221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1141550
Chợ 19-12: Nên giữ lại quỹ đất nếu chưa có giải pháp
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 15-21/12/2008):
Chợ 19-12: Nên giữ lại quỹ đất nếu chưa có giải pháp
,

 - Hàng ngàn bạn đọc đã gửi lời chúc mừng cũng như thông tin, hình ảnh và bình luận về VietNamNet sau trận thắng giòn giã của đội tuyển bóng đá Việt Nam tối 21/12. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ niềm vui sướng tột cùng trước chiến thắng này và chúc cho các cầu thủ tiếp tục giữ phong độ trong trận chung kết với tuyển Thái Lan. Trong tuần, các vấn đề như chợ 19-12; xóa bỏ biên chế giáo viên; ký điểm danh; cách cư xử của nhân viên siêu thị; xuất khẩu lao động... cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn đọc.

 

Tiếp tục trao đổi xung quanh việc xây dựng khu TTTM trên nền chợ 19-12 cũ, rất nhiều bạn đọc cho rằng Hà Nội hiện nay đã quá chật, nên làm nhiều đường trong thành phố hơn là xây TTTM. Còn nếu chưa tìm được giải pháp thích hợp để xây dựng thì nên để dành lại quỹ đất cho thế hệ sau.

 

Phối cảnh TTTM trên nền chợ 19-12 đã được phê duyệt. Nguồn: tuanvietnam.net

 

Không nên xây dựng TTTM trên nền chợ 19-12

 

Bạn Hoài Thu, Hà Nội, hoaithu@... có ý kiến: "Tôi hoàn toàn nhất trí với các ý kiến đóng góp của độc giả là không nên xây dựng một TTTM tại khu chợ 19-12. Hà Nội mở rộng nhằm mục đích vừa tăng trưởng kinh tế, vừa để giảm mật độ dân cư ở khu vực nội thành cũ. Nay xây thêm một TTTM trên nền chợ 19-12, ngoài việc ảnh hưởng tới sự phồn thịnh của Thủ đô theo luật phong thuỷ như các KTS đã phân tích, ảnh hưởng tới khía cạnh tâm linh mà người dân VN rất coi trọng thì còn gây thêm bao hệ lụy về vấn nạn tắc nghẽn giao thông ở khu vực này".

 

"Theo QĐ 96/2000/QĐ-UB ngày 11/7/2000 của UBND TP HN thì khu chợ 19-12 vẫn là một con đường, chưa có văn bản nào thay đổi qui hoạch của TP, vậy mà đã có quyết định giao đất và phê duyệt dự án!? Đề nghị UBND TP Hà Nội kiểm tra lại qui trình cấp phép, giao đất, giá thuê ai đã duyệt và các thông tin đầy đủ của dự án này cho nhân dân rõ, đình chỉ dự án và kiểm điểm nghiêm túc các bên để rút kinh nghiệm trước toàn thể nhân dân, tránh các sai lầm do một số kẻ cơ hội gây ra, làm ảnh hưởng chung đến qui hoạch Thủ đô", trao đổi của bạn Cao Nguyen, Hà Nội, caonguyen@...

 

"Nhờ có dư luận và báo chí lên tiếng mà "Công trình" trung tâm thương mại ở chợ 19-12 Hà Nội phải dừng lại bởi cái TT này không phù hợp với tính lịch sử, tính văn hoá và làm huỷ hoại môi trường và thẩm mỹ của cảnh quan Hà Nội", ý kiến của bạn Trần Trương, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, tranthotruong@... "Chưa cần nói dến ý nghĩa sâu xa của khu đất này mà ta thấy cái vô lý của việc qui hoạch, bởi xung quanh khu vực này đã chằng chịt các khu thương mại.

