221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1159343
"Xà xẻo" tiền của người nghèo: Không thể hoàn trả là xong
1
Article
null
'Xà xẻo' tiền của người nghèo: Không thể hoàn trả là xong
,

 - “Có thể hoàn trả lại tiền cho người nghèo nhưng rõ ràng không thể buộc họ hoàn trả lại lòng tin mà chính những kẻ ăn chặn tiền của họ đã lấy đi. Phải xử phạt nghiêm minh để lấy lại lòng tin của người dân vào chính quyền”. Hàng trăm bạn đọc VietNamNet tiếp tục gửi thư bày tỏ sự bất bình và phản ánh việc “ăn chặn” tiền hỗ trợ người nghèo ăn Tết tại nhiều địa phương trên cả nước.

 

Người dân thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam phản ứng việc không nhận được tiền hỗ trợ ăn Tết. (Ảnh VNN) 

101 kiểu ăn chặn

Tôi đang sống tại xã Thiệu Thịnh (huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá). Tôi được chứng kiến một số vị lãnh đạo của thôn có dấu hiệu vi phạm trong việc cấp tiền cho nhân dân nghèo ăn Tết trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua.

Ở quê tôi cũng có tình trạng "xà xẻo" tiền hỗ trợ Tết cho bà con. Chủ trương của Chính phủ cấp tiền cho người nghèo ăn Tết mỗi khẩu là 200.000 đồng nhưng không được quá 1 triệu đồng cho mỗi hộ. Vậy mà ở xã tôi, người dân chỉ được nhận cho mỗi khẩu là 100.000 đồng, mỗi hộ chỉ nhận tối đa là 500.000 đồng. Tuy vậy, cán bộ xã vẫn bắt người dân ký vào sổ đã nhận đủ 1.000.000 đồng. Nguyễn Văn Tuấn, Thanh Hoá, Vantuan.vnn@...

Tại xã của tôi có cách chi tiền Tết cho người nghèo khác hơn một chút. Nhà tôi thuộc diện nhà nghèo và trong xã cũng nhiều trường hợp nằm trong diện trên. Tất cả các gia đình đều bị chính quyền xã rút lại 50.000 đồng với lý do “chia cho các cụ già”. Dù vì lí do gì đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được vì trái với chính sách của Nhà nước là hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Phạm Văn Quyết, Nghĩa Hưng, Nam Định, phvq_0@...

Tết này, tôi có về thăm một xã ở Quảng Ngãi và cũng được chứng kiến sự việc tương tự. Lẽ ra mỗi nhân khẩu thuộc hộ nghèo phải được hưởng 200.000 đồng của Chính phủ và mỗi hộ gia đình nghèo được hưởng tối đa 1 triệu nhưng quê tôi lại khác. Tiền được chia đều cho tất cả các hộ trong thôn (giàu cũng có, nghèo cũng có). Có một số hộ thuộc diện nghèo của xã, với 4 nhân khẩu cũng chỉ được cấp 400.000 đồng.

Một điều kỳ lạ nữa là đến chiều 30 Tết mới thấy cán bộ thôn mang tiền đến cho người dân. Người dân thắc mắc tại sao không được hưởng đúng theo mức trợ cấp của Chính phủ thì cán bộ thôn bảo người dân cứ lên xã mà kiện, còn nhận hay không là tuỳ. Tôi còn nghe một số người phản ánh, khi cán bộ thôn đi cấp tiền còn xin lại “tiền giấy bút” nữa, thật phi lý.

Xin nói thêm, quê tôi rất nghèo, đường sá không được đầu tư, nâng cấp nhưng tượng đài thì vừa xây xong hàng tỷ đồng, sau vài năm bỏ hoang, nay được đập bỏ xây lại cái mới nhiều tiền hơn. Huy, Vũng Tàu, vanhy1380@...

