Cần xử lý nghiêm các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động
Cập nhật lúc 16:26, Thứ Tư, 17/12/2008 (GMT+7)
- Loạt bài viết về những người lao động Việt Nam bị ngược đãi, hành hạ nơi xứ người khiến bạn đọc VietNamNet vô cùng bức xúc. Bên cạnh động viên, chia sẻ với các nạn nhân, bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng rà soát lại toàn bộ các công ty XKLĐ, xử lý nghiêm, rút giấy phép hoạt động của các công ty môi giới XKLĐ lừa đảo, bỏ mặc lao động ở nước ngoài.
Chia sẻ với nạn nhân
Đọc xong những bài viết này, tôi rơi nước mắt vì bản thân tôi cũng đang sống nơi đất khách quê người. Cùng là con người tuy khác đất nước và ngôn ngữ nhưng chúng ta hơn loài vật ở cái đầu và trái tim nhưng tại sao những chủ lao động người Ả-rập lại đối xử với các chị như vậy? Tôi xin thành thật chia sẻ nỗi buồn này đến tất cả các chị. Chúc các chị luôn sống vui và mạnh khỏe! Quang, Seoul, Hàn Quốc, quangminh1002@...
Tôi xin chia sẻ với những người “háo hức ngày đi, thê thảm ngày về”. Tôi mong các anh, chị hãy đứng vững, hãy cương quyết, đoàn kết, phơi bày cái xấu, sự lừa đảo của các công ty môi giới xuất khẩu lao động. Tôi là một bạn đọc, cũng xuất thân từ nông nghiệp, nông thôn. Người dân quê chúng tôi lam lũ, mộc mạc. Nhưng không thể vì sự lam lũ, mộc mạc đó mà các công ty môi giới xuất khẩu lao động lợi dụng và lừa đảo. Rất mong báo chí, các ban ngành tham gia đẩy lùi những vấn nạn của xã hội mà cụ thể là sự việc trên. Tran Van Tuan, Hà Nội, tuantranddgd@...
Đọc bài viết, tôi thực sự cảm động và cảm thông với những tủi nhục mà các chị đã trải qua. Cuộc sống thật khó khăn nhưng mỗi chúng ta phải cố gắng. Đi lao động nước ngoài không phải lúc nào cũng dễ dàng và không phải môi trường lao động nào cũng tốt. Những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ là những trở ngại lớn nhất đối với lao động VN. Cần phải trang bị những kỹ năng về ngôn ngữ, luật pháp nước sở tại để những lao động VN có thể tự bảo vệ mình trước những chủ lao động tàn nhẫn. Nhà nước VN cần có những chính sách cụ thể để ổn định tình hình xuất khẩu lao động, nhằm bảo vệ lợi ích cho lao động VN. Duong Van Tam, saigon79@...
Đọc tin chị em phụ nữ VN đi xuất khẩu lao động làm "ôsin" bên Ả-rập, tôi thật ngỡ ngàng! Những chị em nghèo, thiếu hiểu biết trở thành nạn nhân cần được sẻ chia và thông cảm. Nhưng ai đã cho phép một dịch vụ như vậy trong xuất khẩu lao động?
Các nhà quản lý chắc đều biết không thể đưa phụ nữ VN sang làm giúp việc nhà ở các nước Ả-rập được.. Giúp việc nhà người Hồi giáo phải là phụ nữ theo đạo Hồi. Vậy, đa số phụ nữ VN theo đạo Phật thì làm sao phù hợp.
Như ta đã thấy, luật pháp nước sở tại có can thiệp gì đâu trong những trường hợp mà họ coi là "quá ư phổ biến" này. Không thể đưa phụ nữ VN sang làm giúp việc nhà tại xứ Ả-rập được. Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH đình chỉ ngay mọi dịch vụ đưa phụ nữ VN sang làm những việc có tính chất đơn lẻ tại khu vực này. Những việc thích hợp với phụ nữ tại khu vực này là làm công nhân trong các nhà máy, bán hàng tại siêu thị, nhân viên tại bệnh viện. Nguyễn Ngọc Hùng, TP.HCM, hung51946@...
Cần xử lý nghiêm công ty môi giới XKLĐ
Gần đây, tôi đã đọc trên VietNamNet và thấy rất nhiều trường hợp lao động xuất khẩu ra nước ngoài bị bỏ rơi. Xin mọi người đừng cho rằng những người lao động vì tham giàu nên đi xuất khẩu lao động. Bản thân họ quá nghèo, việc làm ở quê nhà không có nên họ mới phải quyết chí ra đi để tìm cho mình con đường sống mà thôi. Những trường hợp này ở Việt Nam không phải là ít, ruộng đất bây giờ bị giải toả, thu hồi để xây khu công nghiệp, những người nông dân biết làm gì?
Ở đây, tôi không muốn đi sâu vào việc đấy mà tôi nghĩ những công ty môi giới kia phải bị trừng phạt đích đáng, thậm chí là nặng để làm gương cho các công ty khác. Có thể việc thu thập chứng cứ sẽ là khó khăn, tốn kém nhưng các cơ quan chức năng đừng vì thế mà làm ngơ trước cuộc sống khổ cực của họ. Nếu không trừng trị thích đáng thì sẽ còn rất nhiều công ty môi giới như thế ra đời làm hại người dân. Phạm Trang, Hải Phòng, nomeames_nt@...
