221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1119229
Giá xăng, giá điện vẫn là điều bức xúc của người dân
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần:
Giá xăng, giá điện vẫn là điều bức xúc của người dân
,

 - Việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công bố giảm giá 500 đồng/lít xăng không khiến người dân vui mừng bởi, trong khi giá dầu trên thế giới xuống thấp, chỉ còn khoảng 70USD/thùng thì người dân Việt Nam vẫn phải chịu mua giá xăng 16.000 đồng/lít. Theo đại đa số người tiêu dùng, giá xăng cần giảm hơn nữa mới có tác động mạnh đến nền kinh tế thị trường và với sự chờ đợi của người dân. Đây là chủ đề được nhiều bạn đọc quan tâm nhất trong tuần vừa qua.

Giá xăng giảm chưa tương xứng

Giá dầu thế giới đã xuống 70USD/thùng nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua xăng giá 16.000 đồng/lít. (Ảnh VNN)
Hiện nay giá xăng thế giới đã giảm hơn 50% so với thời điểm cao nhất, theo nhiều bạn đọc, lẽ ra giá xăng trong nước cũng phải giảm tương ứng cho người tiêu dùng, đó là kinh doanh sòng phẳng minh bạch, là văn hoá kinh doanh.

Bạn Công Bằng, Quảng Nam, lMnhtinh@... nêu ý kiến: "Theo tôi, Chính phủ cần làm rõ việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giảm giá xăng 500đ/lít vào thời điểm hiện nay là phù hợp chưa? Vì sao khi tăng giá thì tăng một cách chóng mặt 4.500đ/lít, tại thời điểm giá dầu thô trên 140USD/thùng thì giá xăng trong nước 19.000đ/lít, hiện tại dầu thô 70 USD/thùng, thì xăng trong nước 15.500đ/lít. Việc tăng giảm phải có thời gian 30 ngày có đúng không?".

Bạn Bùi Quế Anh, Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An,  queanhmyduc@... cũng đồng tình với ý kiến trên. Theo bạn, giá dầu thô đã giảm xuống dưới 70 đôla/thùng mà giá xăng trong nước giảm 3 lần mới được 2000đ là không công bằng. "Ta thử giả sử, bỗng nhiên một tuần nữa giá dầu lại tăng lên mức khoảng 120đôla/thùng, các doanh nghiệp nhập khẩu lại thực hiện việc điều chỉnh giá xăng trong nước lên như những lần tương tự trước. Tức là ở mức tăng thêm 3000đ/l. Thử hỏi ai là người phải gánh chịu những điều phi lý đó, và những ai sẽ được hưởng lợi? Tôi thấy việc kiểm soát số lượng hàng tồn trong kho là quá đơn giản. Vậy thì tại sao Nhà nước cứ để cho các doanh nghiệp đưa ra lý do là chưa bán hết hàng tồn kho do số lượng hàng này họ nhập về giá vẫn còn cao.

Cần công khai làm rõ giá xăng dầu

Nhiều bạn đọc đề nghị, Chính phủ cần thanh tra tình hình nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu trong thời gian qua, so sánh giá bán để có chính sách phù hợp.

Bạn Nguyễn Minh Tuấn, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, HN, minht5@... thắc mắc: "Bù lỗ xăng dầu - Tiền ở đâu ra? Khi giá xăng dầu cao, Nhà nước phải bù lỗ. Vậy tiền bù lỗ là của ai vậy? Chính là tiền của người dân. Vậy sao bây giờ khi giá xăng thế giới giảm đi một nửa, mà người dân vẫn phải oằn mình ra để gánh chịu. Câu hỏi này xin các ngành chức năng giải quyết hộ cho người dân.".

Bạn Trần Đằng, Điện Biên, trangtran78@... đưa ra ý kiến, thực trạng giá bán xăng dầu của các doanh nghiệp hiện nay khá bất công. "Bởi vì, khi doanh nghiệp lỗ thì có Nhà nước bù, khi nguời dân phải chịu giá cao hơn giá thực, ảnh hưởng đến tích luỹ của họ thì ai bù? Để hạn chế sự độc quyền về điều chỉnh giá xăng dầu, đề nghị Nhà nước cần qui định khung thời gian, tỷ lệ tăng giảm giá bán của các doanh nghiệp theo giá dầu thế giới. Có như vậy, mới hạn chế bớt lợi ích của một số cá nhân trong kinh doanh xăng dầu.".

