- Xung quanh vấn đề học phí, tuần qua, toà soạn nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi của bạn đọc. Trận mưa ngày 7-8/5 vừa qua khiến Hà Nội ngập nhiều tuyến đường cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của độc giả. Ngoài ra, các chủ đề như Ngày của Mẹ, an ninh làng đại học, cây xăng gian, "thiêu sống" cháu bé 11 tuổi... trong tuần cũng nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc.
Tăng học phí gây khó khăn cho sinh viên nghèo
Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012 trong đó có đề cập tới mức học phí mới dự kiến áp dụng từ năm học 2009-2010 thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả trong tuần qua. Bạn Nguyễn Trọng Tùng, Hà Nội, tungctm_bk@... viết: "Thu nhập người dân là bao nhiêu? Nông dân bao nhiêu % dân số? Thu nhập thuộc tốp cuối thế giới, làm phép tính cộng sơ sơ với một sinh viên đại học; học phí 800 + 500 tiền điện nước + 800 tiền ăn + 200 tiền điện thoại + 100 tiền giấy bút... sơ sơ một tháng một sinh viên đại học cũng sẽ tiêu tốn không dưới 2.5 triệu đồng. 2.5 triệu đồng với các gia đình công nhân viên chức còn chật vật chứ chưa nói đến các gia đình thuần nông.
Nếu tính theo nông nghiệp, mỗi hộ cấy khoảng một mẫu ruộng, một vụ sẽ có khoảng 2 tấn thóc, trị giá khoảng trên dưới 10 triệu, 10 triệu đó chỉ nuôi được sinh viên trong vòng 4 tháng, nếu hộ đó không ăn uống gì đến số thóc đó.
Theo tôi, sẽ là cực kỳ máy móc nếu cứ nghĩ là áp dụng cơ chế thị trường trong giáo dục. Thay vì tăng thu học phí, vân vân và vân vân thì chúng ta sao không kêu gọi những bước đi ngược lại? Miễn giảm học phí, tăng học bổng, tạo điều kiện tối đa về trang thiết bị học tập cho học sinh sinh viên? Tăng học phí, tăng chi phí giáo dục đồng nghĩa với việc cơ hội đi học của con em gia đình hoàn cảnh bị khép lại! Lợi bất cập hại, một người không bằng cả trăm người. Nên đưa dự thảo quan trọng này ra lấy ý kiến trước khi đưa vào áp dụng!".
Học phí tăng sẽ giảm cơ hội học tập của sinh viên nghèo. Ảnh: LAD
Cánh cửa hẹp cho học sinh thuộc gia đình thu nhập thấp vào đại học là trao đổi của bạn Mai Văn Tiệp, Hà Văn Mao, P.Ba Đình, TP.Thanh Hoá, tiepmv.cntt@...: "Khi đọc đề án này, tôi cảm thấy giật mình khi mức đóng học phí tăng quá nhanh, gấp 2 đến 3 lần mức học phí hiện tại. Đề án đã không bám sát thực tế thu nhập của đại đa số người dân. Trên thực tế, Bộ GD-ĐT nên chờ kết quả cuộc khảo sát dân số năm 2009 để có một mức điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu để mức học phí này thì sẽ có khoảng 1/2 số sinh viên và học sinh vùng nông thôn không dám đi học và không được đi học, cho dù Nhà nước cho vay vốn ưu đãi. Với mức chi phí hiện tại cộng với mức học phí trong đề án thì trung bình 1 SV phải chi từ 1,2 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng, vượt quá xa tổng thu nhập của một hộ gia đình nông thôn trong một tháng. Mức học phí này chỉ nhắm đến đối tượng có thu nhập khá trong xã hội".
Bạn Hoàng Trung, Hà Nội, tinhque20041985@... cùng chung quan điểm: "Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp, vậy thì tôi không hiểu khi các em đi học với mức học phí tối đa 800 nghìn đồng một tháng thì họ sẽ phải sống như thế nào. Ở những vùng nông thôn miền núi, nhiều hộ gia đình không nằm trong danh sách những hộ nghèo, không được sự hỗ trợ của Chính phủ, nhưng trên thực tế cuộc sống của họ cực kỳ vất vả, đủ ăn là hạnh phúc lắm rồi chứ đừng nói đến việc đi học. Nhiều gia đình đã nhịn ăn nhịn mặc để cho con đi học, nhưng giờ đây lại tăng học phí, thử hỏi họ lấy gì để đi học".
