221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1199796
Tăng học phí nhưng cần có chính sách với sinh viên nghèo
1
Article
null
Tăng học phí nhưng cần có chính sách với sinh viên nghèo
,

 - Bên cạnh những ý kiến phản đối chủ trương tăng học phí, nhiều bạn đọc cho rằng tăng học phí là cần thiết để nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, để mọi người dân có cơ hội học hành, Nhà nước cần có các chính sách miễn giảm hay cho vay học phí với sinh viên nghèo.

 

Nâng chất lượng giáo dục, cần thiết phải tăng học phí

Theo tôi, nếu muốn cải cách giáo dục thì nhất thiết phải tăng học phí cho phù hợp. Rất nhiều người đã mâu thuẫn khi cho rằng thay vì tăng học phí nên làm điều ngược lại nhưng chính họ cũng là người luôn phàn nàn về chất lượng giáo dục của nước ta hiện nay. 

 

Có nâng cao chất lượng giáo dục được không nếu mãi duy trì cách trả lương, trả công cho giảng viên, giáo viên theo kiểu xưa nay chúng ta làm? 

 

Có nâng cao chất lượng giáo dục được không khi mà trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, học tập… của giảng viên lẫn học sinh, sinh viên luôn thiếu và lạc hậu?

 

Có nâng cao chất lượng giáo dục được không khi mà các nhà trường luôn không đủ khả năng tài chính để mời gọi các chuyên gia, các giáo sư bên ngoài, các thầy cô giỏi, giảng viên giỏi về giảng dạy cho sinh viên mình?…

 

Chúng ta cần chất lượng hay số lượng sinh viên tốt nghiệp ngày càng nhiều nhưng đa số không thể làm được việc gì nếu không được doanh nghiệp đào tạo lại?

 

Rõ ràng là bất kỳ chính sách nào của Nhà nước khi ban hành luôn có tác động tiêu cực nhất định đến một nhóm đối tượng nào đó trong xã hội. Đối với người nghèo, Nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách quan tâm, trong đó có cả chính sách đảm bảo cho họ được học hành.

 

Vấn đề ở đây, theo tôi, là bên cạnh chính sách về tăng học phí, Nhà nước cần có thêm chính sách khác để đảm bảo người nghèo nếu có khả năng học tập vẫn có thể học thành tài như bao người khác trong xã hội. Có như thế, xã hội ta mới có thể mong đuổi kịp các nước khác. Võ Văn Mạnh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, amamanh@...

Trường ĐH không có tiền, SV phải thực hành trong những phòng thí nghiệm lạc hậu. (Ảnh ntu.edu.vn) 
Là sinh viên đại học, chắc hẳn bạn nào cũng muốn có một việc làm như ý muốn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng trình độ của sinh viên hiện nay không đủ đáp ứng yêu cầu công việc. Vì thế, một trong những biện pháp nâng cao trình độ của sinh viên là cải cách, nâng cao chất lượng dạy và học. Để làm được như vậy, cần phải có kinh phí lớn. Chính vì thế, việc tăng học phí là một việc chấp nhận được.

 

Tăng học phí góp phần nâng cao chất lượng. Thêm vào đó, tăng học phí khiến sinh viên biết quý trọng đồng tiền và ra sức học tập nhiều hơn. Tăng học phí đại học cần tăng quỹ học bổng để khuyến khích sinh viên nghèo học tập. Vì thế, một khi sinh viên đã ra sức học tập, có tài năng, không bao giờ có chuyện làm giảm cơ hội học tập của sinh viên. Tran Thuy Hang, Q. Tân Bình, TP.HCM, dinhgroup@...

Tăng học phí phải đi cùng với chính sách cho vay


Tôi nghĩ học phí không tăng trong hơn 10 năm qua là rào cản lớn nhất cho sự phát triển của các trường ĐH. Các trường không thể thu hút người tài bằng mức lương thấp, không đủ cơ sở vật chất cho thực hành thí nghiệm... Nếu định mức học phí đúng theo chất lượng của từng trường thì người dân sẵn sàng bỏ tiền để được cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao. Đừng vì lợi ích nhỏ cho từng cá nhân mà cản trở sự phát triển của đất nước.

 

Đối với những SV nghèo, hoàn toàn có thể cho các em vay vốn để học, sau khi ra trường có việc làm sẽ trả dần. Như vậy sẽ rất công bằng vì với chính sách học phí mới, mọi người sẽ có cơ hội thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng cao hơn. Theo tôi, Nhà nước chỉ nên bao cấp các bậc học từ THPT trở xuống. ĐH là nơi đào tạo để hành nghề, vì vậy, phải để người học có ý thức vay - trả. Đỗ Thanh Thùy Duyên, Quận 10, TP.HCM, thuyduyen1987@...