Bạn Nguyễn Đại Dương, TP.HCM, nguoictnkl@... cũng đồng ý rằng, các doanh nghiệp cần công khai giá xăng dầu: "Chúng ta tranh luận với nhau quá nhiều về giá xăng, đó là quyền của chúng ta. Nhưng để đánh tan sự nghi ngờ đó, để công bằng trong kinh tế thị trường thì chỉ còn cách duy nhất là Nhà nước, Thủ tướng bắt buộc phải công khai giá kinh doanh xăng dầu. Chỉ có như vậy khẩu hiệu đưa ra là chống tham nhũng, kiềm chế lạm phát mới không là khẩu hiệu. Còn tù mù, làm "đục nước cho béo có" thế này chỉ làm mất lòng tin của người dân!".

"Nhà nước cần có biện pháp can thiệp hiệu quả trong việc quản lý giá xăng, dầu một cách tốt nhất để làm giảm bớt gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Các DN kinh doanh xăng, dầu cứ kêu là bù lỗ cho lượng hàng tồn kho đã nhập hồi tháng 7/08. Không có chuyện nhập hàng nhiều, tồn kho nhiều trong khi giá xăng, dầu giao động rất mạnh trong những tháng này. Vậy đến bao giờ mới hết hàng tồn kho? Hết năm nay? Người dân phải cắn răng mà mua với giá xăng, dầu cao ngất ngưởng, trong khi giá tại Singapore đã giảm xuống hơn một nửa!". Trần Phương Nam, Cần Thơ, tpnam@...

Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được phản ánh của bạn đọc xung quanh những vấn đề xã hội khác:

Tại sao giá điện phải bằng với giá các nước trong khu vực?

"Xin đừng coi người dân là đối tượng phải gánh chịu mọi hậu quả trong trường hợp EVN kinh doanh yếu kém." Ảnh VNN
Dư luận vẫn phản ứng mạnh mẽ trước đề xuất tăng giá điện lên trung bình 20- 30% trong 2 năm 2009 - 2010 của ngành điện. Hầu hết bạn đọc đều Đề nghị EVN phải minh bạch hoạt động kinh doanh của mình, trước khi tăng giá điện, khách hàng phải được biết EVN lỗ cụ thể như thế nào? Giá thành sản xuất ra sao? Chi phí quản lý thế nào? EVN đã làm tròn trách nhiệm đối với khách hàng chưa?...

Bạn Thảo Nguyên, Hai Bà Trưng, Hà Nội nêu ý kiến: "Cứ mỗi lần định tăng giá một mặt hàng gì thì các vị lại lên  tiếng so sánh rằng giá của ta quá thấp so với các nước trong khu vực, thậm chí cả với nước Mỹ, nơi mà thu nhập bìmh quân đầu người nghe nói là 30 ngàn đô la/năm. Chúng ta sẽ đưa dần giá của ta ngang bằng khu vực. Chỉ có điều họ quên không nói rằng thu nhập của ta thuộc vào nhóm nước nghèo trên thế giới. Khi nào thu nhập của người dân đạt bình quân 10 triệu đồng /tháng thì giá điện tăng lên 5000 đồng/ số cũng chấp nhận.".

Bạn Nguyễn Thu Hà, Hà Nội, thuha.vcu@... cũng bức xúc với lý do tăng giá điện để ngang bằng với giá của các nước: "Tôi không hiểu tại sao ngành điện lai đưa lý do của việc tăng giá điện là để ngang bằng với giá của các nước trong khu vực. Liệu ngành điện đã tìm hiểu xem thu nhập của nhân dân các nước đó so với thu nhập của nhân dân ta chưa? Ở nước họ người dân cần phải bỏ ra khoảng 10USD để mua 1 bó rau còn ở Việt Nam là 0,12USD. Nếu lập luận như ngành điện thì không phải chỉ có ngành điện phải tăng giá mà tất cả các mặt hàng ở Việt Nam đều phải tăng giá. Không biết lúc đó người dân của chúng ta - những người là chủ, làm chủ đất nước sẽ như thể nào?"

Theo bạn Nguyễn Việt Tâm, Hà Nội, sxmaxx@..., cách lý giải của EVN về việc tăng giá điện là thiếu thuyết phục. "Thứ nhất, EVN so sánh giá điện Việt Nam với các nước bên ngoài nhưng liệu có so sánh mức sống và thu nhập của ta với họ? Có lẽ lý do này chưa thuyết phục được ai. Thứ hai, EVN là một công ty Nhà nước, hoạt động bằng vốn của Nhà nước tức là tiền thuế của Nhân dân. Vậy tại sao người dân không được biết về tình hình kinh doanh cụ thể của EVN? Cuối cùng, muốn thuyết phục, EVN phải công bố bản cáo bạch có kiểm toán độc lập, uy tín. Qua đó người dân chúng tôi, cũng là khách hàng mới biết được đồng tiền của mình đã được dùng đúng chỗ. Xin đừng coi người dân là đối tượng phải gánh chịu mọi hậu quả trong trường hợp EVN kinh doanh yếu kém.".

