- Trong tuần qua, ý kiến bạn đọc vẫn tập trung phần lớn vào đề án bỏ thi ĐH. Vấn đề mất dân chủ trong bỏ phiếu về việc xây chợ trên sân chơi Con Voi cũng thu hút được nhiều sự quan tâm.
Với những tiêu cực hiện nay trong ngành giáo dục, chưa thể bỏ thi ĐH. (Ảnh VNN)
Diễn đàn “Bỏ thi ĐH: Bộ lại hỏi ý kiến, bạn nghĩ gì?” tiếp tục nhận được hàng trăm bài và ý kiến đóng góp của bạn đọc. Đa số các ý kiến đều cho rằng với những tiêu cực chưa giải quyết được hiện nay trong ngành giáo dục thì chưa thể bỏ kì thi ĐH.
Bạn Văn Huỳnh, Quảng
Năm ấy, khi tôi thi tốt nghiệp THPT, cùng phòng thi của tôi có con trai của ông chủ tịch huyện. Cậu bạn ấy học kém lắm nhưng lúc thi thì điểm rất cao, ví dụ như môn Anh văn cậu ấy không biết chữ nào nhưng thi được 8 điểm. Cậu ấy vào phòng thi một lúc thì có người đưa bài giải vào cho chép (giám thị đứng canh hộ và chỉ bài) nhưng vì quá dốt nên chỉ chép cũng sai nên mới được 8 điểm môn Anh. Bạn tôi khi đó ngồi sau lưng cậu ấy chép theo được 9,5 điểm. Những môn thi khác cũng tương tự, chỉ sau khi phát đề chừng 30 phút là có người chuyển bài giải vào cho cậu ấy chép.
Chúng tôi rất bức xúc nhưng tuổi nhỏ nên không dám tố cáo vì sợ gia đình bị trù dập. Nếu năm ấy thi tốt nghiệp THPT lấy điểm để xét vào ĐH thì có lẽ con trai ông chủ tịch đã đỗ vào trường ĐH lớn.
Tôi nghĩ nếu gộp 2 kì thi thành 1 thì sẽ có rất nhiều trường hợp "học dốt đỗ cao" khiến những bạn học thật, thi thật nhưng vẫn rớt rất phẫn nộ. Nếu chỉ chấm chéo, coi thi chéo giữa các trường trong tỉnh hay khác tỉnh với nhau thì rất khó ngăn chặn tiêu cực. Thường thì phó chủ tịch hội đồng thi là hiệu phó hay hiệu trưởng của cơ sở thi đó vì thế mà vẫn xảy ra chuyện gửi gắm, thậm chí có người sẵn sàng bỏ tiền mua cả các quan chức trong hội đồng thi ấy...”.
Bạn Ngọc Thị Thuý Hằng, Hải Phòng, ngocthithuyhang@... đề nghị Bộ GD-ĐT sớm có quyết định cụ thể để con em yên tâm học tập: “Tôi là một phụ huynh có con năm nay đang học lớp 11. Bản thân tôi và các phụ huynh cùng có con năm tới thi ĐH rất hoang mang và lo lắng vì sự "cải cách" không ngừng của Bộ GD-ĐT.
Tôi thiết nghĩ, nếu có thay đổi thì ít nhất cũng phải định hướng ít nhất trước 3 năm để các cháu có thời gian chuẩn bị. Cho đến thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ mới đưa được ra định hướng để tham khảo ý kiến, chưa có kế hoạch cụ thể, nếu có quyết định thì các cháu làm sao xoay xở kịp?
Con trai tôi cả ngày đi học, tối đi học thêm, đêm học đến 12 giờ, có ngày phải học cả 4 ca, phóng xe đi học mà miệng vẫn nhai cơm. Nhìn các con như vậy, phụ huynh chúng tôi không khỏi không suy nghĩ.
Nếu thi cả 8 môn như phương án đổi mới của Bộ GD-ĐT các cháu phải học dàn trải và các trường đại học cũng không thể tuyển được các học sinh xuất sắc. Theo ý kiến của một số trường, nếu chất lượng không đảm bảo họ sẽ thi tuyển lại, như vậy không những không cải cách mà là quá gây phiền phức và nảy sinh thêm tiêu cực.
Tôi mong Bộ GD-ĐT có ngay những quyết định cụ thể để các cháu yên tâm học tập vì bản thân hiện nay phụ huynh, giáo viên và các cháu học sinh đang rất hoang mang.
Tôi nghĩ cách tuyển sinh chia làm 2 kì thi như trước đây áp dụng cho kì thi năm 2010 là phù hợp. Nếu Bộ GD-ĐT có cải cách cũng phải thông báo trước ít nhất 3 năm để ngay từ khi bước chân váo cấp 3 các cháu đã có định hướng để học tập.
Một lần nữa, kính mong Bộ trưởng Bộ GD-ĐT suy xét, đừng đem các cháu ra làm vật thí nghiệm”.
Trong tuần, dư luận hết sức bất bình khi thấy sự mất dân chủ trong việc bỏ phiếu xây chợ trên sân Con Voi của chính quyền phường Trung Tự, quận Đống Đa.
Chính quyền phường Trung Tự ngang nhiên tuyên truyền bà con đồng ý xây chợ trên bảng thông báo của các khu tập thể. (Ảnh VNN)
Bạn Phan Anh, phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, phanan@... viết: “Tôi vô cùng bức xúc khi chính quyền phường Trung Tự tổ chức bỏ phiếu về việc xây chợ trên sân chơi Con Voi.