Chưa thấy nói đến đối tượng được ưu tiên miễn giảm?
"Tôi không thấy nói đến đối tượng được giảm? Nếu bình quân thế này thì coi như 80% con em chúng ta sẽ khó được học đại học vì 80% dân số là nông thôn. Nông dân khi cho con đi học thì nào tiền thuê nhà, tiền sách... cộng thêm khoản học phí, vậy mà chưa thấy báo cáo của Bộ Giáo dục nghiên cứu một nông dân làm ruộng thu nhập 1 tháng bao nhiêu, có đủ 2-3 triệu/1 tháng để gửi cho con đi học không? Tôi nghĩ kinh tế tăng trưởng thì việc giảm học phí hoặc tiến tới bỏ học phí để tạo điều kiện tiếp cận kiến thức gần như là công bằng nhất cho mọi người dân", ý kiến của bạn Long Đình, Trần Quang Khải, Hà Nội, sur_phan@...
Đề nghị xem xét lại mức học phí
Bạn Đỗ Trọng Hải, Lớp Lọc - Hoá dầu trường ĐH Mỏ Địa chất, toingon_2006@... tâm sự: "Em là một SV trường ĐH, khi lên mạng đọc được thông tin về đề án thay đổi học phí của Bộ, em thấy mức học phí mà đề án đưa ra quá cao. Bố em là 1 cán bộ nghỉ hưu, tổng thu nhập 1 tháng của gia đình em là 3 triệu đồng, trong khi đó bố mẹ em phải nuôi 2 anh em đi học. Em không biết nếu đề án được thực hiện thì liệu bố mẹ em có nuôi được hai anh em đi học hay không. Em mong Bộ sẽ xem xét và điều chỉnh khung học phí sao cho phù hợp với mức thu nhập của những gia đình như gia đình em".
"Em là một sinh viên năm đầu của trường Đại học Công nghệ - Đại học QG HN. Đọc xong thông tin này em thấy... giật mình và nghĩ đến bố mẹ em. Đối với những người làm nghề nông, để nuôi một người học đại học quả là khó khăn. Bao nhiêu khoản để chi tiêu, bao nhiêu khoản để lo lắng, nếu bây giờ tăng học phí thì người lo lắng đầu tiên lại là nông dân. Càng ngày càng có nhiều sinh viên được sinh ra từ những miền nông thôn. Càng khó khăn người ta càng cố gắng phấn đấu để thoát nghèo.
Tăng học phí sẽ làm biết bao nhiêu sinh viên phải chạnh lòng nghĩ đến cha mẹ ở quê. Đó là số đông. Bên cạnh đó còn có biết bao gia đình hoàn cảnh hơn, khó khăn hơn. Họ làm gì để cho con được ăn học, được bằng bạn bằng bè. Xin hãy nghĩ đến những người nông dân! Hãy tạo điều kiện để cho những học sinh-sinh viên được học tập, được rèn luyện và được cống hiến. Em không nghĩ đến việc xin giảm học phí. Em chỉ xin giữ nguyên mức học phí như bây giờ để những sinh viên đến từ những miền quê được yên tâm học hành", momg mỏi của bạn Trịnh Thị Hằng, Xuân Thuỷ, Xuân Trường, Nam Định, trinhhang.293@...
Tăng học phí, giảm sinh viên là nhận xét của một bạn đọc giấu tên ở Trường Chinh, Hà Nội, cafechieuthu7_ta2@...: "Tôi là 1 sinh viên xuất thân từ gia đình nông nghiệp. Mức học phí 180.000 đồng/tháng cùng với tiền ăn, tiền nhà, và hàng trăm khoản chi tiêu thiết yếu không tên cũng đã khó khăn cho bố mẹ tôi. Vậy nếu giờ lại tăng học phí lên gấp nhiều lần như thế, gia đình tôi chắc có lẽ phải bán nhà đi cho anh chị em tôi ăn học. Đây không chỉ là vấn đề của riêng tôi mà tất cả những ai đang là sinh viên cũng sẽ khó lòng chấp nhận mức học phí như thế. Rất nhiều gia đình phải đi vay nợ để cho con đi học. Nay với mức học phí như vậy, tôi e, nó sẽ vô hình làm cho số sinh viên giảm đi".