Ngành điện hãy làm hết sức cái đã!

Bạn Văn, Nhật Bản, nokia6030nokia@... có ý kiến: "Tại sao ngành điện lại đòi giá điện trong nước phải bằng với giá điện của các nước trong khu vực. Đó là một ý tưởng hoàn toàn duy ý chí, một chiều. Có lẽ ngành điện đã không phân tích một cách thấu đáo (hay đó chỉ là một cách ngụy biện cho năng lực "làm điện" của mình) các yếu tố khác. Chúng ta có thể phấn đấu để tỷ trọng về giá điện trên thu nhập bình quân của mỗi người dân bằng với các nước trong khu vực, thế là hợp lí nhất. Hãy xem ở Nhật, nơi tôi đang sinh sống, giá điện 1kWh là 35 yen, trung bình một tháng một người Nhật tiêu thụ khoảng 70 kWh với số tiền là 2450 yen (20USD). Trong khi thu nhập bình quân của công chức (chưa nói các vị trí khác) là 170000 yen (1550USD), tức là tỉ trọng tiền điện hàng tháng chỉ là 1.4%. Còn ở VN, mức đó sẽ vào khoảng 10%. Thật là vô lý đúng không, thưa quí Điện! Người dân chúng tôi chỉ mong sao ngành điện đừng quá ỷ lại vào thế độc quyền để bắt chẹt người dân như thế. Hãy làm hết sức mình cái đã, khó khăn ở đâu hãy nêu ra, tôi nghĩ là người dân sẽ không quá khắt khe khi cùng với ngành điện chia sẻ một chút khó khăn đó.".

"Tại sao ngành điện không nghiên cứu để tạo ra điện từ những nguồn năng lượng khác như gió, mặt trời, vv... đúng với chức năng mà Đảng và nhân dân giao phó, mà lại đầu tư vào khách sạn, siêu thị... dễ làm, khó bỏ (vừa từ chối 13 dự án phát triển điện của Chính phủ???)... rồi sau đó kêu lỗ, đòi tăng giá. Thiết nghĩ ngành điện cũng cần phải thay đổi để giống ngành viễn thông, có như vậy nhân dân mới được nhờ.". Lê Hùng, hung2208@...

Tôi thấy ngành điện cũng kinh doanh như ngành viễn thông. Về chi tiết thì khác nhưng vĩ mô cơ bản là giống. Có thể nói viễn thông đang hoạt động tốt vận hành theo cơ chế thị trường, người dân tin tưởng. Ngành điện xem ra bị chê trách nhiều quá, một ngành thì chỉ thấy đề nghị tăng giá, mà tăng trong thời điểm căng thẳng thế này thì không ổn, ngành kia thì luôn giảm giá. Xem quảng cáo trên truyền hình dân cũng thấy mấy ông điện ơi!". Cao Thắng, Lê Chân, Hải Phòng, caophuonghia@...

Lớp 1 cũng phải đi học thêm

Việc học sinh bước vào lớp 1 đã biết đọc, biết viết không còn là hiện tượng lạ mà thậm chí còn trở nên phổ biến tại nhiều nơi. Có lẽ chính vì điều này, nhiều phụ huynh phải chọn giải pháp cho con nghỉ lớp lá để học trước chương trình lớp 1. Cũng không ít phụ huynh đề nghị các cô giáo mầm non luyện chữ, tập đọc cho các cháu lớp lá sau giờ học. Và việc trẻ em chuẩn bị vào lớp 1 phải đi học thêm suốt 3 tháng hè không còn là chuyện lạ ở TP.HCM.

Trước khi vào lớp 1 phải biết đọc, biết viết. Ảnh Đ.T
Bạn Phạm Linh, Hà Nội, ngoclinhchi07@... phản ánh: "Tôi có con nhỏ, cháu chuẩn bị vào trường Mẫu giáo. Tôi cảm thấy rất lo lắng vì nghĩ rằng tương lai con mình có thể rơi vào hoàn cảnh như các cháu trong bài viết của tác giả. Đúng là "không thày đố mày làm nên", nhưng nếu với cách của các thày cô tiểu học nói trên (và nhiều nơi cũng như vậy), không biết tương lai các cháu thành thiên tài hay tâm thần. Đúng là quá sức, quá khả năng và phi khoa học. Tôi rất mong muốn các đồng chí làm Quản lý giáo dục, Lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo, Vụ Tiểu học, thanh tra giáo dục... và những người có trách nhiệm có liên quan hãy đọc, nghe và thấu hiểu hơn cho các cháu tiểu học. Chỉ có học và học, thời gian đâu để các cháu nghỉ, chơi, xả stress... thì làm sao có sự phát triển nhân cách hoàn thiện được?".

