- Cho trẻ học trước là bắt trẻ sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi. Theo đó, sẽ dẫn đến hai trường hợp hoặc trẻ học đuối sẽ mang tâm lý sợ học ngay từ buổi đầu, hoặc những trẻ nhanh nhẹn hơn biết đọc, biết viết sẽ trở nên chủ quan, lơ là học tập khi bước vào học chính thức.
Trẻ học mẫu giáo phải được chơi là chính. (Ảnh VNN)
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế là việc dạy trước chương trình lớp 1 đang diễn ra ở nhiều trường mầm non và các "lò" dạy thêm. Vì sao lại có hiện tượng đó? Vấn đề này có thể được nhìn nhận từ hai phía.
Thứ nhất là một phần do nhu cầu xã hội, cụ thể là các bậc cha mẹ. Với tâm lý lo lắng thái quá, muốn chuẩn bị kỹ càng cho con trước khi đi học nên một số phụ huynh đã cho con đi học sớm. Và sau đó nhiều người khác cũng lo sợ con mình bị tụt hậu.
Thứ hai là nhiều trường tiểu học và giáo viên tiểu học hiện nay mặc nhiên cho rằng trẻ vào lớp 1 là đã biết đọc, biết viết và làm được một số phép tính cộng trừ đơn giản.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng bản chất của việc dạy học trước lớp 1 là lợi dụng tâm lý phụ huynh để tổ chức dạy thêm, học thêm ở một số tổ chức, cá nhân nhằm thu lợi.
Nhiều phụ huynh không phải không biết những tác động xấu tới con mình khi con mình được học trước chương trình nhưng không còn sự lựa chọn nào khác khi nhiều trường mầm non đang dạy trước chương trình. Chúng tôi cho rằng phụ huynh sẽ rất hoan nghênh nếu nhà trường, giáo viên không đòi hỏi trẻ phải biết đọc, biết viết trước khi đi học lớp 1, vì việc đó đã khiến phụ huynh phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc mà còn mang tiếng là "cắt ngắn tuổi thơ" của con mình.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá và có biện pháp xử lý nghiêm túc đối với hành vi dạy trước chương trình ở cấp học mầm non vì những lí do sau đây.
Hành vi phản khoa học
Nhiều bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tâm lý khuyến cáo không nên cho trẻ đi học sớm trước tuổi vì sẽ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý của trẻ. Nghiên cứu tác động của việc cho trẻ em đi học tiểu học sớm trước tuổi cho thấy những trẻ em còn đang tuổi mẫu giáo lớn (lớp lá) ở tuổi "chơi là chính" đã phải học chương trình của lứa tuổi lớn hơn, gây nên một sức ép về tâm lý có hại cho bản thân trẻ. Đối với một số trẻ thuộc dạng thần kinh yếu có thể gây sự rối loạn về sức khỏe tâm thần sau này.
Việc lựa chọn và quyết định độ tuổi vào học lớp 1 đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu. Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này. Nhìn chung những kết quả nghiên cứu đều cho thấy việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ phải theo quy luật phát triển tâm sinh lý của mỗi lứa tuổi. Chưa kể việc cho trẻ đi học tại các lớp học thêm sẽ dễ bị sai phương pháp, lệch lạc khó sửa.
Như vậy, trẻ học trước là bắt trẻ sớm phải chịu áp lực học tập vượt quá tâm sinh lý lứa tuổi. Theo đó, sẽ dẫn đến hai trường hợp hoặc trẻ học đuối sẽ mang tâm lý sợ học ngay từ buổi đầu, hoặc những trẻ nhanh nhẹn hơn biết đọc, biết viết sẽ trở nên chủ quan, lơ là học tập khi bước vào học chính thức.
Các cô giáo dạy lớp 1 gặp khó khăn hơn khi phải có phương pháp dạy phù hợp với các đối tượng (học trước và không học trước), nhưng về nguyên tắc không được dạy quá nhanh, bỏ qua những yêu cầu của chương trình, kể cả khi học sinh đều đã được học trước. Thế mới có chuyện những học sinh không học trước chương trình trở thành học sinh cá biệt, tâm lý hoang mang khi các bạn biết hết mà mình chưa biết, thậm chí còn bị giáo viên phân biệt đối xử nếu giáo viên đánh đồng trình độ theo số đông học trò.
Vi phạm pháp luật
Luật Giáo dục năm 2005 quy định giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ ba tháng tuổi đến sáu tuổi.
Luật cũng xác định rõ mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.
Yêu cầu về nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo và người trên; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học; có một số kĩ năng ban đầu về việc đọc và viết.
Giáo dục mầm non bên cạnh việc giáo dục trẻ những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi chỉ được phép thông qua các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng giúp trẻ học đếm, phát triển ngôn ngữ.
Từ những lí do nêu trên, hiện tượng dạy trước chương trình lớp 1 cần được nhìn nhận, xử lý như một hành vi vi phạm pháp luật đúng nghĩa chứ không phải chỉ trên lý thuyết.
Chúng ta biết rằng quy định của Bộ GD-ĐT đã rõ ràng, trách nhiệm trực tiếp trong việc để xảy ra tình trạng dạy trước chương trình lớp 1 là của các sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường. Nhưng trên thực tế, chưa thấy có cơ sở giáo dục hay giáo viên nào bị xử lý kỷ luật cả trong khi đa số trẻ học lớp lá đã biết đọc sách báo, thậm chí là truyện tranh.
Hành vi tổ chức dạy trước chương trình lớp 1 cần được nhìn nhận không chỉ là hành vi coi thường pháp luật mà còn là hành vi vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nhà giáo. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách quyết liệt để sớm chấm dứt hiện tượng này góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường sư phạm.
-
Trương Thị Hiền, ĐH Tây Nguyên