- Quyết định của Thủ tướng không chấp thuận dự án thép của Posco tại Đầm Môn, Vân Phong, Nha Trang là chủ đề được bạn đọc quan tâm nhiều nhất trong tuần vừa qua. Ngoài ra, các vấn đề mở rộng mô hình đào tạo đại học, hoãn thí điểm bầu chủ tịch xã, nạn ăn cắp nắp cống tại Hà Nội... cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm theo dõi.
Một quyết định hợp lòng dân
Một góc thôn Đầm Môn - Vịnh Vân Phong, bảo vật của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Ảnh: Lan Trang
Ngày 13/11, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7416 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc ngưng dự án đầu tư nhà máy thép liên hợp của tập đoàn Posco (Hàn Quốc) tại khu vực Đầm Môn, vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà. Quyết định này nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một quyết định sáng suốt và có lợi cho tương lai của đất nước.
Theo bạn đọc Mai Ngọc Hùng, Nguyễn Huệ, Huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa, memelachet2007@..., việc Thủ tướng quyết định hủy bỏ nhà máy thép Posco tại vịnh Vân Phong là một quyết định hợp lòng dân. "Theo tôi mỗi nhà máy là một phần đóng góp phát triển kinh tế đất nước nhưng cần phải nghiên cứu và phân tích nó ra để đặt nó vào một vị trí thích hợp để về lâu về dài không làm ảnh hưởng đến sinh thái môi trường và kinh tế đất nước.Vịnh Vân Phong có diện tích rộng có độ nước sâu và phong cảnh tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng vì vậy vịnh Vân Phong phù hợp với bến cảng và du lịch. Tôi tin rằng vịnh Vân Phong sau này sẽ là 1 bến cảng và trung tâm du lịch hàng đầu TG. Vì lợi ích lâu dài của đất nước, tôi xin chúc Thủ tướng sức khỏe để ban hành những quyết định sáng suốt hơn nữa.".
Bạn đọc Thanh Tâm, Lý Nam Đế, Hà Nội, trinhthanh38@... cũng đồng tình cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn vì lợi ích tối ưu của Quốc gia. "Tôi theo dõi câu chuyện dự án vốn tới 5 tỷ USD mà nhà đầu tư Hàn Quốc tha thiết được cấp phép ở vịnh Vân Phong (Khánh Hoà) đã gây rất nhiều tranh luận nhiều chiều từ nhiều năm nay. Rất may, nhờ công luận đăng tải trung thực ý kiến phản biện đúng, sáng suốt của các nhà KH, nhân dân đã được Thủ tướng và tập thể Chính phủ tiếp thu và dẫn đến quyết định đúng đắn này. Vân Phong là cảng nước sâu trung chuyển quốc tế cớ lớn là một tài sản vô cùng quý báu của hôm nay và mãi sau này cho cácthế hệ con cháu Việt Nam. Nhân đây tôi trân trọng đề nghị Thủ tướng và tập thể Chính phủ những vịnh biển có giá trị nhiều mặt như di sản thiên nhiên, du lịch, kinh tế, môi trường sinh thái biển như Nha Trang cần xem xét cân nhắc rất cẩn trọng theo quy chế nghiêm ngặt để tránh việc vì lợi ích trước mắt mà dễ dàng cấp phép cho những dự án đầu tư không thật có giá trị cao đặc biệt dễ làm tổn hại vẻ đẹp, môi trường của vùng Vịnh nổi tiếng thế giới này. Đó là tài sản quốc gia chứ không phải của riêng địa phương này vì có dự án đã và đang triển khai không khỏi có những dư luận không đồng tình vì phá hại cảnh quan biển...".