Bạn Thành Dương, Đường Bưởi, thanh_td07@... cũng bức xúc: "Con của tôi cũng đã phải học một lớp một vô cùng vất vả và mất toàn bộ sự tự tin mà cháu có được trước khi đi học vì ở lớp các bạn đều đã đi học đọc, viết trước đó hàng năm trời. Sau đó cô giáo lại ngồi nghĩ ra các bài toán thật "siêu việt" để dạy các cháu và cho rằng như vậy sẽ tạo ra được những thần đồng. Các nhà giáo dục Việt Nam sẽ có tội rất lớn với dân tộc này nếu 20 năm nữa những lớp con trẻ của chúng ta gù lưng, cận thị, thể chất loại C và tâm hồn thì nghèo xơ xác vì con trẻ làm sao còn muốn đọc sách văn học nếu chúng đã phải học cả sáng lẫn chiều ở trường, tối về lại tiếp tục học thêm. Tôi cho rằng con trẻ chỉ cần biết cộng trừ nhân chia, biết cách sống với gia đình, cộng đồng, có sức khoẻ tốt và một tâm hồn trong sáng, có hoài bão thì tự chúng sẽ tồn tại và phát triển tốt trong xã hội này và cả thế giới này nữa. Không cần phải học hết cả tri thức của nhân loại đâu các nhà giáo dục Việt Nam ạ!".

Bạn Võ Thanh Liêm, Ấp Vĩnh Phước 2, Trấn Vĩnh Thuận, Vĩnh Thuận, Kiên Giang, voliem69@... lý giải vấn đề này như sau: "Thực trạng lớp 1 cũng phải học thêm chúng ta phải xét trên các khía cạnh sau đây: Thứ nhất: Một bộ phận cha mẹ trẻ có con chuẩn bị vào lớp 1 (độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi) họ muốn con mình phải đọc được, viết được, tính được để "lấy le" với bạn bè, đồng nghiệp rằng quý tử của họ là thông minh, học giỏi. Thứ hai: Là hệ quả nguyên nhân thứ nhất (phổ biến ở các vùng thị trấn, thị xã, thành phố) đa số học sinh vào học lớp 1 đã gần như đọc thông, viết gần thạo. Thứ ba: Đây là nguyên nhân chính, giáo viên dạy lớp 1 khi nhận lớp có đa số học sinh biết đọc, biết viết vậy thì phải dạy cái gì đẻ nâng "uy tính" trước các học sinh đã đọc viết được của mình rồi, mà đúng ra lúc này cô phải dạy, thôi thì cho bài tập nhiều nhiều "chút xíu". không loại trừ thiếu thiện chí với những học sinh đáng thương chưa từng đọc, viết được trước khi vào lớp 1. kết quả những em này không thể học được ở lớp 1 "đặc biệt" nhưng là phổ biến hiện nay.".

Bạn Nguyễn Quang Hà, Kim Mã, Hà Nội, misterquangha@...cho rằng, về vấn đề này, rốt cuộc, trẻ em cũng chỉ là nạn nhân của bệnh thành tích của người lớn mà thôi. "Chuyện này đâu phải cá biệt, chỗ nào cũng thế cả! Suy cho cùng các em đều là nạn nhân của sự hãnh tiến, trưởng giả và bệnh thành tích mà người lớn mắc phải. Học trước để chưa vào lớp đã biết chữ, rồi học tiếng Anh khi tiếng Việt còn chưa ổn, học vi tính để rồi lướt net khi chưa đủ lớn để xử lí thông tin dẫn đến bị tác động xấu của internet...  Rốt cục lại, các bậc phụ huynh Việt Nam đang luyện các con cá chọi nhau trong một cái chậu! Những miếng võ vặt vãnh để khoe mẽ với nhau trong cái chậu chả là cái gì so với những chú cá ở các nước phát triển mà ngay từ bé được giáo dục cách "tự bơi ra biển lớn". Kiến thức mênh mông,học tập là việc của cả đời. Giáo dục phải làm sao để các thanh niên sau này có khả năng tự học, tự lĩnh hội tri thức chứ trên thế giới chả có trường nào có đến lớp 14, 15 hay 20, 21... đâu mà cứ đua nhau dạy trước, học trước!".

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,