- Hàng nghìn bài thi khối C đạt điểm dưới trung bình không phải là hệ quả của những lỗi diễn đạt, câu cú mà chính là do kiến thức của các em quá yếu. Chương trình học quá nặng, nặng về hàn lâm cùng với những bài học khô cứng là nguyên nhân dẫn đến điều đó.
Mệt mỏi với những bài học văn. (Ảnh VNE)
Là một phụ huynh học sinh, tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và đặc biệt là chương trình và sách giáo khoa (SGK) của các em học sinh.
Khi VietNamNet đăng tải loạt bài nhặt sạn SGK của ông Văn Hiến cùng phản biện của nhóm tác giả soạn sách, những bậc phụ huynh như tôi rất bất ngờ và lo lắng về chất lượng các SGK mà bấy lâu nay con em của mình đang học.
Tôi đã đọc lại rất kỹ những bài viết nhặt sạn cho SGK ngữ văn, lịch sử và thấy rằng ông Văn Hiến đã rất công phu để chỉ ra nhiều chỗ sai sót trong các tập sách và có những chỗ buộc nhà Xuất bản Giáo dục phải công nhận đó là một việc làm rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ thì thấy nhiều chỗ cũng hơi quá khi “bới lông tìm vết”, phát hiện những sai sót vụn vặt của SGK rồi thổi phồng gây ra sự hiểu lầm, tâm lí hoang mang cho phụ huynh, học sinh.
Những lỗi ông Văn Hiến chỉ ra chủ yếu là lỗi hình thức như dùng dấu chấm hay dấu phẩy, viết hoa hay viết thường, diễn đạt chưa chuẩn xác… Tôi cho rằng những lỗi đó không ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu của học sinh đối với môn học.
Kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ khối C những năm gần đây thấp thảm hại khiến chúng ta không khỏi giật mình. Điều đó đã cho thấy học sinh của chúng ta ngày càng yếu kém về các môn Văn, Sử, Địa và các em không hứng thú với những môn học xã hội này.
Hàng nghìn bài thi khối C đạt điểm dưới trung bình không phải là hệ quả của những lỗi diễn đạt, câu cú mà chính là do kiến thức của các em quá yếu. Chương trình học quá nặng, nặng về hàn lâm cùng với những bài học khô cứng mới là nguyên nhân dẫn đến điều đó.
Dù thế nào thì SGK cũng phải hướng tới sự chuẩn mực. Những lỗi hình thức mà ông Văn Hiến góp ý về bộ SGK Ngữ văn, Lịch sử cũng đáng để các tác giả xem xét, chỉnh sửa.
Hàng năm, ngân sách Nhà nước dành hàng nghìn tỷ đồng cho việc đổi mới chương trình và nội dung SGK. Tôi không biết các tác giả biên soạn đã đổi mới, cải tiến SGK như thế nào nhưng những lỗ hổng trong kiến thức của học sinh về các môn khoa học xã hội khiến chúng tôi vô cùng trăn trở.
Tôi cho rằng, thay vì tranh cãi trên diễn đàn đề cao “cái tôi” của mình, các tác giả biên soạn SGK hãy nhìn thẳng vào thực tế giáo dục hiện nay, thực sự cầu thị và có trách nhiệm biên soạn những cuốn SGK có chất lượng tốt, phù hợp với các em học sinh.
-
Minh Châu