221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1143350
Giảm giá xăng là biện pháp kích cầu hiệu quả nhất
1
Article
null
Giảm giá xăng là biện pháp kích cầu hiệu quả nhất
,

 - “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, không thể để người tiêu dùng Việt Nam phải mua xăng với giá cao như hiện nay. Đề nghị Chính phủ làm minh bạch giá xăng dầu, cho cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và một động tác kích cầu thiết thực có thể làm ngay lúc này là giảm thuế nhập khẩu xăng dầu”. Ý kiến bạn đọc VietNamNet sau bài viết “Vì sao giá xăng chưa giảm tiếp?”.

Giá dầu thô trên thế giới xuống dưới 40USD/thùng, người dân VN vẫn phải mua xăng với giá 11.000 đồng/lít. (Ảnh VNN)

Cần sớm điều chỉnh giảm giá xăng, bớt gánh nặng cho người dân

Chính phủ nên xem xét điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay. Tôi được biết, giá xăng dầu thế giới những ngày gần đây liên tục giảm, có những lúc giảm xuống dưới 33USD/thùng. Nhà nước cần hướng tới lợi ích của đa số người dân chứ không phải của một số doanh nghiệp.

Tôi nhận thấy, khi giá xăng dầu trong nước điều chỉnh luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân không vì nguyên nhân nào khác là chúng ta đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nền kinh tế thế giới và những tháng gần đây lạm phát tăng cao khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khốn khó. Tôi mong sao Chính phủ sớm điều chỉnh giá xăng dầu trong nước để bớt đi phần nào gánh nặng cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo ở vùng quê khi mùa xuân sắp về. Tran Nam Hai, Thái Bình

Toàn thế giới đang khủng hoảng tài chính, theo đó, đời sống của đại đa số nhân dân cũng ảnh hưởng, lương của công nhân, viên chức thấp, nhân dân, nhất là nông dân gặp nhiều khó khăn khi giá nông sản, thủy sản tiếp tục giảm. Tại sao giá xăng dầu thế giới giảm mạnh như thế mà xăng dầu trong nước không giảm? Nhà nước nên có chính sách, biện pháp cụ thể đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nguyễn Đình Thịnh, Lao Bảo, Quảng Trị

Tôi cho rằng cách thức điều hành thị trường của Nhà nước chưa làm lợi cho người dân, người tiêu dùng. Giá xăng tại Mỹ hiện tại chỉ hơn 7.000 đồng/lít. Ngay như bên nước láng giềng Campuchia, người anh em này thỉnh thoảng vẫn được chúng ta viện trợ, giá xăng hiện nay cũng chỉ vào khoảng 8.000 đồng/lít. Còn các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu VN đang bán với giá 11.000 đồng/lít mà vẫn kêu không có lãi.

Nếu sự thật là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu VN đang không có lãi, tôi đang cảm thấy lo lắng và thương cảm đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Mỹ và các nước khác. Phải chăng là họ đang muốn phá sản hết nên mới bán xăng với giá hiện nay? Võ Hoàng Văn, Hoàng Mai, Hà Nội

Tôi đang công tác tại một xã nông thôn của huyện Phước Long, tỉnh Bạc liêu. Với chức vụ Chánh Văn phòng Đảng ủy, hệ số lương chưa tới 1.0, tôi chỉ đủ để đổ xăng đi từ nhà đến nơi làm việc. Lúc trước, khi giá xăng là 19.000 đồng/lít, tôi phải xin tiền nhà mới có tiền đổ xăng đi làm việc. Nếu xăng không giảm hoặc lương không tăng, tôi sẽ còn khổ dài dài… Quảng Trọng Cần, Bạc Liêu, vanphongdanguyps@...

Tôi là sinh viên nên thường xuyên về quê. Khi giá xăng chưa tăng, tôi đi xe khách về quê mất 30.000 đồng. Khi giá xăng tăng, giá xe khách cũng lên theo và mỗi lần về quê tôi mất 45.000 đồng. Nay giá xăng đã giảm nhưng giá xe khách vẫn không hề giảm chút nào, vẫn là 45.000 đồng. Bất cứ ai có thắc mắc, phụ xe đều nói do giá cả, do đồng tiền mất giá, do thuế cao... Xin hỏi Nhà nước có biện pháp nào để bình ổn giá không? Hoàng Hùng, Hải Phòng

Tôi nghĩ, để giảm bớt gánh nặng cho nhân dân và doanh nghiệp, Chính phủ nên giảm thuế nhập khẩu xăng và giảm giá bán lẻ để kích cầu nền kinh tế đang trên đà suy thoái. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, Chính phủ không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để đảm bảo an sinh xã hội được tốt hơn. Các nước trong khu vực không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Chúng ta đang từng bước chuyển hình thức quản lý Nhà nước qua nền kinh tế thị trường. Bác Hồ đã từng nói: "Việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nhất cũng phải làm,việc gì hại đến dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh". Nguyễn Văn Hiếu, TP.HCM, nvhieu207@...

