- Đào tạo theo tín chỉ là hình thức đào tạo tiên tiến có nhiều ưu điểm. Loại đào tạo này giúp tăng cường tính chủ động, vai trò của SV trong học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, việc mới triển khai học tín chỉ đã gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt trong công tác đăng ký môn học cho SV.
Chen chúc đăng ký môn học tại ĐH KHXH&NV Hà Nội.
Chen chúc, xô đẩy, tranh giành là hiện trạng của SV ở một số trường ĐH khi đi đăng ký môn học vào đầu mỗi học kì.
Học theo hình thức tín chỉ, SV được sắp xếp chương trình học, lịch học (thời gian và địa điểm) thông qua hình thức đăng ký môn học vào đầu kì học mới. Sinh viên sẽ đăng ký môn học trên máy tính vào những thời gian quy định của trường. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn trong việc đăng ký môn học khá phổ biến, có khi đăng ký lại mang tính may rủi.
Bạn Ngô Thị Thu Đông (Khoa Cấp thoát nước, ĐH Thuỷ lợi) cho biết: “Ngay từ kỳ đầu nhập trường, bọn em đã đi đăng ký môn học. Có môn học nhà trường sắp xếp cho 100% SV nhưng có môn lại chỉ được 50% SV. Ai muốn học được nhiều thì phải gắng đi sớm hay chen vào phòng máy đăng ký. Như em, học kì đầu chỉ đăng ký được 13 tín chỉ”.
Các trường như ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH KHXH & NV Hà Nội lại có cách làm khác. Mỗi SV được bốc thăm một lá phiếu có ghi sẵn thời gian đăng ký. Và tất nhiên những SV nào may mắn sẽ có lá phiếu đăng ký trước và hoàn thiện thời khoá biểu theo như sắp xếp. Những ai không may mắn sẽ phải vào lớp môn học còn lại, thậm chí là không đăng ký được vì... hết lớp.
Bạn Phạm Thị Huyền (Khoa Văn, ĐH KHXH & NV Hà Nội) ngậm ngùi: “ Khi đăng ký môn học có
môn đã hết lớp, không đăng ký được. Bây giờ có ít tín chỉ quá, đang tính học vượt các môn khác nhưng nhà trường không mở lớp.Tôi thấy đăng ký học như kiểu chơi trò may rủi, không khoa học lắm”.
Còn Lê Thị Hải Yến (Khoa Sư Phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội) lại có hoàn cảnh khác. Bạn lo lắng: “Cả lớp mình đều bị lỗi giống nhau, chẳng biết do hệ thống mạng – máy tính thế nào mà chỉ đăng ký được những môn đại cương, còn môn cơ sở ngành thì không đăng ký được. Hiện nay, lớp vẫn đang chờ phòng đào tạo xem xét”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trục trặc trong việc đăng ký môn học của SV. Các trường ĐH mới áp dụng loại hình đào tạo này nên chưa có kinh nghiệm, phần mềm chuyên dụng chưa hoàn thiện, cơ sở vật chất và kinh phí còn hạn chế... Và phải kể đến thói quen truyền thống của nhiều SV hiện nay là luôn trông chờ Phòng Đào tạo, chưa chủ động tìm hiểu thích ứng với loại hình đào tạo tín chỉ.
Anh Phạm Đăng Huỳnh, Nhóm hỗ trợ phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) chia sẻ: “Dù đã có một buổi tập huấn giới thiệu về chương trình đào tạo theo tín chỉ cũng như việc đăng ký môn học, nhưng trên thực tế, SV rất lúng túng trong kỹ năng sử dụng máy tính. Khi hướng dẫn các bạn, mình nhận thấy rất nhiều bạn còn thụ động, đến đăng ký môn học không chuẩn bị thời khoá biểu dự trù cho các phương án. Thậm chí một số bạn còn chưa tìm hiểu mình có thể học những môn nào trong học kì tới...”.
Để đăng ký môn học nhanh, thuận tiện và việc học tín chỉ đạt hiệu quả, các trường ĐH cần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, tổ chức những buổi nói chuyện, đối thoại với SV. Bên cạnh đó, mỗi SV nên tự tìm hiểu, nhanh chóng thích nghi với loại hình đào tạo mới.
-
Nguyễn Thị Dịu, ĐH KHXH&NV Hà Nội