- “Chúng tôi như bị tra tấn bởi thứ âm thanh oang oang, chát chúa phát ra từ loa phường hàng ngày. Trong thời đại truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc thay thế loa phường bởi một kênh thông tin khác, phù hợp hơn là cần thiết”. Ý kiến bạn đọc VietNamNet.
Bị tra tấn bởi loa phường
Tôi phải làm việc hay học tập đến khuya, muốn ngủ một giấc đến 6h sáng để lấy sức cho ngày hôm sau, vậy mà đều đều hàng sáng (kể cả thứ 7 và CN) cứ đúng 5h sáng chiếc loa phường lắp trên cột điện cạnh nhà lại bắt đầu "bắt nhịp" tập thể dục "1, 2, 3, 4" với âm lượng không hề nhỏ. Một phương tiện tuyên truyền văn hóa đã bị sử dụng một cách không hợp lý và thiếu khoa học để đến nỗi biến thành một công cụ rất thiếu văn hóa hay có thể gọi là đã làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống. Liem Pham, Hà Nội, liembkeb@...
Một trong những trở ngại lớn của tôi khi quyết định về quê hương nghỉ phép là cái loa phường. Tôi về Việt
Loa phường chỉ phù hợp trong thời chiến. (Ảnh: Tiền phong)
Tôi hay thức khuya để làm việc và vui chơi cùng người thân, bạn bè. Để đảm bảo sức khỏe, tôi phải ngủ đủ 8 tiếng/ngày, tức là nếu ngủ vào 12h đêm thì phải đến 8h mới dậy. Nhưng oái oăm thay, 5h sáng, loa phường đã đánh thức chúng tôi, dù tôi muốn ngủ thêm chút nữa cũng không được.
Tôi nghĩ, thời buổi hiện đại ngày nay không ai muốn nghe phương tiện thô sơ ấy nữa. Nó có tác dụng rất tốt trong chiến tranh, khi người dân thiếu các phương tiện nghe nhìn tối thiểu. Bây giờ, trong thời bình, người dân đã có các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Theo tôi, không thể duy trì loa phường được nữa. Van
Theo tôi, loa chỉ dùng để thông tin thật cần thiết như lịch cúp điện, tiêm ngừa cho trẻ em, tin báo bão,… Trong thời đại thông tin, người ta có thể tìm những thông tin cần biết bằng rất nhiều phương tiện: TV, báo chí, internet, đồng nghiệp… Không cớ gì cứ 5 giờ sáng, giờ mà những người làm việc khuya cần có thời gian ngủ, nghỉ để lấy năng lượng cho 1 ngày mới sắp đến, lại phải thức nghe chuyện không dính dáng gì đến mình.
Chúng tôi ngủ không xong, xem TV thì cũng không được vì cái loa oang oang khoe công suất lớn của nó. Hết tiếp sóng đài Hà Nội rồi đài địa phương kéo dài từ 5 đến 7h sáng. Đến lúc đi làm, chúng tôi mệt mỏi vì thiếu ngủ và vì tức.
Buổi chiều là giờ gia đình găp nhau, chúng tôi muốn thăm hỏi công việc, học hành của con cái cũng không được. Khách đến nhà nói chuyện cũng không yên. Cả xóm chúng tôi bị tra tấn như vậy.
Khi họp lấy ý kiến, có người cũng góp ý nhưng không thấy động tĩnh gì. Hỏi trưởng đài phát thanh huyện thì nói đó là quy định từ Trung ương. Tôi nghĩ, địa phương nên linh động vì quy định đã quá lạc hậu so với thời đại thông tin. Mong sớm có quy định mới để người dân được nhờ. Nguyễn Thiên Oanh, Dĩ An, Bình Dương
Trước đây, chiếc loa là một vật không thể thiếu trong đời sống xã hội. Nhưng bây giờ, xã hôi ta đã thay đổi quá nhiều, cuộc sống đã tiến một bước dài, không thể chấp nhận một hình thức tuyên truyền “cổ lỗ sĩ”như thế. Các ngành chức năng cần tư duy để có hình thức tuyên truyền hiệu quả và thích hợp với môi trường sống hiện nay. phu58@...
Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện tuyền thông, đa số người dân được tiếp cận thông tin tương đối đầy đủ kể cả ở các vùng nông thôn. Vì vậy, việc sử dụng hệ thống loa phường là không cần thiết do nội dung tuyên truyền đơn điệu, phạm vi hẹp, chưa kể việc phát thanh trên các loa phường có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân xung quanh.
