221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1204608
Chất lượng xăng dầu vẫn đang bị bỏ ngỏ
1
Article
null
Thư bạn đọc trong tuần (từ 18-24/5/2009):
Chất lượng xăng dầu vẫn đang bị bỏ ngỏ
,

 - Xăng dầu, học phí là hai vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi của bạn đọc trong tuần qua. Ngoài ra, các vấn đề như truyện thiếu nhi, học hè, "cò" bệnh viện... cũng nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc.

Mỗi ngày, có hàng ngàn lít xăng, dầu bị trộm như thế này. Ảnh: QQ

Lo ngại về chất lượng xăng, dầu

 

Xả trộm xăng dầu và gian lận chất lượng xăng là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua. Nhiều ý kiến bức xúc về vấn đề này đã được gửi về toà soạn. Bạn Nguyen Van Tan, Uông Bí, Quảng Ninh, nguyenvantan1973@... bức xúc: "Ngày 21/5/2009, tôi có nhờ một người bạn đi xe của tôi lên Hà Nội, trên đường đi có mua xăng tại cây xăng đường 1 thuộc thành phố Bắc Ninh, khi bơm xăng xong, xe chạy có hiện tượng không bình thường, người bạn có nghi ngờ xăng pha nước, tối về có nói lại với tôi như vậy.

 

Sáng hôm 22/5/2009, tôi đi làm cũng thấy xe có hiện tượng như vậy, cho đến ga ra xe kiểm tra thì mới biết xăng sử dụng còn trong bình lẫn dầu, kiểm tra bu-gi một màu đen xám xịt. Thợ sửa xe nói cho tôi biết xăng tôi mua có lẫn dầu và đã súc rửa bình xăng... thay xăng mới mua tại cửa hàng thuộc nhà nước thì xe chạy bình thường. Do vậy, tôi nghĩ các cơ quan chức năng phải có biện pháp kiểm tra các cây xăng, nhất là các cây xăng tư nhân về chất lượng xăng, dầu".

"Tôi có hai chiếc xe, một chiếc xe con chạy xăng và một chiếc xe tải chạy dầu, vì những mánh khóe như thế này trước đây tôi đoán là có nên dặn anh em lái xe là chỉ đổ xăng của các cây xăng Nhà nước. Nhưng vừa rồi trực tiếp tôi đổ xăng A95 tại cây xăng của Nhà nước, chạy được 500m thì xe phụt khói trắng và chạy rất khó khăn, khi cố chạy về nhà lấy một ít xăng bỏ lên đĩa đốt thì chỉ cháy hết 1/3, kiểm tra dầu nhớt máy thì bị tăng gấp ba lần (nhiên liệu không cháy được lọt xuống).

 

Khi tôi đến phản ánh với cây xăng thì họ có xin lỗi và nói do sơ suất và đề nghị giấu kín. Nhưng khi đọc được những thông tin trong bài báo thì tôi mới hiểu tại sao. Các cơ quan chức năng ơi! Tôi biết tin vào đâu đây?", phản ánh của bạn Nguyễn Hữu Phúc, Đồng Hới, Quảng Bình, nguyenhuu_edu@...

Cần bắt và xử nặng hành vi pha trộn xăng, dầu là đề xuất của bạn Nguyễn Việt, drnguyenviet@...: "Cần phân biệt rõ việc ăn cắp xăng dầu với pha trộn xăng dầu. Ăn cắp xăng dầu là quan hệ gian lận giữa người mua và người bán, người vận chuyển. Nhưng việc đưa vào thị trường lượng xăng pha nước lã không đủ chất lượng là trách nhiệm của chủ cây xăng với toàn xã hội chứ không phải với từng người mua xăng. Các chủ cây xăng không thể chỉ đơn giản giải thích rằng "không có thiết bị kiểm tra, không biết". Tương tự người bán sữa, bán dược liệu... không thể tránh tội nếu sữa hay thuốc bán từ cửa hàng của mình gây hậu quả chết người cho khách hàng.

