221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1201106
“Khoảnh khắc thiêng liêng nhất đời tôi là được gặp Bác Hồ”
1
Article
null
“Khoảnh khắc thiêng liêng nhất đời tôi là được gặp Bác Hồ”
,

 - Cô giáo Ngô Thị Kim Oanh đã không khỏi xúc động khi mọi người hỏi cô về Bác Hồ. Đến tận bây giờ, cô vẫn nhớ như in hình ảnh Bác trong bộ quần áo màu gụ giản dị, chân đi dép cao su, đôi mắt sáng ngời... Ngày 15/2/1965, Bác đã đến thăm xã Nam Chính, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương - một xã chuẩn mực về phong trào vệ sinh phòng bệnh ở nông thôn.

 

Bức ảnh kỷ niệm với Bác được cô Oanh treo trang trọng trong phòng khách. (Ảnh: Huyền Anh)

Gặp cô Kim Oanh trong căn nhà nhỏ tại đường Trần Hưng Đạo, TP. Hải Dương, tôi không khỏi xúc động bởi những tình cảm rất riêng của cô dành cho Bác Hồ - người cha già, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Cô nói: “Ai cũng mong một lần được gặp Bác, cô cũng vậy. Nhưng trong hoàn cảnh đó thì cô vô cùng bất ngờ và thực sự đó là một kỉ niệm sâu sắc trong cuộc đời của cô”. Rồi cô kể cho tôi nghe lần Bác về thăm.

 

Hồi đó, cô Oanh mới 6 tuổi, Bác Hồ cùng đồng chí Phạm Hùng về thăm xã nhà, một xã tiêu biểu trong phong trào vệ sinh phòng bệnh nông thôn. Bác bước xuống xe trong tiếng hô vang của dân làng: “Hồ Chủ tịch muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm!...”. Bác vẫy tay chào bà con. Sau đó, Bác vào thăm các gia đình trong thôn. Bác đi thăm từng nhà, thăm công trình vệ sinh, giếng nước, nhà tắm...

 

Rồi Bác bước ra sân kho thôn An Trường, tiếng hô của đồng bào vẫn vang lên không ngớt, có người nhìn thấy Bác mà xúc động không nói nên lời, chỉ giơ tay lên vẫy chào Bác.

 

Tình yêu thương của Bác với nhân dân vô cùng sâu sắc, trong đó Bác dành tình yêu thương đặc biệt cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Bác bước đến hỏi han những người già, những câu chuyện giản dị. Bác quan tâm đến từng bữa cơm, mùa màng và sức khỏe sinh hoạt của bà con. Bất chợt Bác nhìn thấy bé gái trong đám học sinh và Bác bảo đồng chí Phạm Hùng: “Bế cháu gái nhỏ nhất kia lại đây với Bác”. Bé gái đó là cô Kim Oanh bây giờ.

 

Đứng cạnh Bác, cô nhìn Bác được rõ hơn. Tuy lúc đó còn rất nhỏ nhưng cô không sao quên được cảm giác đó. Bác vừa gần gũi, trìu mến. Bác cho cô kẹo, còn dặn: “Cháu ăn kẹo rồi đưa về cho em ăn với nhé!”. Rồi Bác ân cần hỏi: “Cháu học lớp mấy rồi?”.

 

Khi các chú nhiếp ảnh quây quanh, Bác nhắc: “Các chú ngắm lâu thế, cháu nó sợ đấy”. Chứng tỏ Bác rất hiểu tâm lí của trẻ và quan tâm đặc biệt đến thiếu nhi. Cô nói những cử chỉ ấy cho thấy Bác thật gần gũi như một người ông vậy.

 

Cô còn nhớ mấy lần Bác lấy bao thuốc lá ra mà không hút lại bỏ vào túi. “Mãi sau này tôi mới hiểu Bác rất muốn hút thuốc nhưng vì có cháu nhỏ ngồi bên cạnh nên Bác không hút. Điều đó làm tôi nhớ mãi”, cô Oanh kể.

 

Khi chú Phạm Hùng nói chuyện với nhân dân, Bác chỉ vào một học sinh ngồi đầu hàng: “Xã cháu có phong trào gì nhỉ?”. Em học sinh thưa: “Dạ thưa Bác, xã chúng cháu có phong trào kiểu mẫu về vệ sinh phòng bệnh ạ!”. Bác nói vui: “Cháu nói đúng hơn chú Phạm Hùng. Bởi chú Hùng nói “điển hình về vệ sinh phòng bệnh”, như thế chưa chuẩn xác”.

 

Bác còn hỏi một cụ già: “Nhân dân xã ta Tết vừa rồi phân phối mỗi nhân khẩu bao nhiêu cân thịt lợn hơi?”. Bí thư Đảng ủy xã trả lời ngay: “Dạ thưa Bác, xã chúng cháu phân phối mỗi nhân khẩu 2-3kg thịt hơi ạ!”. Bác cười bảo: “Bác hỏi nhân dân, Bác không hỏi cán bộ”.

 

Cụ già lúc nãy thưa: “Dạ thưa Bác, xã chúng tôi mỗi nhân khẩu được phân phối 3-4 kg thịt”. Bác và mọi người cùng cười, Bác biết cả hai đều nói không đúng sự thật. Nhưng ai cũng xúc động, Bác quan tâm đến cả miếng cơm manh áo, công việc trồng hoa màu của nhân dân.

 

Khi đã trưa, Bác nói với cụ già: “11 giờ trưa, tôi đến nhà cụ, cụ chưa có cơm thì có bắp ngô, củ khoai mời tôi”. Bác là thế, rất giản dị, ân cần và gần gũi.

 

Cô Kim Oanh (bên trái) đang kể kỷ niệm về Bác Hồ. (Ảnh Huyền Anh)

Đã bao năm trôi qua kể từ ngày cô Oanh gặp Bác, qua ngày tháng và những lời kể của mọi người trong gia đình, trong tâm trí cô cháu gái ngày ấy (khi còn bé, cô lấy tên Ngô Thị Bích Hạnh), hình bóng Bác vẫn luôn hiện hữu gẫn gũi, thân thương. Cô mong muốn sau này là một giáo viên để có thể chuyển tình yêu thương của Bác đến với những em bé và mơ ước đó đã trở thành hiện thực.

 

Sau khi ra trường, cô giáo trẻ đã có hơn chục năm trời công tác giảng dạy ở vùng cao, tại Bản Khoang, xã Chiềng Khoang, huyện Thuận Châu, Sơn La.

 

Cô tâm sự: “Những năm tháng sống trên vùng cao, đồng nghiệp đã có người bỏ nghề. Còn tôi, khó khăn rất nhiều nhưng cứ nhìn thấy đám học sinh với những tấm áo không lành lặn, miếng cơm chưa đủ no, chân trần vượt hàng chục cây số đường rừng đến trường lại thấy thương các em lắm. Lúc ấy, nỗi nhớ Bác lại nhen lên động viên cô bước tiếp qua những chặng đường gian nan ấy”.

 

Năm 1995, cô lại về phục vụ quê hương và công tác giảng dạy tại trường chuyên THCS Nguyễn Huệ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Cô không ngừng nghiên cứu các phương pháp giảng dạy và tìm hiểu về cuộc đời cũng như các tác phẩm mà Bác để lại cho nền văn học nước nhà. Qua những bài giảng cùng kỉ niệm sâu sắc của cuộc đời mình, cô đã truyền cho học sinh tình yêu thương và tinh thần học tập cho các em.

 

Trong suốt những năm qua, hình bóng Bác vẫn thật gần. Một tháng 5 nữa lại về khi cả nước hướng đến ngày kỉ niệm sinh nhật Bác, riêng cô có niềm vui đặc biệt. Không chỉ mình cô mà cả gia đình lại quây quần bên nhau, kể cho thế hệ sau những câu chuyện về Bác, thiêng liêng biết nhường nào.  

  • Đỗ Huyền Anh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,