Theo tôi được biết, tại xã ĐV, TP.Thái Bình, người nghèo cũng bị ăn chặn tiền Tết. Nhiều hộ gia đình được cấp sổ hộ nghèo nhưng đi "xin" mãi cũng chỉ được 200.000 đồng. Những người dân nghèo chỉ biết ngậm ngùi chứ không biết kêu ai. Đề nghị trừng trị thích đáng những kẻ lợi dụng chức quyền ăn chặn của dân. Đỗ Thị Hạnh, Thái Bình, dohanh32@...

Tiêu chuẩn nghèo rơi vào người thân của lãnh đạo

Ở Hà Tĩnh, không chỉ mỗi huyện Nghi Xuân mà có lẽ xảy ra ở nhiều huyện khác. Tôi cũng đã được chứng kiến việc này. Chính phủ có chính sách ủng hộ cho người nghèo mỗi khẩu 200.000 đồng để được đón Tết vui vẻ cùng cả nước thì ở xã Đức Thanh mãi đến 12-15 tháng Giêng (âm lịch) mới phát cho dân, như vậy Tết đã qua thì còn ý nghĩa gì nữa!?

Điều đáng nói nữa là những người thanh niên mới lập gia đình, có thể nói là những người "sức dài vai rộng" thì được tiêu chuẩn hộ nghèo. Nhiều gia đình chỉ có vợ chồng và 1 đứa con thì được nhận hỗ trợ 1 triệu, còn có gia đình 2 vợ chồng già, không có lương, chỉ mấy sào ruộng, vì sức yếu không làm được thì không được tiêu chuẩn hộ nghèo.

Mẹ tôi, một phụ nữ chồng mất, không tiền lương, chỉ mấy sào ruộng, nuôi 5 đứa con đi học ĐH ở Hà Nội. Khi biết Chính phủ có chính sách dành cho hộ nghèo, mẹ tôi đến xin tiêu chuẩn thì bị chính quyền cấp xã từ chối và còn nói: "Muốn cho con cái sau này sung sướng thì cho chúng đi học chứ nghèo gì mà nghèo...", đến khi chúng tôi học hành xong rồi thì họ mới cho mẹ tôi vào danh sách hộ nghèo!? Tôi mong các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp với những người vô lương tâm này. Kim Yen Nguyen, Đức Thọ, Hà Tĩnh, kimyenqtht@...

Tiền trợ cấp Tết - phép thử tâm đức 

Tết Kỷ Sửu vừa qua, Chính phủ quyết định trợ cấp cho số hộ nghèo trên toàn quốc, mỗi nhân khẩu được 200.000 đồng, mỗi hộ nghèo không quá 1 triệu đồng để có tiền ăn Tết. Trong lúc kinh tế đất nước đang rất khó khăn thì đây là quyết định rất đúng đắn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng nghèo khó.

Trước chủ trương và quyết định đầy tính nhân văn, rất có ý nghĩa sâu sắc như vậy nhưng theo báo chí đưa tin, tại rất nhiều địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bắc Giang, tại cấp cơ sở xã, thôn có tình trạng bớt xén tiêu chuẩn của hộ nghèo chia đều cho các hộ không nghèo, thậm chí nhiều gia đình cán bộ, đảng viên khá giả cũng được chia số tiền này.

Tại nhiều nơi, nhận được số tiền trợ cấp từ cấp trên, cán bộ cơ sở lại viện nhiều lý do trừ nợ của dân nên số tiền thực nhận của dân còn không đáng kể so với tiêu chuẩn quy định.

Dư luận trên cả nước vô cùng bức xúc, bất bình với cách làm tuỳ tiện, ý thức kém, vô lương tâm, tham lam của những cán bộ cơ sở thoái hoá biến chất tại những địa phương mà báo chí đã nêu.

Vốn là một cán bộ từng làm công tác dân vận lâu năm, để chấn chỉnh sai phạm trên, tôi rất hoan nghênh lãnh đạo MTTQ TP.HCM đề nghị rà soát, kiểm tra lại việc thực hiện tiền trợ cấp này trên toàn quốc.