 

Việc truy tìm nguồn gốc sâu xa là tình tiết giảm nhẹ chứ không thể cho rằng người bán hàng không có tội. Khi đăng ký kinh doanh, chỉ có thể cấp phát cho những chủ cửa hàng chứng minh có đủ trình độ năng lực và trang thiết bị đảm bảo chất lượng hàng hoá của mình. Những chiếc xe ô tô chuyên dụng giá hàng tỷ đồng sẽ dễ hỏng những bộ phận quan trọng nếu sử dụng xăng không đủ chất lượng, đặc biệt xăng pha nước lã có thể gây ô-xi hoá, gỉ mọt từ bên trong. Việc bán xăng pha nước lã cần nhìn nhận như hành vi gây hại cho xã hội. Cần bắt giữ, xét xử nghiêm minh".
 

Bạn Le Minh Giang, Q.7, TP.HCM, giang_thong2002@... đề nghị: "Đề nghị ban ngành chức năng có biện pháp chặt chẽ, giám sát việc vận chuyển dọc đường, phát hiện được trường hợp nào thì phạt thật nặng, hãy khám tình trạng xe trước khi vận chuyển, niêm phong, xác nhận cụ thể từng trạm giao nhận... sao cho việc làm khuất tất này khó xảy ra, như vậy sẽ hạn chế được nạn trộm xăng".

 

Tăng học phí: Phải sòng phẳng với người học. Ảnh: LAD

Tăng học phí vào thời điểm này liệu đã thích hợp?

Học phí là vấn đề đang rất nóng hiện nay. Đa phần ý kiến bạn đọc gửi về đều bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề này vì hiện nay còn rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

 

Bạn Nguyễn Hà Thuỷ Mỹ, Hoà Mã, Hà Nội, nguyenthuymy108@... phân tích: "Theo quan điểm của cá nhân tôi thì việc tăng học phí cho giáo dục là vấn đề đáng được quan tâm và nhất định phải có chủ trương tăng học phí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thực trạng hiện nay của giáo dục Việt Nam đó là chi phí cho giáo dục có hai phần: Đầu tư cho cơ sở vật chất và cho dạy - học. Nhưng chi phí đầu tư cho dạy và học hiện vẫn chưa đủ. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, Nhà nước vẫn phải bù vào. Như vậy, ở đây xuất hiện sự mất cân đối trong phát triển giáo dục…

 

Từ đó xuất hiện vấn đề là Bộ Giáo dục phải đưa ra được một đề án cụ thể để người dân cũng như các đơn vị liên quan có thể dựa vào đó để đóng góp ý kiến, tránh tình trạng gây tâm lí hoang mang trong dư luận, sẽ ảnh hưởng xấu đến việc thực thi đề án nếu nó được thông qua sau này. Trong khuôn khổ chủ trương tăng học phí của Bộ Giáo dục hiện nay, cần phải quan tâm đến nguyện vọng của hai đối tượng chính, đó là học sinh, sinh viên và phụ huynh. Bởi lẽ, nếu chủ trương này đi vào thực tiễn thì nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai đối tượng này.

 

Trên thực tế thì không phải gia đình nào cũng có khả năng chi trả cho những khoản học phí cũng như những chi phí phát sinh trong giáo dục của con cái họ. Không phủ nhận rằng vẫn có một bộ phận lớn gia đình sẵn sàng đầu tư cho con cái mình để con em họ được hưởng nền giáo dục tốt nhất. Nhưng thực chất giáo dục Việt Nam hiện nay đã làm được những gì? Từ trang thiết bị cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên giảng dạy liệu đã đáp ứng được nhu cầu của học sinh và yêu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh khi chi trả những khoản học phí đó hay chưa? Rất khó để khẳng định rằng chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay đã được đảm bảo.

 

Để nền giáo dục Việt Nam phát triển thì các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cân đối hài hoà giữa khả năng của nhân dân và ngân sách của nhà nước. Như vậy, giáo dục sẽ có cơ hội phát triển chứ không bị lệ thuộc quá nhiều vào ngân sách. Sẽ vẫn cần có những chủ trương chính sách khuyến khích đối tượng học sinh, sinh viên nghèo đến trường và tạo cho họ môi trường học tập tốt như những đối tượng khác.

 

Như thế có nghĩa là đề án đưa ra không làm ảnh hưởng đến người có thu nhập mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho những đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn, nhất là sẽ tạo tâm lí thoải mái, giúp sinh viên yên tâm học tập mà không phải quá lo lắng đến học phí. Các nước phát triển trên thế giới rất chú trọng đầu tư cho giáo dục và đây cũng là vấn đề Việt Nam cần quan tâm. Hiện nay, chất xám đã trở thành một món hàng hoá có giá trị và chúng ta cần phải biết đầu tư hợp lí và có hiệu quả cho giáo dục để phát huy hết tiềm lực của con người".

"Em thấy với mức tăng học phí mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là không phù hợp với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay. Nhiều gia đình ở nông thôn và miền núi lúc con chưa vào đại học cuộc sống đã rất khó khăn nói gì khi con vào đại học thì lại càng khó khăn đủ mọi bề. Nhiều sinh viên ở nông thôn và miền núi hiện nay đi học chủ yếu dựa vào tiền vay vốn học sinh, sinh viên.

 

Với mức học phí hiện tại, theo em biết, nhiều sinh viên ra trường không thể trả được nợ nói gì với mức học phí mới. Vậy, em mong những người làm chính sách giáo dục hãy dựa vào mức thu nhập bình quân của người dân mà đưa ra mức học phí phù hợp hơn. Xin chân thành cảm ơn!", mong mỏi của bạn Nguyen Quang Dat, ĐH GTVT Hà Nội, khacduong263.cnoto@...

Không nên tăng nhiều vào lúc này là ý kiến của bạn Nguyễn Đình Tuấn, Vương Thừa Vũ, Hà Nội, nguyendinhtuan0115@... : "Theo tôi, việc tăng học phí là hợp lý nhưng vào thời điểm này không nên tăng quá nhiều. Mức tăng đề xuất từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng do Chính phủ đề nghị là quá cao, tới 40%, chưa phù hợp với tất cả các đối tượng sinh viên. Tuy chỉ là 75.000đ nhưng nhân với 1 kỳ 5 tháng số tiền sinh viên phải nộp thêm không hề nhỏ. Theo tôi mức tăng chỉ nên ở mức 25-30%".

Ảnh minh họa: tintuconline
Đi xe buýt: Khách hàng có là thượng đế?

 

Sự việc phụ xe buýt đánh hành khách vừa qua đã khiến nhiều người bức xúc. Nhiều ý kiến độc giả bày tỏ lo ngại về an ninh cũng như sự an toàn trên các chuyến xe. Bạn Tan, toiyeu.dola@... nêu: "Cần xử lý thật nghiêm. Đây không chỉ là nội bộ công ty vận tải mà mang tính chất hình sự. Tình trạng trên thường xuyên diễn ra. Có phải là do các công ty vận tải chưa chú trọng đến việc tuyển lựa nhân viên? Xin các cơ quan pháp luật vào cuộc để người dân yên tâm hơn". 
 

"Tôi không thể chấp nhận hành vi đánh người như bài báo đã đưa tin. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng hãy đưa vụ việc trên ra trước công lý để bảo vệ người tham gia giao thông trên xe công cộng mà các bộ, ban, ngành đang khuyến khích người dân tham gia", ý kiến của bạn Đào Văn Đông, Bắc Giang, dvdong63@...
 

Hành vi trên của phụ xe buýt là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, trao đổi của bạn Lê Hưng, Thanh Hoá, hung@...: "Đó là hành vi cố ý hành hung gây thương tích cho người khác với mức độ nặng, làm mất đi tính lịch sự trong văn hóa cư xử của xe buýt Việt Nam, ảnh hưởng tới những người xung quanh. Tôi nghĩ nên xử lý thật nghiêm cũng để răn đe những đối tượng làm cùng nghề mà có cùng hành vi chưa bị phản ánh".


Bạn Vũ Quang Tuân, Hà Nội, vuquangtuan_vn@... bày tỏ: "Việc lơ xe hành hung gây chảy máu đầu hành khách là một hành động không thể chấp nhận được. Vì vậy theo tôi các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa để tình trạng này không tiếp diễn, ảnh hưởng xấu tới người đi xe buýt".
 