Cần có chính sách miễn giảm với SV nghèo

 

Ai cũng kêu học phí tăng cao nhưng mấy ai để ý mức học phí này ban hành từ năm 1998, hơn 10 năm nay không tăng, trong khi giá cả sinh hoạt tăng hàng ngày.

 

Nhà nước quy định trường ĐH là doanh nghiệp Nhà nước có thu, quỹ lương được khoán, nguồn kinh phí chỉ có chủ yếu thông qua học phí và ngân sách Nhà nước. Trong khi đầu vào Nhà nước quản, đầu ra là chi phí và lương giáo viên phải tăng theo quy định lương tối thiểu và mức sinh hoạt thì lại do trường ĐH quy định. Chưa kể đến tiền miễn giảm học phí cho các đối tượng sinh viên nghèo... Sẽ là đúng nếu miễn giảm theo quy định của Nhà nước thì Nhà nước phải đứng ra đóng tiền cho những đối tượng này chứ không phải các trường ĐH.

 

Chúng tôi là những giảng viên ĐH, có học vị cao, học hành không hề thua kém bạn bè, đi làm gần 10 năm mà lương chỉ đủ đóng học phí cho một đứa con học tiểu học ở các trường Đoàn Thị Điểm hay Nguyễn Siêu tại Hà Nội với mức học phí thấp nhất.

 

Sự phân hoá trong XH là không thể tránh khỏi, chúng ta cứ kêu không có tiền đóng học phí, thế tiền đâu cho con em chúng ta học cấp mẫu giáo, cấp 1, cấp 2?

 

Với mức thu nhập của giảng viên thấp như hiện nay đã xảy ra các hiện tượng chảy máu chất xám hay nguồn lực. Nhiều giảng viên phải cố dạy cho nhiều giờ để gắng thu nhập, có những người dạy trên 1.200 tiết/năm hoặc đi làm thêm ngoài... Chính vì vậy, chất lượng giảng dạy của giáo dục Việt Nam không thể nâng cao được như mong muốn.

 

Với chủ trương tăng học phí lần này, Nhà nước nên có chính sách cho những học sinh giỏi sẽ có học bổng cao. Với diện học sinh nghèo được miễn giảm thì Nhà nước phải bỏ tiền ra cho họ và phải đích thân giám sát việc đó. Phan Ngọc Bảo, ĐH Giao thông Vận tải HN, baogt2000@...

Hãy để SV làm chủ việc học của mình


Tôi rất ủng hộ với chủ chương tăng học phí của Bộ GD-ĐT, điều này giúp bổ sung đáng kể nguồn ngân sách cho các trường để tăng chất lượng nghiên cứu. Tuy nhiên, phải giải quyết tốt việc hỗ trợ, cũng như cho vay vốn đối với sinh viên nghèo, qua đó giúp các em nhận thức đầy đủ giá trị của việc học ĐH. Tôi thấy nhiều bạn sinh viên không lo học tập mà suốt ngày chỉ chơi game, đánh cờ bạc, mặc dù bố mẹ của các bạn ấy có thu nhập cũng không cao, vì thế nên để các bạn sinh viên tự chịu trách nhiệm với việc học tập của mình. Tiến, Hà Nội, tiendonam@...

Kiểm soát chặt chi tiêu, có thể không cần tăng học phí


Đồng ý với cách giải thích của Nhà nước về việc tăng học phí để nâng cao chất lượng giảng dạy, nhưng với số tiền để nâng cao đó có cần thiết là phải thu ngay từ những khoản học phí hay không. Trong khi đó, hàng năm nước nhà vẫn mất hàng chục tỷ do thất thoát, lãng phí.

 

Một sinh viên y dược mất 6 năm để đi học, một ngày phải học cả sáng lẫn chiều ở giảng đường. Sau khi ra trường, nếu may mắn, các em sẽ được làm trong bệnh viện lớn với mức lương là... 800 nghìn đồng/tháng. Với mức học phí hiện nay, thêm với sự cực khổ mà một sinh viên y dược phải chịu đựng, đã rất ít người theo học nếu không có sự giúp đỡ của gia đình sau này. Thử hỏi, nếu tăng học phí lên 800 nghìn đồng/tháng còn mấy ai theo học, cho dù Nhà nước cho vay học phí thì với mức lương như trên, một sinh viên y dược phải nhịn ăn trong mấy năm để trả đủ nợ?

 

Thay vì tăng học phí, Nhà nước nên quản lý chặt chi tiêu của mỗi công trình, và pháp luật nên có hình thức thật nặng để răn đe những kẻ nhận hối lộ. Chỉ khi làm được việc đó thì mới nghĩ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hoàng Trọng Hiếu, Thuỵ Khuê, Hà Nội, ban_than_5@... 

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,