Khi những người dân đứng ra bảo vệ lẽ phải thì lập tức bị một nhóm người ra sức vận dụng những thứ quyền họ tự cho mình để áp đặt ý chí, quyền lợi của họ lên đa số người khác.
Nhiều người đồng tình với bài viết của ông Đặng Nam cục phó cục bảo vệ Trẻ em Bộ LDTBXH phân tích việc làm lấy vườn hoa làm chợ dưới danh nghĩa phục vụ người dân là hành động sai luật. Đã là sai luật ,vi phạm luật pháp thì người dân có quyền kiện ra toà . Các hành động đe doạ, truy bức tư tưởng, gây phiền nhiễu cho những người phản đối việc xây "chợ tạm" 3 tầng kiên cố phải bị lên án và xem xét nghiêm túc. Đề nghị báo chí tiếp tục đem vấn đề này ra trước công luận để mổ xẻ việc làm sai trái của ông chủ tịch phường Trung Tự và quận Đống Đa”.
Các cơ quan Đảng và chính quyền cấp cao hơn cần có sự kiểm soát chặt chẽ những diễn biến của vụ việc, đồng thời cần chấn chỉnh ngay những biểu hiện lợi dụng danh nghĩa "Ý Đảng, lòng dân" để làm bừa, làm sai.
Nếu không xử lý triệt để thì ngoài những hậu quả lâu dài cho môi trường sống của dân cư khu Trung Tự, vụ việc còn gây ra tiền lệ xấu cho những vụ tranh chấp giữa quyền lợi chính đáng của người dân và quyền lợi "không minh bạch" của những quan chức mượn danh chính quyền. Vụ việc cũng sẽ làm người dân mất lòng tin vào đội ngũ cán bộ,ý kiến của bạn Nguyễn Vi, Hà Nội, nvi206@...
Ngoài ra, trong tuần, VietNamNet nhận được một số phản ánh sau:
Xe bus tuyến 205 dừng đỗ sai quy định. Tuyến xe bus 205 khi xuất phát từ bến xe Lương Yên, dọc tuyến đê Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải đi rất chậm và hay dừng lại tại điểm đầu cầu Chương Dương ít nhất 5 phút. Sang bên kia cầu Chương Dương (đường Nguyễn Văn Cừ), xe bus này cũng dừng ít nhất 5 phút để chờ khách. Điều này gây chậm trễ cho hành khách và ách tắc giao thông. Đề nghị cơ quan quản lý tuyến xe bus này chấn chỉnh hiện tượng trên. Vu Tuan Huy, huyvt@...
Kinh hoàng tuyến đường Nhổn - Cầu Giấy. Không hiểu vì sao trên tuyến đường từ Nhổn đến ĐH Giao thông Vận tải không có một điểm đặt đèn xanh đèn đỏ hoặc cầu cạn mặc dù nhiều đường giao nhau, xe tải, xe khách đi lại với tốc độ kinh hoàng trong khi các nơi khác quá nhiều đèn giao thông và nhiều chỗ còn không cần thiết. Hiện trên tuyến này có rất nhiều trường ĐH, CĐ (ĐH Công nghiệp, ĐH Thương mại, khu văn hóa nghệ thuật, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí Tuyên truyền... với số lượng sinh viên học sinh qua lại rất nhiều.
Mỗi lần đi bộ qua đường hay chuyển làn đường tại các điểm ĐH Sư phạm, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Thương mại, chúng tôi phải căng mắt, lúc nào cũng nơm nớp lo xe tải, xe khách, xe bus lao qua. Thiết nghĩ những nhà quản lý ngoài việc chăm chăm xử phạt để xe trên hè phố nên quan tâm hơn đến tính mạng những người dân.
Tôi xin đề xuất một số giải pháp:
- Lắp đèn đỏ tại các điểm: UBND Cầu Diễn, Toyota Thăng Long, Chùa Hà, bùng binh ĐH Giao thông Vận tải.
- Làm cầu cạn tại các điểm: ĐH Thương mại, khu văn hóa nghệ thuật, ĐH Sư phạm, siêu thị Cầu Giấy, Khách sạn Cầu Giấy. Nguyễn Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội
Bức xúc đường 32. Tôi về làm dâu tại huyện Hoài Đức, Hà Nội đã được 2 năm. Mỗi ngày tôi phải đi về ít nhất 24km đường, tất nhiên thế không phải là nhiều, nhưng trong đó chỉ có khoảng 4 km đường 32 mà tôi cảm thấy như nghẹt thở.
Trời khô ráo thì đường bụi đến nỗi tôi bịt khẩu trang, đeo kính rồi về nhà vẫn thấy mồm lạo xạo cát, mắt thì cậy được 2 cục đen ngòm, đi qua đoạn đường thấy rất mệt vì ổ gà nhiều đến nỗi không biết tránh vào đâu và ruột gan cứ xóc tung lên.
Trời mưa thì cứ mỗi đoạn đường lại có đoạn lụt mà hoàn toàn không có chỗ thoát, chỉ khô đường nhờ ánh mặt trời, vì thế, sau khi tạnh mưa mấy ngày sau xe tôi vẫn ngập bùn đất, đấy là chưa nói đi chỉ lo sập ổ gà.
Ngày nào đi làm về tôi cũng thấy mệt mỏi, càng ngày tôi càng bị viêm xoang nặng hơn vì mỗi ngày hít hàng tấn bụi và thường xuyên đau đầu. Rất mong Chính phủ quan tâm đến những người đân phải chịu đựng cảnh đường đất khổ sở như chúng tôi, chỉ là 4km đường thôi mà bao năm nay rồi... Hồng Nhung, Hoài Đức, Hà Nội
VietNamNet xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác: