- Chỉ mới “ngấp nghé” đầu mùa nóng mà người dân một số khu vực ở Hà Nội đã phát sốt, phát rét với câu chuyện nước sinh hoạt hàng ngày. Cứ đến hẹn lại lên vào mùa này, song song với chuyện mất điện là chuyện thiếu nước. Người dân chỉ biết vật vã “mong trời khoan nóng để đợi nước về”.
Để sẵn chậu chờ nước về
Ngóng nước như “nắng hạn chờ mưa”
Phường Đại Kim có 46 tổ nhưng chỉ có những tổ gần trạm cung cấp nước của phường mới tạm có đủ nước dùng. Những tổ còn lại chỉ biết dùng nước giếng khoan vì đường ống dẫn nước chưa thể về đến từng hộ dân.
Ông Hoàng Tạo, phó trưởng ban các tổ dân phố phường Đại Kim cho biết: “Hiện tại, trạm phát nước của phường chỉ đủ cung cấp cho 70% số hộ gia đình. Còn 30% thì sẽ tự túc nhờ nguồn nước mưa và nước giếng. Trạm phát nước của phường từ hơn hai chục năm trước chỉ dành cho độ 500 - 600 khẩu, bây giờ dân số tăng lên thì trạm làm sao phát đủ”.
Tuy nhiên, khi đến những tổ gần phường, thì chúng tôi được người dân tại đây phản ánh rằng dù có đủ nước nhưng chỉ đáp ứng vào mùa đông, còn mùa hè thì trạm phát đành “lỗi hẹn” với họ.
Ông Chu Văn Hà tổ 26 chia sẻ: “Nhà tôi không có bể ngầm nên khi dẫn nước lên tầng thượng thì đúng là chịu. Nước không đến được nơi nên nhà tôi đành dùng nước giếng. Tôi rất muốn nước máy đủ dùng chứ dùng nước giếng khoan thì không thoải mái chút nào”. Nhà ông Hà chỉ dám lấy nước máy nấu ăn và đun nước uống chứ không dám dùng cho những sinh hoạt khác.
Riêng những tổ còn lại thì còn khốn khổ hơn. Bà Trần Thị Dung ở tổ 28 phường Đại Kim khóc dở, mếu dở việc hứa hẹn với bố mẹ sinh viên thuê trọ là sẽ có nước máy để dùng. Nhưng đợi mãi mà nước không thể về đến nhà bà nên sinh viên phản hồi với gia đình và các bậc phụ huynh lại chất vấn bà Dung. Khi được hỏi chuyện, bà Dung mếu máo: “Giờ mà sinh viên chuyển đi hết thì tôi chết. Bởi vì cả nhà chỉ có nghề làm nông, giờ già yếu rồi chỉ trong vào mấy đồng tiền trọ. Mấy cô cậu này con nhà khá lắm chỉ vì muốn trọ gần trường nên mới chịu ở đây. Bây giờ không có nước máy thì chúng chuyển. Mất toi mấy triệu mỗi tháng”.
Tương tự chuyện nước máy bên phường Đại Kim, bên xã Đại Mỗ - huyện Từ Liêm lại càng bi đát hơn. Cả xã có 9 thôn thì không có nước đã chiếm 5 thôn tức là có đến 60% hộ dân không được dùng nước máy. Mà đã không có nước máy họ chỉ trực chờ vào nước giếng khoan.
Nước giếng khoang sâu 40m vẫn nổi váng
Theo công bố của Viện Khoa học Việt Nam thì nguồn nước ở xã Đại Mỗ chứa chất Amoni (gây ung bướu) hàm lượng cao. Người dân tại đây vô cùng bức xúc, chỉ mong sớm có nước máy đến với thôn mình.
Bà Nguyễn Thị Khảm xóm 1, thôn Liễn Cơ bực tức: “Chúng tôi mong nước sạch từ năm này sang năm khác. Cuộc họp nào cũng đưa chuyện nước ra bàn, kiến nghị. Gần chục năm rồi cũng vẫn quay về với giếng khoan nhà mình thôi, vừa dùng nước vừa lo nhưng vẫn phải chịu”.
Chuyện thiếu nước sạch đầu mùa khô luôn là vấn đề làm đau đầu chính quyền sở tại. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ cho biết: “Vì kinh phí có hạn nên chưa thể đưa nước máy tới tất cả các thôn trong xã. Hiện còn 4 thôn: Liên Cơ, Ngọc Đại, Giao Quang, An Thái vẫn dùng nước giếng khoan. Kế hoạch lắp đặt hệ thống nước máy đã được vạch ra trên giấy tờ nhưng chưa thực thi được vì thiếu kinh phí”.