Tại nơi tôi cư trú, nhiều gia đình có em bé, người già cần yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng hệ thống loa cứ phát ra rả rất khó chịu; chưa kể là những lúc loa bị nhiễu thì tạo ra âm thanh rất chói. Đề nghị báo đài nên vào cuộc để thuyết phục việc bỏ hệ thống loa phường, trả lại cuộc sống yên bình cho những hộ dân sinh sống xung quanh. Chơn Thành, Ninh Thuận
Hoan nghênh sáng kiến lập cổng thông tin điện tử
Thật tuyệt vời nếu áp dụng cổng thông tin điện tử cho các cộng đồng dân cư bởi chiếc loa phường chỉ hợp với thời... bao cấp. Chẳng lẽ chúng ta muốn quay lại thời bao cấp? Nếu tính thời điểm hiện tại, có chăng chiếc loa chỉ hợp ở nông thôn bởi mật độ dân cư thưa thớt, dân trí có hạn.
Ở thành phố thì nhà liền nhà, tiếng loa cất lên là đập vào tai chát chúa, nghe rất phản cảm, trong khi đó ở thành phố các phương tiện thông tin đại chúng thì nhiều, người dân có thể xem qua Internet, báo, đài, tivi... Vậy thực thi cổng thông tin điện tử, tại sao không nhỉ?
Tôi cũng là một người phải chịu cảnh cứ các buổi sáng và chiều ngày nào cũng phải nghe chiếc loa phường oang oang ngay đầu nhà, rất khó chịu, ong cả đầu. Rất hoan nghênh sáng kiến lập cổng thông tin điện tử tại các phường. Nguyễn Vân Anh, Long Biên, Hà Nội
Tôi rất ủng hộ việc thay loa phường bằng trang thông tin điện tử. Đây là sự đổi mới phương tiện và phương pháp tuyên truyền, phù hợp với đời sống hiện tại ở đô thị. Tôi hy vọng rằng, hình thức này sẽ được nhân rộng và thực hiện phổ biến ở các phường, đô thị khác trong cả nước, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Vì nó không chỉ thể hiện tính hiện đại về phương tiện, phương pháp tuyên truyền mà nội dung thông tin tuyên truyền sẽ đa dạng, phong phú hơn, lại có thể thực hiện được thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân.
Chúng ta không nên lo lắng một bộ phận người dân chưa sử dụng thường xuyên máy tính vì gia đình VN là đa phần là gia đình truyền thống có 2-3 thế hệ trong đó học sinh cấp 2 đã có thể truy cập Internet khá thành thạo. Hơn nữa, cách thức truyền miệng vẫn rất phổ biến trong nhân dân nên các thông tin cần thiết sẽ đến được với đại bộ phận dân chúng.
Tôi đề nghị chính quyền thành phố nên khuyến khích các phường sử dụng cách tuyên truyền này bằng cách tăng điểm thi đua cho phường so với nơi không sử dụng.
Tôi đã đọc báo, nghe đài và đã thấy không ít phàn nàn về loa phường, có thể tóm gọn lại là loa phường "lạc hậu và ô nhiễm". Hà Nội là trung tâm văn hoá chính trị của cả nước mà vẫn dùng loa tuyên truyền thì thật đáng buồn.
Hình thức tuyên truyền này đã quá lạc hậu, cũ kĩ chưa kể hiệu quả "ngược" là gây ô nhiễm tiếng ồn cho các gia đình bị gắn loa gần nhà ở. Thời gian và thời lượng phát loa cũng rất hạn chế. Nếu phát vào giờ hành chính thì chỉ đối tượng tuyên truyền chủ yếu là người già và trẻ nhỏ. Nếu phát ngoài giờ thì người đi làm đã chịu nhiều sức ép tiếng ồn nơi làm việc, trên đường giao thông, nay tiếp tục chịu ồn ở nhà vào giờ cần nghỉ ngơi nữa thì quá sức chịu đựng.
Thật trăm sự phiền hà, lo toan cho người dân từ cái loa phường. Vì vậy, dù trăm công nghìn việc tôi cũng đề nghị chính quyền thành phố quan tâm giải quyết việc này càng sớm càng tốt. Phan Thu Anh, Đội Cấn, Hà Nội