"Tôi nghĩ đây là vấn đề liên quan đến văn hoá của con người! Nhiều khi đi xe buýt ở Hà Nội, tôi cũng gặp nhiều phụ xe rất bất lịch sự, ăn nói ngỗ ngược với khách, đặc biệt là đối với người già! Xét về góc độ đạo đức đã không thể chấp nhận được, chứ chưa nói là sự phục vụ khách hàng nữa. Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng tôi chỉ đồng ý với cách phục vụ của xe buýt Thanh Hoá. Rất tận tình, rất chu đáo", trao đổi của bạn Lê Thị Hà, Thanh Hoá, giotlehoahong_angel@...


Bạn Nguyen Ngoc An, Lê Văn Khương, yenvan9922@... bất bình: "Tôi cũng đã từng đi trên một chuyến xe buýt từ quận 12 về Bến Thành. Lần đó là lần đầu đi tuyến này nên tôi không biết phải đi xe nào. Một tay ẵm con nhỏ và mắt hướng lên biển chỉ dẫn để tìm đúng xe. Vừa lúc đó thì chiếc xe buýt số 36 đến ngay vạch, đưa tay ra vẫy thì tấp vào ngay. Thế nhưng khi vừa lên xe thì bị tài xế mắng là đón xe thì phải đón sớm chứ sao lại để tới nơi mới vẫy. Tôi nói là vì chưa biết là phải đi xe nào thì ông ta mắng tiếp: "có 2 xe ở tuyến này chứ mấy mà không biết". Tôi đành im miệng cho qua chuyện.

 

Một lúc sau thì có một người phụ nữ cũng như tôi, thế là lại bị mắng lần nữa. Trên đường đi, liên tiếp tài xế và phụ xe có những lời lẽ vô cùng nặng nề và khiếm nhã với những hành khách chuẩn bị lên xe. Tôi thấy bất bình lắm nhưng lại không để ý tên của hai người đó, chỉ nhớ là tài xế tóc dài và hơi xoăn, đội nón. Đến chuyến xe sau tôi sợ lại phải gặp những chuyện như vậy nữa, nhưng thật may là lần này bác tài và anh tiếp viên khác lại rất lịch sự và vui vẻ. Cái câu khách hàng là thượng đế chắc chỉ có số ít người hiểu. Nếu có nhiều người làm nghề này hiểu hơn thì số lượng hành khách sẽ tăng xa so với hiện nay".
 

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề đời sống, xã hội khác:


Nhiều bạn đọc trong tuần qua đã gửi thư phản ánh về việc bị giật điện tại các điểm ATM:


ATM của BIDV: Tôi đã từng rút tiền ở máy ATM của BIDV vào 1 ngày mưa. Tôi đã rút ở 2 nơi, một nơi là ở phố Cầu Gỗ và 1 điểm ở gần Đại học Y Hà Nội. Tôi bị giật ở cả hai điểm đó. Tôi sử dụng thẻ của Ngân hàng Nông Nghiệp để rút tiền ở máy của BIDV. Từ nay tôi sẽ không sử dụng máy ATM của BIDV nữa. (Trần Ngọc Tân, Lê Trọng Tấn, Hà Nội, tantn1986@...)

ATM ở Thanh Hóa: Ngày 11/5/2009, tôi đến địa điểm 17 Phan Chu Trinh - Thành phố Thanh Hóa (Trung tâm NH Công thương Thanh Hóa) để rút tiền, nhưng khi vừa đưa tay bấm vào các số, tôi đã bị điện giật. Sau đó, để giao dịch, tôi phải lấy cây bút thay cho các ngón tay. Đúng là một phen hú hồn. (Hoàng Huy Tự, UBND huyện Hà Trung, Thanh Hoá, hoanghuytu@...)

ATM của Vietcombank: Cây ATM của Vietcombank đối diện khách sạn La Thành chỗ 214 Đội Cấn cũng vậy. Tôi hay rút tiền tại đó, mỗi lần rút tiền là phải quấn giấy ở đầu ngón tay nếu không là giật tê cả tay. (Thanh, Đội Cấn, Hà Nội, thanhthanh@...)
 

Tôi công tác tại Trường CĐ GTVT, hôm 18/5, tôi đi rút lương tại cột ATM của Vietcombank nằm ngay trên trục đường Nguyễn Trãi trên đường đi làm về. Tôi đã bị điện giật tung người, anh bên cạnh cũng vậy. Vì thế hai anh em dùng thẻ của nhau để bấm nút mới rút được tiền. Tôi nghĩ hôm đó mà mưa to chắc tôi không còn ngồi như thế này để viết báo. (Duong Thi Thuy Hang, CĐ GTVT, lamhang77@...)
 

