- “Quy định giờ cao điểm vào buổi sáng để tính giá điện là không hợp lý. Không lẽ người lao động phải đi làm vào ban đêm để tránh giờ cao điểm hay máy móc làm việc ban ngày vận hành vài tiếng rồi tắt, sau giờ cao điểm, mới khởi động lại?”. Bạn đọc VietNamNet đề nghị Bộ Công Thương và EVN sớm xem xét điều chỉnh lại giá điện giờ cao điểm.
Máy móc nghỉ giải lao chờ qua giờ cao điểm. (Ảnh VNN)
Công nhân thức đêm, ngủ ngày tránh giờ cao điểm
Theo cách tính giá điện mới thì doanh nghiệp phải sản xuất vào giờ thấp điểm, tức là ban đêm để tiết kiệm điện. Như vậy, công nhân phải thức trắng đêm để sản xuất cho tiết kiệm tiền của công ty. Ban ngày, họ ở nhà và phải dùng điện trong giờ cao điểm. Bố mẹ đi làm ban đêm, trẻ con ở nhà với ai? Cuối cùng, người dân vẫn là khổ nhất. Ha Van Duc, TP.HCM, duchavan@...
Tôi là chủ một doanh nghiệp sản xuất và đang phải đau đầu tìm cách giảm giá điện sản xuất. Vào giờ thấp điểm từ 20h hôm trước đến 9h30 hôm sau, tôi phải bố trí 2 ca làm việc, nghĩa là công nhân sẽ phải giao ca lúc 3-4 giờ sáng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới nhịp sinh học của con người và về lâu dài sẽ tác động xấu đến sức khoẻ của công nhân. Việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp và lớn hơn là ảnh hưởng đến sản xuất của toàn xã hội.
Thiết nghĩ, nếu ngành điện chấp nhận thiệt một chút về phía mình, xoá bỏ giờ cao điểm từ 9h30-11h thì sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp, người lao động, cũng như toàn xã hội. Hoàng Tuấn, Hà Nội
Máy móc vận hành ngắt quãng
Mới đầu, khi nghe tăng giá điện, tôi đã phản đối kịch liệt vấn đề này nhưng khi suy nghĩ kỹ thì thấy nếu tăng giá khoảng 7% là hợp lý. Nhưng quy định giờ cao điểm vào buổi sáng thì tôi thấy không hợp lý một chút nào. Không lẽ máy móc chỉ vận hành vài tiếng rồi tắt, sau giờ cao điểm, máy móc khởi động lại? Làm như vậy là quá lãng phí trong khi chúng ta phải đang thắt lưng buộc bụng để chống lãng phí. Chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương cùng EVN sớm xem xét điều chỉnh lại giá điện phục vụ người dân và doanh nghiệp được tốt hơn. Nguyễn Hồng Châu, Bình Dương, hoangchaubd1985@...
Tôi đồng tình quan điểm quy định giá điện mới không khác gì "đánh đố" doanh nghiệp. Mục đích của việc quy định giờ cao điểm là để khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm giá thành bằng cách tránh sản xuất vào giờ cao điểm... Nhưng với quy định mới này, làm gì có doanh nghiệp nào tổ chức sản xuất tránh giờ cao điểm được?
Liên quan đến đặc thù công nghệ sản xuất, doanh nghiệp không thể khởi động cả hệ thống dây chuyền làm việc 4-5 giờ, sau đó lại ngừng 2 giờ rồi lại làm việc… Làm như vậy đúng là "một tiền gà, ba tiền thóc", tiết kiệm được một ít chi phí dừng sản xuất giờ cao điểm ban ngày (2 giờ) nhưng lại tăng chi phí sản xuất do làm việc gián đoạn, tăng chi phí chế độ khác cho người lao động do phải làm thêm giờ hay làm ca 3... Tran Cuong, Thái Nguyên, Cuongtck@...
Toàn xã hội chịu thiệt trừ EVN
So với các quy định trước đây thì cách tính giá điện lần này đẩy các doanh nghiệp sản xuất vào bài toán khó có thể cân đối được.
Nếu tránh giờ cao điểm thì ảnh hưởng đến giờ sản xuất, ảnh hưởng đến việc chi thêm tiền lương, tiền công. Doanh nghiệp nếu bố trí lại giờ làm việc thì sẽ thiếu khoa học và không thể áp dụng được một cách triệt để trong việc tránh giờ giá điện cao để giảm giá thành. Đó là một bài toán khó đối với bất cứ doanh nghiệp sản xuất nào.
Theo tính toán lý thuyết, ngành chức năng cho rằng, việc tăng giá điện lần này chỉ khoảng 7%, nhưng thực tế tính toán của doanh nghiệp là tới trên 20%, thậm chí là 30%. Đó là con số đáng lo ngại trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, làm cho các doanh nghiệp đã khó khăn nay càng khó khăn.
Điện năng là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của bất kỳ ngành kinh tế nói chung nào và ngành sản xuất nói riêng. Do vậy, việc tăng giá thành điện năng không những ảnh hưởng tới việc sản xuất thường ngày của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng lâu dài tới việc ổn định kinh tế xã hội. Vũ Dũng, Hà Nội, xutaco@...