 

Hơn nữa, với chiêu bài xây cao ốc thương mại, Công ty TNHH Thủ Đô kia sẽ không chóng thì chày sẽ biến nó thành những văn phòng cho thuê để kiếm lời, chứ chỉ là thương mại không thì đâu đã dễ thu hồi vốn. Chúng ta cần rõ ràng, minh bạch, không thể dung hoà cả 3 lợi ích với nhau ở khu đất này. Không thể có công trình phi văn hoá hoặc buôn bán gì ở đây. Hãy để khu chợ này là con đường có vườn hoa đẹp, có thể có 1 số ki-ốt bán lưu niệm hoặc giải khát nhẹ để phục vụ khách vãng lai".

 

Cần có giải pháp để Hà Nội thông thoáng là mong muốn của bạn Từ Quang Sơn, TT Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội, tuquangson@...: "Mỗi ngày đi làm không ngày nào là tắc đường, đường xá thì chật, người thì đông, văn phòng, TTTM, căn hộ cao cấp thì đua nhau mọc ở giữa Thủ đô. Tôi nghĩ UBND TPHN cùng các ban ngành chức năng phải có giải pháp phương án trước mắt cũng như lâu dài để quy hoạch TP luôn thông thoáng và sạch đẹp. Tôi cũng đi rất nhiều nước đặc biệt là thủ đô các nước tôi thấy, cũng rất nhiều nước quá tải như VN, nhưng họ biết quy hoạch phát triển các vùng lân cận xung quanh, đặc biệt là HN mở rộng, làm thủ đô vệ tinh, làm những khu hành chính sự nghiệp, gắn liền với cư dân sinh hoạt và TTTM".
 

Bạn Vu Pham Quyet Thang, Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội, saomai12a@... đề xuất: "Tôi rất hoan nghênh thành phố đã có ý kiến xem xét lại dự án đầu tư, xem xét lại quy hoạch khu vực này. Tôi cho rằng chúng ta làm gì cũng cần nghĩ đến tương lai lâu dài, đừng ôm đồm làm hết những công việc của các thế hệ sau. Nếu chưa nghĩ ra phương án tốt, được công chúng đồng tình thì hãy để đó, dành quỹ đất cho thế hệ sau".
 

"Thành phố tìm một phương án hữu hiệu, tức là đảm bảo chợ dân sinh vẫn quanh quẩn đâu đây ở khu vực này, mà lại vẫn đảm bảo ở đây có con đường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư bởi họ đã bỏ rất nhiều công sức cho dự án này nhưng không có nghĩa là vì "nhà đầu tư đã bỏ rất nhiều công sức..." mà vẫn cho xây.

 

UBND cần phải hiểu rằng chợ 19-12 chỉ là chợ tạm và nơi họp chợ vốn dĩ là một con phố thì bây giờ phải trả lại cho nó chứ. UBND TP làm không đúng, cứ để cho chợ họp, rồi cho làm dự án xây TTTM rồi nói là nhà đầu tư đã tốn nhiều công sức và... nên xem xét cho xây TTTM là không được. Lấy cả ý kiến 500 hộ tiểu thương lại càng thấy buồn cười. Chuyển cái sai từ phía này sang phía khác là không nên", bức xúc của bạn Nguyen Thanh Ha, Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, ntha102@...

 

Lãnh đạo Thành phố cần có trả lời rõ ràng về vấn đề này

Bạn Cong Minh, Hà Nội, congminh@... nêu: "Tôi là một công dân, tôi muốn có những thông tin rõ ràng chính xác để mọi nguời dân có sự tin tưởng và đồng thuận cao với các quyết định của Thành phố. Tôi xem tivi và cảm thấy khó chịu bực mình với tin tức về vấn đề này. Các tin tức đó bao biện, nói không rõ ràng quan điểm của lãnh đạo Thành phố HN. Ông nói ông ủng hộ việc xây dựng khu nhà TTTM tại chợ 19-12. Ông còn thúc giục lãnh đạo TP nhanh chóng cho triển khai và tạo điều kiện cho chủ đầu tư. Lời nói của ông công khai thách thức tình cảm, lương tri và sự đòi hỏi của nhiều người dân về tính minh bạch, hợp pháp, cách thức ký hợp đồng của đại diện Sở TNMT với chủ đầu tư.

