- Hiện nay, việc phổ biến pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội trong các doanh nghiệp cho người lao động còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian qua có nhiều bạn đọc nữ thắc mắc về các vấn đề liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội của thai sản, chế độ làm việc, nghỉ ngơi... sau thời gian sinh con. Chúng tôi đã liên lạc với cơ quan bảo hiểm xã hội để giải đáp các thắc mắc của bạn đọc.
Hỏi: Tôi có thai được 7 tháng, tôi nghe các đồng nghiệp nói: có thai từ tháng thứ 7 trở đi được đi làm muộn 1 tiếng/ngày làm việc, có đúng không? (Câu hỏi của bạn Ngô Thị Hương, Vĩnh Khê, An Đồng, Hải Phòng, ngohuongnv@...)
Trả lời: Theo khoản 2, Điều 115 Bộ luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động nữ có thai từ tháng thứ bảy hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa.
Người lao động nữ làm công việc nặng nhọc, khi có thai đến tháng thứ bảy, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
Như vậy, trong trường hợp này không phải là được đi làm muộn một tiếng/ngày mà là “... được giảm bớt một giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương”. Tuy nhiên, không có nghĩa là bạn muốn nghỉ giờ nào cũng được mà bạn phải báo cáo và trao đổi cụ thể với người sử dụng lao động để người sử dụng lao động có kế hoạch bố trí bạn làm công việc nhẹ hơn hoặc sắp xếp thời gian nghỉ một cách phù hợp cho bạn và cho công việc.
Hỏi: Trước đây, tôi tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở 1 công ty du lịch từ tháng 3/2004 đến tháng 6 năm 2006. Sau đó, tôi nghỉ việc và không tham gia đóng bảo hiểm nữa. Đến tháng 3/2008, tôi đi làm và tiếp tục đóng bảo hiểm đến tháng 12/2008 thì tôi sinh. Vậy cho hỏi, tôi có được hưởng chế độ thai sản không? (Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Nga, Đà Nẵng, doisekho@...)
Trả lời: Điều 28 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:
- Lao động nữ mang thai.
- Lao động nữ sinh con.
- Người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ sáu tháng trở lên trong thời gian mười hai tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản theo khoản 2, Điều 28 Luật Bảo hiểm Xã hội như sau: Lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn đã tham gia bảo hiểm liên tục được 10 tháng, bạn hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con.
Hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt đầu từ tháng 6/2008, đến ngày 31/5/2009 thì hết hạn HĐ, trong khi đó hiện tôi đang có thai gần 7 tháng, khoảng giữa tháng 6/2009 sẽ sinh con (cũng là thời gian hết HĐLĐ). Vậy cho tôi hỏi, sau thời gian sinh con 4 tháng mà tôi hết HĐLĐ thì phía công ty có quyền cho tôi nghỉ việc với lí do là hết HĐLĐ không? (Câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thủy, Phú Vinh - Định Quán - Đồng Nai, minhthuydl5@...).
Trả lời: Khoản 3, Điều 111 Bộ luật Lao động quy định: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù đến tháng 6/2009 thời hạn hợp đồng mới chấm dứt, tuy nhiên do bạn đang có thai, công ty của bạn sẽ không chấm dứt hợp đồng lao động với bạn. Nếu công ty của bạn chấm dứt hợp đồng lao động với bạn là vi phạm pháp luật về hợp đồng lao động.
-
Hà My thực hiệnBạn đọc có thắc mắc về pháp luật, có thể gửi theo cách sau: