- Thảo luận về việc có áp dụng hay không án tử hình đối với tội tham nhũng, nhận hối lộ, một số cử tri cho rằng không quan trọng ở việc tử hình hay không, việc quan trọng là cần tịch thu hết số tài sản bất minh. Nhưng một số cử tri khác lại cho rằng không nên bỏ án tử hình đối với tội danh này.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Thu Ba: Nếu bỏ án tử hình với tội tham ô và nhận hối lộ là chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Ảnh: TTXVN |
Bỏ án tử hình với tội tham nhũng, nhận hối lộ: Chưa hợp lý
Là một độc giả quen thuộc của VietNamNet, tôi xin bày tỏ ý kiến của mình về công tác phòng chống tham nhũng, nhận hối lộ. Muốn làm tốt công tác phòng chống tham nhũng và nhận hội lộ, chúng ta phải làm cho mọi người thấy "không cần, không dám và không thể" làm như vậy được. Một người cảm thấy không cần tham nhũng khi mà thu nhập của họ ổn định, vì nhiều khi họ tham nhũng cũng chỉ vì hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày.
Do vậy, chúng ta phải cải cách chế độ tiền lương, nâng cao thu nhập cho họ. Tuy nhiên, vấn đề cải cách tiền lương ở nước ta hiện nay còn khá nhiều bất cập, nó đòi hỏi phải kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và lâu dài nên để làm cho một người "không cần" tham nhũng, chúng ta vẫn chưa thể làm tốt được.
Muốn cho một người "không dám" tham nhũng, chúng ta phải có những quy định, hình phạt xử lý thật nghiêm minh. Để cho một người phải cảm thấy "e dè" trước khi quyết định có nên tham nhũng hay không, chúng ta phải dùng những phương pháp xử lý đủ mạnh (kể cả dùng hình phạt tử hình nếu như tội nặng) để làm gương cho người khác.
Ngay cả ở những nước có chế độ tiền lương khá cao, họ cũng xử lý rất nặng đối với tội tham nhũng và nhận hối lộ, ví dụ như chỉ nhận hối lộ một chiếc bút cũng có thể bị đuổi việc. Chính vì vậy, khi chúng ta đã coi tội phạm tham nhũng và nhận hối lộ là "quốc nạn" như ngày nay thì không dễ dàng gì có thể ngăn chặn tham nhũng nếu như những quy định về xử phạt đối với tội tham nhũng chưa đủ mạnh.
Muốn cho một người "không thể" tham nhũng, chúng ta cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, đặc biệt là công tác thanh tra tài sản của các cán bộ công chức. Nếu như công tác kiểm tra, giám sát tốt thì sẽ giảm được tối đa kẽ hở để một người có thể tham nhũng.
Nhưng hiện nay, tôi thấy công tác giám sát, kiểm tra ở nước ta còn chưa tốt, cải cách tiền lương và thu nhập cho người lao động cũng chưa đạt kết quả là bao nhiêu. Chính vì vậy, bỏ án tử hình với tội tham nhũng và nhận hối lộ lúc này là hoàn toàn không hợp lý. Trịnh Minh Vương, ĐH BK Hà Nội, email: niem_tin_chien_thang19862005@...
Kinh tế, xã hội nước ta có đặc điểm riêng, trình độ còn thấp, phong tục tập quán... có nét đặc thù. Vì vậy, tôi thấy dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự có nhiều cái bay bổng trên mây theo hướng của phương Tây, khác xa với trình độ phát triển KT-XH, đặc thù hiện có của nước ta.
Tội sử dụng ma tuý mà bị bỏ đi thì thật khôn lường, hậu quả xấu về xã hội, tội tham nhũng mà bị bỏ án tử hình thì không thể hiểu nổi (tại Trung Quốc láng giềng, họ vẫn áp dụng tử hình đó thôi), không nghiêm trị bằng tử hình thì hiệu quả phòng chống tham nhũng cực kỳ nan giải và còn nhiều tội danh khác cũng vậy.
Hội nhập và mở rộng giao lưu hợp tác là công việc lớn phải làm, còn tiếp thu kinh nghiệm, thành tựu pháp luật của bên ngoài phải có chọn lọc phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đất nước ta theo từng giai đoạn cụ thể, không thể máy móc, siêu hình. Nhà lập pháp Việt Nam hãy đứng vững trên mảnh đất Việt Nam...
Nhiều lập luận vô cảm của một số đại biểu QH nghe có vẻ sướng tai nhưng tôi cảm thấy buồn: Làm luật mà cứ phụ thuộc vào tiền bạc, chương trình dự án của nước ngoài khó tránh khỏi phụ thuộc vào ý tưởng, định hướng của bên ngoài, như vậy khó áp dụng, thậm chí gây hậu họa khôn lường về nhiều mặt trong đời sống xã hội. Phạm Việt Dũng, Trung Kính, Hà Nội, email: vietdung25143@...
Khi một người bất lương và lựa chọn tham những, hối lộ (luôn có lý trí) thì không cớ gì chúng ta lại khoan dung!? Chúng ta thường nói "hy sinh đời bố củng có đời con" gắn với trường hợp này là họ chọn "vương giả trong tù, kếch xù cho con" là cách họ lựa chọn có lý trí chứ không thể vô tình. Có chăng là chúng ta vì nhân đạo mà vô tình bỏ qua đó thôi! Hữu Hùng, Quảng Ngãi, email: ctvkbbs@...
Tịch thu tài sản bất minh thay án tử hình tội tham nhũng
"Mỗi vụ án, xử đúng người đúng tội không chỉ giải quyết vấn đề của vụ án đó mà còn có tác dụng tích cực đến xã hội thông qua răn đe. Từ đó mà ngăn chặn bớt tội phạm xảy ra. Đó mới chính là điều quan trọng nhất" - ý kiến của bạn. Hoàng Sơn, San Diego, California, US, email: shanyang24@...
Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Bộ luật hình sự, trong đó có nội dung đề xuất bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng. Tôi tán thành bỏ án tử hình đối với loại tội này, với điều kiện phải có hình phạt thích đáng thay thế để đảm bảo tính răn đe nghiêm khắc đối với loại tội phạm được coi là “quốc nạn” này.
Theo tôi, thay cho hình phạt tử hình, người bị tòa án kết phạm tội tham nhũng phải bị tịch thu toàn bộ tài sản bất minh mà người này sở hữu. Tài sản bất minh là những tài sản thuộc sở hữu của người bị kết tội cùng những thân nhân gần nhất, mà bản thân người bị kết tội không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản ấy.
Tài sản bị coi là bất minh không đòi hỏi cơ quan điều tra phải thu thập chứng cứ khẳng định tính bất minh của nó. Những tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp đều bị tịch thu, dù không liên quan trực tiếp đến vụ tham nhũng cụ thể mà đương sự bị điều tra và kết tội.
Nếu quy định tịch thu toàn bộ tài sản bất minh đối với tội phạm tham nhũng, thì tính răn đe sẽ cao hơn nhiều so với án tử hình như hiện nay. Toàn bộ tài sản bất minh bị tịch thu thì chuyện “hi sinh đời bố, củng cố đời con” sẽ không còn hữu hiệu nữa và công quỹ sẽ thu lại được khối tài săn khổng lồ đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp. Nguyễn Ngọc Hùng, TP.HCM, email: hung51946@...
Tốt nhất là tội này lên tịch thu hết tài sản, tính thu nhập hợp pháp của người trong gia đình họ trừ đi chi phi mà họ sinh hoạt còn đâu tịch thu hết, cả tiền thu nhập hợp pháp hay không hợp pháp của người tham nhũng cũng thu luôn. Còn tử hình hay chung thân cũng không bằng đánh vào kinh tế thật nặng, đòi lại tất cả tài sản tham nhũng, kèm thêm một khoản tiền phạt. Ngô Anh Văn, Từ Liêm, Hà Nội, email: binhtienngo@...
Mục tiêu chính của chống tham nhũng là cần phải thu hồi được tài sản. Cho nên nếu không thu hồi được tài sản để thân nhân những kẻ phạm tội sống trong giàu sang sung túc thì sẽ là vô hiệu. Theo tôi, nên áp dụng hình thức phạt tù chung thân không có giảm án dưới mọi hình thức và kèm theo là kê biên tịch thu tài sản có được do phạm tội để có tính răn đe cao. Trần Duy Khánh, Hà Nội, email: khanhdocker@...