 

Có không các vấn đề sau như một số báo đã đưa tin: 1. Quy hoạch XD khu TTTM có quy hoạch có bàn bạc, thông qua biểu quyết tại HDND đại diện cho người dân Thủ đô hay không? Có biên bản nghị quyết không? Số bao nhiêu ra ngày nào?

 

2. Quy hoạch ở một địa điểm chợ tạm vốn trước kia là đường cạnh Toà án NDTC và nghĩa địa có tên 19-12 có thông báo công khai cho dân biết trên các phương tiện thông tin đại chúng và các chủ đầu tư khác có quyền tham gia đấu thầu hay không?

 

3. Có phải TP đã ký với chỉ riêng Cty Thủ Đô II với giá chưa băng 1 đô Mỹ/1m2/tháng?

 

4. Nếu thực là có những vấn đề nêu trên thì việc triển khai cho xây dựng TT với mục đích gì? Và những người đã ký có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật? Vì dù sao việc làm trên cũng gây nhiều lãng phí tiền của nhân dân và NN, gây dư luận tiêu cực. Đề nghị lãnh đạo TP nên có sự trả lời rõ ràng trước công luận".

Bạn Hoàng Khôi Nguyên, TP.HCM, nguyenkhoi84@... cho rằng Hà Nội nên học tập TP.HCM: "Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có chuyện duyệt dự án đầu tư xây bãi đỗ xe ngầm. chủ đầu tư đã trúng thầu, bỏ vài chục tỷ để chuẩn bị thi công. Sau do thẩm tra lại thấy nó không phù hợp nên đã hủy và đền tiền cho chủ đầu tư. Hà Nội cũng không nên vì một số vốn đã lỡ bỏ ra của chủ đầu tư mà nay vì tiếc của đánh đổi lấy sự đã rồi. Cũng giống như một thiên tai lũ lụt mất biết bao nhiêu có tiếc cũng chẳng được. Nhưng lòng dân Thủ đô hào sảng và đầy ắp lòng tin với Thành phố Hà Nội. Nên chọn cái nào hơn?".

Chợ cũ 19-12 đã được giải phóng mặt bằng. (Ảnh chụp ngày 11/12/2008, nguồn: VietNamNet)

Giải pháp cho chợ 19-12


"Nhân đọc bài phỏng vấn của Quí báo với Ông Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, tôi xin nêu ý tưởng về phương án giải quyết cho khu chợ tạm 19-12 như sau:

 

1. Bên dưới đường 19-12 sẽ xây dựng bãi đỗ xe ngầm để giải quyết nhu cầu về giao thông tĩnh của khu TAND Tối cao, TAND TP Hà nội, Bệnh viện K và Bệnh viện C. Nếu Thành phố đã có phương án giải quyết vấn đề giao thông tĩnh cho khu vực thì tầng hầm này có thể làm thành khu mua sắm các mặt hàng như quần áo thời trang, hàng gia dụng, điện máy... phù hợp với sinh hoạt thương mại hiện có trong khu vực. Việc bố trí không gian thương mại theo kiểu quầy hàng, ki-ốt nhỏ ưu tiên dành cho các tiểu thương đang buôn bán ở chợ 19-12.

 

2. Trên đường 19-12, nên xây dựng một không gian Văn hóa - Thương mại đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống với các hoạt động như văn hóa trà, cà phê Hà Nội, câu lạc bộ ca trù, quầy bán hàng mỹ nghệ, vàng bạc, hàng lụa, tranh thêu, thổ cẩm dệt thủ công, văn phòng du lịch lữ hành... để phục vụ du khách và khách nước ngoài lưu trú tại khách sạn Melia, Hanoi Tower...