Đề nghị làm minh bạch giá xăng dầu

Doanh nghiệp thì cứ kêu lỗ, người tiêu dùng thì có cảm giác đang bị móc túi. Đề nghị Nhà nước công khai cơ cấu giá xăng dầu. Nếu không, người dân cứ nghĩ Nhà nước đang cố giữ thế độc quyền để bao che cho một số cá nhân trục lợi, móc túi người tiêu dùng. Nhật Thành, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế

Tôi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đưa ra các lý do để không giảm giá xăng dầu vì môi trường kinh doanh xăng dầu ở nước ta còn mang nặng tính độc quyền và thiếu cạnh tranh, lành mạnh. Tôi đề nghị Nhà nước đứng ra quản lý toàn bộ các cây xăng, bồn chứa xăng rồi cho các công ty hoặc cá nhân đấu thầu thuê lại các cột bơm. Mỗi cây xăng phải cho ít nhất 3 đơn vị hoặc cá nhân tham gia bán. Nhà nước sẽ thu lại tiền xăng qua đồng hồ (kiểu như sử dụng nước sạch vậy). Khi đó, các nhà kinh doanh xăng dầu chỉ còn cách tăng lợi nhuận bằng cách bán được nhiều hàng mà muốn bán được nhiều thì giá cả phải cạnh tranh, thái độ phục vụ tốt. Và vấn đề bớt xén xăng dầu của khách hàng cũng sẽ được loại bỏ vì có bớt họ cũng không bỏ túi được. Nguyễn Thị Vân, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Giá xăng cao kéo theo giá lương thực, thực phẩm tăng theo. (Ảnh VNN)

Khi giá dầu trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp đã tăng giá rất nhanh và có lần cao nhất tăng tới 4.500 đồng/lít. Nhưng người dân vẫn chấp nhận và đồng tình vì đó là cơ chế thị trường, không thể để doanh nghiệp hay Nhà nước bù lỗ được. Nhưng khi giá dầu trên thế giới giảm mạnh tới gần 70% thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn giữ giá ở mức cao để thu lợi trong khi người tiêu dùng chịu thiệt thòi. Đó là một điều hết sức phi lý.

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với nền kinh tế. Tôi đề nghị Nhà nước có những biện pháp để điều chỉnh giá xăng hiệu quả hơn nữa, sao cho phù hợp với tình hình giá dầu trên thế giới, tránh tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu liên kết giữ giá cao gây nhiều bức xúc trong nhân dân và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước. Trịnh Văn Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trong thời gian qua, với mức biến động của giá dầu thế giới, đáng lẽ người tiêu dùng tại VN phải được hưởng quyền lợi sau khi gia nhập WTO nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Cụ thể là khi giá dầu thế giới tăng đến ngưỡng hơn 140 USD/thùng thì giá xăng tại Việt Nam tăng đến mức 19.500 đồng/lít, nhưng nay khi giá dầu ở thế giới dao động trong khoảng 40USD/thùng thì giá xăng tại VN vẫn là 11.000 đồng/lít (đã trải qua mấy lần giảm nhỏ giọt). Một bài toán quá đơn giản để thấy sự nghịch lý này.

Chính vì thực tế đó mà có điều tưởng như là phi lý đã xảy ra: Giới buôn lậu ở biên giới Tây Nam thay vì việc mua xăng ở Việt Nam mang sang Campuchia bán như trước đây, bây giờ họ lại vận chuyển ngược lại vì giá xăng VN cao hơn.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn kêu ca rằng nếu giảm tiếp thì họ sẽ thua lỗ vì giá khi nhập về cao hơn bây giờ. Nhưng họ đâu có công khai việc khi giá xăng lên đến đỉnh điểm thì mức giá họ nhập về là bao nhiêu. Đề nghị Nhà nuớc và Chính phủ cần có chính sách rõ ràng, không vì quyền lợi của một số doanh nghiệp mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đại đa số người tiêu dùng. Lê Anh Thiêm, Vũ Thư, Thái Bình

