221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1126743
Xoá bỏ án tử hình tội tham ô: Chưa đến lúc
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 2/11 - 9/11):
Xoá bỏ án tử hình tội tham ô: Chưa đến lúc
,

 - Theo dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, một loạt tội danh sẽ không còn chịu án tử hình: hiếp dâm, tham ô, đưa, nhận hối lộ... Nhiều bạn đọc viết thư về VietNamNet nêu ý kiến phản đối việc bỏ án tử hình với tội danh tham ô, nhận hối lộ. Đây là một trong những chủ đề nhận được nhiều phản hồi bạn đọc nhất tuần qua.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, trong dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, một loạt tội danh sẽ không còn chịu án tử hình: hiếp dâm, tham ô, đưa, nhận hối lộ... Việc này nhằm hạn chế phạm vi án tử hình, chỉ áp dụng với người phạm một số ít các tội đặc biệt nghiêm trọng, được thực hiện một cách dã man, tàn bạo, mất nhân tính hoặc việc phạm tội cũng như người phạm tội là mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Rất nhiều bạn đọc VietNamNet không đồng tình về đề xuất bỏ án tử hình với tội tham ô, hối lộ. Hầu hết các ý kiến cho rằng, với tình hình tham nhũng phức tạp như hiện nay, ý thức chấp hành pháp luật của người dân VN chưa cao thì đề xuất này nếu thực hiện sẽ làm gia tăng các tội phạm.

Không nên xoá bỏ án tử hình với tội danh tham ô, hối lộ

Tội tham ô cần có khung hình phạt cao nhất. (Ảnh VNN)
Bạn Quang Hưng, Bạc Liêu, nqhung577@... nêu ý kiến: "Không nên xóa bỏ án tử hình với tội danh tham ô, hối lộ. Xóa bỏ một số án tử hình phải xuất phát từ tình hình thực tế rằng: An ninh, trật tự xã hội đã tốt lên nhiều và việc xóa bỏ án tử hình sẽ không làm gia tăng tội phạm. Nhưng thực tế đã như vậy chưa? Hoàn toàn chưa. Tội phạm tham nhũng, hối lộ ngày một gia tăng về số lượng cũng như quy mô. Nếu xóa bỏ thì tôi e rằng luật pháp đã nhân đạo khi giữ mạng sống cho một số kẻ mất lương tri nhưng sẽ là vô nhân đạo với hàng triệu người dân hàng ngày phải đóng thuế cho Nhà nước, và một phần trong số đó đã bị bọn tham nhũng, hối lộ hàng ngày đục khoét. Không nên bỏ án tử hình đối với tội danh này.".

Bạn Nguyễn Bình, TP Hồ Chí Minh, nguyenbinhla@... nêu lên một thực tế:" Tôi đã từng là mộ cán bộ ở một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, là người liên quan trực tiếp đến việc ra các quyết định trong kinh doanh, và có lần nếu tôi chỉ cần đặt bút ký thay đổi giá thì lập tức sẽ có 50.000 USD và rất nhiều cơ hội như thế, nhưng tôi không làm vì để bảo vệ sự trong sạch của mình, bảo vệ truyền thống gia đình, nhưng điều có tác dụng ngăn chặn lòng tham lớn nhất đối với tôi đó là mức án phạt nặng về tham nhũng, tham ô. Nếu bỏ án tử hình cho tội tham ô, tham nhũng thì chắc chắn việc tôi từ chối những khoản lợi lớn từ tham ô, tham nhũng là điều không tưởng. Phải nói là dại gì không tham ô?  Muốn tham ô, tham nhũng, động tác đầu tiên phải làm đó là tỏ ra liêm khiết, đồng thời tạo dựng lên một e kíp cùng chí hướng. khi hình thành xong được rồi mới thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng. Chỉ cần làm đúng quy trình đó thì gần như khó có khả năng bại lộ, và việc tham ô sẽ kéo dài. Nếu bỏ án tử hình cho tội tham ô, thì chắc chắn nạn tham ô sẽ được dịp như rau muống gặp mưa thôi. còn muốn chống tham nhũng thì cần mạnh tay hơn, ví dụ như tham ô từ 100.000.000 đồng trở lên là tử hình không cần xét xử.".