 

Về kiến trúc, khu vực này nên xây thành các dãy nhà 2 tầng, mái ngói mang nét kiến trúc Hà Nội xưa. Phía giáp với tường bao của TAND Tối cao có thể bố trí thành nơi để các nghệ nhân làm các nghề dân gian, thủ công như nặn tò he, vẽ truyền thần, vẽ chân dung lưu niệm, hát sẩm, hay quán tranh, bán hàng thủ công lưu niệm.

 

3. Tâm điểm của khu vực là công trình tưởng niệm vong linh những người đã mất ở Hà Nội trong thời kỳ Toàn quốc kháng chiến, có thể là Nhà Bia hay Tháp Chuông, đây là công trình kiến trúc tâm linh, có thể theo dạng lầu bát giác, lục giác mái lợp ngói; bên trong có bia tưởng niệm, phía trên có gác chuông, nên bố duy trì việc thỉnh chuông theo canh giờ các đêm...

 

4. Thành phố nên xem xét việc đặt tên mới cho khu phố; ví dụ có thể lấy tên là Phố Hòa Bình, nhà bia có thể lấy tên là Hà Nội - Thu 46...

 

Một vài ý tưởng của cá nhân, hy vọng cùng với các ý kiến của người yêu Hà Nội xa gần sẽ góp phần cùng UBND TP Hà Nội sớm tìm ra giải pháp tốt cho vấn đề chợ 19 -12", đề xuất của bạn Nguyễn Xuân Sơn, Khu ĐTM Trung Yên, Q. Cầu Giấy, Hà Nội, agrovietnam@...

Bạn Đào Huy Khánh, Hà Nội, daohuykhanh@... gợi ý giải pháp: "Theo tôi, để giải quyết tổng hòa các mâu thuẫn trong dự án xây dựng TTTM 19-12 đó là cho xây dựng ở đây 1 tổ hợp thương mại gồm 3 phần:

 

1. Phần công trình ngầm từ 3 đến 5 tầng ngầm: Bao gồm chợ dân sinh ngay tầng -1, các tầng -2,-3,-4,-5 làm đậu xe ô tô và xe máy.

 

2. Phần hành lang giao thông nằm từ cốt +0.00 trở lên: Phần này dành cho giao thông công cộng và 1 phần làm khu vực sảnh thang máy và thang bộ để lên trung tâm thương mại phía trên và duy nhất chỉ giành cho giao thông qua lại và lên xuống, không cho các tổ chức, cá nhân mở cổng ra mặt này.

 

3. Phần TTTM nên từ cốt +10.00m trở lên và chỉ nên xây đến độ cao phù hợp cảnh quan. Theo cá nhân tôi, xử lý như trên sẽ giải quyết tổng hòa những mâu thuẫn hiện nay (thực tế đang rất khó vì các phía ủng hộ và phản đối đều có lý nhất định trong thái độ của mình với dự án). Mặt khác việc xây dựng 1 trung tâm thương mại hỗn hợp như vậy, đặc biệt là hầm đậu xe công cộng 4 tầng ngầm tại khu vực này sẽ giúp thành phố giải quyết vấn đề giao thông tĩnh trong bán kính 2 đến 3 km xung quanh khu vực này. Nếu áp dụng thiết bị tự động, bãi đậu xe này có thể đậu được hàng ngàn xe ô tô mà sự kết hợp giao thông tại đây rất thuận lợi".

Hà Nội chưa có quy hoạch tổng thể

 

"Là người dân đã sống ở Hà Nội từ năm 1976 đến nay, tôi cho rằng Hà Nội không có quy hoạch. Tôi hiểu rằng quy hoạch ở đây phải hiểu là quy hoạch về dân số, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch giao thông, quy hoạch hạ tầng cơ sở, quy hoạch kiến trúc... Và gộp lại phải có một quy hoạch chung. Các cán bộ từ cấp cao đến cấp chuyên viên đã đi nước ngoài nhiều nhưng hình như chưa có ai ai áp dụng vào Việt Nam. Từ việc có quy hoạch chuẩn rồi ta mới có các kế hoạch. Việc thống nhất và thực hiện quy hoạch phải do một tổng chỉ huy - đó là ông chủ tịch. Kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn cho việc thực hiện các quy hoạch đó. Hà nội đã có các quy hoạch như vậy chưa?", đánh giá của bạn Nguyen Huu Phan, Phạm Hùng, Hà Nội, phannh@...