Bạn đọc VTN, Tp.HCM, vu_thaonguyen@... muốn qua VietNamNet gửi niềm tin tới Thủ tướng. "Thủ tướng thực sự đã làm cho người dân yên lòng. Không phải vì riêng chuyện của Vân Phong, vấn đề từ lâu rồi báo chí, ý kiến các nhà khoa học, dư luận đông đảo quần chúng nhân dân đã không đồng tình việc có 1 nhà máy thép như thế ở 1 vị trí có thể nói là có 1 không 2 ở khu vực Đông Nam Á cho 1 cảng trung chuyển công- tai- nơ. Mà hơn cả sự lắng nghe, ở ông có sự sáng suốt, tỉnh táo trong cách nhận định tình hình và có những quyết định sáng suốt, dứt khoát, có trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, đau đầu. Với Thủ tướng, chỉ qua sự giải trình ngắn gọn và thẳng thắn, ông đã cho chúng ta thấy vấn đề sáng tỏ hơn rất nhiều. Ví dụ như việc vì sao phải tạm dừng xuất khẩu gạo trong thời điểm giá gạo quốc tế đang lên, quan điểm của chính phủ trong việc giải quyết vụ gây ô nhiễm môi trường của Vê đan, vấn đề 13 dự án của ngành điện… chẳng hạn. Tuy nhiên, nghe Thủ tướng giải trình trước QH, chúng ta càng thấy ông rất cần có 1 đội ngũ cán bộ thuộc quyền mình, kể từ các vị Bộ trưởng, có được 1 bản lãnh, 1 sự thẳng thắn, quyết đoán trong giải quyết công việc thuộc bổn phận mình. Kính chúc Thủ tướng mạnh khỏe.".
Bạn Nguyễn Kiên Dũng, Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyenkiemdung@... góp ý thêm, phát triển bền vững không có nghĩa là phát triển bằng mọi giá. "Tôi là người chủ trì lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (giai đoạn khởi động) thở phào vì Thủ tướng đã có quyết định cực kỳ sáng suốt: không đồng ý dự án liên hợp luyện thép cảng Vân Phong của POSCO. Cám ơn Thủ tướng vô cùng. Việt Nam cần phát triển nhưng phải là phát triển bền vững, không thể phát triển bằng mọi giá.".
"Khi đọc những thông tin này tôi rất mừng về quyết định đúng đắn của người đứng đầu Chính phủ đã biết lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học, báo chí, những người luôn khát khao về tương lai tươi sáng của đất nước. Tôi mong rằng dự án cảng tại vịnh Vân Phong sẽ sớm được xây dựng và khai thác để đưa đất nước sớm bước vào giai đoạn phát triển xứng với cái tên Vân Phong đã trở nên quá đỗi thân thương.". Đỗ Quang Luận, Văn Quán, Hà Đông, doquangluan72@...
Góp ý về việc mở thêm các trường Đại học
Việc nở rộ các trường ĐH, CĐ, chất lượng giáo dục đi xuống là các vấn đề được cử tri cả nước hết sức quan tâm khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đăng đàn trả lời Quốc hội.
Thí sinh dự thi ĐH năm 2008. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bạn Nguyễn Quang Hùng, Đường 339, Phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM, nqh_1010@... nêu ý kiến: "Theo tôi, việc nở rộ các trường đại học là trách nhiệm chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì nếu địa phương xin mở trường, nhưng Bộ không cấp phép, thì địa phương đâu có mở được. Hiện nay chúng ta không nên mở thêm các trường Đại học, nhất là ở các tỉnh, vì đội ngũ giáo viên có chất lượng đang thiếu trầm trọng, điều đó dẫn tới chất lượng giáo dục bị xuống cấp. Nhiều kỹ sư, cử nhân mà làm gì, khi chất lượng đầu ra thấp. Cái này gọi là bệnh thành tích!".
Bạn Nguyễn Thanh, Vinh, Nghệ An, chanh_thi_789@... cho rằng, việc mở các trường đại học tràn lan tại các tỉnh chỉ làm cho chất lượng giáo dục và đào tạo đi xuống: "Tôi nhớ lại câu nói của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân về việc hạn chế đào tạo đại học tại chức là chưa thể đá đổ nồi cơm của họ (Ý nói của các trường đại học) và như vậy là ta phải chấp nhận. Nay lại mở tràn lan trường đại học tại các tỉnh và báo giới đã nói nhiều về chuyện đậu đại học với điểm thi 6,5. Thật là khôi hài và bát nháo. Tôi nghĩ đã đến lúc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng phải ra tay thôi, kể cả đập bể nồi cơm để cứu nền giáo dục, đào tạo hiền tài cho quốc gia.".