Muôn cái khổ vì thiếu nước
Bà Thanh vợ ông Hà ở tổ 26 phường Đại Kim oằn người lên vì đứa cháu cứ gào khóc quằn quại. Đứa bé mới hơn 10 tháng tuổi không hiểu sao mà mấy ngày nay cứ khóc không chịu ăn uống gì. Bà Thanh đưa đến trạm y tế của phường thì được bác sĩ cho biết cháu bé bị nhiễm khuẩn gây ngứa và khó chịu ở da.
Bà Thanh ngoài việc cho thuê trọ còn ở nhà trông trẻ nên bà rất lo. Nước máy không có, suốt ngày chỉ dùng nước giếng để tắm cho trẻ nhỏ. “Khổ lắm! Nhưng chẳng biết kêu ai. Mong cho trời mưa xuống để có tí nước mưa mà tắm cho các cháu. Nếu có nhiều tiền mà mua nước đóng chai tắm ngày 2 bận có phải tốt hơn không”, bà chia sẻ.
Đứa bé trên tay bà Thanh vẫn cứ hét toáng lên, hết cấu mặt mình lại cấu sang người bế nó. Anh Mạnh, con trai bà Thanh phải nghỉ làm để ở nhà trông con vì con quấy quá mà bà Thanh thì không thể một tay trông cả mấy đứa trẻ suốt ngày gào thét vì ngứa.
Ông Hà ngồi đợi nước giếng lắng xuống mới dám đun dùng
Theo chân ông Hà lên sân thượng, ông gõ nhẹ vào bình đựng nước máy, buồn bã bảo: “Đấy cô nghe thấy không? Có còn giọt nước nào đâu. Mới hai tháng trước đây nhà tôi còn đủ nước để dùng, bây giờ thì khô khốc. Lại một mùa nữa bố con tôi thực hiện chính sách tiết kiệm cao độ”.
Ngay cả việc đun nước uống, ông cũng phải bơm nước giếng khoan để dùng. Nhưng muốn đun nước uống từ nước giếng khoan, ông phải để nước thật lâu cho lắng rồi mới chắt sang ấm để đun, còn lại cặn, ông đổ vào một cái bình riêng.
Cặn vôi để lâu trong không khí vàng khè và biến thể thành đỏ ché. “Thế thì bảo sao bọn trẻ con không ngứa”, bà Thanh chép miệng. Biện pháp của hai ông bà là đun nước giếng để nguội rồi tắm cho các cháu nhưng cũng không khá hơn được bao nhiêu vì mấy đứa trẻ vẫn ngứa và khóc lóc ầm ĩ.
Bình đựng cặn nước nhà ông Hà.
Nhà ông bà Khảm ở xóm 1, thôn Liên Cơ, xã Đại Mỗ thì mua hẳn chiếc máy lọc nước 2,8 triệu cho chắc nhưng cả nhà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Vì đã khoan giếng sâu đến hơn 50 m mà nước vẫn đỏ quạch, vàng chóe. Bà Khảm mệt mỏi: “Mua được cái máy chỉ mong nó giảm được bẩn chứ độc thì cũng chưa chắc”.
Không có nước sạch để dùng nên nhiều hộ dân của 5 thôn còn lại đã đệ đơn lên chính quyền sở tại nhưng vẫn chưa được giải quyết. Vì như ông Dũng - chủ tịch xã này cho biết: “Bây giờ tại Hà Nội có quá nhiều xã như xã chúng tôi. Làm cái gì cũng phải từ từ và dần dần”. Nhưng người dân nơi đây không biết cái “từ từ và dần dần” ấy là đến bao giờ?
Chị Nguyễn Thị Thừa, phụ trách trạm y tế thôn Liên Cơ không giấu vẻ lo lắng khi cho chúng tôi biết, gần 5 năm trở lại đây, thôn có hơn 10 trường hợp chết vì ung thư. Chị Thừa nói: “Thôn chúng tôi có người mắc bệnh ung thư thế là ít đấy. Có nhiều trường hợp chẳng thuốc lá rượu chè gì mà vẫn bị ung thư phổi, rồi ung thư gan. Như trường hợp một chị ở xóm 4, chồng không thuốc, không rượu thế mà vợ bị ung thư phổi và chồng cũng đang đi khám ở Bệnh viện K”.
Rất nhiều ý kiến của các hộ dân nơi đây là mong một ngày nào đó được dùng nước sạch dùng, để người lớn không phải hàng ngày chắt nước giếng khoan đun uống, trẻ nhỏ không phải ngày đêm khóc lóc... vì ngứa.
-
Thu Hà - Như Quỳnh