221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1118753
Người dân kiến nghị làm rõ tình hình kinh doanh xăng dầu
1
Article
null
Người dân kiến nghị làm rõ tình hình kinh doanh xăng dầu
,

 - Việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công bố giảm giá 500 đồng/lít xăng không khiến nhiều người dân vui mừng. Trong khi giá dầu trên thế giới xuống thấp, chỉ còn khoảng 70USD/thùng thì người dân Việt Nam vẫn phải chịu mua giá xăng 16.000 đồng/lít. Đề nghị Chính phủ thanh tra tình hình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua, so sánh giá bán để có chính sách phù hợp.

 

Giá dầu thế giới đã xuống 70USD/thùng nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua xăng giá 16.000 đồng/lít. (Ảnh VNN)

 

Giảm giá theo kiểu nhỏ giọt ? 

Thông tin giảm giá xăng, dầu... không khiến nhiều người vui mừng. Xăng tăng giá một lần tới 4.500 đồng/lít, trong khi giảm giá tới ba lần mới chỉ được 2.000 đồng/lít. Giá dầu thô trên thế giới hiện nay đã giảm tới con số kỷ lục (thời điểm tăng giá trong nước là giá dầu thô trên thế giới đạt trên 140USD/thùng và nay là con số chỉ bằng có một nửa). Phải chăng việc giảm giá của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ là hình thức cho dân đỡ kêu?

Trên thực tế, giá xăng dầu tăng đã làm cho đại đa số các doanh nghiệp và người dân gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng mọi mặt từ lạm phát và cơn bão tài chính. Giá xăng dầu phải giảm thêm ít nhất là 1.500 đồng/lít mới có tác động mạnh đến nền kinh tế thị trường và với sự chờ đợi của người dân.

Đức Dũng, Công ty ĐTTM Tân Kinh Bắc

Tại sao khi tăng thì sốt sắng khi giảm lại nhỏ giọt vậy? Tính ra 3 lần giảm chưa bằng 1 lần tăng. Chắc chắn khi xăng tăng lên lại 100USD/thùng, giá xăng trong nước sẽ tăng lên 20.000 đồng/lít và cứ vậy khi xăng thế giới giảm lại giảm 500 đồng.

Cơ chế độc quyền luôn tạo ra bất bình đẳng. Vẫn biết xăng là mặt hàng mang tính chiến lược, tuy nhiên đã đến lúc cần có sự đa dạng trong việc cung cấp, không thể để một doanh nghiệp với một số người không chế và cuối cùng người dân phải chịu thiệt.

Mỗi sáng, mở báo ra đều thấy bao nhiêu thứ tăng giá: điện tăng, nước tăng, học phí tăng, viện phí tăng, riêng chỉ có một thứ không tăng là thu nhập của người dân, đặc biệt là lương công chức. Có bao giờ những nhà hoạch định chính sách tìm hiểu xem khi tăng giá một mặt hàng thì có bao người lâm vào tình trạng khốn đốn không? Có ai chịu tìm hiểu khi tăng học phí, viện phí ngưòi dân sẽ phản ứng sao không?

Tăng giá xăng được biện hộ là người dân cùng chia sẻ với Nhà nước và doanh nghiệp, vậy khi doanh nghiệp lãi có chia sẻ cho người dân không? Và một hệ luỵ là khi xăng tăng giá, tất cả các mặt hàng đều tăng từ ly cà phê đến tô bún nhưng chắc chắn khi xăng giảm, các mặt hàng này sẽ chẳng bao giờ giảm cả.

Vĩnh Lộc, Quảng Nam

Giá xăng bán lẻ trong ngày 21/7/2008 đã tăng tới 31%. Một lít xăng A92 không chì được bán lẻ với giá 19.000 đồng/lít, tương đương với 1 đô la 15 xu Mỹ. Giá dầu diesel tăng 14,3%, lên 15.950 đồng một lít, giá dầu hỏa tăng từ 13.900 đồng lên 20.000 đồng/lít. Vậy tại sao khi giá dầu thế giới đã xuống thấp hàng mấy tuần nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới "nhỏ giọt" giảm giá 500 đồng/lít!

Nghe trả lời phỏng vấn của ông Tổng Giám đốc Petrolimex trên VTV cách đây không lâu, sở dĩ chưa giảm giá bán xăng dầu ngay được vì phải bán hết lượng "hàng tồn" trong kho. Nhưng với đà này, không biết bao giờ mới hết "hàng tồn kho" để người dân được hưởng giá cả của "hàng mới"?

 

Quốc Minh, Hà Nội

 

Sáng nay, đọc được dòng tin giá xăng giảm, tôi thật sự vui mừng. Nhưng đến khi biết được giá xăng chỉ giảm có 500 đồng/lít đã làm cho tôi quá thất vọng. Ai cũng biết rằng giá bán xăng của các doanh nghiệp là giá bán của lượng xăng lưu trữ trong 30 ngày. Thử hỏi giá xăng nhập về của 30 ngày trước có đến mức mà người tiêu dùng phải chịu một cái giá trên trời là 16.000 đồng/lít không?

 

Và tôi thử hỏi là 30 ngày nữa (tức là ngày 17/11/2008) thì người tiêu dùng có được hưởng giá xăng 12.000 đồng/lít theo như tính toán vào thời điểm xăng ngày 17/10/2008 không? Liệu đến lúc đó các doanh nghiệp kinh doanh xăng có nhắc lại điệp khúc muôn thủa hay không?

 

Cao Thị Hồng Nhung, caohongnhung_nc@...