Cũng về vấn đề chất lượng đào tạo, bạn Nguyễn Huy Thành, TP.Hồ Chí Minh, nguyenhuythanh1977@... góp ý, tuyển dụng nhân sự hiện nay không thể tin vào bằng cấp. "Tôi hiện đang là Giám đốc kinh doanh của một Công ty Dược phẩm. Tôi đã từng tuyển 200 nhân viên tốt nghiệp Đại học mà cuối cùng không thể lựa chọn được nhân viên nào. Bởi chất lượng đào tạo đại học hiện nay quá tồi, không gắn với thực tế nhu cầu, sinh viên ra trường không những không đáp ứng được nhu cầu thực tế công việc mà có rất nhiều sinh viên không hiểu gì. "Có sinh viên tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh ứng tuyển vào vị trí nhân viên kinh doanh, khi tôi bảo hãy thiết lập cho tôi 1 kênh phân phối, sinh viên này nói cho phép em trình bày bằng miệng". Đó là một sinh viên hệ chính quy, chưa nói đến những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, từ xa, liên thông. Qua một số lần trực tiếp tuyển dụng nhân sự tôi thật sự không tin vào chất lượng đào tạo của nền giáo dục Việt Nam, và không bao giờ xét đến những hồ sơ tốt nghiệp những trường dân lập, nước ngoài tại Việt Nam, hệ tại chức, từ xa...".
Bạn Anh Văn, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, vanmaiyeu_hoaithu@... cũng cho rằng, thay vì việc mở trường một cách tràn lan, hãy tập trung vào chất lượng và nâng cao phương pháp giảng dạy: "Tôi đang là một sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Tôi thấy rằng hiện nay các trường ĐH phía Bắc đang chiếm ưu thế về chất lượng lý thuyết, nhưng thực hành không được bao nhiêu. Vậy thử hỏi những kỹ sư tương lai sẽ làm những gì cho đất nước? Hiện nay về chuyên ngành tôi chỉ được dạy chay vì kinh phí không đủ cho thực hành, thực tập, tôi không tin vào tay nghề của mình được, nhiều bạn của tôi cũng vậy, họ không biết và không dám tiêm 1 con lợn, 1 con bò, vậy tay nghề sẽ đi đến đâu? Xin Bộ trưởng hãy xem xét và tạo điều kiện cho sinh viên, học sinh!".
Bạn Trần Đan, Thái Hà, Hà Nội, dansgnhg_hn@... lại đưa ra nhận xét khác: "Tôi biết, về nguyên tắc, việc cấp giấy phép thành lập trường ĐH là do Bộ GD & ĐT, song thực tế cũng như việc cấp các dự án thuộc thẩm quyền của các cấp, các ngành khác, rất nhiều trường hợp hợp dù không muốn vẫn phải cấp! Đã có số liệu nào về số lượng các trường ĐH theo dân số hoặc diện tích của các nước để so sánh với thực trạng số lượng trường ĐH ở VN? Riêng Tp. Xanh Pê-téc-bua của Nga có trên 100 trường ĐH, còn toàn LB Nga chắc chắn sẽ rất lớn, trong khi dân số của họ chỉ hơn gấp đôi VN một chút. Và Singapore chẳng hạn, số lượng trường ĐH tính theo dân số và diện tích chắc chắn vượt xa ta rất nhiều... Do đó cần có sự nhìn nhận, đánh giá về tình trạng phát triển các trường ĐH của ta hiện nay một cách toàn diện và toàn diện hơn! Nếu các trường ngoài công lập có đủ điều kiện thành lập thì trong tình hình hiện nay theo quy định của pháp luật, không cho họ thành lập có được không? Số lượng người VN ra học tập ở nước ngoài rất nhiều và ngày càng tăng mạnh - Nhà nước nghĩ gì về tình trạng này? Tốt nhất Chính phủ nên chỉ đạo xây dựng đề án phát triển hệ thống các trường đại học!".
Hoãn thí điểm dân bầu chủ tịch xã
Việc thí điểm người dân bầu trực tiếp chủ tịch xã được lùi lại, cân nhắc và tiếp tục nghiên cứu để quyết định vào thời gian thích hợp. Đây là quyết định vào phút cuối của QH trước khi bế mạc kỳ họp thứ 4. Quyết định này nhận được nhiều phản hồi từ phía độc giả.