Những người lao động tại Maldives trở về sau những ngày bị đầy đọa nơi đất khách. Ảnh: Vũ Điệp
Tôi xin chia sẻ với những anh chị em đã trải qua những ngày tủi nhục nơi đất khách quê người. Đương nhiên, những kẻ cần lên án đầu tiên là những tên chủ người Ả-rập vô tính người kia nhưng những kẻ đáng lên án hơn nữa chính là các công ty môi giới xuất khẩu lao động ở Việt Nam . Tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở VN vào cuộc để làm rõ những hành vi lừa dối những khách hàng của các công ty này. Nếu thấy có dấu hiệu phạm tội thì trừng trị thật nghiêm những kẻ vi phạm pháp luật để làm gương. Ngo Quang Hiep, Q.Phú Nhuận, TP.HCM
Những người lao động tại Maldives trở về sau những ngày bị đầy đọa nơi đất khách. Ảnh: Vũ Điệp
Tình trạng người lao động bị các công ty xuất khẩu lao động lừa mất cả tài sản, nhà cửa để đi xuất khẩu lao động ngày càng nhiều. Theo quan điểm chủ quan của cá nhân tôi thì cơ quan chức năng cần vào cuộc, xác định rõ ràng trách nhiệm của các công ty xuất khẩu lao động đối với người lao động đến đâu để người lao động đã nghèo khó lại càng nghèo khó hơn. Nguyễn Hùng, Hà Nội, phantom79@...
Tôi cũng là một người đi xuất khẩu lao động. Đọc xong bài báo này, tôi thực quá bức xúc, không phải với những chủ sử dụng lao động nước ngoài mà với chính những công ty Việt Nam đưa người đi xuất khẩu lao động. Họ đang tâm lừa chính đồng bào mình, coi thường cả tính mạng người lao động chỉ vì hơn 2.000 USD phí thu của người muốn đi xuất khẩu lao động. Thật không biết nói thế nào để diễn tả sự độc ác của những công ty môi giới như thế. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ có quy định chặt chẽ hơn và có hình thức xử lí những công ty môi giới bỏ mặc lao động ở nước ngoài như các công ty môi giới trong bài này. Hoàng Văn Định, Seoul , Hàn Quốc
Tôi đã nghe nói rất nhiều về tình trạng xuất khẩu lao động của các công ty ở VN. Tôi vô cùng bức xúc với các công ty môi giới lao động và thấy thật đáng thương cho những người nông dân nghèo. Họ đã phải vay mượn để nộp cho các công ty môi giới với mong muốn sang nơi đất khách quê người để lao động làm giàu cho gia đình nhưng rồi họ đã bị lừa một cách trắng trợn. Tôi rất mong các ban ngành chức năng xử lý thật nghiêm những công ty môi giới lao động lừa đảo và phải bồi thường cho người lao động. Bàng Trọng Đoài, Đống Đa, Hà Nội
Tôi là một chủ doanh nghiệp, thấy chủ lao động Ả-rập quá nhẫn tâm và bất lương khi bóc lột sức lao động của những người lao động nghèo. Tôi mong VietNamNet luôn sát cánh bên những người lao động này, giúp họ lấy lại sự công bằng, đồng thời vạch trần thói lừa đảo của những công ty môi giới bất lương trên. Hi vọng pháp luật có những biện pháp thích đáng để xử lý những công ty này. Dung Ai, dungai1101@...
Tôi vô cùng bất bình về các ứng xử của công ty môi giới xuất khẩu lao động cũng như của chủ lao động. Hiện tượng này xảy ra vô cùng nhiều và trong thời gian dài ở VN nhưng các nhà chức trách không "bận tâm". Vì đói nghèo mà người lao động phải chịu làm bất cứ gì để mong thay đổi cuộc sống. Những người nghèo đó cuộc sống lại nghèo hơn trong khi những kẻ môi giới xuất khẩu lao động lại giàu lên trông thấy. Theo tôi, thực chất đây là hình thức "buôn người" trá hình. Pháp luật cần vào cuộc và thẳng tay trừng trị những kẻ "buôn người" này. Hoàng Tiết Kiệm, Hà Nội, hoangtietkiem@...
Kính đề nghị các cơ quan báo chí sâu sát và đề cập nhiều hơn nữa các vụ việc như trên. Các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát lại toàn bộ các công ty có chức năng xuất khẩu lao động, đặc biệt là các công ty có liên quan trực tiếp tới các lao động có đơn kiến nghị khiếu nại đề cập tới.
Có lẽ sẽ rất khó để quy trách nhiệm cho các công ty này vì họ vừa đánh trống, vừa thổi còi, bưng bít thông tin và đặc biệt lợi dụng sự kém hiểu biết của dân lao động nghèo. Có thể toà án, luật pháp Việt Nam không cáo buộc được họ nhưng toà án lương tâm sẽ không dung thứ cho những con người sống trên nước mắt, sự thống khổ của dân lao động nghèo. Và hơn thế nữa chính họ là những con người bán rẻ nhân phẩm, hình ảnh con người Việt Nam trên cộng đồng quốc tế. Le Hung, Thanh Xuân, Hà Nội
,