- Bố mẹ tôi đã rất phấn khởi và yên tâm khi hằng tháng không còn phải leo cầu thang lên UBND phường để xếp hàng lĩnh lương hưu bằng tiền mặt... Nhưng đến tháng 12/2008 thì bắt đầu “có chuyện”! Cán bộ ngân hàng nói rằng: Muốn lĩnh lương qua ATM, 1 năm 2 lần, các cụ sẽ phải ra cơ quan BHXH ký "điểm danh", chứng minh mình "còn tồn tại".
Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là việc thanh toán lương qua ATM, tôi là một người dân hoàn toàn ủng hộ việc thanh toán văn minh này nên đã cố gắng thuyết phục bố mẹ chuyển lĩnh lương hưu qua ATM ngay từ khi BHXH thực hiện chủ trương này.
Các cụ đã rất phấn khởi và yên tâm khi hằng tháng không còn phải leo cầu thang lên UBND phường để xếp hàng lĩnh lương bằng tiền mặt, không còn sợ nhầm lẫn, rơi rớt tiền, tiền trả qua tài khoản ATM cũng sớm hơn mọi khi lĩnh bằng tiền mặt... Nhưng đến tháng 12/2008 thì bắt đầu “có chuyện”!
Lĩnh lương qua ATM rất thuận tiện với người về hưu. (Ảnh: VTC)
Sau nhiều lần rút tiền trong tài khoản thẻ không có, đến ngày 11/12/2008, tôi giúp bố mẹ gọi điện đến Chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ở 24 Láng Hạ (Hà Nội) - nơi bố mẹ tôi mở tài khoản trả lương - thì được biết: BHXH không chuyển tiền lương hưu qua ngân hàng vì chưa ký xác nhận tại cơ quan BHXH - 106 Tô Hiến Thành!
Theo giải thích của cán bộ ngân hàng thì 1 năm 2 lần, các cụ sẽ phải ra 106 Tô Hiến Thành để ký "điểm danh", chứng minh các cụ "còn tồn tại". Tôi thực sự bất ngờ, bố mẹ tôi cũng bất ngờ vì từ trước đến nay chưa bao giờ phải làm việc đó và nay có việc này thì trong gia đình cũng chưa ai nhận được bất kỳ một thông báo nào từ cơ quan BHXH/phường/ngân hàng về yêu cầu này.
Bố mẹ tôi phải ra UBND phường Ô Chợ Dừa để hỏi lại thì đúng là như vậy và tạm thời tháng 12 các cụ chưa "ký điểm danh" thì nhận lương hưu tại phường. Sau đó, bố mẹ tôi vẫn phải lên 106 Tô Hiến Thành để "ký điểm danh" thì mới tiếp tục được trả lương qua ATM từ các tháng sau, 6 tháng sau nữa sẽ phải "điểm danh" lần nữa.
Vì sự bất tiện đó, sẵn lòng chưa tin tưởng tuyệt đối vào ATM, bố tôi đã nhất quyết không sử dụng ATM để lĩnh lương nữa và quay lại đăng ký lĩnh lương bằng tiền mặt tại phường!
Mẹ tôi “văn minh” hơn, hoặc nghĩ đến cảnh xếp hàng nhận tiền mặt đã chịu để tôi xin cơ quan đi làm muộn để chở bà đến 106 Tô Hiến Thành "điểm danh".
Tại đây, không ít người bức xúc khi hỏi cơ quan BHXH rằng người nhà họ bị ốm, liệt không thể đến "điểm danh" được, vợ/chồng người đó cũng không được ký thay thì cán bộ cơ quan BHXH trả lời rằng: "Thế thì về phường mà lĩnh bằng tiền mặt!" (nghĩa là không thể nhận lương qua ATM nữa!).
Tôi thực sự bức xúc và không thể hiểu nổi việc mà cơ quan BHXH đang làm. Đành rằng việc cơ quan BHXH yêu cầu phải “điểm danh” các cụ 1 năm 2 lần là việc có thể cần thiết nhưng tại sao không sử dụng bộ máy phường, xã, có “chân rết” đến tận tổ, xóm là nơi trực tiếp quản lý dân và nắm rõ về dân số nhất để làm việc "điểm danh" này?
Hơn nữa, việc các cụ đến cơ quan BHXH 1 năm 2 lần chỉ để ký 1 chữ có ý nghĩa gì khi tuổi già chân yếu, tay run thì chữ ký ngày hôm nay đã có thể khác ngày hôm qua rồi?
Nhà nước vẫn đang chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và sẽ còn triệt để hơn nữa trong năm tới thì việc BHXH đang làm liệu có đi ngược với chủ trương của Nhà nước hay không khi đã gây phiền hà cho các chủ phương tiện thanh toán (khó tính nhất) như vậy?
-
Phạm Thị Thu Huyền