"Tham nhũng, trong đó có tham ô, hối lộ đang là "Quốc nạn". Đang có hình phạt tử hình mà chúng còn không sợ huống chi là đề xuất bỏ khung hình phạt này. Như vậy khác nào "nối giáo cho giặc". Hãy học tập các bạn Trung Quốc xem họ kiên quyết với bọn tham nhũng như thế nào, vô luận là chúng ở cấp nào?". Hoa Ngọc Hà, Ông Ích Khiêm, P5, Q11, TP HCM, hoangocha92@...

Nên phạt nặng hơn

Bạn Lan Anh, Hải Dương, lananh@... góp ý kiến, đối với loại hình tội phạm này thì nên phạt nặng hơn. "Theo tôi không nên bỏ hình phạt tử hình này mà nên áp dụng hình phạt này một cách nghiêm khắc hơn để răn đe những người có ý định tham nhũng. Luật quy định nếu tham nhũng quá 500 triệu thì có thể tử hình thì ta cứ áp dụng như vậy. Ai cứ tham ô và nhận hối lộ quá 500 triệu là mang ra tử hình một cách nghiêm khắc thì có lẽ tệ tham ô, nhận hối lộ đã giảm rất nhiều.".

Bạn Đinh Nguyễn Nhật Thanh, Quận 5, Tp. HCM, nthanh_69@... cũng đề nghị: "Lúc này không nên xóa bỏ án tử hình cho tội danh tham nhũng hối lộ. Trong tình hình nạn tham nhũng hối lộ ở nước ta còn nhiều và còn nghiêm trọng như hiện nay thì việc xóa bỏ án tử hình cho những tội danh này là sự đầu hàng của pháp luật. Theo tôi cần phải giữ nguyên mức án tử hình và tăng nặng thêm các mức khác cho tội danh tham nhũng, hối lộ. Tuy nhiên, cùng với vấn đề này còn cần phải kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn việc thi hành án và xử phạt nghiêm minh những trường hợp không thi hành án hay thi hành cho có lệ. Trung Quốc là một quốc gia đang làm tốt vấn đề này và chúng ta cần phải học tập họ.".

Hậu trận lụt lịch sử: Chính quyền thành phố Hà Nội chậm chạp trong việc đề ra biện pháp đối phó với thiên tai

TP cần nhìn lại và đánh giá đúng tinh thần trách nhiệm, cũng như năng lực giải quyết những vấn đề vừa xảy ra trong cơn "đại hồng thủy" tại Hà Nội. Ảnh: VNN
Trong trận mưa lũ lịch sử vừa qua tại Hà Nội, có thể nói, chính quyền thành phố Hà Nội đã chủ quan, bị động và thiếu nhạy cảm trong việc ứng phó với thiên tai. Sau sự cố này, nhiều ý kiến đề nghị lãnh đạo TP cần nhìn lại và đánh giá đúng tinh thần trách nhiệm, cũng như năng lực giải quyết những vấn đề vừa xảy ra trong cơn "đại hồng thủy" tại Hà Nội.

Bạn Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, trung_nguyen42000@... tỏ ra bức xúc trước phản ứng chậm chạp của chính quyền: "Đành rằng thiên tai là bất cập, hiểm họa thiên nhiên là nhiều khi không lường trước được. Ở đây tôi không muốn nói về công tác xây dựng, qui hoạch thành phố, qui hoạch thoát nước... vì nhiều độc giả đã đề cập đến ở trên rồi. Tôi chỉ muốn đề cập đến việc chính quyền thành phố Hà Nội đã có những biện pháp gì đối phó khẩn cấp đối với trường hợp thiên tai lụt lội đã xảy ra như mấy ngày vừa qua. Có thể nói, trong mấy ngày đầu mưa lụt, cả Hà Nội bị ngập trong biển nước, . Người dân thành phố, người dân các tỉnh có việc về Hà Nội và nhất là các cháu học sinh – sinh viên phải loay hoay, vùng vẫy giữa biển nước để tìm về cơ quan, về nơi cư trú. Và như thế việc người dân, nhất là các cháu học sinh đi lại bị sa  vào cống rãnh thoát nước, vào mương, vào hồ dẫn đến thiệt mạng, tài sản của người dân bị huy hoài vì chìm trong nước lụt như các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin là tất yếu xảy ra. Nếu như các cấp chính quyền thành phố có những biện pháp nhanh chóng và kịp thời đối phó thiên tai thì chắc chắn sẽ không để xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người và của như nêu ở trên. Nếu chính quyền thành phố Hà Nội huy động toàn bộ lực lượng công an, cảnh sát giao thông, quân đội, lực lượng dân phòng của cả thành phố, các quận huyện, phường xã và tổ dân phố cũng như các lực lượng tình nguyện tham gia thường trực ngày đêm trên các tuyến phố, nút giao thông để canh chừng, hướng dẫn cho người dân đi lại tránh chỗ nguy hiểm, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản, di chuyển tài sản của người dân tới chỗ an toàn thì chắc chắn thảm họa do thiên tai lụt lội sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Thiết nghĩ đợt thiên tai lũ lụt đã bộc lộ rất nhiều những vấn đề về công tác phát triển thủ đô, từ xây dựng, qui hoạch phát triển thành phố đến công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền thành phố, đó là những vấn đề đã tồn tại trong nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp khắc phục.".

