221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1193712
Bỏ thi Đại học: Cái nhìn từ nước Pháp
1
Article
null
Bỏ thi Đại học: Cái nhìn từ nước Pháp
,

 - Trên thế giới, nhiều nước đã tiến hành 2 trong 1 từ lâu lắm rồi. Tôi không biết rằng Bộ GD-ĐT đã tham khảo kinh nghiệm của họ hay chưa. Mô hình này không đơn thuần là việc bỏ kỳ thi ĐH. Để bỏ kỳ thi ĐH, nền giáo dục và xã hội cần có những điều kiện nhất định.

(Bài tham gia diễn đàn Bỏ thi ĐH: Bộ lại hỏi ý kiến, bạn nghĩ gì?)

Các thí sinh trong kỳ thi đại học (Ảnh: VNN)

Sau một thời gian dường như chìm lắng”, gần đây, sự kiện Bộ GD-ĐT xin ý kiến cấp sở để tiến hành cơ chế bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học, thay vào đó là 2 trong 1” lại một lần nữa khiến dư luận quan tâm và băn khoăn. Phải chăng chính Bộ GD-ĐT cũng đang còn rất lúng túng trước việc nên hay không nên thực hiện quy chế này và nếu có sẽ thực hiện thì nên vào thời điểm nào?!

Theo như cách giải thích của Bộ GD-ĐT, việc thực hiện phương thức 2 trong 1 nên tiến hành bắt nguồn từ lý do chính về kinh tế và sức ép xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều vấn đề hơn thế mà Bộ GD-ĐT cần trả lời trước khi đề nghị xã hội trả lời.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiến hành 2 trong 1 từ lâu lắm rồi. Tôi không biết rằng Bộ GD-ĐT đã tham khảo kinh nghiệm của họ hay chưa. Mô hình này không đơn thuần là việc bỏ kỳ thi ĐH. Để bỏ kỳ thi ĐH, nền giáo dục và xã hội cần có những điều kiện nhất định. Trên thực tế, theo tìm hiểu của tôi ở các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, tôi thấy có những vấn đề sau:

Về nền tảng giáo dục 

Các nước phát triển có một nền giáo dục tiên tiến và đồng nhất theo một hệ thống chặt chẽ. Ngay từ cấp 2, các em học sinh đã được hướng nghiệp theo khả năng, sở thích, trình độ của bản thân mình. Công việc này được ngành giáo dục tiếp tục những năm cấp 3.  

Ở cấp 3, các em có nhiều lựa chọn để chuẩn bị tương lai cho mình: Trung học phổ thông cơ bản, trung học khoa học kỹ thuật, trung học dạy nghề. Nói chính xác hơn, đó là việc phân luồng học sinh. Qua đó, các em có định hướng cho mình một cách rõ ràng là học tiếp đại học hay học nghề khác (đăng ký là được vào học, trừ các trường lớn thì phải qua kì thi). Vì thế, số học sinh tham gia đăng ký vào các trường ĐH sẽ giảm bớt đi, phù hợp với khả năng đào tạo của các trường.  

Còn ở Việt Nam, chúng ta chưa làm được điều đó. Hệ thống trường dạy nghề của ta gần như tê liệt. Công tác hướng nghiệp của ta hầu như không phát huy tác dụng. Học sinh học xong ĐH, chỉ có một lối thoát là học tiếp, nếu không muốn thất nghiệp. Trong khi chúng ta chỉ có khả năng tiếp nhận chưa tới 30% trong số đó.

Tại các nước châu Âu, tuy đầu vào rất thoải mái nhưng quá trình đào tạo là một quá trình chọn lọc, hay như chúng ta vẫn thường nói là đào tạo hình chóp. Chuyện sinh viên học 2 năm một lớp là bình thường! Thậm chí, có nhiều môn học, chỉ có 30% sinh viên qua mức trung bình.

Đối với nhiều sinh viên, sau một thời gian theo học và cảm thấy không qua được, họ sẵn sàng chuyển sang trình độ thấp hơn như cao đẳng hoặc dạy nghề. Theo thống  kê của Bộ Giáo dục Pháp, số sinh viên bị ra trường sớm là khoảng 25%, đó là chưa tính đến các trường hợp 2 năm học một lớp. 

