221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1157375
Chìm đò, không thể "chìm" trách nhiệm
1
Article
null
Chìm đò, không thể 'chìm' trách nhiệm
,

 - Cùng chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân trong vụ đắm đò làm 42 người chết, bạn đọc VietNamNet cũng hết sức bức xúc với sự quản lý lỏng lẻo về an toàn giao thông đường thủy, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để những tai nạn tương tự không thể xảy ra nữa.

 

Nỗi đau xé lòng của gia đình nạn nhân trong vụ chìm đò. (Ảnh VNN)

Không thể đổ hết lỗi cho chủ đò

Thật đau lòng khi chứng kiến 42 người dân thiệt mạng vào sáng 30 Tết Kỷ Sửu. Về lý thì đúng là người lái đò phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước sự vi phạm của mình. Nhưng chính quyền địa phương không có trách nhiệm khi để sự vi phạm an toàn giao thông đường thủy xảy ra thường xuyên. Chỉ khi có tai nạn thương tâm xảy ra, người ta mới lo giải quyết hậu quả. Đừng để những người lái đò bất đắc dĩ này phải nhận hết tội về mình... Vũ Đình Hoài, Ba Đình, Hà Nội, hoainhung@fpt.vn

Mỗi khi Tết đến, người dân chúng tôi thường làm một việc do CA phường yêu cầu. Đó là ký vào tờ giấy cam đoan không để mất trộm. Nếu để mất trộm, người bị mất trộm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Cách làm này quả thật là hay với người có sáng kiến nghĩ ra tờ cam đoan này. Những vụ tai nạn như vụ đắm đò sông Gianh xảy ra khi những người có trách nhiệm cũng đã làm việc tương tự. Họ cấp bằng, họ kiểm tra tàu thuyền, họ cấp đăng kiểm, họ có quyền kiểm soát tất cả và đến khi có tai nạn, họ phải thấy trách nhiệm của mình chứ xin đừng đổ lỗi là ở người chủ đò. Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội, mayanh@...

Cần làm rõ trách nhiệm của UBND xã Quảng Hải

Là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác bến đò ngang Quảng Hải, UBND xã Quảng Hải cho đấu thầu bến đò này theo định kỳ. Ai bỏ thầu cao nhất và có các điều kiện về phương tiện vận chuyển, kinh nghiệm nghề nghiệp,... sẽ được trúng thầu (được giao) để vận chuyển, khai thác tuyến giao thông này.

Như đã đưa tin, ở đây, ngoài việc phương tiện vận chuyển không đảm bảo, thiết bị cứu hộ như phao, áo phao không đầy đủ, hoặc có vài cái nhưng chỉ mang tính chất "tượng trưng", khi có tai nạn xảy ra, những chiếc phao này chỉ để "làm cảnh". Vụ chìm đò vừa qua đã minh chứng cho điều đó. Trên thuyền có khoảng 6-7 cái phao, lẽ ra cũng có thể cứu được 14 người (1 phao có thể cứu được 2 người), nhưng rất tiếc những chiếc phao này lại buộc chặt mà ngay cả lúc bình thường cũng phải mất cả tiếng đồng hồ mới mở được...

Con đò gây tai nạn vừa qua đã quá cũ, máy móc không đảm bảo. Hàng ngày, nhiều người dân cũng như cán bộ xã, huyện nơi đây đã đi qua bến đò này. Người dân thì có thể chưa ý thức được sự nguy hiểm đang rình rập, thế còn những người lãnh đạo xã thì sao, lẽ nào ý thức của họ cũng giống như những người dân bình thường (?).

Điều đáng nói ở đây là phương tiện vận chuyển là thế, nhưng phí qua đò cứ mỗi lượt đi - về một người và một xe máy, người dân phải trả 6.000 đồng/lượt đi về, một chi phí được xem là quá cao đối với một xã nghèo hàng năm còn phải nhận cứu trợ của Nhà nước. Vậy phí qua đò này có phải là do tỉnh hay Trung ương quy định không? Câu trả lời chắc chắn sẽ là “không”. Chi phí này được UBND xã Quảng Hải ấn định và thu ngân sách cho xã. Điều này đã trái với quy định của ngành giao thông...

Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm liên đới của đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác bến đò này. Mong rằng các cơ quan ban ngành liên quan sẽ làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, góp phần làm giảm nỗi đau của những gia đình có người thân đã mất trong vụ đắm đò ngày 25/1/09, giúp cho linh hồn của 42 người xấu số được siêu thoát một cách nhẹ nhàng và thanh thản. Cao Ngọc Lợi, Quảng Trạch, Quảng Bình, ngocloiqb@...