Bạn Vũ Quang Thống, Ngô Tất Tố, Văn Miếu, Hà Nội, thongthanh2002@... phản ánh thêm: "Tôi rất khó hiểu vì sao các khu phố cổ ở Hà Nội thì nước ngập sau sẽ rút ngay,còn các khu mới như Mỹ Đình, Định Công, đường Giải Phóng (đường mới) v.v... thì đã 5 ngày rồi mà nước vẫn ngập ngụa. Trục đường chính (đường Giải Phóng) là trục đường ngập sâu nhất mà 4 ngày đầu chả có phương tiện nào của Nhà nước hỗ trợ dân đi lại, nhất là nơi có bến xe khách đông nhất, rồi hành khách đi tàu hoả cũng phải đi qua đây về ga Văn Điển cho nên các phương tiện tư nhân tha hồ làm dịch vụ với giá cắt cổ. Mãi tới hôm nay mới có phương tiện hỗ trợ của Nhà nước, song những người phục vụ vụ tỏ ra không nhiệt tình và khuyên cố gắng đi xe máy. Nghe theo lời khuyên của anh cán bộ mặc đồng phục GTCC phóng xe máy qua chỗ ngập (trong đó có tôi) phải dắt xe vì chết máy, rồi mất tiền cho thợ.

Tại sao các trạm biến thế điện lại ngập nước, thiết kế ban đầu ra sao đây? Tôi ở khu đô thị Đồng Tàu, quận Hoàng Mai đã bị mất điện, mất nước suốt từ chiều thứ sáu đến nay. Thử hỏi suốt 5 ngày mất điện, mất nước, đi lại vào nội thành không được ai có thể chịu được. Sáng nay 2 cháu của tôi phải đi học nên không còn cách nào hơn là đi gửi các cháu ở gia đình bà con để đi học hàng ngày. Sống giữa lòng Thủ đô mà quá mệt mỏi, nhưng dù sao thì mọi truyện cũng sắp qua. Có điều lãnh đạo TP. Hà Nội nên suy nghĩ và nếu thấy mình không đủ khả năng đảm nhận công việc quản lý,quy hoạch đô thị thì hãy mạnh dạn lên tiếng tự giác nhường lại vị trí công tác cho những người giỏi hơn, có trách nhiệm hơn đảm nhận. Hy vọng nhiều năm sau không còn tình cảnh này nữa.".

"Là một người dân HN tôi rất bức xúc trước những việc mà các ngành của TP cũng như lãnh đạo TP làm trong những ngày lũ lụt vừa qua. Ngày thường thì CSGT đứng tại các ngã ba, ngữ tư nhiều như vậy còn ngày những ngày mưa lụt thì chẳng thấy CS GT để hướng dẫn người dân đâu. Tại các điểm ngập nặng như bến xe Giáp Bát, cửa ngõ của Thủ Đô đã xảy ra tình trạng hỗn loạn như thời chiến tranh, mà không thấy các ngành có liên quan vào cuộc (như GTCC) giúp đồng bào vượt qua chỗ ngập. Để cho những kẻ cơ hội kinh doanh vận chuyển nhân dân qua đoạn ngập khoảng 300m, mỗi người phải trả 70-80.000đ. Đến khi báo chí đưa tin về bức xúc của người dân thì đến chiều ngày 4/11/08 (sau 4 ngày ngập lụt) nghành GT mới vào cuộc.Theo tôi sau trận lụt này TP quy rõ trách nhiệm của từng sở ban ngành, người đứng đầu các sở ban ngành có liên quan phải xin lỗi trước nhân dân thủ đô.". Nguyễn Tuấn Quang, Cầu Giấy, HN, thaohabill@...

