221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1147114
Bà cụ nghèo 70 năm cào nghêu
1
Article
null
Bà cụ nghèo 70 năm cào nghêu
,

 - Bắt đầu đi cào nghêu từ 12 tuổi, nay dù đã 82 nhưng ngày nào bà cũng phải đi cào nghêu chạy ăn từng bữa. Cuộc đời bà là một chuỗi ngày quanh quẩn từ nhà ra bãi biển, từ bãi biển về nhà…

 

Ở tuổi "cổ lai hy", bà đau đáu một điều: lỡ không may mình nằm xuống thì không biết lấy ai lo cho đứa con trai bệnh tật đang nằm liệt giường!

 

Nhọc nhằn đời mẹ

 

Đó là bà Nguyễn Thị Trạch ở khối 5, phường Thu Thuỷ, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Cửa Lò, 12 tuổi, bà Trạch đã phải theo mẹ ra biển cào nghêu kiếm sống. Lớn lên, đi lấy chồng, nhà chồng cũng cùng đinh, chồng hơn bà những 22 tuổi, lại vốn ốm yếu nên miếng cơm, manh áo của cả nhà đều chỉ trông vào việc cào nghêu của bà.

 

Mùa đông rét mướt bà vẫn miệt mài công việc cào nghêu.

25 tuổi lấy chồng, bà 9 lần sinh nở mà chỉ nuôi được 5. Hai con gái, người lấy chồng ở Cửa Lò, người về Hải Phòng nhưng đều nghèo khó. Con trai út nghiện ngập chết cách đây 3 năm. Con trai thứ cũng ở Cửa Lò, lại đang mang trọng bệnh xơ gan nên một nách 5 đứa con đều phải trông vào đôi tay vợ. Còn anh Nguyễn Kim Chung, năm nay 55 tuổi, bị bệnh phong hầu như phải nằm một chỗ đã 35 năm nay, mỗi tháng dùng hết khoảng 300.000 tiền thuốc thang. Tất cả chỉ trông vào tiền trợ cấp xã hội 120.000 đ/tháng và tiền cào nghêu hàng ngày của mẹ. 

Bởi vậy mà đã 70 năm nay, sóng nước và chiếc cào nghêu đã trở thành người bạn thân thiết của bà. Nếu trước đây, một mình bà phải lo cho 7 miệng ăn đã là quá sức thì nay khi đã tuổi già xế bóng, bà vẫn nằng nặng nỗi lo cơm áo, thuốc cho những người con bênh tật. Thị xã Cửa Lò ngày càng đổi mới, khang trang mag bà thì vẫn khốn khó như xưa. Thế nên bà nổi tiếng khắp cả vùng biển này không chỉ vì "thâm niên" cào nghêu lâu nhất mà còn bởi gia cảnh quá đói nghèo, bất hạnh. 

VietNamNet đã nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm của bạn đọc bốn phương. Chúng tôi sẽ chuyển những món quà tình nghĩa của bạn đọc tới tay cụ Trạch trước Tết Nguyên Đán.

Những năm trước, đứa con út nghiện ngập thường xuyên đi trộm cướp khiến thân bà không lúc nào yên với những cảnh đòi nợ hàng ngày. "Đi trộm cướp, bị người ta đánh cho, nó về nhà lấy cả cái áo bông của mẹ đem đi bán. Nhưng giờ nó mất rồi, bà lại thấy thương, thấy nhớ lắm…". Đến nay, dù người con út đã mất 3 năm mà món nợ 600.000 con để lại bà vẫn chưa trả được. 

 

Bởi thế, ngày nào bà cũng đối mặt với sóng nước từ 3-4 giờ sáng đến 10 giờ trưa, rồi buổi chiều lại bắt đầu "hành trình" từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm. Dù mỗi ngày đi cào nghêu chỉ mang lại cho bà 10-15.000 đồng nhưng ngày nào không đi thì ngày đó, nhà không có cơm ăn, anh Chung bị đói thuốc.

 

Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, chỉ những ngày nắng ráo, bà mới đi cào nghêu được. Cảnh mưa phùn, giá rét mùa đông cộng với quãng đường 1km từ nhà ra biển quả là một thử thách lớn đối với một bà cụ tuổi ngoại bát tuần. "Mùa rét mướt, bà chỉ trông vào cây khế và đám rau cỏ trong vườn". Bà nói rồi chỉ tay về mảnh vườn phía trước với hai cây khế và những đám rau, đậu, mùi… 

 

Cuộc sống của cả nhà chỉ trông vào những con nghêu, con cá thì như thế nên đã bao lâu nay gia đình bà phải ở trong một ngôi nhà xiêu vẹo, tạm bợ. Đến giữa năm 2008, phường Thu Thuỷ xây cho mẹ con bà một ngôi nhà Đại đoàn kết. Vậy là cái ở đã toại nguyện. Giờ bà chỉ còn lo… 

 

"Chỉ sợ mẹ đi trước con" 

 

Bà chỉ sợ đi trước người con trai cả bất hạnh này, không ai lo cho con.

Căn nhà nhỏ của mẹ con bà nằm trong một ngõ sâu, cách biển khoảng 1km. Nếu đến đây vào những giờ nghỉ ngơi, sẽ thấy một hình ảnh xúc động: một bà mẹ lưng còng đang dỗ dành đứa con trai cũng đã ở tuổi ngoại ngũ tuần ăn cơm. 

 

Anh Nguyễn Kim Chung người gầy đét, khuôn mặt hốc hác, xạm đen lúc nào cũng ngơ ngác như người mất hồn. Vì không có tiền chạy chữa, căn bệnh phong ác nghiệt đã ăn lan tận bắp chân và làm cụt đến mắt cá, khiến đôi chân anh Chung trở nên vô dụng và thần kinh bị ảnh hưởng khá nặng. 

 

Trong lúc ăn cơm, thỉnh thoảng anh lại phát ra những tràng ho kéo dài, miệng ú ớ những tiếng không rõ, bà Trạch lại vội vàng đặt bát cơm xuống, đi lấy nước, lấy thuốc cho con. "Từ khi sinh ra đến giờ, nó không nói và cũng không nghe được câu chi. Năm 20 tuổi lại mắc thêm bệnh hủi". Bà Trạch nói trong rơm rớm nước mắt. 

 

Trong lúc anh Chung đang thiu thiu ngủ, bà lại nhẹ nhàng đem khăn ướt lau chiếu rồi lấy mấy bộ quần áo bẩn của con đi giặt. Vì con trai nằm một chỗ đã nhiều năm nay nên rửa ráy, dọn dẹp, giặt giũ trở thành công việc thường ngày của bà. 

 

82 tuổi, 70 năm đi cào nghêu chạy ăn từng bữa. Đời bà phía trước chẳng còn là bao, bà chỉ canh cánh một nỗi: "Thương con lắm. Đêm nằm không ngủ được. Một mai mình nằm xuống trước, ai sẽ lo cho thằng Chung…". 

  • Bài, ảnh: Phan Tú             

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,