Tại các nước tiên tiến, trình độ và năng lực của giảng viên (là các giáo sư, phó giáo sư) được đánh giá thông qua các công trình nghiên cứu, các bài báo quốc tế chứ không phải là thành tích giảng dạy, tỉ lệ qua cao hay thấp, tức là họ không bị sức ép về thành tích.  

Trong khi đó, ở Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể nhưng thay vì đào tạo kiểu hình chóp, đào tạo theo kiểu hình vuông hoặc hình thang là một thực tế khó phủ nhận ở nhiều trường ĐH, có nghĩa là quá trình đào tạo không đi đôi với chọn lọc, đào thải.

Qua các phương tiện thông tin, tôi được biết thường chúng ta vẫn suy nghĩ về việc đánh giá chất lượng giảng viên thông qua sinh viên. Khi có ý định tìm hiểu về vấn đề này tại Pháp và các trường ĐH Mỹ (Colorado) và Canada (Montréal, Québec), tôi đã nhận được những cái lắc đầu và những cái mắt tròn, mắt dẹt. Nếu thực hiện theo mô hình hình chóp, giảng viên Việt Nam cũng khắt khe trong đánh giá sinh viên thì tất sẽ nhận được cái lắc đầu của sinh viên và đồng nghiệp khi đánh giá. Và tôi cũng e rằng, rất nhiều trường không dám làm như thế  vì sợ học sinh không vào học. 

Về điều kiện xã hội

Một nhân tố cơ bản ở châu Âu để học sinh dễ dàng đi theo con đường khác nhau, đó là điều kiện xã hội. Tại đây, nếu có công việc ổn định dù là công nhân là có thể có cuộc sống ổn định, có nhà, có xe. Vì thế, phụ huynh và học sinh có thể yên tâm với sự lựa chọn theo khả năng của mình.  

Thông thường chênh lệch lương bổng (theo kết quả khảo sát của chúng tôi) của một công nhân so với một cử nhân khi ra trường ở khoảng 1,5 lần chứ không cao đến cả 10 lần như ở Việt Nam ta. Hơn nữa, với công việc và mức lương như thế, họ có thể sống thoải mái, không phải lo cho bố mẹ, anh em và nhiều mối quan hệ khác.  

Ở Việt Nam, công nhân và cử nhân sống gần như hai thế giới khác nhau. Đối với người tốt nghiệp ĐH, đó là cả một tương lai rộng mở và hầu như ai cũng có điều kiện để có một cuộc sống sung túc cho bản thân và giúp đỡ gia đình theo kiểu một người làm quan, cả họ được nhờ. Vì vậy, ai cũng muốn con mình phải đi học ĐH để thay đổi cuộc đời.

Ở đây, cũng cần nhắc đến văn hóa Việt Nam. Đa phần người Việt sống dưới cái nhìn, sự đánh giá của người xung quanh. Sự thành công hay thất bại của người con là niềm vui, vinh dự hay nỗi buồn của gia đình. Chẳng ai muốn khoe con mình đi làm công nhân cả!  

Tính tự giác và khả năng nhận thức tạo nên nền tảng xã hội văn minh phương Tây. Ở phổ thông, các phụ huynh sẵn sàng cho con mình học lại 1 lớp, cho chắc chắn, vững kiến thức. Ở ĐH, các trường hợp quay cóp tài liệu sẽ bị xử lý rất mạnh, dù chỉ là kiểm tra. Sinh viên coi việc nhìn bài của bạn hay quay cóp là một điều đáng xấu hổ. 

Còn ở Việt Nam ta, có lẽ chúng ta đều biết tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục. Ngay từ cấp 1 đến cấp 2, cấp 3, thi tốt nghiệp, thi ĐH đều có tiêu cực và bệnh thành tích. Vậy, chúng ta có thể tin tưởng vào sự tự giác, lành mạnh từ nhà trường đến phụ huynh và học sinh hay không?  

Sự nghiêm túc trong đào tạo phải bắt nguồn từ giáo dục khi các em còn nhỏ, cộng với ý thức của xã hội và bài trừ bệnh thành tích chứ không phải là chỉ nghiêm túc trong thi tốt nghiệp THPT - phần ngọn của vấn đề - thì kết quả học tập và thi cử mới là thực tế, là cơ sở để lựa chọn vào các trường ĐH.  