Xóa bỏ biên chế giáo viên là vấn đề thu hút được nhiều sự tranh luận trong tuần qua. Có những ý kiến đồng thuận nhưng cũng không ít ý kiến phản đối.

Xóa bỏ biên chế giáo viên: Ai sẽ là người "chấm điểm"?


Lương không đủ sống, GV không thể tâm huyết với nghề. (Ảnh: VNN)
Bạn Lại Lý Anh Văn, Vĩnh Phúc, lailyanhvan@... lo lắng: "Xoá bỏ biên chế, chuyển thành hợp đồng để tăng tính cạnh tranh, để nâng cao chất lượng. Ý kiến ấy thoạt nghe thấy có vẻ có lý. Nhưng thử nghĩ ai sẽ là người “chấm điểm” giáo viên để thấy được người này hơn người kia trong cuộc cạnh tranh ấy? Rồi đây Bộ sẽ dùng một định chế như thế nào để đảm bảo chính xác mỗi khi ký lại hợp đồng với giáo viên? Liệu có thể chắc chắn rằng sẽ không có tiêu cực mỗi khi thực hiện kí hợp đồng?

 

Theo thiển nghĩ của tôi, giáo dục hiện nay có 3 vấn đề: Cần minh bạch về tài chính; Cần minh bạch về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; Đội ngũ giáo viên.

 

Về vấn đề thứ nhất, chỉ xin dẫn lại ý kiến của Giáo sư Hoàng Tụy: Hãy minh bạch tài chính trước khi nâng học phí. Còn có nhiều ý kiến khác khi thấy rằng tỉ lệ tiền chi cho giáo dục trong tổng thu của toàn xã hội không phải nhỏ. Vậy mà đời sống giáo viên vẫn không cao, chất lượng giáo dục vẫn không được như mong muốn. Nhiều việc chi tiền không hiệu quả, không đồng bộ.

 

Về bổ nhiệm cán bộ, giáo viên chẳng bao giờ được biết tiêu chí nào để bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó. Như một bài trên báo giáo dục đã nói ở một huyện mà việc bổ nhiệm lãnh đạo cho các trường không ngay cả lãnh đạo của phòng giáo dục cũng không biết. Trong thực tế có rất nhiều hiệu trưởng, hiệu phó không đủ tiêu chuẩn, non kém về chuyên môn, thiếu khả năng tổ chức, quản lí. Không có khả năng nhìn nhận, đánh giá đúng mức giáo viên. Không có khả năng đề ra biện pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Với những người lãnh đạo như vậy, nay lại trao cho họ nhiệm vụ chấm điểm giáo viên để quyết định kí hay không kí hợp đồng tiếp với những người giảng dạy thì thử hỏi kết quả sẽ ra sao?

 

Về giáo viên, có những trường hợp yếu kém (cả về chuyên môn lẫn phẩm chất). Lý ra ngành giáo dục phải có biện pháp thích hợp để nâng đỡ, động viên những người tốt, xử lý, ngăn chặn để dần dần loại bỏ những người kém. Nay trong phút chốc đưa tất cả vào một rọ để “ai cũng như ai” cùng bơi trong kinh tế thị trường.

 

Ngay việc xét danh hiệu giáo viên giỏi trong những năm qua, thử hỏi liệu đã thật chính xác chưa? Có bao nhiêu người được mệnh danh là giáo viên giỏi mà thực tế không xứng đáng với danh hiệu này? Với những người thực sự xứng đáng với danh hiệu giáo viên giỏi ngành đã có chế độ ưu đãi thế nào? Theo thiển nghĩ của tôi, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, khi được gọi là giỏi đều là quí. Vậy ngành giáo dục đã đối xử ra sao với cái vốn quí này?

