong nước hiện đang bán là đã nhập từ trước nên giá cao do đó không thể xem xét giảm giá theo giá thế giới hiện tại được.Nếu có xem xét thì đợi 30 ngày sau khi bán hết hàng tồn kho rồi mới tính tới."Vậy cơ chế thị trường ở đâu?" Nếu chính phủ tăng thuế xăng dầu ở thơi điểm này là rất khó khăn cho người dân hiện nay, vì hiện tại nước ta lạm phát rất cao cuộc sống của người dân rất khó khăn, nhưng thị trường thì mọi thứ đều tăng giá. Tôi mong chính phủ cần có biện pháp tích cực hơn để giúp cho người dân bớt khó khăn như hiện nay. Nguyễn Trong Nghĩa, Huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng, email: Nguyentrongnghia28@
- Ý kiến người có trách nhiệm của Petrolimex mang dáng dấp của ngụy biện và bào chữa quá! Là doanh nghiệp thì phải vận động kinh doanh sao cho bảo toàn và phát triển vốn (huống chi đây là doanh nghiệp Nhà nước). Petrolimex thiếu trách nhiệm với kết quả hoạt động kinh doanh của mình. Còn nói tiền lỗ là tiền lỗ của Nhà nước hay nói chính xác là tiền của toàn dân thì Petrolimex có tội với dân. Tại sao nhân dân tin tưởng giao vốn liếng để kinh doanh mang lại lợi ích cho quốc gia, mà anh bảo lỗ, cơ chế chính sách ưu đãi Petrolimex đều được hưởng đủ cả, thế thì không có lý do gì mà kinh doanh lỗ, có phải do yếu tố con người? Vo Vinh Vien, Hậu Giang, email: vinhvien@...
- Những phát biểu của ông Vương Thái Dũng trên phương tiện truyền thông hôm qua cho thấy Petrolimex sẵn sàng "đổ lỗi" ngay cho Chính phủ về việc đưa ra giá xăng cho người tiêu dùng. Đấy chính là do thiếu tính minh bạch của cơ chế. Khi xăng dầu thế giới tăng thì Chính phủ nói sẽ bù lỗ cho doanh nghiệp và người dân nên chia sẻ khó khăn với Chính phủ và doanh nghiệp. Trong khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, thì chẳng ai chia sẻ khó khăn với người dân.
Chính cơ chế này cho thấy, chưa có một mặt hàng kinh doanh thương mại nào dễ như kinh doanh xăng dầu hiện nay. Vì họ chẳng bao giờ sợ lỗ, vì đã có Nhà nước lo (tức người chịu thuế phải lo), trong khi lãi thì họ cũng lãi siêu lợi nhuận mà không ai biết được? Hãy hành động sớm để đưa ra cơ chế mới phù hợp hơn. Le Ha, Hà Nội, email: huyhoanpr@...
Các đề nghị khác về xăng dầu
- Đối chiếu với nước ngoài: Tôi nghĩ nên xem xét công bằng. Nên đối chiếu giá xăng Việt Nam với giá xăng của những nước tương tự, ví dụ như Thái Lan, Campuchia, hay Philipin. Rõ ràng đã một thời gian dài giá xăng của ta thấp hơn của họ (chính vì thế mà có buôn lậu xăng sang Campuchia). Đến nay giá xăng của ta so với họ thế nào. Cũng tại chính sách quản lý giá của chúng ta không nhất quán nên người dân bức xúc. Công khai minh bạch là giải pháp duy nhất. Giang, HN.
- Bản chất của sự việc: Trên thế giới người ta dùng chữ taxpayer money để nói đến tiền nhà nước (và tiền doanh nghiệp nhà nước). Tóm lại đều là tiền của dân. Ở Việt Nam thì khái niệm này lại không thấy nói đến. Dân không coi lỗ lãi của doanh nghiệp nhà nước là lỗ lãi của mình. Không phải dân có lỗi là không hiểu, mà chính các doanh nghiệp nhà nước có lỗi đã làm mất niềm tin của dân. Nguyễn Thị Hải, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Góp thêm ý kiến: Hồi giá dầu thô và giá xăng lên cao, đã có nhiều câu hỏi sao không lấy tiền bán giá dầu thô để trợ giá xăng? Bình ổn giá thị trường là một chuyện tốt, nhưng lấy tiền của toàn dân để trợ giá cho một nhóm dân thì lại không phải chuyện tốt. Tiền bán tài nguyên thiên nhiên là của toàn dân. Các học sinh đang lội nước đến trường ở miền Tây, các chị phụ nữ đang trồng lúa ở Tây Bắc, họ cả năm không mua một lít xăng. Họ nghĩ gì khi số tiền có phần của họ được đem trợ giá cho những người đi xe máy xe hơi, hay tệ hơn là cho người tiêu dùng Campuchia và dân buôn lậu xăng ở biên giới? Dang Minh, Cần Thơ, email: dangminh75@
- Hiện nay, nhiều đầu mối xăng đang chào mời các đại lý bán lẻ xăng dầu với mức hoa hồng hấp dẫn gần 1.000 đ/lít xăng, dầu. Điều đó chứng tỏ họ đang có lãi từ việc kinh doanh mặt hàng này. Điều này các cơ quan chức năng liên quan có để ý đến không? Tại sao cứ để người tiêu dùng gánh chịu, cần phải giảm bớt gánh nặng cho người dân! Trương Nguyễn Phương Nam, email: chxdtanthanh@...
-
VietNamNet