"Chúng ta phải nhìn nhận rằng không phải bây giờ khi Hà Nội, một trung tâm lớn của cả nước, một thủ đô nghìn năm tuổi của chúng ta bị ngập trong nước chúng ta mới biết hệ thống thoát nước của thủ đô có mà như không. Nó đã được cảnh báo từ rất lâu rồi nhưng chúng ta đã không thể làm gì nổi. Trách nhiệm này ngành cấp thoát nước phải chịu trách nhiệm, và phải sửa. Hiện nay ở Hà Nội còn vấn đề kẹt xe nếu không giải quyết sớm thì khó tránh khỏi hậu quả.". Nguyễn Văn Tuyên, Gia Lâm, Hà Nội,  tuyenvannguyen85@...

Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được phản ánh của bạn đọc xung quanh những vấn đề xã hội khác:

Ngày 3/11/2008 vừa qua, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố báo cáo tóm tắt của bản Báo cáo Giám sát toàn cầu về giáo dục năm 2008. Việt Nam tiếp tục mất điểm về Chỉ số phát triển giáo dục cho mọi người (EDI), đồng thời tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng để đứng vị trí 79 trong 129 quốc gia. Nhiều bạn đọc gửi thư nêu ý kiến, chi tiêu cho giáo dục của Việt Nam không ngừng tăng lên, trong khi thế giới lại đánh giá giáo dục của Việt Nam không ngừng đi xuống. Ngành giáo dục đang nợ một lời giải thích!

UNESCO đánh giá Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn về giáo dục. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng).

Bạn Doan Thi Thu Ha, Thịnh Hào, doanhaautumn@... nói rằng, rất buồn về giáo dục Việt Nam. "Là một người dân Việt Nam, ai cũng muốn đất nước mình hùng mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu. Là một người mẹ ai cũng mong con mình được hưởng một nền giáo dục tốt nhất. Thế nhưng nhìn nhận về nền giáo dục nước ta mấy năm qua cho thấy sự trì trệ và ấu trĩ trong cách nghĩ của đại bộ phận giáo viên, học sinh cũng như cha mẹ các cháu. Tại sao lại như thế? Để trả lời cho câu hỏi này không khó! Việt Nam quá chạy theo thành tích và kết quả học tập của các cháu. Các cha mẹ đua nhau cho con cái mình vào học các trường sang với giá vài chục triệu đồng mà chỉ những gia đình khá giả mới có khả năng. Các cháu đua nhau đi học thêm mà không biết rằng có biết bao điều cần phải trau dồi chứ không phải là kiến thức trên lớp với kiểu nghĩ 1 + 1 = 2. Tôi thất vọng và buồn lắm. Tôi mong có một nền giáo dục trong sạch ở đó thấy cô là những người thấy giáo cô giáo mẫu mực là tấm gương để các cháu học tập, nhìn nhận, và noi theo. Sự tận tâm, sự nhiệt tình và bản chất tốt là những đức tình cao quý cần được trau dồi cho các thầy cô từ những ngày các thầy cô còn ngồi trên ghế giảng đường. Đó là những hành trang vững bước giúp nền giáo dục Việt nam vực dậy và đi lên. Sự yếu kém trong cách quản lý của các "quan liêu". Sự trì trệ và không nhìn nhận đúng mực chất lượng giáo dục. Sự thất bại trong việt lãnh đạo... Tất cả cần được chỉnh đốn. Tôi mong có một sự đột phá trong nền giáo dục.".

