- Thông tư số 35/2009/TTLT-BTC-BCA của Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (gọi tắt là Thông tư 35) hợp lý nhưng chưa hợp pháp.
Bảo hiểm cho ôtô rất cần thiết khi gặp thiên tai. (Ảnh VNN)
Văn bản quy phạm pháp luật, công cụ điều chỉnh các vấn đề mang tính thời sự của xã hội, yếu tố tiên quyết nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Khi văn bản được ban hành, cần chú trọng tính hợp pháp và tính hợp lý nhằm mang lại giá trị thực tiễn thi hành và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong xã hội.
Trong trường hợp này, vấn đề chúng tôi đề cập là tính hợp lý nhưng chưa hợp pháp tại tiết a và b, điểm 1.3, khoản 1, phần II, Thông tư số 35/2009/TTLT-BTC-BCA của Bộ Tài chính và Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (sau đây gọi tắt là Thông tư 35).
Cụ thể là: “…a) Phạt tiền 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe mô tô ba bánh và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực” và “b) Phạt tiền 500.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực.…”. Các quy định này không mang tính hợp pháp vì những lý do:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008 thì: “…Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể trong các văn bản luật của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và nghị định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền, không được quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt”... Do vậy, với thể loại văn bản là thông tư của cấp bộ thì không được quy định mức xử phạt vi phạm hành chính.
Mặt khác, Thông tư số 35 chỉ là văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chỉ được xem là văn bản hướng dẫn chuyên ngành, không phải là văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền.
Thêm nữa, nếu là văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền thì Thông tư số 35 phải căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 146/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (gọi tắt là Nghị định 146).
Mức xử phạt đối với hành vi không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, còn hiệu lực chỉ nằm trong khung tiền phạt từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng (điểm b, khoản 2 Điều 24 Nghị định 146) hoặc từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (điểm b, khoản 4 Điều 24 Nghị định 146) và khi áp dụng xử phạt, nếu không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì người vi phạm chỉ bị xử phạt ở mức trung bình, tức là chỉ thuộc 2 mức: 50.000 đồng (với xe mô tô) và 400.000 đồng (với xe ô tô).
Tuy nhiên, theo quy định tại tiết a, b nêu trên thì việc đưa ra mức phạt từ 100.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy và 500.000 đồng đối với xe ô tô (tương đương mức cao nhất của khung tiền phạt theo quy định của Nghị định 146) là không đảm bảo tính hợp pháp của văn bản.
Từ những vấn đề trên, cần xem xét lại nội dung và cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm tăng cường tính pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta đúng định hướng và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
-
Phan Hải Hồ, Sở Tư pháp TP.HCM