221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1201926
Truyện tranh ngoại nhập đang "đầu độc" con trẻ
1
Article
null
Truyện tranh ngoại nhập đang 'đầu độc' con trẻ
,

 - Chúng tôi là những bậc phụ huynh vô cùng lo lắng về truyện tranh dành cho thiếu nhi hiện nay. Ở những tập truyện đó, cái đáng học tập không nhiều, trong khi cái vô bổ, nhảm nhí, thậm chí độc hại lại nhan nhản.

 

Truyện tranh gợi dục đang lan tràn trong học đường. (Ảnh cantho.gov.vn)
Hiện nay, các em thiếu niên, nhi đồng đang có rất nhiều cơ hội để tìm đọc nhiều loại sách báo, đặc biệt là các loại truyện tranh. Theo dõi trên các sạp, quầy bán, cho thuê sách báo ở nhiều địa phương có thể thấy các loại truyện tranh có xuất xứ từ Nhật Bản rất phổ biến. Có thể nói, khởi đầu cho "trào lưu" này ở Việt Nam là cuốn truyện khá nổi tiếng về chú mèo máy Đôrêmôn.

 

Đọc thử qua một vài quyển truyện mà 2 đứa con trai mua hoặc mượn về, người viết bài này không khỏi lo lắng về những gì mà con cái mình có thể tiếp thu từ những quyển sách này, khi mà cái đáng học tập thì không nhiều, trong khi cái vô bổ, nhảm nhí, thậm chí độc hại thì lại nhan nhản.

 

Về mặt văn chương, chúng ta thường dễ bắt gặp trong những tập truyện này  là những câu văn đơn giản không có chủ vị ngữ, rất hạn chế về giá trị văn học, với nhiều từ tượng thanh diễn tả hành động như: “bụp”, “xoẹt”, “oái”, “vèo”…

 

Về hình vẽ mô tả, các truyện tranh phần nhiều mang nặng tính bạo lực, huyền bí, ma quái, không ít hình miêu tả phái nữ khá khiêu gợi, nội dung về yêu đương, không phù hợp với lứa tuổi các em.

 

Trước đây, chúng ta thường giáo dục con em mình không mê tín, dị đoan, không tin có ma quỷ, không có thế lực siêu nhiên… Nhưng bây giờ đi đâu cũng gặp truyện tranh có nội dung ít nhiều có liên quan đến những điều đó.

 

Các bậc phụ huynh không khỏi lúng túng khi chọn mua truyện cho con em mình. Truyện đọc thì các em lơ là, chỉ thích truyện tranh và phải là những cuốn kiểu như “Thám tử Conan”, “Tay súng miền Tây”, “Một nửa RanMa”, “Sứ giả Ichigo”…

 

Một điều không thể không quan tâm là có những truyện tranh như "Dòng sông huyền bí", "Con nhà giàu", "Punch - Tình ca sàn đấu"… đã đi sâu vào miêu tả cảnh yêu đương, hôn nhau, vuốt ve, mắt nhìn nhau đắm đuối hoặc đặc tả những bộ phận “nhạy cảm” trên cơ thể phụ nữ…

 

Bên cạnh đó, những quyển truyện này về nội dung còn cổ động cho lối sống tôn thờ vật chất, nhảm nhí, thô tục hoàn toàn xa lạ với giáo dục đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên.

 

Đáng lo là những truyện cổ tích, truyện dân gian Việt Nam, truyện có nội dung giáo dục bằng thể loại truyện tranh như “Thần đồng đất Việt” khá hiếm, ít được các em quan tâm.

 

Nội dung cũng là tiêu chí của các nhà xuất bản ở nước ta từ trước đến nay về cơ bản vẫn là hướng các em tới cái “chân, thiện, mỹ”, ca ngợi, tôn vinh cái đẹp, gương người tốt việc tốt, phê phán cái xấu…

 

Cho đến nay, không phải không có những quyển sách có nội dung tốt, bổ ích đối với các em, nhưng phải nhìn nhận rằng, truyện tranh theo kiểu Nhật đã lấn át hết, đẩy truyện đọc, truyện tranh trong nước xuống hàng thứ yếu và gần như các em không còn để ý đến nó nữa.

 

Có lẽ cũng chính vì để có doanh thu cao thì “cung” phải chạy theo “cầu” và truyện tranh với nhiều đề tài câu khách rẻ tiền cứ đua nhau ra lò, bất chấp nội dung của nó có tác dụng giáo dục ra sao. Các nhà xuất bản vốn có uy tín trong nước, trong đó có cả NXB Kim Đồng tham gia phát hành với số lượng lớn.

 

Hậu quả nhãn tiền là vốn liếng về văn học và rộng hơn là vốn liếng về các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý của các em học sinh các cấp từ tiểu học đến phổ thông trung học thiếu và nghèo nàn một cách đáng báo động.

 

Theo dõi các chương trình giải trí trên truyền hình, trong đó có các phần thi về kiến thức cho học sinh phổ thông (và cả đại học), thỉnh thoảng người xem vẫn chứng kiến những câu trả lời khá ngây ngô, không thể chấp nhận được của một số em trước những câu hỏi về các môn xã hội cũng như các kiến thức phổ thông. Điều đó cũng phần nào nói lên sự hụt hẫng, sáo mòn về kiến thức trong lĩnh vực này của các em.

 

Có thể minh chứng cho thực trạng trên bằng sự yếu kém về kiến thức xã hội đến thê thảm thể hiện trong các bài thi môn Lịch sử cũng như môn Văn trong các kỳ thi đại học vừa qua. Và thực trạng đó có nguyên nhân không nhỏ từ những quyển truyện tranh vô bổ nhan nhản trên thị trường hiện nay.

 

Với thực trạng tràn lan của đủ các loại truyện tranh đang được xuất bản và phát hành phổ biến hiện nay thì việc văn chương của các em kém cỏi, sáo mòn, tâm hồn có biểu hiện của “già trước tuổi”, đam mê bạo lực… là không khó hiểu. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề không thể xem nhẹ trong bình diện chung của nền giáo dục đang cần có sự cải tiến toàn diện hiện nay. 

  • Dân Hùng 
     
    Bạn nghĩ gì về thực trạng truyện tranh cho giới trẻ hiện nay. Giải pháp nào để ngăn chặn truyện tranh không phù hợp lứa tuổi?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,