 

 Được giảm giá theo kiểu ’’ nhỏ giọt’’ của các doanh nghiệp như thế này đã là kết quả của bao nhiêu áp lực mà báo chí, Chính phủ, Quốc hội và người dân tạo nên. Thử hỏi nếu không có những dòng áp lực ấy thì doanh nghiệp có tự giác giảm giá hay không? Tăng giá thì đồng loạt tăng và giảm thì cũng đồng loạt giảm, yếu tố cạnh tranh ở đây chẳng qua chỉ là một trận bóng mà trọng tài vừa cầm còi vừa đá bóng. Thật nghịch lý!

 

Trần Xuân Sơn, Hà Nội

  Mong Chính phủ  làm minh bạch giá xăng dầu

 

Tôi là một công dân của Việt Nam, luôn sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. Mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước tôi đều thực hiện. Nhà nước là người đề ra các chính sách, chế tài để người dân thực hiện. Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Từ ngân sách này, Nhà nước thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, các dự án kinh tế để phát triển đất nước làm cho người dân có cuộc sống tốt hơn.

 

Nhưng hiện nay, hàng ngày chúng tôi đang phải “vật lộn” với cuộc sống khó khăn, với "giá xăng tăng đột biến". Hàng ngày, hàng giờ, chúng tôi luôn mong mỏi cho giá dầu thế giới giảm đi để cho người dân Việt Nam cũng bớt đi đươc những lo lắng. Và rồi giá dầu đã giảm, việc giảm giá dầu đã làm cho chúng tôi rất vui mừng, nhưng  giá xăng trong nước vẫn còn khá cao! Thế là sao?.

 

Khi "giá dầu thế giới" ở mức 70USD/thùng, chúng tôi chỉ phải trả 11.000 đồng/lít xăng. Nay giá dầu thế giới 68.57USD/thùng, chúng tôi phải trả 16.000 lít/xăng. Như vậy có công bằng không?

 

  Đề nghị Nhà nước có những chính sách, chế tài gì để  giúp người dân  tránh phải chịu những thiệt thòi như vậy! Khi giá dầu thế giới tăng, Nhà nước lấy ngân sách ra bù lỗ cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu. Nay giá dầu giảm, Nhà nước  vẫn để cho họ lãi với mức 3.000 đến 4.000 đồng/lít và lãi đó họ bỏ túi. Như vậy có công bằng cho chúng tôi không? Tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ có một chính sách hợp lý để người dân không phải chịu thiệt thòi như vậy.

 

Dương Thị Linh, Hà Nội

 

  Kiến nghị Thanh tra Chính phủ phải tiến hành thanh tra số lượng xăng dầu đã nhập khẩu trong thời gian qua, công khai, minh bạch kết quả, đối chiếu với giá bán xem doanh nghiệp hưởng lợi được bao nhiêu. Không để các doanh nghiệp xăng dầu tự ý bán giá bao nhiêu cũng được.

 

Hãy lấy một con số so sánh, khi giá xăng dầu thế giới ở khoản 140 USD/thùng thì 1 lít xăng trong nước không phải bù lỗ giá bán bao nhiêu? Bây giờ thì bao nhiêu? 1 lít xăng không thể lãi hơn 3000 đồng được. Lợi nhuận của một nhóm người không thể để toàn dân phải gánh vác. Hãy công khai minh bạch để yên lòng dân. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo vụ này.

 

Trần Minh, Đà Nẵng

 

Đề nghị thanh tra tình hình nhập khẩu xăng dầu trong thời gian qua, so sánh giá bán để có hướng xử lý thích hợp, không thể để doanh nghiệp thích bán bao nhiêu thì bán, xử lý nghiêm những kẻ trục lợi. Cấp phép cho nhiều doanh nghiệp được phép nhập khẩu xăng dầu để có tính cạnh tranh cao. Công khai, minh bạch kết quả thanh tra xăng dầu để yên lòng dân, vì khi xăng dầu khoảng 70 - 80 USD/thùng thì giá bán mới khoảng 12.000 đồng/lít mà không cần bù lỗ. Tại sao bây giờ giá khoảng 70 USD/thùng thì giá bán 16.000 đồng/lít? Cần qui định giá bán bằng giá thành cộng lãi không quá 500 đồng/lít xăng để tránh tình trạng tiền của dân vào túi một số cá nhân, nền kinh tế thì thiệt hại nghiêm trọng đối với mặt hàng chiến lược này.

 

Ngọc Anh, Gia Lai

Tôi biết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay đang rất có lãi và Nhà nước cũng đang biết điều đó. Tại sao khi giá xăng dầu thế giới đang xuống thấp tới mức kỷ lục trong 12 tháng qua mà giá xăng lại giảm nhỏ giọt 500 đồng/lần mà lúc tăng thì tăng những 4.000 đồng/lít. Trong lúc doanh nghiệp gặp khó khăn, nhân dân đã giúp doanh nghiệp bằng cách đồng ý cho tăng giá xăng. Bây giờ, khi giá dầu thế giới đã giảm, các doanh nghiệp vẫn kêu lỗ. Tôi nghĩ, Chính phủ nên vào cuộc làm minh bạch giá xăng và sự thật về lỗ, lãi của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

 

Trần Bá Chinh, Hà Nội

Không tăng giá xăng trong một thời gian dài đã được xem là một giải pháp quan trọng để chống lạm phát. Nay, giá xăng dầu thế giới đã giảm xuống 70USD/thùng rồi mà các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ giảm giá nhỏ giọt ân huệ, lần thì 1.000 đồng, và bây giờ là 500 đồng/lít!? Sao lại như thế? Quyền lợi thực sự của kinh doanh xăng dầu đang thuộc về ai? Nếu đây là ngành kinh doanh độc quyền để đảm bảo quyền lợi của toàn xã hội thì cần phải xem xét thật kỹ càng.

 

Hoàng, TP.Hồ Chí Minh

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;