 

Là người giáo viên tâm huyết với nghề, ai cũng mong muốn có môi trường tốt, điều kiện tốt để làm việc. Đặc biệt ai cũng mong muốn có lãnh đạo giỏi quản lí mình để được đảm bảo về sự đánh giá, sự đãi ngộ, để có thể lắng nghe và hiểu được những yêu cầu từ phía giáo viên, từ phía công việc. Xin được nhắc lại lời người xưa: Để cỏ lấn chết lúa là lỗi của người trồng lúa, đâu phải lỗi của cây lúa. Nghe chủ trương chuyển tất cả giáo viên thành hợp đồng tôi thấy lo cho nền giáo dục nước nhà".

Bạn Hoài, Hà Tĩnh, viethoai14289@... tâm sự: "Tôi là một sinh viên sư phạm, tôi thấy việc Nhà nước chấn hưng giáo dục là đúng nhưng có nên hay không việc xóa biên chế? Tại sao các nhà quản lý GD không thử nhìn nhận từ phía học sinh mà toàn là giáo viên. Ngày nay, trong xã hội kinh tế thị trường, học sinh có lẽ đã quên mình là học sinh, liệu học sinh có còn coi trọng một giáo viên hợp đồng. "Tiên học lễ, hậu học văn" sẽ không còn nữa thì có chấn hưng giáo dục thế nào chăng nữa cũng thế thôi".
 

"Vấn đề là khi xoá bỏ biên chế thì nên giáo dục có thực sự cạnh tranh lành mạnh hay không? Điều đáng lo là nhiều nhà giáo giỏi sẽ phải đi làm việc khác vì bị sa thải. Đắng cay hơn là những nhà giáo chưa đủ tâm, chưa đủ tài lại đương nhiên có nhiều thành tích xuất sắc và họ sẽ giảng dạy những điều học còn chưa biết hoặc biết thiếu, biết sai cho hàng chục thế hệ học sinh. Sau một thời gian không xa đất nước sẽ đi ra biển lớn với muôn hình sóng gió", trao đổi của bạn đọc ở địa chỉ llaa95@...

Bạn Thanh Thanh, Cần Thơ, llaa95@... có lời bình về chấn hưng nền GD: "Việc chấn hưng nền GD là cần thiết, nhưng vấn đề là làm như thế nào? Chuyển từ biên chế sang hợp đồng? Tăng lương? Nhiều cách khác...? Tất cả đều có lí. Song trong các cách đó thì nảy sinh nhiều vấn đề cần bàn. Cái cần bàn nhất là công lí! Tôi chỉ sợ rằng khi xét nâng lương cho giáo viên thì ban lãnh đạo nhà trường sẽ nhận được nhiều cú điện thoại và từ nhiều lời gửi gắm: Chú ý cho trường hợp X, Y nhé.

 

Thậm chí có những thầy cô giáo giỏi cũng không có danh sách giảng dạy vì tất cả đều đã được sắp xếp. Điều này dễ xảy ra hơn là nền GD được chấn hưng tích cực. Khi đó những người giỏi có còn trong ngành GD hay không?".

Dạy như thế nào để học sinh ham học mới là điều quan trọng


Bạn đọc ở địa chỉ ngoclinhbg@... có ý kiến: "Tôi tán thành việc đổi mới của Bộ Giáo dục nhưng tôi tin là có nhiều sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm xong không thể hoàn thành một bài giảng cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản nói gì đến việc khơi gợi lòng ham học của các em.

 

Nên mở rộng cánh cửa giáo dục với những người có kiến thức và tâm huyết với nghề giáo. Đừng kỳ thị chứng chỉ sư phạm của một số trường. Tôi tin nhiều người tốt nghiệp đại học sư phạm nếu không đi dạy sẽ không thể tìm được việc gì khác. Tôi nghĩ việc dạy học để học sinh ham học mới quan trọng chứ dạy để học sinh lấy cái bằng tốt nghiệp thì tôi tin ngành giáo dục sẽ không bao giờ cải cách và theo kịp thế giới được".