Việc kiểm tra làm rõ đúng, sai, tôi nghĩ không khó khăn và những trường hợp cán bộ cơ sở, Đảng viên vi phạm phải bị xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Người nào sai phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng kiên quyết không tránh né cho qua.

Từ sai phạm trên, người dân có quyền đặt vấn đề, khi tiền trợ cấp lũ lụt thiên tai còn khẩn trương và từ nhiều nguồn đến địa phương bị thiệt hại thì đồng tiền, vật chất cứu trợ đến người bị nạn liệu còn tiêu cực, “tù mù” đến mức độ nào?

Các địa phương đang mở hội nghị tổng kết biểu dương kết quả 2 năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những bản báo cáo thành tích thường rất hay nhưng những việc làm trên có thể cho ta thấy tấm gương đạo đức của Bác Hồ chưa thấm đến cán bộ Đảng viên cấp cơ sở. Đây là sự thật đáng buồn nhưng cần thiết phải nói thẳng và có biện pháp kiên quyết nghiêm khắc xử lý người làm sai. Trịnh Thanh Phi, Hà Nội, trinhthanh38@...

“Xà xẻo” tiền Tết của người nghèo: Không thể hoàn trả là xong

Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ tiền cho người nghèo ăn Tết, có thể nói đây là chủ trương thể hiện sự ưu việt của Nhà nước. Thế nhưng, tại không ít địa phương, đồng tiền đã không về đúng đích. Những người có trách nhiệm đã "linh hoạt" xà xẻo một cách không thương tiếc. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lại xảy ra tình trạng này? Phải chăng chỉ cần "hoàn trả" lại tiền cho người nghèo là mọi việc đã xong?

Có lẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiền hỗ trợ cho người nghèo bị "ăn chặn" nhưng dễ thấy nhất có lẽ chính ở khâu chỉ đạo thực hiện. Trong việc này, chưa xác định rạch ròi đâu là đối tượng được hưởng lợi và ai là người có quyền trực tiếp và gián tiếp ấn định đối tượng của chính sách này; quy định thời gian cần thiết và muộn nhất để đồng tiền có ý nghĩa nhân văn này đến với đối tượng.

Được biết, ở nhiều nơi, trưởng thôn và tổ tự quản hoàn toàn có quyền "định đoạt" đối tượng hưởng lợi một cách hết sức cảm tính. Điều này khiến họ rất dễ "lách luật" để "linh hoạt" xà xẻo. Chính sự không rõ ràng trong chỉ đạo này đã dẫn đến nhiều địa phương chiều 30 Tết mới nhận được tiền hỗ trợ, lúc này ý nghĩa của chủ trương này ít nhiều giảm đi.

Sự việc đã xảy ra không như ý muốn của các cấp lãnh đạo nhưng không phải là họ không có lỗi, nhất là chính quyền địa phương và những người có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp. Tiền đến sai địa chỉ (và chậm trễ về thời gian) không phải chỉ "thu hồi", "hoàn trả" là coi như mọi việc đã được giải quyết.

Có thể thu hồi lại khoản tiền chi sai đối tượng nhưng không thể thu hồi lại việc làm sai trái của nhiều cán bộ trong chỉ đạo thực hiện và lòng tham của họ khi ăn chặn trắng trợn những đồng tiền mà đáng lẽ nó sẽ mang lại niềm vui cho người nghèo trong dịp Tết.

Có thể hoàn trả lại tiền cho người nghèo nhưng rõ ràng không thể buộc họ hoàn trả lại lòng tin mà chính những kẻ ăn chặn tiền của họ đã lấy đi. Phải xử phạt nghiêm minh để lấy lại lòng tin của người dân vào chính quyền. Phạm Đi, Trung Quốc, phamdi1973@... 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,