Bộ GT-VT cũng phải có trách nhiệm

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tự nhận hình thức kỷ luật về vụ chìm đò làm chết 42 người là việc làm nghiêm minh của Chính phủ và rất cần thiết để các tỉnh khác suy nghĩ, để "thật sự lo cho dân" chứ không nói suông như lâu nay.

Theo ý kiến cá nhân tôi thì Bộ GT-VT cũng phải chịu một phần trách nhiệm chứ không riêng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.Tôi thiết nghĩ, Bộ GT-VT cần có cuộc khảo sát tổng thể về giao thông đường bộ, đường thuỷ đề có các đề án hợp lý nhằm giảm tải, ngăn ngừa tai nạn đáng tiếc trình Chính phủ. Đừng để có vụ việc xảy ra, Chính phủ chỉ đạo, Bộ GT-VT mới ra các đề nghị này, đề nghị nọ là không thật sự lo cho dân đâu. Kính mong Bộ GT-VT suy nghĩ. Trúc Ly, Cà Mau, trucly80@...

Chìm đò, không thể “chìm” trách nhiệm

Hi vọng là chìm đò nhưng không “chìm” trách nhiệm. Chúng tôi mong mỏi các cơ quan liên quan có các biện pháp hữu hiệu để những tai nạn tương tự thế này không xảy ra nữa. Nếu các cơ quan quản lý cứ đẩy quả bóng trách nhiệm tứ tung thế này, người dân bao giờ mới dám hi vọng là sẽ không còn những tai nạn không đáng có xảy ra nữa? Linh Lan, Hà Nội, vanha@...

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chìm đò. Các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu các vụ tương tự, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương đều đã có những cảnh báo và xử lý vụ việc đã xảy ra. Bất luận lý do gì, tôi nghĩ các lãnh đạo hãy nhận trách nhiệm chịu  hình thức kỷ luật thích đáng và nghiêm túc. Hãy làm ngay vì nỗi đau của người dân và những phản ứng của xã hội. Trần Thanh Xuân, Quận 1, TP.HCM, xuanhcmc@...

Không chỉ là trách nhiệm về quản lý kém

Thật là đau lòng cho những người đã khuất và cả những người thân của họ. Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là bước sang năm mới, nhưng đáng tiếc là họ không được tận hưởng thời khắc này. Nỗi đau này không gì có thể bù đắp được. Trách nhiệm của chính quyền địa phương không chỉ là việc quản lý kém việc chở quá tải. Tại sao 2 cây cầu bắc qua dòng sông oan nghiệt đó khởi công từ năm 1993, dự kiến hoàn thành vào năm 1995 với tổng giá trị vào thời điểm 1993 là 82 tỉ đồng mà đến nay chỉ có mấy cây cột chơ vơ giữa dòng sông? Chẳng lẽ cứ đợi đến sự việc đau lòng xảy ra thì mới bắt tay vào việc xây cầu tiếp hay sao? Hoài Bảo, jonhwillyx@...

Giúp đỡ trẻ mồ côi là trách nhiệm của chúng ta

Tôi nghĩ rằng bây giờ không nên mổ xẻ nhiều về trách nhiệm của ai, vì nếu có chung thân hay tử hình ông lái đò thì cũng không có gì biến chuyển. Theo tôi, trách nhiệm này là của mỗi chúng ta. Đã có lúc nào chúng ta chạnh lòng khi thấy những chuyến đò ngang mạo hiểm như vậy? Có khi nào chúng ta nghĩ đến một ý tưởng: lập quỹ để ủng hộ cho các vùng quê nghèo như Quảng Hải và các vùng lân cận có được những con thuyền vững chãi hơn?...

Chúng ta nên nghĩ tới những em bé sẽ không được đến trường, những trẻ thơ khát sữa. Hãy chung tay làm dịu đi phần nào nỗi tang thương mất mát này. Tôi là một đứa trẻ mồ côi, tôi thấu hiểu nỗi đau khổ thiếu thốn mà các em phải gánh chịu. Mọi người chúng ta hãy thương lấy các em, hãy nghĩ đến truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta mà chung tay xoa dịu nỗi đau này. Nguyễn Thị Hồng Dương, Đồng Hới, Quảng Bình

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
;