 

Các trí thức Việt kiều tham gia một hội thảo thu hút Việt kiều tại TP.HCM. Ảnh: T.H

Cách thu hút nguồn lực trí thức Việt kiều của Viện Khoa học-Công nghệ (KH-CN) Tính toán nhận được nhiều sự ngợi khen của bạn đọc. 

 

Cần quan tâm tới việc chiêu hiền và đãi ngộ


Bạn Hà Minh Trí, TP.HCM, trihaminh@... cho rằng đây là chủ trương hay, cần nhân rộng: "Tôi thấy đây là một chủ trương rất đáng hoan nghênh. Ngoài vấn đề thu hút các tri thức Việt kiều về ngày càng nhiều thì một vấn đề quan trọng nữa là phải giữ chân được họ, tạo thêm điều kiện và môi trường thuận lợi để họ đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm cũng như đào tạo, kèm cặp cho đội ngũ tri thức trong nước ngày càng mạnh".

"Tôi thấy đất nước mình bây giờ đang trên đà phát triển, cho nên việc chiêu hiền và đãi ngộ rất cần được quan tâm. Tại sao nước ta rất nhiều người hiền tài mà không phát huy được khả năng tư duy sáng tạo vốn có của mình? Tôi thấy Nhà nước ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đối với những tài năng vốn có của đất nước, đó là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia mà Nhà nước ta cần quan tâm. Song song với những việc làm đó ở trong nước thì Nhà nước ta và các cơ quan liên quan cần có những kế hoạch chiêu mộ hiền tài của nước ta đang sinh sống ở nước ngoài trở về làm việc và phục vụ cho đất nước", trao đổi của bạn Phạm Quang Vinh, Hà Nội, quangvinh378@...

Bạn Son Nguyen, New York, sonnguyen@... góp ý: "Tôi biết VN có khá nhiều các em đi du học, học xong tiến sĩ, rất khá nhưng khi về Việt Nam thì không có cơ hội để sử dụng. Việt Nam nên tạo cơ hội và lương bổng khá cho những tài năng này". 

"Cách làm này tôi thấy rất hay. Cần khuyến khích người tài ở Việt kiều về làm việc cho Việt Nam, tất nhiên là với mục tiêu là giúp xây dựng quê hương là chính chứ còn ai mà cũng vì trả thù lao cao sẽ làm thì chắc chẳng có ai về Việt Nam cả. Người Việt Nam dù sống ở đâu cũng nên nghĩ đến đất nước mình dù chỉ là chút ít", ý kiến của bạn Minh Đức, Đà Nẵng, minhduc178@...

Vũ Công Hòa, Bộ môn Cơ kỹ thuật - ĐHBK TP.HCM, vuconghoa@... mong: "Hy vọng các nhà khoa học Việt kiều đóng góp cho nước nhà. Đây cũng là nguồn động lực phấn đấu cho sinh viên ngành Cơ kỹ thuật chuyên về tính toán của ĐHBK TP. HCM chúng tôi".

Nếu trí thức Việt kiều thật sự muốn cống hiến cho quê hương Việt Nam thì họ không so sánh số tiền lương quá bèo trả cho công việc và trình độ đủ để được làm việc trong một cơ quan đòi hỏi trình độ và kỹ năng của một viện khoa học - công nghệ. Chúng ta nên ghi nhận và trân trọng tấm lòng đáng quý của họ", chia sẻ của bạn Nguyễn Phước, TP.HCM, phuocmai@...