Việc EVN đặt ra giờ cao điểm từ 9h30-11h30 là không hợp lý. EVN chỉ nên hạn chế tiêu dùng lãng phí chứ không nên kìm hãm sản suất. Nếu tăng giá điện sản xuất thêm 1.000 đồng thì chi phí đó sẽ tính vào giá thành sản phẩm. Nó làm cho tính cạnh tranh sản phẩm của Việt
Hơn nữa, nếu EVN cho rằng giá điện phải tăng theo giờ cao điểm, vậy giá mua điện của EVN trả cho các nhà máy điện có tăng theo giờ cao điểm chưa? Thực sự là EVN đã khai thác hết sản lượng điện để phục vụ cho kinh tế quốc dân chưa?
Tôi cho rằng nếu EVN chỉ cần trả thêm 25% giá điện cho mỗi kw mà các nhà máy điện cung ứng vào giờ cao điểm thì khả năng đáp ứng công suất của toàn hệ thống sẽ cải thiện đáng kể và như vậy là chúng ta đang tiết kiệm từng đồng vốn đầu tư cho các nhà máy điện. Tran Thanh Tung, Bình Dương, tranthanhtung_70@...
Tôi cho rằng EVN tăng giá điện vào giờ cao điểm, giờ sản xuất là không hợp lý. Trong khi cả nước đang phục hồi kinh tế, các yếu tố đầu vào phải giảm giá để thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy kinh tế thì EVN lại tăng giá điện. EVN chỉ mới tính tăng giá điện để tạo thuận lợi cho riêng họ mà chưa nghĩ đến người dân, đến doanh nghiệp và lớn hơn là toàn xã hội. Phạm Thành Ngũ, Hải Phòng, thanhnamxda@...
Cần có nhìn nhận đúng về giờ cao điểm
Tôi chưa biết cơ sở chính xác của việc chọn giờ cao điểm để định giá điện là gì nhưng qua trả lời của các vị có chức sắc, tôi nhận thấy việc chọn giờ cao điểm buổi sáng có các lý do sau: Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng như vậy, cụ thể là Trung Quốc và Thái Lan; vì yêu cầu phải tăng giá điện cho đúng số tiền đó, nhưng phải chia cho người dân sử dụng nên phải lập thêm giờ cao điểm để thu thêm tiền cho đủ; do tại doanh nghiệp sử dụng điện không đúng vào giờ cao điểm và điều quan trọng nhất đây là chủ trương của Chính phủ đã ban hành rồi, phải thực hiện.
Quả thật với những lý do đó, chúng ta sẽ nhận thấy được các vấn đề như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn chưa được coi trọng. Dù đã hơn 20 năm đổi mới nhưng đa số quan chức vẫn coi mình là người ban phép cho doanh nghiệp. Ông Bùi Xuân Khu nói: “Khi Nhà nước ban hành chính sách thì doanh nghiệp cần phải thích ứng. Những ngành nào muốn nâng cao tính cạnh tranh, có giá thành rẻ, thì phải chuyển giờ đêm, sau 22h mà làm”.
Doanh nghiệp đâu cứ phải muốn chuyển đổi như thế nào thì chuyển. Họ phải tính đến việc làm ngoài giờ trả chi phí cho công nhân ra sao, chi phí khác phát sinh ra sao, giá thành mới ra sao.
Doanh nghiệp bây giờ hoạt động khó lắm, nhất là doanh nghiệp Việt
Thứ hai, một doanh nghiệp sản xuất không thể tự nhiên sản xuất bình thường từ 7h00 đến 10h30, rồi đến 10h30 mới tăng sản lượng lên để sử dụng nhiều điện hơn.
Sản xuất là một dây chuyền. Dây chuyền trong sản xuất không tạo ra cao điểm sử dụng điện. Nếu Bộ Công Thương nói điều đó là chính xác, xin hãy công bố con số thống kê. Xin lưu ý rằng, đây là điện cho sản xuất chứ không phải điện cho đơn vị sản xuất. Quy trình sản xuất không thể ngưng một vài công đoạn. Nói rằng sản xuất phải thay đổi để không bị vào giờ cao điểm là không chính xác.
Thứ ba, Bộ Công Thương khi ra phương án giá điện giờ cao điểm phải tìm cho ra nguyên nhân gây cao điểm đó và khắc phục, không khắc phục được mới tính đến chế tài.
Sản xuất không gây ra cao điểm, vậy điều gì gây ra cao điểm? Ai cũng dễ nhận thấy, việc ăn và nghỉ của công nhân, của người dân mới chính là cái gây cao điểm. Ví dụ như lượng điện tăng do giờ ăn, giờ nghỉ của công nhân, từ siêu thị, văn phòng do buổi trưa nắng nóng hơn buổi sáng… Đó mới là nguyên nhân gây cao điểm về điện. Vậy, chúng ta cần phân định rõ, điện cho sản xuất không có giờ cao điểm nhưng điện ngoài sản xuất thì có giờ cao điểm.
Không nên hô hào doanh nghiệp phải tiết kiệm mà điều quan trọng là phải hướng dẫn họ nên tiết kiệm điện như thế nào. Sự tiết kiệm đó phải được thể hiện qua hành động cụ thể và được kiểm chứng bằng lượng điện giảm dần. Nên thưởng cho đơn vị có lượng điện giảm dần. Điều cuối cùng, chúng ta phải học cách tôn trọng doanh nghiệp, họ là người mang đến của cải cho xã hội. Tôn trọng họ là mở đầu cho sự phát triển về kinh tế. Minh Tran, perimpco@...