Qua một số dẫn chứng và so sánh vừa nêu ra ở trên, theo ý kiến cá nhân tôi, để thực hiện 2 trong 1, chúng ta còn thiếu nhiều điều kiện và nhân tố: 

Thứ nhất, điều kiện  giáo dục chưa đạt đến mức chuẩn để chúng ta thực hiện chủ trương này. Nói rộng ra, hệ thống giáo dục từ tiểu học đến ĐH chưa thực sự sẵn sàng cho kế hoạch thay đổi này

Thứ hai, chúng ta còn chưa làm được công tác phân luồng học sinh để các em xác định đúng đắn con đường sẽ đi. 

Thứ ba, hệ thống dạy nghề của chúng ta hoạt động chưa tốt. Dường như Bộ GD-ĐT chỉ chú trọng đến giáo dục ĐH mà quên đi các trường dạy nghề. Các em học sinh chỉ có 1 con đường là thi ĐH, không đỗ thi tiếp hoặc về lao động chân tay, thiếu tay nghề cao. Trong khi đó, tại Việt Nam, lao động có tay nghề được đào tạo bài bản đang thiếu trầm trọng

Nếu Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương này ngay bây giờ, sẽ có hai vấn đề xảy ra với giáo dục ĐH

Thứ nhất, nếu các trường đào tạo hình chóp nhằm sàng lọc sinh viên, nâng cao chất lượng đầu ra (vì đầu vào đã mở) thì hàng năm sẽ có ít nhất 10% phải rời cuộc chơi hoặc chấp nhận học lại. Tính ra sẽ có khoảng vài chục ngàn sinh viên sẽ ra trường sớmtrên tổng số 504.000 sinh viên, tính theo số liệu tuyển sinh 2007-2008 thống kê của Bộ GD-ĐT.  

Nếu nhân con số này với chỉ riêng gia đình cho một sinh viên trong vòng một năm thì thiệt hại sẽ vào khoảng: 10% x 500.000 sinh viên x 1 triệu/tháng x 10 tháng = 500 tỉ, cao hơn gấp nhiều lần so với tổ chức thi ĐH. Đó là chưa kể đầu tư của Nhà nước và xã hội cùng với chi phí cơ hội. Như vậy, mục tiêu kinh tế (mục tiêu chính) của Bộ GD-ĐT đã không đạt được! 

Thứ hai, nếu vẫn đào tạo như hiện nay thì rất nhiều khả năng chúng ta sẽ cho ra xã hội những sản phẩm đào tạo kém chất lượng hơn, không đạt yêu cầu của các doanh nghiệp.

Cuối cùng, để quyết định bỏ thi ĐH, ít ra Bộ GD-ĐT trước tiên nên thăm dò ý kiến của các em học sinh và phụ huynh vì họ chính là người sẽ phải và nên được chịu trách nhiệm chính về tương lai của mình. Sau nữa là ý kiến của các trường ĐH. Hơn nữa, trước khi có quyết định chính thức, Bộ GD-ĐT cần phải nắm được rằng trường nào sẽ nhận vào thẳng, trường nào sẽ tổ chức thi tuyển, thi những môn gì, trong trường hợp có thêm lần sơ tuyển nữa thì vẫn có thêm áp lực xã hội và tốn kém! 

Giáo dục và đào tạo luôn là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong xã hội. Thành bại của nhiệm vụ này sẽ gắn bó mật thiết với vận mệnh và tương lai cả đất nước. Một sự thay đổi lớn trong chính sách giáo dục đào tạo cũng có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với xã hội và đất nước. Do vậy, trước khi ra quyết định, Bộ GD-ĐT cần có những nghiên cứu thực sự kỹ càng và đầy đủ. Để thực hiện được kế hoạch này, nhất thiết phải có sự thay đổi của hệ thống giáo dục bắt đầu từ lớp 1 đến đào tạo ĐH và cần có những bước đi, kế hoạch cụ thể

Hy vọng rằng những phân tích trên đây sẽ có ý nghĩa tham khảo cho Bộ GD-ĐT trước một quyết định có thể nh hưởng sâu rộng đến nhiều thế hệ và tương lai đất nước 

  • Trịnh Ngọc Huy, ĐH Toulouse 1, CH Pháp

 

  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,