Bạn Mạnh, davisvios@... nhận xét: "Trình độ đi xuống nhưng cái cặp của các em học sinh càng ngày càng to, nặng thêm ra (có ông bạn nước ngoài công tác tại Việt Nam cho con đi học nhìn thấy con vác cái cặp to tướng hãi quá gửi con về nước luôn). Phải chăng các em phải học cả những thứ không cần thiết bằng các sách ôn luyện, nâng cao... mà đã rất nhiều bài báo đã nêu về sự quá tải và đến người lớn cũng không hiểu hết, như giáo dục giới tính ở lớp 5 vừa rồi đã phải học bà mẹ mang thai thì nên kiêng gì... Chính sự dàn trải và quá nhiều kiến thức quá sức nhưng không cần thiết nên các em học sinh "mụ" cả đầu nên giáo dục đi xuống là tất nhiên thôi.".

Theo TS. Hồ Văn Khánh, Viện Hoá học, Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, khanhhovan@..., không chỉ ngành giáo dục, mà chúng ta đang phải nợ quá nhiều: nợ quá khứ (văn hoá truyền thống), nợ tương lai, nợ thiên nhiên.. Chúng ta cần phải biết rằng, cuộc sống là tổ hợp giữa nhiều yếu tố: thiên nhiên môi trường, văn hoá tinh thần và giao lưu văn hoá giữa các dân tộc. Để có cuộc sống tốt đẹp và bền vững thì các mối quan hệ trên phải tốt đẹp, đồng thuận. Con người và xã hội là một phần không thể tách rời với xung quanh, nhưng tư tưởng sống và phương châm giáo dục ngày nay đã và đang phá hỏng những liên minh kỳ diệu đó. Chúng ta không cần xem UNESCO đánh giá, chẳng cần biết vị trí xếp hạng, cứ tra vấn lương tâm mình, nhìn xem cách nhận thức, hành động của trẻ con, thanh niên và của các quan chức, cố gắng mở mắt và mở lòng, cũng đủ "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Cho nên, muốn được bên ngoài đánh giá đúng, cao thì mình phải tự lột xác, tự cầu thị và mở rộng tâm hồn. Mình còn không chấp nhận nổi mình thì làm sao thiên nhiên, tổ tiên và tương lai có chỗ dung thân an lành, đi về tươi sáng. 

 

 

Về vấn đề đào tạo, bạn Nguyễn Trọng Dưỡng, Hà Nội, trongduong68@... phản ánh thêm: "Tôi là nghiên cứu sinh đang học tập tại nước ngoài bằng học bổng tự xin của nước sở tại nhờ thành tích học tập tốt giai đoạn thạc sĩ. Chứng kiến nhiều sinh viên nghiên cứu sinh đi du học theo học bổng chính phủ 322 mà thấy tiếc những đồng tiền của dân. Rất nhiều người sang nước ngoài mới chỉ tập tẹ ngoại ngữ, có người mới được học cấp tốc hai ba tháng, sang bên này họ theo một năm ngoại ngữ rồi vào học chuyên ngành. Theo tôi được biết, phần đa lên lớp họ không hiểu gì cả. Nếu chúng ta có sát hạch và yêu cầu trình độ ngoại ngữ có mặt bằng cao thì hiệu quả của việc học sẽ hoàn toàn khác. Một vấn đề nữa, chúng ta đang thiếu nhân lực về lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng khá nhiều người du học theo diện học bổng này lại học những ngành xã hội không thực sự cần thiết phải đầu tư lớn. Hơn nữa, các ngành công nghệ đào tạo khó khăn, kinh phí tốn kém, nên các diện học bổng hợp tác họ rất ngại nhận đào tạo, và vì thế họ chỉ nhận đào tạo trong các lĩnh vực xã hội. Học bổng nhà nước 322 cũng lại dành một lượng khá lớn cho lĩnh vực xã hội, như thế tôi thấy lĩnh vực đang thiếu, đang yếu thì không được đầu tư. Với điều kiện thông tin và mạng toàn cầu như hiện nay, ngoại ngữ và các lĩnh vực xã hội không cần thiết phải đầu tư lớn. Hy vọng những góp ý của tôi được Bộ chủ quản xem xét và cân nhắc, để những đồng tiền nhà nước đầu tư ra, thực sự đem lại hiệu quả, tạo nguồn nhân lực cần thiết cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.".

Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,