Trận mưa từ tối 7/5 và sáng 8/5 đã khiến nhiều khu vực ở Hà Nội bị ngập. Rất nhiều khu vực, nước đã tràn vào nhà dân, giao thông tắc nghẽn, đình trệ vì ngập nước. Tình trạng này gióng lên hồi chuông báo động về việc thoát nước tại Thủ đô.
Trên phố Đào Duy Anh - Ảnh: LAD
Lời cảnh báo của thiên nhiên
"Hai trận mưa đêm 7 và sáng 8/5 mới chỉ là khúc dạo đầu, nếu không có ý thức khắc phục ngay từ đầu, thì trận lụt lịch sử ở Hà Nội năm ngoái (2008) sẽ bị nhắc lại, có cơ còn nặng nề hơn. Có rất nhiều lí do, song một trong lí do “nhìn thấy ngay”, đó là quá trình sửa chữa vỉa hè, cống rãnh được tiến hành suốt nhiều tháng qua nhằm đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngày lễ lớn chưa đến, song có thể nạn lụt lớn sẽ đến sớm hơn, do sự tắc trách, thờ ơ, vô trách nhiệm.
Chỉ cần theo dõi việc làm này trên một quãng phố nhỏ, ngắn như Tôn Thất Thiệp là thấy rõ. Một con phố ngắn như vậy mà người ta làm tới... 2 tháng. Hàng đống cát, vật liệu được tập kết đổ tràn trên vỉa hè để hàng tuần trở thành “vệ sinh công cộng cho chó mèo” và được nước thải từ các hộ dân cho chảy “vô tư” xuống cống thoát. Tới khi các bác “giao thông công chính” tới thực thi, thì ôi thôi, cả một sự tắc trách, cẩu thả kinh hoàng!
Cát lẫn sỏi to được trộn với lượng xi măng cực khiêm tốn, chỉ sau một đêm được nước thải các hộ dân cuốn ra cống. Tình trạng cống rãnh còn chán hơn xưa, vì chỗ trũng đáng lẽ là ở mép cống, nay là ở... giữa phố. Cho đến hôm nay, đã vài tháng trôi qua mà cát công trường trộn với các chất thải từ nhà hàng, từ nhà vệ sinh “lộ thiên” của các hộ dân làm thành một thứ bùn đen sền sệt bốc mùi từ sáng sớm khắp phố, cộng với đất cát của ngôi nhà đang xây đổ cả ra cống cái.
Con phố này là một trong những phố cổ do người Pháp xây với hệ thống cống nhiều tầng và miệng cống rất to, chắc chắn. Trước đây, phải là mưa rất to, nước không rút kịp thì phố chỉ hơi xâm xấp nước, và chỉ một lát là đường lại khô ngay. Nay, vừa mới mưa đã ngập sâu và mãi nước cũng không rút được. Đó là một con phố nhỏ. Còn những con phố khác của Hà Nội chắc chắn cũng không được “chăm sóc” gì hơn. Nếu ai ai cũng nghĩ việc này không động chạm tới mình, thì nạn ngập lụt kinh niên, cũng như kẹt xe tắc đường và tai nạn giao thông, sẽ là bộ mặt chính của Hà Nội", ý kiến của bạn Cong Duc, Hà Nội, daotuananh_vhss@...
Bạn Nguyen Van Thuc, Đan Phượng, Hà Nội, changngosytinh@... đặt câu hỏi: "Cứ mỗi mùa mưa đến là Hà Nội cứ phải oằn mình lên chống đỡ các đợt mưa to. Câu hỏi được đặt ra là bao giờ Hà Nội không còn bị úng đọng nước như thế này".
Có chung suy nghĩ với bạn Cong Duc, bạn Cao Bá Giang, Hà Nội, giang_caoba@... viết: "Có lẽ dân cư nơi được xem là đầu não của đất nước, một thành phố xanh, thành phố vì hòa bình, một kinh đô ngàn năm văn hiến không khỏi bàng hoàng vì những tháng ngày Hà Nội ngập trong biển nước và dĩ nhiên “sự cố” ấy đi qua, không một ai sống ở Thủ đô muốn đối mặt lại hơn một lần nữa! Thế nhưng, dường như đã có báo hiệu của một “Hà Lội” nữa như thế trong năm 2009!?