Giá dầu thô thế giới là 150USD/thùng, giá xăng trong nước là 19.000 đồng/lít, hiện nay giá dầu thô khoảng hơn 30USD/thùng, thế mà giá xăng trong nước vẫn là 11.000 đồng/lít. Để công bằng cho lợi ích người tiêu dùng, cho doanh nghiệp và Nhà nước, tôi đề nghị Nhà nước, Quốc hội cho kiểm toán Tổng Công ty Xăng dầu để có một mức giá hợp lý và không để tình trạng độc quyền thao túng thị trường. Võ Thanh Xuân, Sa Đéc, Đồng Tháp  

Hiện tại, việc giá xăng dầu vẫn chưa giảm là do quá trình độc quyền phân phối và thu lợi nhuận cao đang diễn ra. Các Tổng Công ty Nhà nước lúc nào cũng kêu lỗ, giữ giá hoặc cắt giảm sản lượng. Xăng dầu là hàng hóa đặc biệt phục vụ cho cộng đồng, nếu thật sự "lỗ", nên chăng Nhà nước mở cửa khuyến khích đầu tư từ những doanh nghiệp nước ngoài, hoặc liên doanh đầu tư, khi đó người tiêu dùng sẽ có lợi hơn. Nhà nước vẫn có thể điều hành giá cả bằng các công cụ tài chính khác. Trương Đại Sơn, Kiên Giang, maducduy@...

Giảm giá xăng: Biện pháp kích cầu hiệu quả nhất

Chính phủ đã đưa ra gói giải pháp kích cầu trị giá hàng tỷ USD nhưng để đưa các giải pháp này vào thực tế không hề đơn giản và có thể thực hiện trong “ngày 1, ngày 2” được. Trong khi đó, một động tác kích cầu thiết thực có thể làm ngay lúc này là giảm giá xăng.

Việc giảm giá loại nhiên liệu quan trọng trong cuộc sống này sẽ tác động trực tiếp tới túi tiền người dân. Từ đó, thay vì chi phí vào giá xăng, người dân sẽ có khoản tiền chi vào các hàng hóa dịch vụ khác. Một biện pháp kích cầu đơn giản thế, sao Chính phủ không cho thực hiện ngay mà cứ phải theo đuổi các mục tiêu xa vời?!

Giá xăng còn cao vô hình chung vẫn đang thiết lập một mặt bằng giá cao đối với các hàng hóa dịch vụ khác khiến cho người tiêu dùng tiếp tục hạn chế chi tiêu càng làm nguy cơ giảm cầu lớn dần lên. Phan Hung, Hà Nội, xomhathan@...

Chính phủ đang tìm mọi biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có biện pháp bơm nhiều tiền ra lưu thông và hạ lãi suất cơ bản xuống thấp. Nhưng tôi nghĩ biện pháp này không hiệu quả bằng bằng việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế quan trọng và nó ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của hầu hết người dân. Nếu một năm trước chúng ta phải trợ giá cho xăng dầu để người dân được hưởng xăng dầu giá thấp thì nay tại sao chúng ta lại phải bắt người dân mua xăng dầu giá cao?

Giá dầu thô thế giới giao dịch ngày 25/12/208, quy ra tiền VNĐ thì giá xăng chỉ khoảng 6.500-7.000đồng/lít. Trong khi đó, người dân Việt Nam đang phải trả 11.000 đồng cho một lít xăng. Với mức giá này, tôi nghĩ tình trạng nhập lậu xăng dầu lại xảy ra tại các khu vực biên giới. Lúc đó, Chính phủ lại phải đi chống nhập lậu vừa mất thời gian lại không hiệu quả.

Việc giảm giá xăng dầu sẽ kéo theo nhiều mặt hàng, dịch vụ giảm giá, từ đó người dân sẽ mua sắm và chi tiêu nhiều hơn. Đây là một biện pháp kích cầu hiệu qủa mà không tốn công sức cho Chính phủ, không xảy ra tiêu cực. Manh Son, Thụy Khuê, Hà Nội

Tôi nghĩ rằng, gói kích cầu 6 tỷ USD sẽ là không nhỏ nếu rót vào đúng nơi, đúng chỗ mà từ đó tác động trực tiếp tới nền kinh tế. Với gói kích cầu này, ta sẽ không đánh thuế vào xăng dầu trong khoảng thời gian là 1-2 năm. Giá xăng dầu như hiện nay đang tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất như: xây dựng, vận tải, dệt may, đóng tàu, các dịch vụ du lịch, ăn uống..., đến thị trường chứng khoán và cả người tiêu dùng nữa. Đây có thể là cơ hội tốt cho chúng ta kích cầu tại thời điểm nay. Đỗ Thu Hiền, Đống Đa, Hà Nội   

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,