Người dân sẽ tiếp tục đợi để được cầm lá phiếu trực tiếp đi bầu chủ tịch xã. Ảnh: LAD |
Bạn Trần Trọng Văn, Thanh Hoá, trantrongvanqt@... nêu ý kiến, trước khi quyết định việc để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã cần cân nhắc rất kỹ đến mọi chuyện. Tôi thấy, hình như chuyện này những người có trách nhiệm chưa suy nghĩ kỹ dù là thí điểm. Ví dụ, như có đại biểu đã nêu, chủ tịch được dân bầu ra thì ai sẽ là người kiểm soát và cách chức ông ta khi hội đồng nhân dân xã không còn? Khi ông ta vi phạm trong quản lý thì có phải chờ đến khi nhân dân xã đó đồng ý mới được cách chức hay không? Quan hệ giữa ông ta với tổ chức Đảng cơ sở như thế nào? Với bộ máy chính quyền như thế nào?Ví dụ, ông ta không đồng ý với ý kiến hay nghị quyết của Đảng bộ địa phương đó (trong trường hợp ông ta không phải là đảng viên ) thì xử lý thế nào? Tôi thấy, xã hội ta đã tiến bộ nhiều, song tư tưởng dòng họ, huyết tộc hãy còn nặng lắm. Sau cùng tôi muốn nói rằng: không thể có dân chủ từ làng xã trước khi có dân chủ toàn xã hội, dân chủ đời sống chính trị, dân chủ ngay ở những cơ quan lập pháp và hành pháp cao nhất! Cho rằng dân chủ từ cơ sở tưởng là đi từ gốc đến ngọn thực ra là dân chủ nửa vời, đầy hình thức và thiếu căn cứ vì dân chủ bảo giờ cũng là giá trị được định hình và thực thi trước hết ở bộ phận kiến trúc thượng tầng.".
Ngoài ra, báo điện tử VietNamNet còn nhận được phản ánh của bạn đọc xung quanh những vấn đề xã hội khác:
Làm thế nào để dẹp những chiếc bẫy tử thần trên đường phố?
Thời gian gần đây, nạn đánh cắp nắp hố ga trong đêm thường xuyên diễn ra tại Hà Nội. Có những đêm, Hà Nội bị mất tới trên dưới 10 nắp hố ga. Tình trạng này khiến cho trời nắng những hố ga mất nắp là chỗ chứa đủ các loại rác, bốc mùi thối hoắc, trời mưa là những chiếc hố "tử thần" bẫy người qua lại.
Bạn Lê Hùng, Thanh Xuân, mr.le2005@... phản ánh: "Là một người thường xuyên tham gia giao thông trên đường phố, nhìn những chiếc "bẫy" trên đường tôi thực sự thấy thật đau xót trước sự thờ ơ của nhiều người. Trước hết đó là sự vô tâm của những tên trộm, những kẻ nghiện hút... và hơn nữa, đó là sự vô cảm của những người mua sắt, gang, đồng nát - những kẻ tiếp tay đắc lực cho những đám trộm cắp kia hoành hành mà đã lâu trên rất nhiều nẻo đường tại Hà Nội. Tiếp đó là sự vô tâm của chính quyền địa phương nơi có những người làm nghề đồng nát cư ngụ, nếu họ chính quyền quan tâm đến họ, giáo dục ý thức cho ho, nói cho họ hiểu rằng, chỉ vì lòng tham của họ mua những nắp hố ga kia mà có bao người dân vô tội phải nằm viện, thậm chí mất mạng chỉ vì sự vô tâm của họ. Và sau cùng là sự vô tâm của những đơn vị thi công đoạn đường đó, chỉ đến khi có các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến thì may ra họ mới xuất hiện. Tuy nhiên, tôi tin rằng, nếu chúng ta nêu cao tính cộng đồng, tuyên truyền, lên án mạnh mẽ hành vi lấy cắp này cùng với việc ban hành các chế tài phạt thật mạnh tay những người có hành vi tập kết các vật dụng này thì mới giải quyết triệt để được nạn trộn cắp vô nhân tính này.".
Bạn Lê Văn Ngọc, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, vanln09@... cũng cho biết thêm: "Vấn đề này tôi thấy rất bức xúc từ lâu rồi. Ngay chính ngõ số 2 nhà tôi có cái hố ga mất cả 2 năm nay rồi mà không hiểu cơ quan quản lý đâu mà chẳng thấy đến thay. Có nhiều lần mấy cụ chỗ tôi mắt kém đi bị thụt xuống rồi.".