Khổ ải đi khám bệnh bằng BHYT: Tôi đi khám bệnh ở trạm y tế An Đồng - An Dương - Hải Phòng bằng BHYT. Khi đến nơi khám bệnh thì được các y tá ở đây nói là trạm y tế hết thuốc dùng cho BH, chờ tháng sau đến khám. Vậy tôi tự hỏi tại sao trạm y tế chữa bệnh cho người mà lại hết thuốc, thế thì khi cấp cứu thì lấy thuốc ở đâu chữa bệnh cho người dân, nếu chờ thì chắc bệnh nặng hơn mà đi khám ngoài thì chúng tôi mất tiền mua BHYT làm gì. (Trần Thị Kim Dung, Hải Phòng, kimdunghp@...)

Việc quản lý giá còn lỏng lẻo: Việc quản lý lâu nay hình như còn làm theo cảm tính, thiếu chặt chẽ vì chợ nhỏ lẻ nhiều. Người chịu thiệt thòi vẫn là những người nghèo, thu nhập thấp và CB CNV nhà nước. Vừa tăng lương tối thiểu lại phải chịu cảnh giá cả leo thang. Thiết nghĩ, Nhà nước cần tăng cường quản lý giá cả bằng nhiều biện pháp, thông tin về giá chuẩn của các mặt hàng thiết yếu dùng cho đời sống hằng ngày trên các phương tiện thông tin, đồng thời có biện pháp, chế tài thật nặng đối với những hành vi tăng giá thiếu cơ sở và gim hàng trục lợi. (Trần Châu, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, iwny73@...)

Gian lận cước taxi: Nhiều lần tôi đi taxi (cùng một hãng) đến cùng một địa diểm mà giá cước khác nhau... Đã có lần tôi hỏi lái xe thì được trả lời: tùy bác, song bác cũng trả thêm cho cháu 10.000đ so với lần trước bác đi. Những trường hợp như vậy lái xe "biết điều" và gián tiếp nhận gian lận. Còn có những trường hợp phải trả đủ số tiền trên mà không biết phải kiện ai. (Trần Thị Hường, ĐH Bách Khoa, Hà Nội, tranthihuongbk@...)

 

Xin chân thành cám ơn các tấm lòng hảo tâm trong tuần qua:

 

1. Nguyễn Thị Thu Giang, giúp Nguyễn Văn Hòa & Nguyễn Văn Hiệp: 200.000 đồng
2. Nguyễn Thu Hồng giúp em Nguyễn Thị Dung: 200.000 đồng
3. Dang Thi Minh Hoa giúp em Nguyễn Thị Dung: 300.000 đồng
4. Ta Mai Dung giúp em Nguyễn Thị Dung: 1.500.000 đồng
5. ĐH Công nghệ Vạn Xuân (Nghệ An) giúp em Lê Hữu Bảo: 989.000 đồng
6. Một bạn đọc (TP.HCM) giúp em Phạm Thị Xinh: 1.000.000 đồng
7. Tran Trong Hieu (Việt kiều) giúp em Phạm Thị Xinh: 493.000 đồng
8. Truong Nguyen Minh Trung giúp em Phạm Thị Xinh: 500.000 đồng
9. Vu Khoi Nguyen giúp em Phạm Thị  Xinh: 200.000 đồng
10. Công ty TNHH DVTM Đại Hoàn Cầu giúp em Phạm Thị Xinh: 1.000.000 đồng
11. Nguyễn Anh Tuấn (Biên Hòa, Đồng Nai) giúp em Phạm Thị  Xinh 1.700.000 đồng
12. Nguyễn Huỳnh Như Phượng, Vũ Thị Thanh Vy, Trần Bích Thuận, Trần Thị Thu Thảo, và bạn Tâm (HS Trường THPT Phú Nhuận - đường Hoàng Minh Giám - Phú Nhuận,
TP.HCM) giúp em Phạm Thị Xinh: 320.000 đồng.
13. Công ty Luật TNHH SMIC (Biệt thự A38, Hoàng Ngân, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) giúp chị Phượng 1.000.000 đồng; giúp Hòa & Hiệp 2.000.000 đồng

Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,