Phải có đột phá mới hi vọng thành công


"Thực sự là chúng ta nên nhìn lại tất cả những thành tựu đào tạo từ trước tới nay. Bao nhiêu giáo sư tiến sĩ, lý thuyết thì nhiều mà thực hành lại vô cùng ít, tiến sĩ thật thì ít, tiến sĩ giấy thì nhiều. Qua việc làm của TP.HCM, tôi hi vọng đó sẽ là nơi thu hút và đào tạo nhiều nhân tài "thực sự" có tài đặc biệt là về lĩnh vực khoa học công nghệ và đời sống có tính ứng dụng cao. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên trẻ hiện nay có rất nhiều người có tài thực sự, nếu như được chú trọng phát triển và được đào tạo bài bản họ sẽ trở thành nhân tài, bách khoa sống. Đầu tư cho trí tuệ, giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững, là sự đầu tư không lỗ vốn", bạn đọc ở địa chỉ huyenusd@... góp ý.

Bạn Dương Viết Huy, Hà Nội, dvh_itdr@... lại cho rằng chính sách đãi ngộ "hiền tài" mới là quan trọng: "Có thể các nhà KH của VN (Việt kiều) khi ở nước ngoài đã tiếp cận nhiều thành tựu khoa học của nhân loại trước các nhà khoa học trong nước nhưng chưa thể khẳng định được rằng: Họ có một trình độ vượt trội so với các nhà khoa học trong nước.

 

Tôi thấy hướng "chiêu hiền đãi sỹ" của TP.HCM cũng là biện pháp tốt nhưng không mới. Còn hiệu quả của việc này thì hãy còn ở phía trước. Tôi nghĩ, chính sách đãi ngộ hiền tài (hay môi trường làm việc bao gồm chính sách quản lý, đầu tư công nghệ...) của chúng ta mới là điều quan trọng. Như thế việc tiếp nhận và ứng dụng các "kiến thức vượt trội" có tính lâu dài và hệ thống hơn".

Bạn Phan Dũng, Hà Nội, dunggdct2008@... góp ý: "Tôi thấy đây là sự cố gắng của TP.Hồ Chí Minh khi thu hút các Việt kiều về nước đóng góp trong lĩnh vực khoa học để phát triển đất nước. Tôi nghĩ đây là sự đột phá của thành phố, tuy chậm nhưng các thành phố khác trong nước ta cần học tập, trước hết là thành phố Hà Nội".
 

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số phản ánh của bạn đọc về các vấn đề đời sống, xã hội khác:


Đạo chích điện: "Thời gian qua, trên đê Hữu Đuống đoạn từ thị trấn Hồ đi xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) xuất hiện tình trạng nhiều hộ dân "câu" trộm điện ra bãi sông Đuống để đốt lò gạch. Các cần "câu" điện hầu hết đều bằng tre, dây điện chằng chịt chạy qua mặt đê không bảo đảm an toàn, nhất là khi mưa bão, gây nguy hiểm cho người dân nhất là trẻ em khi chăn trâu trên mặt đê, dễ xảy ra sự cố chập cháy đường dây điện trên diện rộng. Đề nghị ngành điện và địa phương sở tại cần xem xét, nhắc nhở hướng dẫn người dân sử dụng điện bảo đảm an toàn cho người và gia súc, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", phản ánh của bạn Vũ Đức Quang, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1 TP Phủ Lý, Hà Nam, vuquangblue@...

Thị trấn Xuân Mai: Khổ vì… rác!: "Từ nhiều tháng qua, người dân sống dọc hai bên Đường Hồ Chí Minh (đoạn qua thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội) hàng ngày phải chịu cảnh sống chung với mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác ở hai bên hành lang đường. Toàn bộ rác thải của thị trấn đều được tập kết về đây, biến nơi đây thành một bãi rác khổng lồ. Người dân đã kêu nhiều về việc môi trường sông bị ô nhiễm nặng nề nhưng càng kêu nhiều thì bãi rác này càng lớn hơn. Đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp khắc phục", phản ánh của bạn Phạm Sơn Hải, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1, Phủ Lý, Hà Nam, hailam33@...

Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;