Để tình trạng này chấm dứt, bạn Nghiêm Thanh Sơn, Hà Nội, thanhson@... đề ra giải pháp: xử lý mạnh tay những kẻ lấy cắp và người tiếp tay tiêu thụ nắp hố ga ăn cắp này: "Chuyện mất nắp hố ga ở Hà Nội đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa chấm dứt gây không ít nguy hiểm và bức xúc cho nhân dân. Theo tôi để chấm dứt hiện tượng này chính quyền cần phải vào cuộc mạnh tay xử lý những kẻ lấy cắp và những người tiếp tay cho bọn ăn cắp tiêu thụ nắp hố ga này. Cơ quan chức năng cần ra thông báo và thường xuyên kiểm tra các điểm thu mua sắt vụn, nếu phát hiện các điểm này mua nắp hố ga thì phải truy tố theo tội danh "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Tôi tin rằng nếu chính quyền kiên quyết và có trách nhiệm thì hiện tượng này sẽ nhanh chóng chấm dứt.".
"Theo tôi lỗi chính vẫn thuộc về nhà chức trách - người quản lý. Có cầu ắt có cung. Nếu ta bắt người mua sẽ không còn người bán. Cũng giống như việc lấy cắp biển số xe máy trước đây, khi nhà chức trách ra tay truy lùng người mua ở chợ trời Hoà Bình, bắt được kẻ tiêu thụ của gian. Chuyện này đã chấm dứt. Những kẻ trộm nắp cống ga này cũng vậy. Chúng lấy để bán cho các chủ nấu sắt phế liệu. Ta cứ truy bọn này sẽ ra ngay thôi. Một điều này nữa để các nhà sản xuất lưu ý là khi đúc nắp cống nên ghi thêm dòng chữ "Đây là tài sản công cộng-Cấm mua bán, vận chuyển trái phép"... Khi ấy ta có quyền tịch thu. Chuyện này thế giới áp dụng tư lâu rồi.". Bạn Nguyễn Hồng Long, Hà Nội, longnguyen48@...
Phản ánh về việc thu học phí bất hợp lý của trường Đại học Điện lực
Sinh viên Đại học Điện lực, langthangminhtoi0_o@...: Tôi đang là sinh viên trường Đại học Điện lực. Năm đầu chúng tôi chỉ phải đóng học phí 180.000đồng/th +300.000/năm/tiền ủng hộ thí nghiệm. Sang năm thứ 2, kỳ 1 chúng tôi phải đóng 180.000/th học phí và 120.000/th tiền kinh phí hỗ trợ thực hành. Lúc đó chúng tôi phản đối rất quyết liệt vì thực hành thì chẳng thấy đâu, thiết bị thí nghiệm, thực hành thì vừa thiếu vừa kém, hình thức thí nghiệm thì mang tính đối phó vì sợ sinh viên phản đối. Nhiều lúc đi thí nghiệm mà chỉ được nhìn thấy thiết bị chứ không được sờ vào. Có lúc nhìn còn khó khăn vì quá đông sinh viên. Phản đối thì phản đối, sang kỳ 2 mức thu lại tăng lên 180.000/th học phí và 180.000/tháng tiền hỗ trợ kinh phí thục hành. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với nhà trường qua diễn đàn cũng như mục hỏi đáp trên Web của trường. Song mọi việc đều vô vọng, nhà trường chỉ trả lời sơ sài và bảo học sinh nào có vướng mắc thì lên gặp trực tiếp phòng Đào tạo để tìm biện pháp giải quyết. Thực sư chúng tôi nghĩ và xem đó đó như một lời thách thức vì vậy từ đó chúng tối tặc lưỡi nhìn nhau khi học kỳ 5 số tiền tăng lên 320.000/th với tên gọi tiền hỗ trợ kinh phí đào tạo+ 180.000/th học phí. Lúc này nhà trường lại giải thích do nhà trường phải tự chủ thu chi nên... phải thu như vậy. Với lý do không được EVN tài trợ nữa. Trường không thuộc khối nào. Chúng tôi lại tự hỏi tự chủ thu chi có nghĩa rằng chúng tôi phải chăng đang học trong trường dân lập? Có thầy giáo còn ví von "đóng như vậy còn rẻ hơn nhiều mấy trung tâm anh ngữ...". Thực sự trường học đối với chúng tôi bây giờ là một gánh nặng, cả gia đình đang phải gồng mình lên để gánh những khoản thu của nhà trường.
Báo điện tử VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!