Ai ai cũng biết về tác hại gây ra của những trận ngập nước kinh hoàng, nhất là những cư dân sống ở Thủ đô. Vẫn biết trận mưa kỉ lục năm ngoái như là một “tai nạn” tình cờ, nó ập đến quá nhanh và không lường trước khiến ngay cả các công ty thoát nước cũng giật mình và… chịu bó tay! Đấy là năm ngoái, với cái “giật mình” chưa được dự báo, tuy nhiên năm nay, theo như dự báo của Cục Khí tượng Thủy văn thì lượng mưa sẽ có thể cao hơn rất nhiều năm ngoái và tình hình thời tiết diễn ra rất phức tạp.
Minh chứng có vẻ đã ít nhiều đúng qua một vài tiếng của “màn chào hỏi” của những cơn mưa ngày 07, 08/05/2009, mới thế mà… đường đã thành sông nhỏ! Chỉ nhìn vào đấy thôi người ta lại có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chung quanh vẫn là…Hà Nội ơi, bao giờ hết ngập lụt! Năm nay là chúng ta được nghe dự báo về nguy cơ đối mặt với trận lũ lịch sử lặp lại lần thứ hai, vậy nên chúng ta rất mong chờ hành động và kế hoạch xử lý của các cơ quan liên quan có biện pháp cải tạo môi trường, hệ thống xử lý nước... trước khi quá muộn!".
"Như các bạn đã biết đợt mưa của năm 2008 đã làm nhiều người phải bàng hoàng và lo sợ. Và đến đợt mưa này thì mọi người nghĩ rằng ngập lụt sẽ xuất hiện và điều đó đã xảy ra. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, Hà Nội đã ngập lụt. Và nếu bạn tự đặt ra câu hỏi rằng nếu mưa tiếp tục kéo dài thì hậu quả của nó sẽ như thế nào đây?", câu hỏi của bạn Nguyễn Thị Thu Hằng, Giải Phóng, Hà Nội, dth@...
Cần nâng cấp đồng bộ hệ thống thoát nước
Cứu hộ xe con bị chết máy trên phố Thợ Nhuộm - Ảnh: LAD
Bạn Nguyễn Văn Bảng, Quế Võ, Bắc Ninh, nguyenbangnn@... cho rằng: "Thành phố Hà Nội cần đầu tư kinh phí để hoàn chỉnh hệ thống thoát nước một cách đồng bộ, mặc dù rất tốn kém song không thể không làm".
"Hà Nội sẽ mãi ngập lụt như thế này chừng nào còn chưa cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước đã cũ kĩ và không được nạo vét bùn đất lắng đọng trong đường ống thường xuyên hơn. Mong rằng các ngành, các cấp có chức năng sớm đưa ra các giải pháp khắc phục để mùa mưa năm nay Hà Nội sẽ không còn là "Hà Lội" như đợt cuối năm 2008", trao đổi của bạn Đoàn Quốc Việt, Ứng Hoà, Hà Nội, quocviet237@...
"Theo tôi, phải xem xét lại hệ thống thoát nước Hà Nội cũ và mới, chứ cứ đầu tư mãi mà không cải thiện được gì cả", nhận xét của bạn Nguyễn Đức Anh, Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội, nguyenducanht@...: "Trước mắt, Hà Nội phải có kế hoạch nạo vét tất cả các cống dọc đường, hè, ngõ ngách để tăng lưu lượng thoát nước".
Cần có giải pháp tình thế!
Bạn Văn Lâm, Bắc Linh Đàm, Hà Nội, manh_23450@... nêu: "Trong thời gian mùa mưa, bất kể lúc nào mực nước các sông, hồ tiêu lũ chính của Hà Nội cũng phải giữ ở mức thấp nhất có thể, đặc biệt là thời điểm sau khi có cảnh báo mưa lớn của cơ quan dự báo! Đây là biện pháp tạm thời trước khi thành phố có phương án triệt để hơn".
Cái nhìn về Hà Nội
"Có lẽ chỉ trong khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây, chúng ta mới thấy Hà Nội, Thủ đô của một nước lại ngập chìm trong mênh mông nước đến như vậy. Là thủ đô trong con mắt của bạn bè quốc tế và cũng là điểm nhìn chung cho một đất nước Việt Nam trên con đường hội nhập toàn cầu, cũng là hình ảnh quảng cáo đến quốc tế, điều đó thiết nghĩ chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng đó. Cứ hết mùa mưa này đến mùa mưa khác, hết đợt mưa này đến đợt mưa khác, chúng ta lại thấy hình ảnh Hà Nội ngập trong sông nước. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc quảng bá hình ảnh quốc gia trong con mắt bạn bè quốc tế, khách du lịch... Đã tới lúc những người có trách nhiệm với Hà Nội phải lên tiếng, phải làm một cái gì đó cho Hà Nội", trao đổi của bạn Trinh Son Tuan, Quận Thủ Đức, TP.HCM, trinhsontuan85@...
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản hồi của bạn đọc về một số vấn đề khác:
Trạm trộn bê tông và trạm trộn nhựa đường gây bụi ô nhiễm giữa lòng dân cư: 2 trạm trộn giữa lòng dân cư (khu tập thể 810, khu tập thể Viện Nông nghiệp, khu tập thể Z179, khu tập thể trường quản lý cán bộ, khu tập thể kho trung tâm - làng Quỳnh Đô) làm việc cả ngày lẫn đêm gây bụi ô nhiễu cho các khu dân cư theo chiều gió. Khi 2 trạm trộn làm việc, nhà nhà phải đóng kín cửa nhưng vẫn không tránh được bụi. Vì bụi như sương ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người dân. Cũng đã có một vài cơ quan chức năng đến kiểm tra nhưng vẫn không có gì thay đổi. Mong cơ quan chức năng xem xét và có biện pháp để người dân khu vực này được sống trong môi trường trong sạch. (Đào Anh Quý, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, quymeo1975@...).
Cần quản lý nghiêm việc bán đồ quân trang: Theo tôi, quân phục của người công an khi được khoác lên người thì người đó đại diện cho quyền lực Nhà nước. Nếu ai cũng có thể có được bộ quân phục như vậy thì chẳng phải quyền lực Nhà nước sẽ được sử dụng một cách bừa bãi hay sao? Chúng ta phải quản lý thật nghiêm và có những hình thức xử lý nghiêm minh với những đối tượng bán và sử dụng quân phục trái phép thì mới thể hiện được sự uy nghiêm của Nhà nước. Không những thế, những người được phép sử dụng quân phục mà làm mất hoặc quản lý không tốt gây thất lạc ra ngoài cũng cần phải xử lý nghiêm. (Nguyễn Minh Đức, Thái Nguyên, duc17042003@...).
Biển báo đường sai gây nguy hiểm: Khi đi trên đường đê từ Chùa Bút Tháp ra Cầu Đuống, khi đến gần cầu có biển chỉ đường rẽ trái về Hà Nội, rẽ phải đi Bắc Ninh (đi qua cầu Đuống). Theo biển chỉ dẫn, tôi ra đầu đường đợi rẽ trái thì thấy đây là đường một chiều cho xe đi qua cầu Đuống về hướng Bắc Ninh. Mấy người bán hàng bên lề đường thấy tôi ngập ngừng đã rất "thiện ý" chỉ dẫn: cứ đi đi, không có công an đâu, chỉ một đoạn thôi. Tất nhiên tôi không thể làm theo thiện ý "chết người đó" nên đành đi qua cầu và rẽ trái ở cuối cầu để vòng về Hà Nội.
Như vậy, tấm biển chỉ đường ở đoạn đường đê giáp cầu Đuống là sai nghiêm trọng và nguy hiểm. Mặc dù về mặt địa lý thì đúng là bên trái là Hà Nội, bên phải là Bắc Ninh nhưng biển chỉ đường ở đó phải chỉ hướng đi về Bắc Ninh và Hà Nội đều phải rẽ phải, sau đó ở cuối cầu cần có biển tiếp theo chỉ hướng Hà Nội rẽ trái, Bắc Ninh đi thẳng.
Ngoài việc biển chỉ đường sai, tôi thấy các biển chỉ đường thiếu ở rất nhiều các ngã ba, ngã tư trên các đường quốc lộ và nếu có thì các biển này quá nhỏ, chữ nhỏ khiến lái xe không định hướng được từ xa để chuyển làn xe sớm, tránh tạt gấp khi đọc được biển chỉ đường. Vài góp ý để góp phần tăng an toàn giao thông đường bộ. (Nguyen Thi Bich Hue, Trần Phú, Hà Nội, nguyen.bhue@...).
Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!